Tướng Lê Văn Cương: Cần làm rõ vì sao chấm thẩm định không phát hiện vi phạm ở Hòa Bình?
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, bộ GD&ĐT cần làm rõ vì sao tổ chấm thẩm định không phát hiện dấu hiệu vi phạm sửa điểm thi THPT ở Hòa Bình.
Liên quan vụ gian lận sửa điểm thi THPT tại Hòa Bình, ngày 3/8/2018, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã tiếp nhận vụ án và ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Chuyên viên phòng Khảo thí sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trước đó, ngày 21 và 22/7, Hội đồng chấm thẩm định của bộ GD&ĐT về Hòa Bình làm việc. Bộ GD&ĐT đã rút toàn bộ số bài từ 8 điểm trở lên để chấm lại. Ngày 23/7, kết quả chấm thẩm định cho thấy, 100% bài thi giống điểm đã công bố ngày 11/7.
Dư luận băn khoăn, vì sao tổ công tác chấm thẩm định của bộ GD&ĐT không phát hiện dấu hiệu vi phạm sửa điểm thi THPT ở Hòa Bình. Đến khi cơ quan công an vào cuộc đã phát hiện sai phạm nghiêm trọng.
Xung quanh vấn đề tiêu cực điểm thi ở Hòa Bình, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược bộ Công an cho rằng: “Việc một số cán bộ của bộ GD&ĐT về kiểm tra không phát hiện sai phạm nhưng sau đó cơ quan công an lại phát hiện ra, bộ GD&ĐT cần kiểm tra lại chuyện này. Có 2 khả năng sẽ xảy ra.
Thứ nhất là những người này non kém về nghiệp vụ, không có trình độ thì phải đưa ra khỏi biên chế. Giai đoạn này đang đúng giai đoạn giảm biên chế, phải làm nghiêm.
Thứ hai, nếu những người này có trình độ nhưng do phẩm chất kém thì phải xử lý kỷ luật. Thậm chí nếu tìm ra yếu tố phạm tội thì phải đưa ra xử lý hình sự.
Việc này phải xử lý nghiêm như vậy mới được. Đề nghị Bộ trưởng bộ GD&ĐT phải làm đến nơi, đến chốn. Sau một thời gian, Bộ trưởng phải trả lời trước dân về kết quả kiểm tra, xử lý các cán bộ này như thế nào, phải làm rõ”.
Thiếu tướng Lê Văn Cương (Ảnh: Internet).
Về một số ý kiến cho rằng, nên để cơ quan khác tiến hành thanh tra, kiểm tra kết quả chấm thi tại một số địa phương nhằm khách quan hơn, Thiếu tướng Lê Văn Cương nêu quan điểm: “Tôi nghĩ rằng, không phải vì thế mà không để bộ GD&ĐT đi giám sát, kiểm tra cấp dưới. Về nguyên tắc tổ chức, cấp trên kiểm tra cấp dưới là điều bình thường.
Còn những việc nào bộ GD&ĐT không làm được thì có thể đề nghị lực lượng an ninh hoặc các cơ quan chức năng khác làm, đó lại là chuyện khác”.
Thiếu tướng Cương nói thêm: “Qua những vụ việc sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, tôi nghĩ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần kiểm tra lại toàn bộ quy chế học hành, thi cử của hệ thống trường phổ thông.
Video đang HOT
Những địa phương nào còn dấu hiệu nghi vấn điểm thi THPT Quốc gia 2018 thì cần tiếp tục làm rõ, làm đến cùng, công bố công khai cho người dân biết”.
“Quan điểm của tôi là nên thay đổi phương thức chấm thi. Ví dụ, hội đồng thi của tỉnh A lựa chọn những cán bộ xuất sắc và tin cậy nhất đến phụ trách coi thi, chấm thi của tỉnh B. Tỉnh B lại đến tỉnh C phụ trách việc thi cử cho khách quan… Cả nước vẫn chỉ chung 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tôi nghĩ rằng như thế sẽ bớt tiêu cực. Còn việc chuyển toàn bộ dữ liệu bài thi của các tỉnh bằng cáp quang về Bộ chấm thì đến 1 lúc nào đó Bộ cũng sẽ quá tải, không làm nổi đâu! Vấn đề là hội đồng thi thế nào thôi”, vị Tướng chia sẻ.
Chí Công
Theo_Người Đưa Tin
Vụ hai bị can "phù phép" điểm thi ở Hòa Bình: Chính quyền, người thân ngỡ ngàng
"Mấy hôm nay mẹ cậu Tuấn khóc suốt. Xem ti vi, biết người bị bắt là Tuấn, chúng tôi và cả bà con xung quanh đây đều choáng váng", ông Bùi Văn Kín, Trưởng công an xã Nhân Nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình cho biết.
"Muốn gặp nó để mắng mà không được nữa"
Chiều 4/8, một ngày sau khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình là Nguyễn Khắc Tuấn và Đỗ Mạnh Tuấn, PV Dân trí đã có mặt tại địa phương, nơi hai bị can sinh sống.
Một học sinh ở xã Nhân Nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình không tỏ ra ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi về thầy Tuấn. Em gọi ( Nguyễn Khắc Tuấn- PV) là "thầy Tuấn tin" và nhanh nhảu chỉ nhà bà V.T.H., mẹ Tuấn cho chúng tôi.
Một hàng xóm cạnh nhà bà H. cho biết: "Cả ngày hôm qua (3/8), bà ấy chẳng ăn gì. Tôi còn ít tim cật trong tủ lạnh, bảo nấu cho bà bát cháo nhưng bà nói không nuốt nổi. Bà ấy và cả chúng tôi đều ngỡ ngàng vì khi xem ti vi mới biết người bị bắt là Tuấn.
Tuấn nó làm trên tỉnh nên mỗi lần về, nó hay bắt xe ôm hoặc được vợ chở ra ngã 3 (cách nhà khoảng 7km), để đi xe buýt lên", chị nói.
Còn bà H. mệt mỏi cho biết, mình bàng hoàng khi thấy ti vi đưa tin con mình bị bắt. Rồi bà khóc: "Giờ tôi muốn gặp nó để đánh, mắng thì không gặp được nữa. Hai hôm nay, tôi liên lạc để thăm con nhưng họ bảo không được gặp".
Nhà của vợ chồng Khắc Tuấn tại Lạc Sơn, Hòa Bình (Ảnh: Mỹ Hà).
Bà H. chia sẻ, con trai mình có địa chỉ cư trú tại TP Hòa Bình nhưng hiện vợ con đang sinh sống tại xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
"Vợ Tuấn làm giáo viên cấp 2. Hai vợ chồng có một con nhỏ, năm nay lên lớp 5. Tuấn nó làm việc ở trên tỉnh, thường về Lạc Sơn thăm vợ con vào ngày nghỉ cuối tuần", bà H. cho hay.
Bà H. còn cho biết thêm, trước đây con trai mình từng làm bảo hiểm ở Công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Sau đó, Nguyễn Khắc Tuấn học Tin học rồi về làm giáo viên tin học tại Trường THPT Cộng Hòa, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Mẹ Tuấn cho hay, chồng mình đã mất cách đây hơn chục năm. Tuấn có một anh trai, làm nghề tự do, hiện đang sống cùng nhà với mẹ.
Ghi nhận của PV Dân trí, ngôi nhà của vợ chồng Tuấn khá lụp xụp so với các gia đình còn lại trong xóm và có làm dịch vụ chụp photocopy.
Chính quyền cũng vô cùng ngỡ ngàng
"Ngỡ ngàng", đấy là câu trả lời của Bí thư Chi bộ nơi Nguyễn Khắc Tuấn đang sinh sống. Ông cho hay từ trước đến nay, ở đây yên tĩnh và bà con sống rất tình cảm.
Chia sẻ thêm về Khắc Tuấn, Bí thư chi bộ cho biết, Tuấn công tác trên tỉnh nên đi suốt, chủ yếu ngày nghỉ mới về. Mẹ Tuấn là cán bộ hưu trí, trước đây làm cán bộ thương nghiệp huyện.
"Chúng tôi ở vùng sâu vùng xa nên một số thông tin không nắm được lắm. Mãi đến khi xem thời sự trên ti vi đưa tin mới biết. Tôi không biết kinh tế gia đình cậu ấy ra sao nhưng nhìn bên ngoài thì biết, nhà nó ở đây cũng lụp xụp.
Tôi cũng không biết cậu ấy làm gì trên Sở GD&ĐT, chỉ nghe nói trên ấy cậu ấy cũng đi thuê nhà", Bí thư chi bộ nói.
Trao đổi với PV Dân trí chiều 4/8, ông Bùi Văn Kín, Trưởng công an xã Nhân Nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình cũng khẳng định, Tuấn công tác trên Sở GD&ĐT nên ít khi về nhà.
"Không biết Tuấn có liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình không nhưng đúng là tôi ngỡ ngàng khi biết tin. Hôm trước, xuống nhà anh trai nó, tôi còn bảo thi cử ở Hà Giang, Sơn La căng thẳng ghê.
Rồi tôi nói đùa với anh trai nó, may anh Tuấn nhà mình không bị gì cả. Lúc đó, cả anh trai nó và tôi đều không biết sự việc xảy ra. Thế không ngờ giờ lại ra thế này. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng điều tra cụ thể", ông Kín cho hay.
Người dân và chính quyền xã Nhân Nghĩa ngỡ ngàng khi biết tin Khắc Tuấn bị bắt liên quan đến gian lận thi cử. (Ảnh: Mỹ Hà).
Chờ chỉ đạo của Sở GD&ĐT
Cũng trong ngày 4/8, PV Dân trí có mặt tại huyện Lạc Thủy, Hòa Bình- nơi bị can Đỗ Mạnh Tuấn sinh sống và công tác.
Theo ông Nguyễn Công Điền, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, cho biết, Đỗ Mạnh Tuấn về công tác tại trường được hai năm và là hiệu phó phụ trách chuyên môn.
Được biết trước đó, Tuấn là chuyên viên phòng khảo thí của Sở GD&ĐT Hòa Bình. Mạnh Tuấn tốt nghiệp ĐH Sư phạm I Hà Nội và từng là giáo viên môn tin học.
"Vì trường cách thành phố 70km, thuộc vùng sâu vùng xa nên không hay biết chuyện gì đang xảy ra. Chỉ khi biết tin Tuấn bị bắt tạm giam qua thông tin trên báo chí, tôi cũng như anh chị em giáo viên trong trường đều quá bất ngờ và sốc", thầy Điền nói.
Cũng theo Hiệu trưởng Điền, Mạnh Tuấn có liên quan đến kì thi THPT quốc gia 2018 là do Sở GD&ĐT có công văn gửi nhà trường từ dịp hè.
"Trường có 3 đồng chí quản lý, ngoài hiệu trưởng có 2 hiệu phó. Trong đó, chỉ có anh Tuấn tham gia vào kỳ thi THPT quốc gia", thầy Điền cho biết thêm.
Trao đổi về thông tin hai bị can Tuấn là bạn thân của nhau, họ thường trọ chung tại TP Hòa Bình mỗi khi Tuấn lên Thành phố làm việc, thầy Điền cho hay: "Tuấn thuộc cán bộ cốt cán của ngành nên thi thoảng được triệu tập họp trên thành phố. Do địa bàn xa nên tôi không biết hai anh ấy quen nhau".
Theo tin phía Bộ Công an, bị can Nguyễn Mạnh Tuấn sẽ bị tạm giam trong 4 tháng. Theo thầy Điền, về phương án giải quyết nhân sự sắp tới, nhà trường sẽ xem xét tình hình cụ thể, đồng thời chờ chỉ đạo cụ thể của Sở GD&ĐT Hòa Bình để có hướng xử lý.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Gian lận thi cử ở Hoà Bình: Mẹ cán bộ phòng khảo thí xem tivi mới biết con mình bị bắt "Tôi nghĩ là em nó không thể nào làm như thế! Nó tử tế lắm nên tôi không nghĩ nó có thể làm được chuyện tày đình như thế!". Nói chuyện với VietNamNet chiều ngày 4/8, bà Hoà, mẹ ông Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng khảo thí Sở GD-ĐT - 1 trong 2 cán bộ vừa bị bắt tạm giam để điều...