Tướng Mỹ: Trung Quốc hung hăng hơn từ khi có tàu sân bay
Từ khi có tàu sân bay Liêu Ninh, hải quân Trung Quốc gia tăng tập trận xa bờ và có hành vi hung hăng hơn khi tuần tra ở những vùng biển tranh chấp trong khu vực, nơi các công ty Trung Quốc triển khai khoan dầu khí, theo nhận định của tướng Herbert “Hawk” Carlisle, tư lệnh không quân Mỹ tại châu Á.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc xuống Biển Đông tập trận, cuối năm 2013 – Ảnh: Tân Hoa Xã
Báo Financial Times (Ấn Độ) ngày 6.10 cho biết tướng Carlisle phát biểu như trên tại Washington trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Ông Carlisle cho rằng hải quân và không quân Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn ở vùng biển và không phận quốc tế tại châu Á.
“Họ vẫn nói về một thế kỷ bị sỉ nhục trong thế kỷ qua. Họ vẫn nói về điều này ngay khi Trung Quốc đang trỗi dậy, đang là nước lớn và họ muốn tiếp tục chứng minh điều đó”, tướng Carlisle nói với báo Washington Post.
Video đang HOT
Theo tướng Mỹ, các lực lượng Mỹ và Trung Quốc thường xuyên va chạm lẫn nhau tại nhiều nơi trên Biển Đông và biển Hoa Đông, chuyện hiếm khi xảy ra trong quá khứ.
Từ năm 2012, khi có tàu sân bay Liêu Ninh, hải quân Trung Quốc gia tăng tập trận xa bờ và có hành vi hung hăng hơn khi tuần tra ở những vùng biển tranh chấp trong khu vực, nơi các công ty Trung Quốc triển khai khoan dầu khí.
Những hành động này của Trung Quốc đã khiến Mỹ phải lần lượt triển khai tàu chiến và máy bay trinh sát để theo dõi sát sao.
Một trong những vụ căng thẳng là vào tháng 8.2014, một tiêm kích J-11 (bản sao tiêm kích Su-27 của Nga) của Trung Quốc đã bay cản đường một máy bay giám sát biển và săn ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ ở bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam 220 km. Có lúc khoảng cách của 2 máy bay chỉ có 9 m. Đây là lần thứ 4 máy bay Trung Quốc có hành vi cản trở máy bay Mỹ từ đầu năm 2014 đến nay, theo Lầu Năm Góc.
Trước đó, vào tháng 5.2014, Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí (Hải Dương 981) vào vùng biển Việt Nam cùng nhiều tàu hộ tống, tiến hành hàng loạt vụ đâm húc tàu Việt Nam thực thi pháp luật tại đây. Đến tháng 7, giàn khoan này phải rút lui.
Máy bay trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Từ khi có tàu này, Trung Quốc gia tăng phô sức mạnh trên các vùng biển trong khu vực, từ biển Hoa Đông đến Biển Đông – Ảnh: THX
Tướng Carlisle đánh giá rằng luôn có sự lên xuống trong các hành động gây cản trở của Trung Quốc và ông không nghĩ rằng lãnh đạo quân sự của Trung Quốc tìm cách để kích động một cuộc xung đột.
Tuy nhiên, ông thừa nhận về “cơ hội dẫn đến điều sai lầm” có khả năng tăng lên khi quân đội Trung Quốc tập hợp sức mạnh và di chuyển xa hơn. Để ngăn ngừa điều này, Lầu Năm Góc đã cố thiết lập các kênh đối thoại và trao đổi thông tin với quân đội Trung Quốc những năm gần đây. Dù tình hình đang có tiến triển nhất định, nhưng các quan chức Mỹ cho rằng họ không mong đợi mọi vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng “chỉ qua một đêm”.
Tướng Carlisle sẽ rời chức vụ ở châu Á – Thái Bình Dương trong tháng này để nắm chức vụ tư lệnh không chiến của Không lực Mỹ tại Virginia, Mỹ.
Tiêm kích J-11 của Trung Quốc bay cản đầu một máy bay P-8 của Hải quân Mỹ ngày 19.8 ở vùng biển bắc Biển Đông – Ảnh: Hải quân Mỹ
Một tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Không lực Mỹ đang được tiếp dầu trên không, sau khi không kích phiến quân IS ở Syria. Mỹ đang triển khai nhiều máy bay thế hệ thứ 5 này tại châu Á – Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc – Ảnh: Không lực Mỹ
Theo Tin Nóng