Tướng Nguyễn Văn Rinh: TQ hành động khiêu khích, có chủ đích
“Chúng ta có thể coi hành động đó là hành động khiêu khích, dùng sức mạnh tấn công ngư dân của ta trên ngư trường quen thuộc của Việt Nam” – ĐBQH, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá như vậy chiều (27/5) bên hành lang Quốc hội.
Về việc hàng chục tàu cá của Trung Quốc vây tàu cá Việt Nam và đâm chìm một tàu cá của ta khiến 10 ngư dân gặp nạn ngày 26/5, ông đánh giá thế nào về động thái này của Trung Quốc?
- Quan hệ giữa ngư dân Việt Nam với ngư dân Trung Quốc ở khu vực này đang rất nóng bỏng. Tuy vậy, việc này không phải diễn ra bây giờ mà trước đây đã diễn ra khá thường xuyên. Nhưng trong thời điểm này, Trung Quốc huy động lực lượng tàu cá vỏ sắt kết hợp với các lực lượng tàu khác bảo vệ giàn khoan, rất hung hăng trong hoạt động vì sau họ có các lực lượng khác hỗ trợ, bảo vệ.
Với số lượng đông, họ dễ dàng tấn công tàu cá Việt Nam. Việc làm đó là phi pháp, rất thiếu thiện chí. Chúng ta có thể coi hành động đó là hành động khiêu khích, dùng sức mạnh tấn công ngư dân của ta trên ngư trường quen thuộc của Việt Nam.
Qua vụ việc này cũng như những sự việc tương tự, theo ông việc hỗ trợ, bảo vệ ngư dân của mình trên biển cần được khắc phục ra sao để ngư dân yên tâm bám biển?
- Kiểm ngư của mình mới thành lập nên chưa đủ lực lượng lớn mạnh, còn kiểm ngư của phía Trung Quốc được tổ chức quy củ, thành vùng. Tốt nhất về phía chúng ta, ngư dân ra biển phải tổ chức thành tập đoàn, đội, có chỉ huy và phương án đối phó khi gặp tàu Trung Quốc. Ở nước ngoài, ngư dân người ta thuê các lực lượng bảo vệ khi đi biển (như ở Thái Lan thuê cả không quân, hải quân) nhưng là để tự bảo vệ mình trước cướp biển.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Việt Nam có nên tiến hành đòi bồi thường đối với Trung Quốc sau những sự việc như thế này, thưa ông?
Video đang HOT
- Hành động của Trung Quốc như vừa rồi là rất phổ biến, thậm chí còn có hành vi cướp ngư cụ, cá của ngư dân, tịch thu phương tiện truyền thông của ngư dân… Theo luật pháp quốc tế, tôi cho rằng Việt Nam phải yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường trong sự việc này.
Những hành động này dường như thể hiện việc Trung Quốc đang có dấu hiệu ngày càng leo thang trong các hoạt động phi pháp trên Biển Đông?
- Không chỉ tàu cá mà các tàu khác của Trung Quốc cũng đang tấn công tàu của ta. Những việc làm đó của họ đều có kế hoạch trước chứ không phải ngẫu hứng hay vô tình. Thường trong quân sự hay làm bất cứ việc gì đều chia thành các giai đoạn khác nhau.
Như vừa rồi, giai đoạn quyết liệt nhất là Trung Quốc đặt giàn khoan xuống vùng biển Việt Nam nên họ huy động lực lượng rất đông để bảo vệ. Còn giai đoạn này, khi đã định vị được giàn khoan, lực lượng đã vững chắc, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai rộng hơn lực lượng của họ. Mình phải kiên quyết chứ nếu chùn bước là Trung Quốc sẽ lại lấn tới. Như vậy chúng ta càng thêm lo ngại cho ngư dân Việt Nam khi đánh bắt cá trong vùng biển Hoàng Sa?
- Chính phủ, nhân dân và ngư dân Việt Nam đặc biệt lo ngại trước những hành động ngày càng có dấu hiệu leo thang của phía Trung Quốc. Nhưng với trách nhiệm không chỉ vì mưu sinh mà còn là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, ngư dân ta vẫn kiên cường bám biển. Tôi nghĩ ngư dân của mình vẫn sẽ tiếp tục kiên cường bám biển.
Với tư cách ĐBQH, ông muốn gửi gắm thông điệp gì qua những hành động này của phía Trung Quốc?
- Tôi kêu gọi ngư dân Trung Quốc và các lực lượng khác nên kiềm chế, không thực hiện những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế trên biển Đông, đây là những hành động không thể chấp nhận.
Tôi cũng kêu gọi ngư dân của ta một mặt kiềm chế trước những hành vi khiêu khích của Trung Quốc, mặt khác cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những va chạm với tàu Trung Quốc tránh tổn thất. Còn với lực lượng chấp pháp của Việt Nam, ngoài việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, họ cũng có trách nhiệm bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, kiểm soát việc đấu tranh thực thi luật pháp trên biển.
Ông đánh giá thế nào về động thái Bộ Ngoại giao Việt Nam triệu đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tới để trao công hàm phản đối việc tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam?
- Về đấu tranh ngoại giao, tôi cho việc làm này là rất cần thiết để tỏ thái độ kiên quyết của Chính phủ chúng ta với những hành động của Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hải Phong (Dân Việt)
Tàu chiến Trung Quốc chĩa súng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam
"Tàu chiến Trung Quốc áp sát các tàu Kiểm ngư Việt Nam hơn và thường xuyên có hành động mở bạt che súng và chĩa súng vào các tàu Kiểm ngư", Phó Cục trưởng Kiểm ngư cho hay.
Thông tin từ Cục Kiểm ngư cho biết, đến 5h30 ngày 27/5, giàn khoan Hải Dương 981 di chuyển được 3-4 hải lý, với vận tốc 4,5 hải lý/giờ về phía Đông Đông Bắc.
Đến 10h cùng ngày, Trung Quốc đã neo giàn khoan tại vị trí mới cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý, cách đảo Tri Tôn về hướng Đông Đông Nam 25 hải lý.
Chiều 27/5, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, hiện tại, giàn khoan Hải đang đứng ở vị trí mới, chưa có dấu hiệu dịch chuyển thêm.
Ông nói: "Phía Trung Quốc tuyên bố dịch chuyển ra vị trí mới để tiếp tục hoạt động thăm dò. Chúng tôi đang tiếp tục quan sát xem, ngoài động cơ trên, phía Trung Quốc còn có động cơ gì khác. Bất kể giàn khoan đặt ở chỗ nào, lực lượng Kiểm ngư của Việt Nam cũng đấu tranh đến cùng".
Trung Quốc đã di dời giàn khoan Hải Dương 981 cách đảo Tri Tôn về hướng Đông Đông Nam 25 hải lý.
Hiện tại, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam vẫn duy trì các lực lượng và duy trì hoạt động đấu tranh với cường độ cao, cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 5-6 hải lý.
Trung Quốc vẫn có 113 tàu, nhưng hoạt động với cường độ cao hơn, 2 máy bay vẫn hoạt động quanh khu vực giàn khoan.
Trung Quốc đã tăng cường lực lượng quân sự, tàu hải giám, hải tuần bằng cách sử dụng những tàu lớn hơn, công suất cao hơn. Tàu Trung Quốc chủ động tấn công, uy hiếp các tàu Việt Nam ngay từ xa dưới các hình thức vây ép, húc đẩy, đâm va, phun vòi rồng, sau đó co cụm lại quanh khu vực giàn khoan.
Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, tàu hải cảnh, hải tuần, tàu kéo, tàu vận tải của Trung Quốc vẫn tổ chức thành nhiều nhóm áp sát các tàu chấp pháp của Việt Nam trong quá trình tiếp cận giàn khoan nhằm vây ép, đẩy phạm vi hoạt động từ 5-6 hải lý ra ngoài 10 hải lý.
"Tàu chiến Trung Quốc đã tăng cường hoạt động, áp sát các tàu Kiểm ngư Việt Nam hơn và thường xuyên có hành động mở bạt che súng và chĩa súng vào các tàu Kiểm ngư khi tới gần", Phó Cục trưởng Kiểm ngư cho hay.
Tàu cá Trung Quốc dàn thành hàng cản trở, ép, đe dọa đẩy tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động ở phạm vi cách giàn khoan 15-17 hải lý, ngoài ra tàu cá Trung Quốc còn có hành vi đâm húc nguy hiểm.
Ngày hôm qua (26/5), tàu vỏ sắt Trung Quốc có số hiệu 11209 đã chủ động đâm tàu cá vỏ gỗ có số hiệu ĐNa-90152-TS của ngư dân Việt Nam đang hoạt động sản xuất tại khu vực, làm tàu cá của Việt Nam bị chìm, những ngư dân có mặt trên tàu đã được các tàu kiểm ngư cứu an toàn và tiếp tục tham gia sản xuất cùng những tàu cá khác.
Đặc biệt, tàu Trung Quốc còn có hành động cản trở, ngăn chặn các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam trong quá trình cứu hộ tàu cá bị chìm tại khu vực giàn khoan.
Lãnh đạo Cục Kiểm ngư cho hay, hiện nay, tinh thần các kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư vẫn rất tốt và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mặc dù bị tàu cá Trung Quốc xua đuổi, cản trở, các ngư dân vẫn hăng hái tham gia bám biển, sản xuất trên khu vực.
Theo Khampha
Phản đối TQ đánh đập ngư dân, đâm chìm tàu Việt Nam Lực lượng chức năng Trung Quốc đã đánh đập, gây thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, từ đầu tháng 5/2014, nhiều tàu cá của Việt Nam đã bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế,...