Tương lai nào cho Libya sau Hội nghị cấp cao ở Berlin?
Hội nghị Berlin là sự kiện mới nhất trong đó các nhà lãnh đạo thế giới nỗ lực cùng đưa Libya đến con đường hòa bình. Vậy sau hội nghị tổ chức ngày 19/1 này, Libya có thể sẽ đi đến đâu?
Thành viên của GNA tại Tripoli ngày 12/1. Ảnh: AFP
Tham dự hội nghị Berlin có đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ai Cập, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Congo, Algeria, Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi.
Người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) ở Tripoli được quốc tế ghi nhận – Thủ tướng Fayez al-Sarraj – và đối thủ là Tướng Khalifa Haftar – lãnh đạo lực lượng miền Đông tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đều được mời nhưng không tham dự.
Tất cả các bên tham dự hội nghị đã ký bản tuyên bố với 55 điểm trong đó cam kết tôn trọng lệnh cấm vũ khí do Liên hợp quốc ban hành đối với Libya. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định còn có “con đường khó khăn” phía trước để kết thúc xung đột tại Libya.
Libya đã rơi vào khủng hoảng chính trị và xung đột sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị sát hại năm 2011. Tướng Khalifa Haftar đã tìm cách chiếm Tripoli từ tháng 4/2019 và đây là bước khởi đầu trong xung đột tại Libya vốn đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Nhà phân tích Claudia Gazzini tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (Bỉ) đánh giá: “Hội nghị Berlin cho thấy các quốc gia châu Âu đang quan tâm hơn đến Libya và chủ trương liên lạc với các cường quốc khu vực liên quan đến cuộc xung đột để gây áp lực nhằm giảm căng thẳng. Câu hỏi then chốt ở đây là liệu sự kiện này có đủ để giảm leo thang xung đột hay không”.
Video đang HOT
Bà Claudia Gazzini nói: “Chỉ có thời gian mới cho chúng ta biết những cam kết này chân thành đến mức nào và liệu vũ khí cùng các binh sĩ tiếp tục được điều động đến hay không”.
Tờ Aljazeera cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng trợ cấp về nhân sự và vũ khí tới GNA trong những tháng gần đây.
Trong những ngày tới, dự kiến có một cuộc họp giữa 5 quan chức quân đội từ mỗi bên. Ông Tarek Megerisi tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại phân tích: “Dấu hiệu tích cực từ cuộc họp này là sự tin tưởng thể hiện cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thấy cách giải quyết thỏa thuận từ hội nghị Berlin. Tuy nhiên, việc không đạt được tiến triển nào lại có thể gây khó cho cả tiến trình. Trong trường hợp đó là cuộc gặp tiêu cực và không đi đến đâu thì chúng ta sẽ phải đối mặt với khả năng Libya quay trở lại với bạo lực”.
Kế hoạch hòa bình của Liên hợp quốc nhắm tới thảo luận 3 vấn đề dẫn đến ngừng bắn vô thời hạn là chính trị, quân sự và kinh tế.
Tướng Haftar đã đẩy căng thẳng gia tăng khi ra lệnh đóng cửa những mỏ dầu và cảng quan trọng trong tối diễn ra hội nghị. Điều này khiến sản lượng dầu của Libya giảm từ 1,2 triệu thùng xuống chỉ còn 72.000 thùng/ngày dẫn tới giá dầu tăng trên toàn thế giới.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức
EU khẳng định sẽ hành động nhiều hơn để ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Libya
EU sẽ xem xét mọi biện pháp ủng hộ lệnh ngừng bắn chính thức ở Libya, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ thực chất của EU là cần thiết để duy trì bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào ở quốc gia Bắc Phi này.
Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tại Tripoli, Libya, ngày 16/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 20/1, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết EU sẽ xem xét mọi biện pháp ủng hộ lệnh ngừng bắn chính thức ở Libya, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ thực chất của EU là cần thiết để duy trì bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào ở quốc gia Bắc Phi này.
Khi được hỏi về khả năng EU xem xét thiết lập một sứ mệnh quân sự gìn giữ hòa bình ở Libya, ông Borrell cho rằng một khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn thì cũng cần có bên giám sát và quản lý tiến trình thực hiện thỏa thuận.
Dù đã triển khai các sứ mệnh quân sự tại nhiều nơi trên thế giới nhưng tới nay EU mới chỉ cử một đội chuyên gia tới Tripoli để hỗ trợ Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận, do những lo ngại an ninh.
Ông Borrel cho rằng EU cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các lợi ích của mình.
Theo ông, liên minh cần nối lại sứ mệnh hải quân ngoài khơi Libya, tuyến di cư chính của người tị nạn từ Bắc Phi và Trung Đông tới châu Âu.
EU đã ngừng các hoạt động tuần tra biển trong chiến dịch Sophia hồi cuối tháng 3/2019 sau khi Italy từ chối tiếp nhận những người được cứu trong chiến dịch này.
Chính phủ các quốc gia thành viên cũng muốn duy trì chiến dịch Sophia vì cho rằng chiến dịch giúp ngăn chặn một cách hiệu quả nạn buôn người và duy trì lệnh cấm vận vũ khí ở Libya.
Những thực trạng trên chỉ ra quan điểm của Italy, quốc gia đang chứng kiến làn sóng bài người di cư gia tăng, hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc liệu cuối cùng EU có thể đưa chiến dịch trở lại hay không.
Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi.
Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. GNA ở Tripoli được Liên hợp quốc công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Khalifa Haftar đứng đầu quân đội miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.
Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019, tướng Haftar bắt đầu các cuộc tấn công vào thủ đô Tripoli.
Quân đội của tướng Haftar đã kiểm soát phần lớn Libya trong khi chính phủ GNA, được quốc tế công nhận, chỉ kiểm soát một phần nhỏ của đất nước.
Tình hình Libya trở nên phức tạp hơn do sự can thiệp của bên ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi quân đến Libya hỗ trợ GNA.
Trong khi đó, các nước ủng hộ Tướng Haftar đã hỗ trợ quân sự cho LNA.
Tại hội nghị hòa bình Libya tổ chức tại Berlin hôm 19/1, các cường quốc đã thống nhất củng cố một thỏa thuận ngừng bắn "mong manh" tại Libya.
Đầu tuần trước, các bên đối đầu ở Libya đã thống nhất một thỏa thuận ngừng bắn trong vòng đàm phán ở Moskva hôm 13/1 dưới sự trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó phía GNA đã ký vào thỏa thuận nhưng Tướng Haftar lại từ chối ký dù khẳng định sẽ tôn trọng thỏa thuận./.
Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnamplus.vn )
Libya: GNA nhận lời tham dự hội nghị quốc tế tại Đức Theo Liên hợp quốc, hội nghị tại Berlin được tổ chức nhằm chấm dứt sự can thiệp của lực lượng nước ngoài cũng như sự chia rẽ quốc tế về vấn đề Libya. Lực lượng GNA tại Tripoli. (Ảnh: AFP/TTXVN) Ngày 16/1, người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận tại Libya, ông Fayez al-Sarraj...