Tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ bất mãn với chính sách của Erdogan?
Cựu Cục trưởng tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chính sách của chính quyền Tổng thống Erdogan về Syria làm không ít tướng lĩnh quân sự nước này bất mãn.
Giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ bất mãn với chính sách quốc gia
Ông Ismail Hakki Pekin, cựu Cục trưởng Cục tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc Ankara hậu thuẫn cho phiến quân Syria xuất phát từ mưu đồ lật đổ ông Assad và muốn đưa một chính phủ người Sunni lên nắm quyền ở Syria.
Tuy nhiên, đây phần nhiều là quyết định cá nhân của vài lãnh đạo nước này, chứ không hẳn là tất cả các quan chức cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ muốn thế. Bề ngoài, có cảm giác trong lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ không có ý kiến trái với kế hoạch của chính phủ, nhưng thực tế không hẳn như vậy.
“Tất nhiên là có những ý kiến phê phán. Bởi nhiều tướng lĩnh nhận thức được rằng, việc lật đổ ông Assad sẽ không thể là biện pháp giải quyết hoàn hảo vấn đề Syria. Ngược lại, bước đi này có nguy cơ trở thành nguyên nhân gây ra sự mất ổn định nghiêm trọng và lâu dài trong khu vực.
Trong thực tế, chính sự củng cố của giới lãnh đạo ở Damascus, sự củng cố vị trí của họ trên khắp đất nước Syria, thiết lập sự kiểm soát hiệu quả và an ninh tại biên giới mới là điều phù hợp với lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính làm như vậy mới giúp Ankara đảm bảo tình hình trật tự trị an.
Pekin tin rằng, trong thời gian tới giới chức lãnh đạo quân đội nước này sẽ đưa lên Chính phủ những đề xuất phù hợp.
Ông cho rằng, có nhiều tướng lĩnh hiểu rằng, thay vì nhảy vào một cuộc chiến tranh vô ích, tốn kém và kéo dài, tốt hơn hết nên để chính quyền Assad củng cố và đẩy các hoạt động quân sự ra xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Vị cựu lãnh đạo Cục Tình báo nước này nhấn mạnh rằng, xâm nhập vào lãnh thổ Syria là việc làm cực kỳ nguy hiểm cho chính Thổ Nhĩ Kỳ, ngay cả một hoạt động mặt đất quy mô nhỏ ở Syria cũng sẽ dẫn Ankara đi vào ngõ cụt, theo hướng rất nguy hiểm.
Giới chức lãnh đạo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có những người bất mãn với chính quyền Erdogan
Video đang HOT
Ông Pekin kết luận, nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quả quyết thực hiện bước đi gây căng thẳng như tăng cường biện pháp an ninh trong nước, điều chỉnh nguyên tắc ứng phó các mối đe dọa bên ngoài và tiếp tục xâm phạm lãnh thổ của Syria, hậu quả sẽ là không thể đảo ngược.
Ông nhấn mạnh rằng, bất cứ hành động quân sự nào ở trong lãnh thổ Syria đều có thể dẫn tới cuộc đụng độ với Moscow và đây là điều cực kỳ nguy hiểm về mặt quân sự. Các tướng lĩnh nước này đều hiểu được những nguy cơ lớn khi gây xung đột với đối thủ như Nga.
Trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Ankara đang chuẩn bị cho các hoạt động như vậy, Moscow tuyên bố ngừng hoàn toàn các hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là tuyên bố về nguyên tắc, còn trên thực tế, hoạt động hợp tác đã chấm dứt sau vụ nước này bắn rơi máy bay Su-24 của Nga.
Ông Vladimir Kozhin, Trợ lý tổng thống Liên bang về hợp tác quân sự-kỹ thuật cho biết về điều này trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Interfax ngày 25-2 và lưu ý rằng, tất cả “các hợp đồng và đàm phán cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đình chỉ và chúng sẽ chỉ được nối lại cho tới khi tình hình thay đổi theo góc độ như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng tuyên bố”.
Trước đó, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng ông lấy làm tiếc vì mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hoại, bởi ông đã đóng góp nhiều nỗ lực xây dựng lên nó. Nhưng ông không thể chấp nhận một hành động “phản bội”, một “cú đâm lén sau lưng” của những người được Nga coi là đối tác quan trọng.
Đa số dân châu Âu nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với IS
Tuyên bố trên của vị cựu lãnh đạo ngành tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trong bối cảnh, báo cáo kết quả khảo sát của chương trình Sputnik-Mneniya, nhiều cư dân châu Âu có những đánh giá không tốt về Thổ Nhĩ Kỳ và mối quan hệ “mờ ám” với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
Dự án quốc tế về nghiên cứu dư luận Sputnik-Mneniya được hãng truyền thông quốc tế và đài phát thanh Sputnik triển khai thực hiện từ tháng 1-2015, nhằm thường xuyên điều tra dư luận ở châu Âu và Hoa Kỳ về các vấn đề xã hội và chính trị cấp bách nhất trên thế giới.
Đối tác của Sputnik là các công ty nghiên cứu nổi tiếng Populus của Anh và Ifop – công ty lâu đời nhất của Pháp chuyên về thăm dò dư luận. Cuộc khảo sát được triển khai ở Mỹ và châu Âu, chủ yếu là các quốc gia phát triển, với đủ các thành phần xã hội, lứa tuổi và giới tính.
Theo kết quả khảo sát, Pháp là nước không có thiện cảm nhất với Thổ Nhĩ Kỳ. Có tới 72% người Pháp cho rằng, chính quyền Erdogan đang làm ngơ cho hoạt động buôn bán dầu với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria, của các nhà đầu cơ nước này.
Hơn một nửa số người Đức (52%), 38% người Mỹ và 41% người Anh cũng đồng ý nhận định rằng, các thương vụ dầu mỏ với những kẻ khủng bố IS có liên quan đến sự thông đồng của các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều cư dân châu Âu cho rằng, chính quyền Erdogan đã bắt tay với IS
Đối với tuyên bố “Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực đấu tranh chống các nhóm khủng bố như IS”, 59% người Pháp phản ứng tiêu cực và không đồng ý. Tại Đức, tỷ lệ phần trăm của những người không đồng ý với tuyên bố này cũng nhiều hơn những người tán thành (36% so với 26%).
Tại Anh, các ý kiến là đồng đều với tỷ lệ đồng ý và phản đối đều là 23%. Người Mỹ có quan điểm tích cực hơn với Thổ Nhĩ Kỳ khi có tới 30% số người được hỏi đồng ý với thực tế là Ankara đang tích cực đấu tranh với các nhóm khủng bố, chỉ có 17% người Mỹ không đồng ý với điều này.
Trong bối cảnh đó, một báo cáo của một tổ chức ở Anh cho biết, các tay súng khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đã mua đa số các thành phần chế tạo thuốc nổ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. 2 nước này đều có ngành nông nghiệp và công nghiệp khai thác lớn, sử dụng nhiều vật liệu hóa chất.
Báo cáo của tổ chức “Nghiên cứu vũ khí xung đột” (Conflict Armament Research – CAR) của Anh cho biết, vị trí địa lý sát cạnh là lý do chính mà mặt hàng này của Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện trong chuỗi cung ứng linh kiện để IS sử dụng sản xuất thuốc nổ.
Báo cáo của Conflict Armament Research cho biết, những kẻ khủng bố mua các thành phần để chế tạo bom tại 20 quốc gia, trong số đó có Mỹ nhưng chủ yếu vẫn là ở Iraq và đặc biệt là ở Thổ Nhĩ Kỳ bởi cơ chế quản lý nguyên liệu thuốc nổ lỏng lẻo của nước này.
Theo Toàn Thắng
Đất Việt
Kế hoạch bom hạt nhân của Nga bị lộ?
BBC đưa tin, kế hoạch bí mật của Nga về tên lửa hạt nhân tầm xa có tên gọi là Status-6 bị lộ trong một bản tin của truyền hình Nga về cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và các tướng lĩnh quân đội ở Sochi.
Theo những hình ảnh trong bản tin, đó là loại bom hạt nhân có sức huỷ diệt. Được phóng từ tầu ngầm, quả bom này có thể gây ra sự nhiễm xạ trên diện rộng.
Status-6 được thiết kế nhằm "phá huỷ những cơ sở kinh tế quan trọng ở vùng biển và gây ra những tổn thất không nhỏ cho vùng biên giới của kẻ thù, khiến chúng không thể thực hiện các hoạt động kinh tế, quân sự cùng nhiều hoạt động khác trong thời gian dài".
Người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, nói "Đúng là những thông tin mật này đã bị tiết lộ trong bản tin nhưng đã được xoá bỏ ngay sau đó. Nga sẽ cẩn trọng hơn để vụ việc này không tái diễn nữa".
Theo BBC, Nhật báo Rosiiskaya - một tờ báo thuộc Chính phủ Nga - đã đăng tải thông tin chi tiết về Status-6 ngay sau tuyên bố của ông Peskov nhưng không kèm theo bản vẽ cùng dự đoán về một loại bom "siêu phóng xạ". Vì vậy, rất có thể không phải thông tin này vô tình bị lộ. Theo bản vẽ về Status-6 trên kênh 1, phạm vi ảnh hưởng của Status-6 lên đến 10.000km và độ sâu đường đạn lên đến 1.000m. Được phát triển bởi Rubin - cục Thiết kế tàu ngầm ở St.Petersburg, Status-6 có thể được phóng đi bởi tàu ngầm có trang bị hạt nhân Belgorod 09852 và Khabarovsk 09851. Nhật báo Rosiiskaya đã gọi Status-6 là "tàu ngầm cỡ nhỏ di chuyển với vận tốc 185km/h và có thể tránh được mọi thiết bị định vị và các loại bẫy".
Theo hãng tin AP, loại bom hạt nhân như Status-6 đã được nhà vật lý hạt nhân Andrei Sakharov lên kế hoạch từ những năm 1950 và trong suốt thời Chiến Tranh Lạnh. 100 triệu tấn đầu đạn hạt nhân này được ví như cơn sóng thần cực mạnh có thể huỷ diệt toàn bộ vùng bờ biển của Mỹ và gây ta tình trạng nhiễm xạ mạnh.
Kế hoạch về bom hạt nhân của Nga bị lộ trên kênh truyền hình quốc gia
BBC đưa tin, trước khi kế hoạch Status-6 bị lộ trên sóng truyền hình quốc gia, Tổng thống Putin đã nói với các tướng lĩnh quân đội Nga rằng Mỹ và NATO đang nắm thế thượng phong nhờ hệ thống phòng vệ chống tên lửa toàn cầu và hoàn toàn phớt lờ đề nghị hợp tác từ Nga.
BBC dẫn lời Tổng thống Putin rằng "hệ thống phòng vệ của Mỹ và NATO là nỗ lực nhằm phá vỡ thế cân bằng về vũ khí hạt nhân chiến lược và về cơ bản làm suy yếu sự ổn định khu vực và toàn cầu". Tổng thống Putin đã tuyên bố hồi tháng Sáu rằng năm nay Nga sẽ đưa vào phục vụ thêm hơn 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Theo BBC, Mỹ đang phát triển hệ thống phòng vệ tên lửa đạn đạo đặt dưới biển (BMD) nhằm chống lại nguy cơ đe doạ từ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung từ Iran và từ một quốc gia mà Mỹ ví là "kẻ lừa đảo". Ngoài ra, các tên lửa phòng không của Mỹ sẽ được đặt ở Romania và Ba Lan. Tuy nhiên, Tổng thống Nga lại nói với các tướng lĩnh quân đội ở Sochi rằng "Nguy cơ từ tên lửa hạt nhân của Iran hoặc Triều Tiên mà Mỹ đề cập chỉ nhằm che đậy kế hoạch thật sự của họ nhằm trung hoà tiềm năng hạt nhân chiến lược của các cường quốc hạt nhân khác, trong đó có Nga. Nga sẽ tiếp tục phát triển hệ thống phòng vệ chiến lược có khả năng xuyên thủng bất kỳ hệ thống chống tên lửa nào". Theo nhật báo Rosiiskaya, Status-6 là một loại đầu đạn nhiệt hạch được phủ cobalt-59 mà khi phát nổ có thể biến thành đồng vị phóng xạ cobalt-60, có khả năng "cướp đi sinh mạng của tất cả sinh vật, kể cả người trốn dưới hầm trú ẩn. Dù chưa từng được thử nghiệm do hàm lượng phóng xạ có sức tàn phá khủng khiếp mà loại bom này gây ra nhưng chúng chính là công cụ làm suy yếu quyết tâm chiến đấu của đối thủ của Nga".
Hiếu Hồ (Theo BBC)
Theo_PLO
Tướng lĩnh Trung Quốc giảm 5kg do luyện tập diễu binh Dù ở vị trí lãnh đạo, nhưng các tướng lĩnh này vẫn phải lăn lộn trên thao trường, tham gia đầy đủ buổi tổng duyệt cùng các binh sĩ trẻ tuổi. Theo tờ South China Morning Post, vì tham gia chuẩn bị cho lễ diễu binh vào ngày ngày 3/9 tới đây mà nhiều tướng lĩnh Trung Quốc đã khổ luyện đến mức...