Tướng Nhanh bị “mạo danh” bao nhiêu lần trong năm 2011?
Năm 2011 có lẽ là một năm đầy “tai bay vạ gió” với Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2, Giám đốc Công an TP Hà Nội. Ông liên tiếp bị những người vi phạm luật lệ giao thông tự xưng là họ hàng nhằm được giải quyết cho qua hoặc để hù dọa CSGT. Không những vậy còn xuất hiện tin đồn tướng Nhanh bị giang hồ xử… Tuy nhiên, tất cả những chuyện trên đều là mạo danh, bịa đặt, sai sự thật.
“Làm sao! Tôi là cháu chú Nhanh đây!”
Đêm 22/8, tại khu vực ngã tư Hàng Khay, Tràng Thi – Lê Thái Tổ, Hà Nội, đối tượng Nguyễn Chí Linh (17 tuổi, ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã có hành vi “chống đối người thi hành công vụ”.
Tờ Petrotimes cho biết, khi bị khống chế, đối tượng này còn mạo danh con cháu cán bộ, lãnh đạo Công an Hà Nội: “Làm sao! Tôi là cháu chú Nhanh đây!”
Đối tượng Nguyễn Chí Linh “tự tin” đến mức dám mạo danh cháu của tướng Nhanh. Ảnh: Petrotimes
Không để đối tượng này hung hăng thách thức, tổ công tác ngay lập tức đưa đối tượng về trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm. Lúc này, kẻ mạo danh này vẫn còn lảm nhảm sẽ gọi điện cho “chú Nhanh” để can thiệp. Đến khi biết chẳng lừa được ai thì lẩy bẩy xin tha vì “trót dại”.
Nữ nhà báo “dỏm” gọi tướng Nhanh hù dọa công an
Tối 9/10, Nguyễn Thị Minh Tâm (30 tuổi, ở xã Quỳnh Sơn, Quỳnh Phụ, Thái Bình) ngồi sau xe máy BKS 29L1 – 080.94 của Nguyễn Văn Dũng (34 tuổi ở Mễ Trì, Từ Liêm) đi trên đường Hoàng Minh Giám, Hà Nội, cả hai không đội mũ bảo hiểm.
Khi bị lực lượng công an dừng xe, xử lý vi phạm, Dũng lớn tiếng dọa nạt khi bị lập biên bản vì không xuất trình giấy tờ, giấy phép lái xe và đăng ký xe. Không những thế, Dũng còn cởi áo ra thách đố và chửi bới.
Nguyễn Thị Minh Tâm tại trụ sở CA huyện Từ Liêm. Ảnh: Hanoimoi
Video đang HOT
Còn Tâm, sau vài pha giả vờ ngất trên vỉa hè bỗng tự đứng dậy cùng nhóm bạn đi cùng lớn tiếng sẽ thu thập đủ chứng cớ để kiện lại việc tổ công tác đánh người.
Tâm còn dọa từng công tác tại Đời sống & Pháp luật, rồi lấy điện thoại gọi cho Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh vu khống tổ công tác đánh người chảy máu mũi, máu mồm công dân đi đường.
Điều tra bước đầu, cơ quan công an đã làm rõ, Tâm không phải là nhà báo, cũng chưa hề công tác tại cơ quan báo chí nào. Báo Đời sống & Pháp luật cũng khẳng định, Tâm không là phóng viên của báo. Lực lượng công an tiến hành kiểm tra nước tiểu của Tâm và phát hiện trước khi bị tạm giữ Tâm đã sử dụng ma túy.
Trước đó, Công an huyện Từ Liêm đã triệu tập Nguyễn Thị Minh Tâm lên để phục vụ công tác điều tra vào ngày 7/10 về hành vi “giả danh nhà báo” song đã được tại ngoại.
“Cháu chú Nhanh” dọa cho CSGT nghỉ việc
Đêm 8/11, tổ công tác đặc biệt Y3/141 kiểm tra hành chính chiếc ô tô BKS 16L – 8688 do tài xế Hoàng Ngọc Quân (36 tuổi, trú tại đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển, chở 3 thanh niên khác.
Qua quá trình kiểm tra, một trong 3 đối tượng là Phạm Mạnh Hùng (27 tuổi, thường trú tại số 6C, đường Bạch Đằng, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) đã có hành vi xúc phạm, chống đối lại lực lượng chức năng. Sau khi chống đối cảnh sát, đối tượng Hùng đã bị tổ công tác dùng biện pháp mạnh khống chế.
Đối tượng Phạm Mạnh Hùng đã bị còng tay vì có hành vi chống lại người thi hành công vụ. Ảnh: PLXH
Thậm chí sau khi Hùng bị còng bằng khóa số 8, đối tượng này vẫn tiếp tục de dọa cảnh sát đang thi hành công vụ. Hùng tiến đến trước mặt một cảnh sát cơ động gạ gẫm… đánh nhau. Sau đó, Hùng đe dọa một CSGT: “Viết đơn nghỉ việc hết đi”. Khi CSGT nghiêm túc đề nghị Hùng không đe dọa cảnh sát, Hùng đã nhổ nước bọt thể hiện thái độ của mình.
Báo PLXH cho biết, thấy bạn bị còng tay, một đối tượng đi cùng Hùng còn lớn tiếng đe dọa, xúc phạm lực lượng cảnh sát. Người này còn gọi điện cho “người thân”, nhờ thông báo cho “bác Nhanh” (Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – GĐ Công an HN) để cho “một số cảnh sát nghỉ việc”.
Trong cuộc điện thoại, người này đã có nhiều lời lẽ xúc phạm, nhục mạ đến lực lượng cảnh sát và mạnh mồm tuyên bố giữa đám đông: “Hai đồng chí ấy không nghỉ việc thì cứ… chặt đầu em đi”. Các đối tượng đều được đưa về Phòng CSHS, số 7 Thiền Quang xử lý.
Tự xưng là cháu tướng Nhanh rồi tát vào mặt CSGT
Tối 17/11, tại ngã tư Xuân Thuỷ – Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội, tổ công tác đặc biệt 141, CATP Y4/141 do Trung tá Lưu Tuấn Minh – Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 4 làm tổ trưởng đã phát hiện hai thanh niên đi xe máy 30X – 8487 do Nguyễn Văn Hoàn (28 tuổi, ở Đại Mỗ, Từ Liêm) điều khiển vi phạm luật giao thông, có nhiều biểu hiện nghi vấn nên tiến hành chặn giữ kiểm tra.
Đối tượng tự xưng là cháu Trung tướng Nhanh và tát vào mặt cảnh sát. Ảnh:TTXVN
TTXVN cho biết, trong lúc đang lập biên bản vi phạm, đối tượng đi cùng xe với Hoàn là Trịnh Ngọc Tú (31 tuổi, trú tại khu tập thể Kim Liên, Đống Đa) đã có những lời lẽ xúc phạm tổ công tác. Không những thế, Tú còn tự xưng là cháu Trung tướng Nhanh và lao vào tát mạnh vào má trái Trung úy Nguyễn Cao Thắng rồi bỏ chạy. Ngay lập tức, đối tượng bị khống chế, đưa về phòng Cảnh sát hình sự (số 7, Thiền Quang) để xử lý.
Thiếu gia đi BMW, tự xưng cháu tướng Nhanh thách thức CSGT
Tiếp đó, đến chiều 13/12, tổ công tác Y4/141 – CA Hà Nội đã ra hiệu lệnh dừng chiếc xe BMW X6 màu đen, không biển kiểm soát, chở 4 người trên xe đi từ hướng Âu Cơ – Thanh Niên.
“Thiếu gia” đi xe BMW X6 cũng xưng là cháu tướng Nhanh. Ảnh: Dân trí
Vừa xuống xe, nam thanh niên lái xe và phụ nữ ngồi ghế phụ lập tức giới thiệu là người nhà bác Nhanh (tức Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc CAHN) và anh Chung (Đại tá Nguyễn Đức Chung – Phó GĐ CAHN). Khi Tổ công tác hỏi quan hệ thân thiết với Ban giám đốc Công an thành phố như thế nào thì đôi nam nữ này đùng đùng bỏ đi nơi khác với lý do… bận họp.
Khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra thì người điều khiển xe và phụ nữ ngồi ghế trước tỏ thái độ bất hợp tác và thách thức, bỏ lại chiếc xe BMW X6 đang đậu giữa đường rồi bỏ đi về hướng Yên Phụ.
10 phút sau, khi CSGT lập biên bản “xe vô chủ” đỗ giữa đường, thì những người đi trên xe BMW X6 trở lại và to tiếng với cả tổ công tác, cà khịa cả với một phóng viên đang tác nghiệp tại hiện trường.
Sau một hồi hết dọa dẫm, xin xỏ không được, người điều khiển xe đã đứng ở đầu xe, quay mặt về phía Tổ công tác và phóng viên nhổ nước bọt, thách thức.
CSGT đã phải tiến hành niêm phong xe, lập biên bản tạm giữ phương tiện, lấy chữ ký của các nhân chứng và gọi xe cẩu tới hiện trường.
Nam thanh niên điều kiển xe BMW X6 trên được làm rõ là Nguyễn Thanh Quang (27 tuổi, ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tin đồn bị đầu gấu “xử”
Không những bị mạo danh, gần đây, dư luận ở một số tỉnh miền Nam xuất hiện tin đồn Giám đốc CA Hà Nội bị một “dân anh chị” dùng súng bắn trên phố.
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh. Ảnh: VnMedia
Chiều 21/12, trả lời trên VietNamNet, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho biết, tin đồn ông bị một số “đầu gấu” xử chỉ là tin đồn thất thiệt, không đúng sự thật.
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nói rõ, tin đồn này xuất phát từ bọn tội phạm, của những thế lực chống đối, phản động nhằm bôi nhọ, cản trở Công an thành phố thi hành nhiệm vụ.
Theo Bee.net.vn
Công an Hà Nội mở đợt cao điểm trấn áp các loại tội phạm: Trách nhiệm rõ ràng, biện pháp cụ thể
"Việc bám sát, thực hiện tốt các chỉ tiêu của đợt cao điểm này không chỉ giúp các đơn vị tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu công tác của cả năm, mà còn tạo được sức mạnh đồng bộ trấn áp các loại tội phạm - tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững sự bình yên cho Thủ đô", Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc CATP nhấn mạnh tại Hội nghị CATP phát động đợt cao điểm đấu tranh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, tổ chức hôm qua, 29-11.
Mọi hành vi, đối tượng gây mất ANTT sẽ bị xử lý nghiêm
Không chấp nhận sự thờ ơ, thiếu quyết liệt
Hai nội dung quan trọng được đưa ra đánh giá, thảo luận tại hội nghị, để từ đó thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong công tác giữ gìn ANCT-TTXH là tình hình, kết quả công tác đảm bảo ANTT tháng 11 của CATP và sơ kết 3 tháng triển khai mô hình liên lực lượng CSCĐ-CSHS-CSGT tuần tra kiểm soát (mô hình 141).
Giữ vững ổn định tình hình ANCT; khám phá nhanh các vụ trọng án, song Giám đốc CATP chỉ rõ: "Biện pháp triển khai và kết quả các mặt công tác của các đơn vị chưa đồng đều, chưa thực sự hiệu quả". Điều này bộc lộ qua số vụ phạm pháp hình sự không giảm, trọng án tăng. Tổng hợp của bộ phận thường trực mô hình "141" cho thấy, trong 3 tháng lực lượng liên quân triển khai ở các quận nội thành, đã phát hiện, xử lý 381 vụ phạm pháp hình sự, giảm hơn 30 vụ so với 3 tháng trước. Đặc biệt, 2 địa bàn quận Ba Đình và Tây Hồ không xảy ra trọng án. Những kết quả này chắc chắn đã có thể "nối dài", nếu các quận, huyện cũng chủ động xây dựng, triển khai mô hình liên lực lượng tuần tra mà không chờ "141" của thành phố.
Sự thiếu chủ động, quyết liệt trong triển khai các chỉ đạo của CATP, cũng như trong công tác nắm bắt, dự báo tình hình là tồn tại đầu tiên mà Giám đốc CATP phê bình đối với một số đơn vị, địa bàn. Tồn tại, khuyết điểm này chính là nguyên nhân khiến phạm pháp hình sự có dấu hiệu gia tăng, nhiều loại tội phạm, vi phạm kinh tế chưa được phát hiện và đấu tranh, xử lý triệt để. "Công tác nắm bắt, dự báo tình hình liên quan mật thiết đến công tác nghiệp vụ cơ bản. Lâu nay, nhiều đơn vị đang rất yếu về công tác này. Trong năm 2012 và bắt đầu từ ngày hôm nay, phải xác định nghiệp vụ cơ bản là công tác trọng yếu, là xương sống của các mặt công tác khác", Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh yêu cầu.
Vấn đề trách nhiệm của người chỉ huy một lần nữa được Giám đốc CATP đặt ra với chỉ huy các quận, huyện, thị xã, các phòng nghiệp vụ. Nêu một loạt những tồn tại ở các cấp đơn vị trong đấu tranh tội phạm kinh tế, kiểm soát các cơ sơ kinh doanh có điều kiện, quản lý, giám sát việc thực hiện quy trình công tác của CBCS... Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh đã đặt câu hỏi với chỉ huy Phòng CSHS: "Vì sao hiện tượng đánh bạc đang có dấu hiệu nở rộ ở các vùng ngoại thành? Trong gần 1 tháng qua, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn của người dân phản ánh hiện tượng các đối tượng đánh bạc công khai, có tổ chức ở Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thanh Oai, Thanh Trì... Vì sao dân biết mà CBCS của mình lại không biết hay có biết nhưng chưa có hướng xử lý?", Giám đốc CATP thẳng thắn.
Trả lời vấn đề người đứng đầu lực lượng Công an Thủ đô nêu, chỉ huy Phòng CSHS nhìn nhận, công tác đấu tranh, bắt giữ các đường dây tổ chức sới bạc không đơn giản. Nhưng bên cạnh đó có cả sự thờ ơ, thiếu quyết liệt của ngay cả công an cơ sở, từ công tác nắm tình hình đến tổ chức đẩy đuổi, vây bắt. "Một vấn đề dù nhỏ nhưng người dân đã phản ánh mà lực lượng công an không phát hiện hay không giải quyết được dứt điểm, uy tín sẽ bị ảnh hưởng. Tôi đề nghị trưởng công an quận, huyện phải xem lại trách nhiệm của mình; phải hứa trước Giám đốc CATP sẽ chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng ngừa tội phạm nói chung", Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nói.
Giữ Thủ đô bình yên để nhân dân vui tết
Thay mặt Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP, Đại tá Nguyễn Đức Chung - Phó Giám đốc CATP đã quán triệt đến chỉ huy các đơn vị kế hoạch "Mở đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm ANCT, TTATXH trên địa bàn thành phố Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012". Đây là đợt cao điểm thứ tư và cũng là cuối cùng của năm 2011, có ý nghĩa hết sức quan trọng: giữ vững bình yên địa bàn Thủ đô để người dân yên vui đón tết cổ truyền và tạo sức bật cho các mặt công tác năm 2012 của toàn lực lượng Công an Thủ đô.
Ý nghĩa đó của đợt cao điểm đã được Giám đốc CATP đúc kết bằng mệnh lệnh ngắn gọn: "Biện pháp thực hiện phải cụ thể, phải bám sát các chỉ tiêu, căn cứ đặc thù địa bàn, tính chất công việc để có kết quả, hiệu quả tích cực". Lần lượt chỉ huy công an thị xã Sơn Tây, CAQ Thanh Xuân, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV, Phòng QLHC về TTXH đã được Giám đốc CATP nêu câu hỏi về sự chuẩn bị cho đợt cao điểm, xem đó như "thang điểm" để đánh giá sự chủ động cho "chiến dịch" lớn mà Công an Hà Nội đang chuẩn bị triển khai.
Yêu cầu "biện pháp, hành động cụ thể" trong quá trình thực hiện cao điểm cũng đã được đồng chí Giám đốc gợi mở qua trao đổi với chỉ huy Phòng QLHC về TTXH về một mảng công tác, là phòng ngừa, xử lý các vi phạm về pháo nổ. Đó là cần tăng cường công tác trinh sát; lập hồ sơ, xử lý nghiêm, xử điểm các vụ việc bị phát hiện; thành lập các đoàn kiểm tra công khai, trên cơ sở đề xuất UBND quận, huyện, thị xã tăng cường cán bộ quản lý thị trường vào cuộc. "Không chỉ tạo sức mạnh đồng bộ ở các đơn vị công an, cần xây được thế trận phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội với sự vào cuộc của người dân và cán bộ cơ sở, thông qua công tác tham mưu, tuyên truyền của công an. Chỉ có như vậy, đợt cao điểm mới thành công", Giám đốc CATP - Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh kết luận.
Theo ANTD
Nên bán xe đua trái phép Hiện nay nạn tụ tập đua xe trái phép không những không thuyên giảm ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu mà còn có chiều hướng "phát triển" về các thị xã, thị trấn... Công an Hà Nội xử lý các trường hợp đua xe trái phép tại khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên Tại...