Tướng NATO: Nga, Syria coi người tị nạn như một loại vũ khí
Tướng NATO, Philip Breedlove cho rằng Nga đang hỗ trợ Syria biến cuộc khủng hoảng người tị nạn thành vũ khí chống lại phương Tây.
Trong một báo cáo trình bày trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ về những thách thức an ninh ở châu Âu, Tướng 4 sao Philip Breedlove, Tư lệnh các lực lượng NATO ở Châu Âu đã lên tiếng cảnh báo rằng Nga đang hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad biến cuộc khủng hoảng người tị nạn thành một vũ khí chống lại phương Tây.
“Nga và chính phủ Damascus đang cố tình sử dụng làn sóng người di cư như một thứ vũ khí trong mưu đồ làm quá tải các cấu trúc hạ tầng châu Âu và phá vỡ lòng quyết tâm của người châu Âu.”
Tướng 4 sao Philip Breedlove, Tư lệnh các lực lượng NATO ở Châu Âu
Vị chỉ huy tối cao quân đội của liên minh quân sự gồm 28 nước thành viên này cho rằng dòng chảy người tị nạn từ Syria đã tác động đến an ninh châu Âu, gây mất ổn định cho các quốc gia và tạo ra lợi thế cho Moscow.
Điều này khiến các cường quốc phương Tây xao nhãng khi phải xử lý khủng hoảng và buộc phải rời mắt khỏi nguyên nhân gốc rễ.
Vị tướng 4 sao cáo buộc chiến dịch không kích của Nga ở Syria trong 6 tháng vừa qua đã sử dụng bom chùm (loại bom gây sát thương lớn đã bị cấm), vũ khí có độ chính xác thấp và ném bom bừa bãi trong các khu dân sự.
Những người di cư và người tị nạn tụ tập bên ngoài cổng đã bị đóng kín của nhà ga xe lửa Phía Đông ở Budapest, Hungary vào ngày 02/9/2015
“Từ những vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Damascus sử dụng và vũ khí không chính xác Moscow dùng, tôi không thấy có lý do nào khác ngoại trừ việc buộc người tị nạn phải di chuyển, biến họ thành mối bận tâm của người khác”.
Làn sóng tị nạn sẽ mang theo những thách thức về kinh tế và thay đổi cơ cấu xã hội cho châu lục này.
Tướng không quân Breedlove cũng vạch ra những thách thức khác nhau, từ một nước Nga đang “hồi sinh và hung hăng”, làn sóng di cư của người tị nạn và mối đe dọa của khủng bố IS.
Video đang HOT
Ông cho rằng những tên tội phạm, phần tử khủng bố, và các tổ chức cực đoạn khác sẽ trà trộn vào dòng người tị nạn hoặc sẽ tuyển dụng trong chính những người Hồi giáo đến tị nạn ở châu Âu.
Một gia đình người tị nạn Syria chống cự cảnh sát Hungary.
Thêm nữa là nguy cơ từ những chiến binh nước ngoài chiến đấu ở Syria hồi hương. Họ mang theo tư tưởng cực đoan và những kỹ năng trong chiến đấu. Điều đó mang ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài đối với xã hội các quốc gia châu Âu.
“Tôi nghĩ rằng dòng người tị nạn cần phải được quan sát bằng con mắt cảnh giác bởi họ có thể bị lợi dụng bởi những kẻ sẽ tìm cách làm hại chúng ta.”
Hơn 1 triệu người tị nạn từ Syria, Iraq và châu Phi đã chạy tới ở châu Âu năm ngoái.
Phong Lan
Theo_Người Đưa Tin
Vì sao Trung Quốc 'ngó lơ' người tị nạn Syria
Tuy là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc vẫn "ngó lơ" trước cơn khủng hoảng di dân vì các lý do chính trị, tôn giáo, nhân khẩu học và văn hóa.
Người tị nạn Syria vượt biển đến đảo Lesbos của Hy Lạp. Ảnh: AFP
Cuộc xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 5, khiến hơn 4,7 triệu dân nước này phải rời bỏ đất nước, đổ tới các quốc gia láng giềng và châu Âu. Làn sóng người tị nạn đã khiến các quốc gia trong khu vực cạn kiệt nguồn lực, còn châu Âu rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Vậy nhưng Trung Quốc, với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn chỉ đứng nhìn. Theo số liệu của Cao ủy Người tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR), đến cuối tháng 8/2015, tại Bắc Kinh chỉ có 9 người tị nạn và 26 người đang xin tị nạn đến từ Syria. Họ nằm trong số 795 di dân, chủ yếu từ Somalia, Nigeria, Iraq, và Liberia, sống tạm thời ở Trung Quốc trong khi chờ đợi sang nước khác.
Trung Quốc đang đối diện với những thách thức phức tạp về chính trị, nhân khẩu học, tôn giáo và kinh tế, khiến việc tiếp nhận người di cư khó có thể thực hiện. Dù vậy, nếu Bắc Kinh muốn trở thành một cường quốc có trách nhiệm, họ phải đánh giá lại tư tưởng vốn lâu nay ngăn cản họ tích cực tham gia ứng phó khủng hoảng toàn cầu, Foreign Policy bình luận.
Giới chức Bắc Kinh cho rằng chính các nước phương Tây gây ra tình trạng loạn lạc tại Syria, tạo ra làn sóng người di cư, nên việc tìm giải pháp là chuyện của phương Tây. Hồi tháng 10/2015, một bài bình luận trên tờPeople's Daily của đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn lời cựu đại sứ Trung Quốc tại Ai Cập và Arab Saudi Wu Sike, cho rằng chính chương trình "dân chủ hóa" Trung Đông của Mỹ và đồng minh là gốc rễ của cuộc khủng hoảng người di cư.
Hôm 15/2, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mô hình Phát triển Trung Quốc tại đại học Fudan, Thượng Hải, Zhang Weiwei, bình luận rằng "khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu là cái giá" các nước phương Tây phải trả cho sự "ngạo mạn" của mình.
Sau khi bức ảnh em bé người Syria Aylan Kurdi chết đuối và bị sóng đánh dạt lên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ được lan truyền chóng mặt tháng 9 năm ngoái, người dùng mạng Trung Quốc đã chia sẻ nỗi đau, đồng thời hầu hết đổ lỗi cho Mỹ về những hỗn loạn đang diễn ra tại Syria, xem đó là nguyên nhân dẫn tới việc em bé Aylan thiệt mạng.
Cho dù tính đúng đắn của cách nhìn này còn là vấn đề tranh cãi, chính các quốc gia không thuộc phương Tây với kinh tế hạn chế, cùng tình hình an ninh đáng ngại, đang phải chịu gánh nặng từ những người di cư.
Số liệu từ tổ chức Ân xá Quốc tế cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Iraq và Ai Cập đã tiếp nhận hơn 4,5 triệu người Syria. Các quốc gia khác trên thế giới mới chỉ đề xuất tái định cư cho hơn 200.000 người.
Foreign Policy nhận xét những con số trên không thấm vào đâu so với quy mô dân số, diện tích đất đai và tiềm lực kinh tế của Trung Quốc. Cho dù họ đón toàn bộ 4,7 triệu người di cư Syria, thì trung bình 1.000 người dân nước này mới gánh 3,5 người di cư. Tỉ lệ này ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015 là 23,7 người di cư/1.000 dân.
Về kinh tế, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc và Jordan nhìn chung tương đương nhau, lần lượt là 4.515 USD và 4.371 USD, theo số liệu của World Bank. Nhưng đến giữa năm 2015, Jordan đã đón 685.000 người di cư. Dân số Jordan chỉ là 6,6 triệu người, trong khi Trung Quốc có hơn 1,3 tỷ dân.
Chính sách không can thiệp
Trung Quốc thiếu những thiết chế cần thiết để hỗ trợ lượng lớn người di cư. Dù đã phê chuẩn Nghị định thư Liên Hợp Quốc liên quan đến Quy chế của Người tị nạn năm 1982, nước này vẫn thiếu những thể chế quốc gia liên quan. Năm 2012, nước này mới thông qua Luật quản lý xuất nhập cảnh, cho phép cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận danh tính cho người tị nạn và những người xin quy chế tị nạn. Theo UNHCR, chính phủ Trung Quốc không cung cấp hỗ trợ nào cho người tị nạn tại nước này.
Người nước ngoài cũng rất khó nhận được "thẻ xanh" tại Trung Quốc. Số liệu thống kê chính thức của nước này cho thấy, tính tới năm 2013, chỉ có 7.300 trong số hơn 600.000 người nước ngoài sống tại Trung Quốc được cấp phép cư trú dài hạn. Việc nhập tịch thì rất hiếm. Trong khi đó, chỉ trong năm 2013, gần một triệu người đã trở thành thường trú nhân tại Mỹ.
Tư tưởng chính trị của Trung Quốc cũng khiến việc tiếp nhận người di cư không phải người Hoa trở nên khó khăn. Theo Foreign Policy, quan điểm chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Không giống các cường quốc phương Tây, Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ việc can thiệp vào Syria, nhất là bằng biện pháp quân sự. Do đó việc nhận người di cư từ khu vực này có thể khiến Trung Quốc đi chệch khỏi nguyên tắc đối ngoại. "Mỹ cần có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng người tị nạn đáng lo ngại ở châu Âu, vì các chính sách Trung Đông của nước này đã dẫn đến chiến tranh và hỗn loạn khiến nhiều người phải bỏ đi", hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua viết.
Ngoài ra, sự ủng hộ của công chúng Trung Quốc với vấn đề tái định cư người tị nạn cũng không cao. Lâu nay, nước này vẫn kiểm soát chặt chẽ việc tăng dân số bằng chính sách kiểm soát việc sinh con. Do đó, sẽ không dễ để thuyết phục người dân nếu chính phủ cho phép người tị nạn nhập cư, làm dân số tăng nhanh.
Mặt khác, tương tự mối quan ngại từ một số quốc gia châu Âu và Mỹ, tôn giáo là một yếu tố quan trọng. Đạo Hồi là một trong những tôn giáo được phép hoạt động tại Trung Quốc, dù có nhiều điều kiện kèm theo. Chính phủ Trung Quốc nhìn chung ít kiểm soát đối với cộng đồng người thiểu số Hui theo đạo Hồi, do sự gần gũi về văn hóa, cùng thời gian dài hòa nhập với những người Hán chiếm đa số.
Tuy vậy, tại khu vực Tân Cương ở phía tây, những người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, với dân số khoảng 10 triệu người, từ lâu vẫn chịu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền trung ương, do Bắc Kinh lo ngại về các phong trào chính trị ly khai. Việc tiếp nhận lượng lớn người di cư Hồi giáo từ Trung Đông có thể làm phức tạp thêm bối cảnh tôn giáo và chính trị.
Về mặt kinh tế, một động thái như vậy cũng có thể không được dư luận ủng hộ. Tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết chi hai tỷ USD và xóa nợ lớn cho nhiều quốc gia nghèo.
Dù được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, dư luận tại Trung Quốc lại cho rằng chính phủ đã chi quá nhiều để làm từ thiện quốc tế, trong khi rất nhiều người trong nước còn sống dưới mức nghèo. Với tình hình kinh tế khó khăn hiện tại, người Trung Quốc sẽ trông chờ chính phủ dùng nguồn lực tài chính để giải quyết vấn đề nội bộ, thay vì giúp người nước ngoài.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc tiếp nhận người tị nạn có lẽ còn có nguồn gốc từ văn hóa. Theo cố học giả Benedict Anderson, quan điểm về dân tộc của người Trung Quốc thường nhấn mạnh vào việc có điểm chung về lịch sử và di sản. Dù Bắc Kinh ủng hộ khái niệm đa dạng về sắc tộc, những tuyên bố này thường tập trung vào sự cùng sinh sống của 56 nhóm sắc tộc được chính phủ công nhận.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải quốc gia giàu có duy nhất từ chối tiếp nhận người nhập cư. Các nước Nhật, Singapore, Hàn Quốc đến nay đều quay lưng với người tị nạn Syria. Dù vậy, Trung Quốc vẫn đang tìm kiếm vai trò ngày một lớn hơn tại Trung Đông. Bắc Kinh đã cam kết các khoản viện trợ nhân đạo 135 triệu USD sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm một số quốc gia Trung Đông và trong lần tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, tính đến tháng 10/2015, Trung Quốc đã viện trợ nhân đạo 14 triệu USD cho Syria kể từ khi khủng hoảng nổ ra.
Foreign Policy bình luận rằng, nếu Trung Quốc muốn trỗi dậy trong hàng ngũ các cường quốc thế giới và đáp ứng kỳ vọng của quốc tế mà Bắc Kinh lâu nay vẫn tìm cách đạt được, họ phải có sự dũng cảm chính trị để thay đổi cách nhìn của chính mình. Với thực trạng già hóa dân số, họ đang có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng nhân khẩu học. Tiếp nhận dân nhập cư có thể giúp ngăn ngừa tình trạng trì trệ kinh tế dài hạn do thiếu lao động trẻ và số lao động về hưu ngày càng cao.
Như học giả quan hệ quốc tế Yan Xuetong từng bình luận, Trung Quốc có thể gây dựng một chính sách đối ngoại mới, được dẫn lối bởi tinh thần của Khổng Tử. Yan diễn giải rằng Nho giáo khẳng định "phạm vi quan tâm của bất kỳ bậc hiền vương nào phải là toàn thế giới, không thể chỉ là cư dân của một nước".
Hoàng Nguyên
Theo VNE
NATO tố Nga, Syria dùng khủng khoảng di cư làm vũ khí Tướng NATO cảnh báo các nhà lập pháp Mỹ rằng Nga đang giúp tổng thống Syria biến cuộc khủng hoảng tị nạn thành "vũ khí" chống phương Tây. Cảnh sát đánh người di cư cố vào Mecedonia từ Hy Lạp. Ảnh: Reuters "Nga và chính quyền của Assad đang cố tình biến cuộc di cư thành vũ khí, với âm mưu chôn vùi...