Tương lai nào cho quan hệ Trung – Nhật?
Quan hệ Trung – Nhât đang ngày càng xấu đí, một trong những nguyên nhân chính làm 2 nước thiếu tin tưởng lẫn nhau đó là vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Ngày 11/8/2011, báo Quân đội Trung Quốc tiến hành một cuộc thăm dò dư luận nhằm làm cơ sở tổ chức diễn đàn Bắc Kinh – Tokyo lần thứ 7 do Phòng Thông tin của Hiệp hội Nhân dân Trung Quốc phối hợp với Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức.
Cuộc khảo sát được tiến hành đồng thời với 1.540 người tại 5 thành phố ở Trung Quốc và 1.000 nghiên cứu sinh, giáo viên của ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa, ĐH Nhân dân Trung Quốc, Học viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Ngoại giao.
Tại Nhật Bản có 1.000 công chúng và 500 người thuộc tầng lớp trí thức có liên hệ trực tiếp với người Trung Quốc. Kết quả cho thấy, quan hệ Trung – Nhật đã đi xuống đáng kể, vấn đề tranh chấp lãnh thổ là nguyên nhân lớn nhất làm xấu đi mối quan hệ này.
Đối với Trung Quốc
83,1% công chúng và 88,6% giới trí thức Trung Quốc cho rằng, quan hệ Trung – Nhật là vô cùng quan trọng hoặc tương đối quan trọng. Giới trí thức Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến hợp tác quân sự và năng lượng Trung – Nhật, mọi người đều hy vọng, lãnh đạo hai nước có thể ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình, từ đó mở rộng sự hợp tác trên các mặt, đặc biệt là quân sự và kinh tế.
Tuy nhiên, vấn đề lãnh thổ là nguyên nhân lớn nhất chi phối và cản trở sự phát triển quan hệ song phương, theo sau đó là sự thiếu tin tưởng lẫn nhau và những tranh chấp liên quan đến tài nguyên biển.
Video đang HOT
Đối với giới trí thức Trung Quốc, trong tâm trí họ luôn tồn tại tư tưởng “bài Nhật” từ sau khi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, đây cũng là một trở ngại rất lớn hạn chế sự phát triển của quan hệ Trung – Nhật.
Ngoài ra, 50,9% công chúng và 61,8% giới trí thức Trung Quốc cho rằng, Chính phủ Nhật Bản chưa xử lý tốt cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, trong đó “không xem xét đầy đủ sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này tới các nước láng giềng” và “việc công bố thông tin chưa toàn diện” là 2 nguyên nhân chính làm cho Trung Quốc nghi ngờ “sự chân thành” của Nhật Bản.
Tranh chấp quần đảo ĐIếu Ngư/Senkaku là nguyên nhân chính làm rạn nứt quan hệ Trung – Nhật
Người Trung Quốc cho rằng, Mỹ đứng đầu danh sách các quốc gia tạo thành mối đe dọa quân sự tới Trung Quốc, Nhật Bản đứng thứ 2. Có 42% công chúng và 66,3% giới trí thức lựa chọn Nhật Bản là mối đe dọa quân sự với Trung Quốc, điều này xuất phát từ việc Nhật Bản phụ thuộc vào Mỹ để phát triển và những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa hai nước.
Trong buổi trả lời phỏng vấn đài VOA của Mỹ, giáo sư Tô Hạo – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế của ĐH Ngoại giao Bắc Kinh cho rằng, Chính phủ Nhật Bản luôn luôn lên án Trung Quốc không ngừng tuyên truyền các luận điệu phê phán Nhật Bản, điều này phản ảnh mối quan hệ 2 nước đang từng bước đi xuống.
Nhật Bản không nên chỉ trích Trung Quốc một cách mù quáng. Ngoài ra, Nhật Bản muốn lợi dụng tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á để thu lợi tại biển Đông Hải và quần đảo Điếu Ngư, Trung Quốc không thể chấp nhận điều này.
Về phía Nhật Bản
77,6% công chúng và 98% giới trí thức Nhật Bản nhận thức rằng, quan hệ Trung – Nhật là quan trọng hoặc tương đối quan trọng. Gần 50% giới trí thức cho rằng, 10 năm sau quan hệ Trung – Nhật có vai trò đặc biệt quan trọng với Trung Quốc.
Từ năm 2005, quan hệ Trung – Nhật đã từng bước được cải thiện, tuy nhiên đến năm 2011, sau khi xảy ra các cuộc va chạm tại quần đảo Điếu Ngư và cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, sự hợp tác trong quan hệ Trung – Nhật đã giảm 28,6%. Chỉ còn 20,8% công chúng và 40,6% giới trí thức Nhật Bản có ấn tượng tương đối tốt với Trung Quốc.
Ngày 23/06/2011 Bộ Quốc phòng Nhật Bản cáo buộc tàu khu trục của Trung Quốc 138 Đài Châu (Taizhou) vi phạm chủ quyền Nhật Bản.
Số người Nhật Bản cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa quân sự với thế giới cũng ngày càng tăng. Quan điểm của người Nhật là, Trung Quốc vô cớ xâm chiếm lãnh thổ của Nhật Bản, điều này đi ngược với “sự lớn mạnh hòa bình” của Trung Quốc, do đó, họ chuyển dần từ thái độ hợp tác sang hoài nghi, bây giờ đã trở thành “bài Trung Quốc”.
Theo phân tích được đăng trên tờ Tokyo news, giới học giả Nhật Bản cho rằng, cách làm của Trung Quốc là “bạn phê bình, tôi giữ im lặng và tiếp tục làm những gì tôi cho là nên làm, bạn ngăn cản, tôi sẽ bác bỏ bạn”. Do đó, tuy Nhật Bản là một quốc gia hòa bình, nhưng người Nhật lại vô cùng sợ hãi và cảnh giác khi bên cạnh mình là một “con quái vật” luôn sẵn sàng “làm thịt” mình.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng, thời gian gần đây các hành động quân sự của Trung Quốc trở nên nguy hiểm vì người Trung Quốc cho rằng, họ đang “lấy lại những gì đã mất”.
Điều này tạo ra các rào cản trong quan hệ 2 nước và có khả năng nảy sinh một cuộc đụng độ quân sự trên biển, tuy nhiên Chính phủ và nhân dân 2 nước không muốn thấy tình hình như vậy. Một khi xảy ra xung đột, các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ nhanh chóng tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc và điều này làm cho chính phủ 2 nước lâm vào tình thế khó khăn.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Nhật Bản, Điền Tòng Tự cho rằng, vấn đề lãnh thổ là những vấn đề rất nhạy cảm, dù không xảy ra chiến tranh, nhưng không loại trừ khả năng xung đột quy mô nhỏ.
Học giả Rory Medcalf và Raoul Heinrichs thuộc nhóm Think tankcủa Viện Lowy (Australia) nhận định rằng, sự gia tăng về nguồn lực và sự quyết đoán của Chính phủ Trung Quốc đã đang làm tăng nguy cơ dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang trong khu vực. Khả năng gây hấn của Trung Quốc với Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục kéo dài theo hướng tăng cường. Khi các xung đột tới một mức nhất định sẽ gây ra một cuộc đối đầu vũ trang, khủng hoảng ngoại giao hoặc thậm chí là xung đột vũ trang.
Ông Storey – chuyên gia phân tích an ninh thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho rằng, nếu không có các biện pháp xây dựng lòng tin và các cơ chế ngăn ngừa xung đột giữa các bên có tranh chấp với nhau, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, việc xảy ra các biến cố nghiêm trọng với những tác động đáng lo ngại cho sự ổn định trong khu vực chỉ còn là vấn đề thời gian. Trung Quốc cần có cuộc đối thoại quân sự trực tiếp với Mỹ và Nhật để xây dựng lòng tin giữa các bên nhằm giảm tình hình căng thẳng.
Theo Báo Đất Việt