Tướng Nguyễn Quốc Thước và ký ức chiến tranh biên giới Tây Nam
Để giúp nhân dân Campuchia, dân tộc Việt Nam và những người lính cầm súng đã có những mất mát, đau thương rất lớn.
Chúng tôi mong nhân dân và nhà nước Campuchia luôn luôn ghi nhớ điều này và mong tình hữu nghị giữa hai dân tộc luôn thắt chặt, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, người từng trực tiếp chỉ huy chiến đấu diệt quân Khmer Đỏ nói.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (ảnh dantri.com.vn).
Năm nay dù bước sang tuổi 93, nhưng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông vẫn nhớ như in về ký ức 40 năm trước cùng quân tình nguyện Việt Nam tiến công tiêu diệt quân Khmer Đỏ, giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng. Thời điểm đó tướng Thước là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 3.
“Sau khi quân Pôn Pốt sát hại hơn 2 triệu người dân Campuchia và hàng chục nghìn đồng bào Việt Nam, lúc giải phóng được thủ đô Phnôm Pênh, trong suy nghĩ của tôi và những người lính cầm súng là đất nước chúng ta đã được bình yên, nhân dân Campuchia đã thoát khỏi họa diệt chủng. Niềm hạnh phúc này không riêng gì những người dân Campuchia mà cả những người lính cầm súng chiến đấu”, tướng Thước cho biết.
Nhưng theo tướng Thước, điều đau đớn nhất của ông và những người lính tình nguyện Việt Nam là giải phóng đến đâu thì thấy cảnh người dân Campuchia đã chết và những người sắp chết đói nằm la liệt bên đường. Ở hồ ao, giếng nước, vệ đường, bãi hoang… chỗ nào cũng có xác người. Dọc đường tràn ngập ruồi nhặng, ruồi nhiều đến mức khi đoàn quân dừng nghỉ để ăn uống là phải mắc màn.
Nhân dân Campuchia chào đón quân tình nguyện Việt Nam (ảnh TL).
“Thấy bộ đội Việt Nam đi qua những người dân Campuchia đang sắp chết vì đói giơ tay lên xin ăn. Mặc dù quân tình nguyện Việt Nam cũng thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn dành cơm để cứu đói người dân Campuchia. Chúng tôi nghĩ, giải phóng nhân dân rồi mà để nhân dân chết đói là không được, bộ đội phải chịu đói để cứu dân. Những cán bộ quân y có thuốc men gì mang theo cũng đưa ra cứu chữa để đưa những người dân trở về xóm làng”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ lại.
Tướng Thước kể thêm, trên bước đường hành quân, những thảm cảnh làng bản bị đốt phá, người bị sát hại nằm la liệt chưa được chôn, mùi hôi thối nồng nặc. Có những làng đi qua chẳng có một bóng người. “Điều đó làm cho chúng tôi căm phẫn về tội ác tày trời của bọn Pôn Pốt, chúng tôi càng thêm quyết tâm tiêu diệt chúng. Những cuộc hành quân và chiến đấu của quân tình nguyện được triển khai thần tốc với mục tiêu nhanh chóng tiêu diệt quân Pôn Pốt để giải cứu người dân. Mỗi ngày tiến đánh trên 70 cây số, trong suy nghĩ của những người lính Việt Nam là đánh nhanh một ngày thì cứu sống được nhiều người dân, đánh chậm một ngày thì nhiều người dân Campuchia vô tội phải chết”, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Quốc Thước nhớ lại.
Video đang HOT
Để giúp nhân dân Campuchia, nhiều bộ đội Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Trong ảnh là Lễ an táng hài cốt các liệt sỹ Việt Nam hy sinh ở Campuchia tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Vĩnh Hưng, Long An (ảnh TTXVN).
Nhắc về những đồng đội chiến đấu năm xưa tướng Thước lặng người, giọng nghẹn lại. Để tiêu diệt Khmer Đỏ, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, riêng Quân đoàn 3 đã có gần 1 vạn liệt sĩ nằm lại trên đất bạn. Trong những liệt sĩ đó có vị tướng là Tư lệnh Quân đoàn 3, ông là Kim Tuấn, tên thật Nguyễn Công Tiến, quê Thanh Oai, Hà Nội.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể, khoảng đầu tháng 3.1979, Quân đoàn 3 chuẩn bị mở một đợt truy quét vào sào huyệt cuối cùng của Khmer Đỏ tại khu vực biên giới Battambang (giáp với Thái Lan). Trước trận đánh, tướng Kim Tuấn giao tướng Thước trở lại Siem Reap để thu quân, bàn giao sư đoàn 31 cho Bộ Quốc phòng để làm nhiệm vụ khác, còn ông sẽ trực tiếp ở lại Battambang để chỉ đạo, tham gia chiến dịch truy quét tàn quân Khmer Đỏ.
Dù tướng Thước cùng nhiều chỉ huy các đơn vị cho rằng Tư lệnh Kim Tuấn phải về Siem Reap, nhưng tướng Tuấn nhất quyết không nghe. Ông lệnh cho một số cá nhân, bộ phận liên quan chuẩn bị để lên thị sát mặt trận, kiểm tra công tác chiến đấu của các đơn vị trong Quân đoàn 3.
Sáng 16.3.1979, tướng Kim Tuấn ngồi trong một chiếc commăngca cùng đoàn đi kiểm tra mặt trận. Dọc đường đoàn bị phục kích, tướng Kim Tuấn bị thương nặng (gãy cột sống), trực thăng cấp cứu đã chở ngay ông về sân bay Pochentong, sau đó bay tiếp về sân bay Tân Sơn Nhất. Do vết thương quá nặng nên tướng Kim Tuấn đã hy sinh. Sau đó tướng Thước thay tướng Kim Tuấn chỉ huy Quân đoàn 3 tiếp tục chiến đấu.
“Để giúp nhân dân Campuchia, dân tộc Việt Nam và những người lính cầm súng đã có những mất mát, đau thương rất lớn. Chúng tôi mong nhân dân và nhà nước Campuchia luôn luôn ghi nhớ điều này và mong tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc luôn thắt chặt, không bao giờ thay đổi”, tướng Thước nói.
Theo Danviet
Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam: Cần bác bỏ luận điệu xuyên tạc
Theo PGS -TS Nguyễn Mạnh Hà, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam cách đây 40 năm là chúng ta bảo vệ Tổ quốc, sau đó thể theo nguyện vọng của nhân dân Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã giúp đánh đổ chế độ phản động Pôn Pốt.
PGS -TS Nguyễn Mạnh Hà (ảnh IT).
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7.1.1979 -7.1.2019), PV Dân Việt có trao đổi với PGS -TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM, ông cũng từng là người lính) về một số vấn đề xung quanh cuộc chiến này.
Thưa ông, trước đây có những luận điệu cho rằng chúng ta xâm lược Campuchia, nhưng sự thật lịch sử là chúng ta đã giúp đỡ dân tộc bạn thoát khỏi nạn diệt chủng của chế độ Pôn Pốt?
- Đúng như vậy. Cần phải khẳng định rằng cuộc chiến biên giới Tây Nam của chúng ta cách đây 40 năm là cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, chống quân xâm lược Pôn Pốt. Từ ngày 30.4.1977 quân Pôn Pốt đã đánh sang biên giới của nước ta trên quy mô cấp sư đoàn (sư đoàn khoảng 10 nghìn đến 15 nghìn quân); tiếp đó chúng tiếp tục đánh sang nước ta với quy mô còn lớn hơn, có lần địch còn dùng trên 10 sư đoàn.
Cần khẳng định lại cuộc chiến tranh của chúng ta là để bảo vệ Tổ quốc. Sau đó thể theo yêu cầu của Mặt trận dân tộc đoàn kết cứu nước và các lực lượng vũ trang Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ Pôn Pốt, giúp dân tộc này thoát khỏi họa diệt chủng. Chính vì thế cuộc chiến tranh của chúng ta là chính nghĩa, vừa bảo vệ an toàn khu vực biên giới Tây Nam, vừa giúp nhân dân Campuchia hồi sinh đất nước. Chúng ta không có lợi ích gì khi đánh sang Campuchia và ở lại bên đó một thời gian.
Luận điệu nói chúng ta xâm lược là sự bịa đặt, xuyên tạc trắng trợn lịch sử, chính người dân Campuchia nói bộ đội Việt Nam là bộ đội nhà phật. Chính Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng nói không có quân tình nguyện Việt Nam sang giúp có lẽ người dân Campuchia bị chế độ Pôn Pốt diệt chủng hết.
Người dân Campuchia phải lánh sang vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam tránh Khmer Đỏ tàn sát (ảnh TL).
Để giúp nước bạn, chúng ta phải chịu tổn thất về con người, vật chất, sau đó một thời gian dài lại bị bao vây cấm vận, có thể nói thiệt hại của chúng ta là vô cùng lớn thưa ông?
- Chúng ta đã thiệt hại nhiều về người và của cải, sau đó bị bao vây, cấm vận trên trường quốc tế một thời gian nên đất nước gặp nhiều khó khăn. Có thể nói để giúp nhân dân Campuchia, chúng ta đã phải trả cái giá không hề nhỏ. Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng nói: Việt Nam đã hy sinh quân tình nguyện ở Campuchia hàng vạn người, bị thương không biết bao nhiêu. Việt Nam đã phải trả một cái giá rất cao khi giúp đỡ Campuchia. Vừa hy sinh tính mạng của dân, quân, vừa hy sinh tài sản, vừa hy sinh chính trị, ngoại giao. Hồi đó Việt Nam bị cấm vận từ bên ngoài do giải phóng giúp Campuchia, vì nhân dân, đất nước Campuchia chịu hy sinh và hơn 30 năm người ta mới công nhận. Đây là những vấn đề không thể nào quên được.
Bộ đội tình nguyện Việt Nam truy kích quân Khmre Đỏ (ảnh TL).
Những người lính Việt Nam sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975) dường như không được ngơi nghỉ ,thưa ông?
- Đúng như vậy, sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, những người lính Việt Nam chưa được nghỉ ngơi đã phải bước vào cuộc chiến mới. Có nhiều trường hợp đã giải ngũ lại tái ngũ để ra chiến trường. Ban đầu quân Pôn Pốt khiêu khích xâm phạm biên giới, sau đó chúng tiến hành thành cuộc chiến tranh xâm lược. Ngoài việc sử dụng lực lượng đông, chúng còn tuyên bố coi Việt Nam là kẻ thù, phải tiến công để chiếm lại 6 tỉnh ở miền Tây Nam Bộ mà chúng cho rằng là đất của chúng.
Ban đầu chúng ta đã mềm dẻo, kiên trì giải quyết vấn đề Campuchia bằng biện pháp ngoại giao. Dù chúng gây hấn nhưng chúng ta không tuyên truyền, đưa thông tin lên báo chí mà tìm cách gặp gỡ để giải quyết. Vì lúc đó các nhà lãnh đạo của chúng ta nghĩ, hai nước đã từng quan hệ thân thiết, từng giúp đỡ nhau trong chiến tranh chống Mỹ rất tốt, nay có mâu thuẫn quanh vấn đề biên giới thì ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp. Tuy nhiên, bên phía Pôn Pốt họ không có thiện chí, họ tuyên bố vấn đề đất đai, biên giới với Việt Nam không thể giải quyết bằng còn đường ngoại giao mà phải bằng biện pháp quân sự. Thực tế họ đã gây hấn trước và dùng lực lượng quân sự đông để tấn công chúng ta, khiến chúng ta phải dùng biện pháp quân sự để tự vệ.
Những nhà lãnh đạo của Khmer Đỏ cũng từng là đồng chí với chúng ta, nhưng họ lại thay đổi hoàn toàn và có những hành động không thể chấp nhận được, đây cũng là bài học lớn trong đối ngoại của chúng ta hiện nay thưa ông?
- Theo tôi bài học rút ra là chúng ta phải rất tỉnh táo để nhận rõ bạn, rõ thù, nhận thức được bối cảnh tình hình quốc tế cũng như lợi ích chiến lược của những nước lớn để có ứng xử đúng đắn, phù hợp, để không bị động, bất ngờ. Quay trở lại với vấn đề Campuchia, chúng ta giúp bạn trên tinh thần quốc tế cao cả. Chúng ta nhận thức giúp bạn là giúp mình. Dân tộc Campuchia, đất nước Campuchia cũng đã giúp đỡ chúng ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Còn như Pôn Pốt- Iêng Xary nhiều lãnh đạo Khmer Đỏ cũng từng là người đảng viên Cộng sản, sau đó không rõ tại sao họ đã thay đổi bản chất như vậy. Trong nước, chính sách của họ đã đẩy người dân đến họa diệt chủng, còn đối ngoại, chúng đã đẩy thù hận dân tộc rất nặng nề với chúng ta.
Xin cảm ơn ông (!)
Ngay khi miền Nam Việt Nam vừa được giải phóng, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đưa quân đánh chiếm đảo Phú Quốc (3.5.1975), Thổ Chu (10.5.1975) và sau đó liên tiếp xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ nước ta dọc biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh với quy mô ngày càng lớn.
Trong các cuộc tiến công xâm lược dọc biên giới Tây Nam, quân Pôn Pốt đã tiến hành nhiều vụ thảm sát khủng khiếp đối với dân thường Việt Nam, trong đó có thể kể đến vụ thảm sát ở Ba Chúc (An Giang). Ngày nay, Khu di tích nhà mồ Ba Chúc đang còn chứa đựng 1.159 bộ xương cốt người dân vô tội bị quân Pôn Pốt giết hại.
Tính từ tháng 5.1975 đến ngày 23.12.1978, chúng đã giết hại 5.230 dân thường Việt Nam vô tội với những phương thức cực kỳ man rợ; đốt phá nhiều trường học, bệnh viện, nhà thờ, chùa chiền, cướp, giết trâu bò, làm cho hàng nghìn ha hoa màu của Việt Nam bị bỏ hoang, nhiều người phải lìa bỏ nhà cửa, ruộng vườn; gây bao đau thương, tang tóc cho nhân dân Việt Nam.
Theo Danviet
An Giang từng hỗ trợ cứu sống hơn 400.000 dân Campuchia Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho biết, lực lượng vũ trang của tỉnh đã từng phối hợp cùng với các lực lượng vũ trang có liên quan tổ chức nhiều trận đánh, qua đó cứu sống hơn 400.000 người dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Pôn Pốt, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới...