Tương lai nào cho xe limousine hoán cải chở khách
Sau hơn 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, nhóm xe limousine hoán cải chở khách liệu đã sắp hết thời? Đầu thập niên 2010, những chiếc limousine hoán cải đầu tiên đã lăn bánh trên đường phố Việt Nam.
Trải qua hơn 10 năm, số lượng limousine hoán cải tăng nhanh đã phần nào minh chứng cho tính thực dụng của dòng xe này cũng như sự yêu thích của khách hàng dành cho chúng.
Tiện nghi, rộng rãi
Về cơ bản, limousine hoán cải là những chiếc xe 16 chỗ được thay đổi bên trong khoang chở khách, cắt bớt số chỗ, thay thế bằng ghế da và bổ sung nhiều trang bị, tiện nghi hiện đại như tính năng massage trên ghế, màn hình giải trí, đầu sạc điện thoại và ốp gỗ, đèn trần trong khoang.
Số chỗ ít hơn đồng nghĩa với không gian cá nhân của từng hành khách được mở rộng so với các xe minibus 16 chỗ truyền thống. Đây là ưu điểm giúp limousine dần được các doanh nghiệp vận tải hành khách ưa chuộng.
Chị Hồng Anh (24 tuổi, TP.HCM) cho biết thích di chuyển bằng xe limousine hơn so với xe 16 chỗ. Mặc dù giá vé cao hơn, chị Hồng Anh chia sẻ sẵn sàng chi trả khoảng chênh lệch để nhận về tiện nghi và sự riêng tư trong hành trình.
“Từ khi tuyến du lịch yêu thích có triển khai xe limousine, tôi luôn chọn phương án di chuyển bằng xe này”, chị Hồng Anh chia sẻ.
Anh Ngọc Thành (50 tuổi, TP.HCM) thì chia sẻ trải nghiệm khá tốt trong lần đầu tiên di chuyển bằng limousine. Anh nhớ lại chuyến đi từ Hà Nội lên Sapa là lần đầu anh được ngồi trong một chiếc ghế bành rộng rãi, có màn hình TV, cổng sạc điện thoại bên trong một chiếc xe 16 chỗ.
Không gian bên trong limousine mang đến cảm giác thoải mái, tiện nghi. Ảnh: Minh Anh.
“Khi nghe đứa cháu nói sẽ đi lên Sapa bằng xe 16 chỗ, tôi hơi lo ngại vì bản thân dễ bị say xe. Nhưng khi bước lên xe, tôi ngủ một giấc ngon lành, mở mắt ra là đã đến địa điểm mới. Cảm giác rất thoải mái và dễ chịu”, anh Ngọc Thành chia sẻ.
Video đang HOT
Do các ưu điểm về không gian cũng như tiện ích kể trên, lượng hành khách lựa chọn di chuyển bằng xe limousine trong các năm qua cũng tăng lên, qua đó thúc đẩy các nhà xe tăng cường bổ sung xe limousine cho đội xe của mình.
Dễ dàng hoán cải
Trao đổi với Zing, một doanh nghiệp chuyển hoán cải xe limousine chở khách cho biết Ford Transit và Hyundai Solati là những mẫu xe thông dụng trên thị trường limousine hoán cải.
Mẫu xe 16 chỗ của Ford khá phổ biến trong nhóm limousine hoán cải nhờ lượng xe nguyên bản rất nhiều, bao gồm những xe mới hoàn toàn hoặc đã qua sử dụng.
Mạng lưới phân phối rộng lớn giúp Ford Transit dễ dàng tiếp cận. Kích thước xe phù hợp cũng là một lợi điểm giúp Ford Transit chiếm ưu thế trong nhóm các mẫu limousine hoán cải.
Ford Transit là loại xe chiếm ưu thế trong các xe limousine hoán cải. Ảnh: DCar.
Xếp ngang hàng cùng Ford Transit là Hyundai Solati. Khi so sánh với Transit, mẫu xe do Hyundai Thành Công phân phối sở hữu kích thước rộng rãi và phần trần xe cao hơn.
Ngay cả sau khi hoán cải, phần không gian riêng dành cho mỗi hành khách vẫn thoải mái hơn so với trên mẫu xe do Ford phân phối.
Điểm trừ duy nhất của Hyundai Solati khi cân nhắc hoán cải có lẽ chỉ nằm ở mức giá. Hiện tại, Hyundai Solati nguyên bản có giá 1,08 tỷ đồng, còn Ford Transit được niêm yết ở giá từ 845 triệu đồng.
Ngoài ra, Mercedes Sprinter hay Toyota Hiace cũng từng là những mẫu xe 16 chỗ được chọn để hoán cải thành limousine chở khách. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, các mẫu minibus 16 chỗ này không phổ biến rộng rãi như Ford Transit hay Hyundai Solati.
Theo doanh nghiệp này, các mẫu xe như Gazelle, Iveco hay Ford Tourneo cũng có thể hoán cải thành xe 4 hay 6 chỗ ngồi, tuy không phổ biến bằng.
Có chấm dứt thời kỳ limousine?
Theo Nghị định số 47 do Chính phủ ban hành ngày 19/7, các mẫu xe từ 10 chỗ trở lên sẽ không được phép cải tạo thành các mẫu ôtô dưới 10 chỗ (bao gồm cả ghế của tài xế) để kinh doanh vận chuyển hành khách.
Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9, đồng nghĩa với việc kể từ thời điểm đó, các mẫu xe 16 chỗ cải tạo thành limousine 10 chỗ bao gồm cả ghế tài xế sẽ không được phép sử dụng để kinh doanh dịch vụ chở khách.
Xe limousine hoán cải cung cấp dịch vụ di chuyển tiện nghi. Ảnh: DCar.
Nhiều nhà xe liên tỉnh tại TP.HCM nói với Zing nếu có nhu cầu mua thêm xe limousine hoán cải để mở rộng nhu cầu chở khách, các doanh nghiệp này sẽ chọn mua xe hoán cải trên 10 chỗ để phù hợp với Nghị định mới.
“Chúng tôi cũng có cân nhắc tới những dòng xe 7 chỗ chính hãng, tuy nhiên lựa chọn này không mang lại hiệu quả về kinh tế. Hiện các xưởng đều đã có sẵn phương án hoán cải xe 16 chỗ thành xe limousine 10 chỗ cho khách nên hoạt động của nhà xe cũng không ảnh hưởng nhiều”, trưởng phòng kinh doanh của một nhà xe chia sẻ.
Vị này cũng cho hay hy vọng trong tương lai gần các hãng xe sẽ có sản phẩm limousine chở khách chính hãng hoặc sản phẩm có công năng tương tự để phục vụ hoạt động chở khách, thay thế cho những chiếc xe 16 chỗ hoán cải.
Một chiếc Ford Transit được cải tạo thành 10 chỗ ngồi. Ảnh: oto.com.vn.
Trao đổi với Zing, đơn vị kinh doanh DCar cho biết hãng độ xe hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các quy định thuộc Nghị định 47.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, các mẫu limousine lưu hành trên thị trường hiện có đúng 10 chỗ bao gồm cả ghế tài xế, do đó không bị ảnh hưởng bởi Nghị định số 47. Một số mẫu xe được hoán cải thậm chí sở hữu đến 12 ghế, bao gồm ghế lái.
Đơn vị chuyên kinh doanh dòng xe limousine chở khách này khẳng định họ chỉ chuyển từ xe 16 chỗ về 10 chỗ, chứ không rút về dưới 10 chỗ.
“Còn những chiếc như Ford Tourneo hay mới đây là Kia Carnival chắc chắn không bị ảnh hưởng, vì bản thân chúng là những mẫu xe dưới 10 chỗ”, người này kết luận.
Với sự thích nghi từ cả doanh nghiệp kinh doanh xe limousine và các nhà xe liên tỉnh, có thể thấy limousine vẫn sẽ là nhóm xe chở khách chủ lực trên những tuyến xe cự ly khoảng 200 km quanh các thành phố lớn.
Cấm cải tạo ôtô 16 chỗ thành xe limousine dưới 10 chỗ chở khách từ 1/9
Từ 1/9, các mẫu xe trên 10 chỗ khi cải tạo thành các mẫu ôtô có dưới 10 ghế ngồi sẽ không đủ điều kiện đăng kiểm và kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách.
Theo Nghị định số 47 do Chính phủ ban hành ngày 19/7, các mẫu xe từ 10 chỗ trở lên sẽ không được phép cải tạo thành các mẫu ôtô dưới 10 chỗ (bao gồm cả ghế của tài xế) để kinh doanh vận chuyển hành khách.
Điều đó đồng nghĩa với việc các mẫu xe 16 chỗ cải tạo thành các mẫu limousine 10 chỗ bao gồm cả ghế tài xế sẽ không được phép sử dụng để kinh doanh dịch vụ chở khách.
Cũng theo Nghị định 47, những trường hợp xe trên 10 chỗ đã được cải tạo xuống dưới 10 chỗ và đã được cấp biển số trước ngày Nghị định có hiệu lực sẽ tiếp tục được phép sử dụng cho mục đích kinh doanh cho đến hết thời hạn sử dụng.
Từ ngày 1/9, các mẫu xe cải tạo thành limousine dưới 10 chỗ sẽ không được phép kinh doanh vận tải hành khách. Ảnh: Minh Anh.
Các mẫu xe 16 chỗ (chủ yếu từ hãng Ford) thường được các nhà xe cải tạo xuống dưới 10 chỗ để phục vụ cho dịch vụ chở khách liên tỉnh dưới hình thức đưa, đón tận nơi. Dòng xe này thường được gọi dưới tên xe limousine.
Tính từ ngày 1/9, các mẫu xe 16 chỗ khi cải tạo xuống thành xe limousine dưới 10 chỗ sẽ chính thức không đủ điều kiện để được cấp phù hiệu hay biển hiệu để kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách.
Rolls-Royce cải tiến hệ thống đóng cửa tự động an toàn hơn Vì một chiếc Rolls-Royce được trang bị miếng cách âm cỡ lớn, khiến những cánh cửa nặng hơn bình thường và đó là lý do tại sao Rolls-Royce trang bị một động cơ nhỏ giúp việc mở cửa nhẹ nhàng hơn. Nếu bạn có tiền để mua một chiếc Rolls-Royce Phantom - hoặc bất kỳ chiếc Rolls-Royce nào, bạn sẽ mong đợi sự...