Tương lai khó đoán của rạp phim sau một năm biến động
Khi chỗ trống ở rạp chiếu dần được lấp đầy, các chủ rạp phim kỳ vọng về tương lai tươi sáng của ngành điện ảnh. Song, họ vẫn lo lắng liệu khán giả có sẵn sàng để trở lại hay không.
Đầu tháng này, chủ rạp chiếu phim ở Virginia, Mark O’Meara, chứng kiến điều ông chưa từng thấy trong hai năm: khán giả lấp đầy khán phòng 190 chỗ tại University Mall ở Fairfax để xem Spider-Man: No Way Home.
Gần đây, bộ phim của Sony Pictures và Marvel Studios đã tung hoành phòng vé toàn cầu. Đây là điều trước đây gần như bất khả thi vì ảnh hưởng của Covid-19. “Tôi đến trước đám đông và cảm ơn vì khán giả đã đến rạp. Có lượng lớn khán giả nói rằng họ chưa bao giờ đến rạp của tôi trước đây”, O’Meara nói.
“Đây là điềm tốt cho tương lai của ngành kinh doanh rạp phim và là tin tuyệt vời của phần còn lại trong năm, cả năm 2022. Tôi nghĩ đây là bước ngoặt”, John Fithian, Chủ tịch Hiệp hội các chủ rạp chiếu quốc gia, nói với Variety.
Rạp chiếu kín khán giả nhờ Spider-Man: No Way Home. Ảnh: Sony.
Tín hiệu mới từ rạp chiếu
Theo Variety, để đạt được điều này trong giai đoạn khó khăn là điều đáng kinh ngạc. Các bộ phim kinh phí lớn gần đây đều có kế hoạch phát song song trên mạng. Dịch vụ phát trực tuyến thu hút nhiều dự án nổi tiếng. Như trường hợp của Amazon, công ty mua lại một trong những hãng phim lâu đời nhất lịch sử Hollywood là MGM – cái nôi của James Bond.
Ngay cả khi Người Nhện Peter Parker tiếp tục thu hút người xem, ngành công nghiệp rạp chiếu vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn.
Spider-Man: No Way Home là sự lạc quan cho một năm không mấy khả quan của điện ảnh, ít nhất về mặt thương mại. Doanh thu phòng vé Bắc Mỹ cải thiện nhiều, dự kiến đạt khoảng 4,4 tỷ USD, tăng 91% so với năm 2020.
Tuy nhiên, đây là con số thấp nhất sau 40 năm, đồng thời giảm 61% so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Tin tốt là khán giả trung thành đã trở lại, nhưng điều đó vẫn chưa đủ.
So với lượng khán giả đông đảo của Spider-Man: No Way Home, không có nhiều người xem bỏ tiền ra để xem tác phẩm nhạc kịch như West Side Story. Ảnh: Sony, 20th Century Studios.
Sự gia tăng các trường hợp mắc Covid-19 vì biến thể Omicron làm giảm triển vọng phục hồi doanh thu phòng vé. Dịp Giáng sinh, Spider-Man: No Way Home tiếp tục thu hút đám đông. Những bộ phim khác như West Side Story, Nightmare Alley… hoàn toàn lu mờ.
Điều này có thể lý giải do khán giả lớn tuổi chưa sẵn sàng trở lại rạp phim. Do đó, West Side Story chỉ thu về 38,5 triệu USD trên toàn cầu so với kinh phí 100 triệu USD. Tuần trước, A24 không công bố doanh thu Tragedy of Macbeth, chỉ mập mờ là “ổn”.
Tom Bernard, đồng sáng lập Sony Pictures Classics, cho rằng ngành kinh doanh điện ảnh phải làm tốt hơn để đảm bảo tương lai rạp chiếu. Ông lưu ý rằng không có đợt bùng phát dịch liên quan đến rạp chiếu. Họ mất nhiều thời gian để phòng, chống dịch nên về cơ bản an toàn cho khán giả.
“Khán giả lớn tuổi sẽ quay lại khi cảm thấy an toàn. Rạp chiếu chưa làm đủ để thể hiện điều đó. Thực tế rạp chiếu an toàn hơn nhiều so quán bar, nhà hàng. Chỉ cần bạn cho họ lý do để trở lại”, Bernard nói.
Không phủ nhận Spider-Man: No Way Home là thành công với các nhà điều hành rạp chiếu. Thực tế họ ngày càng phụ thuộc vào tác phẩm về siêu anh hùng.
O’Meara, chủ sở hữu rạp chiếu Cinema Arts, nói: “Tôi không thích cả thế giới sống chết bởi một bộ phim. Điều này dẫn đến việc nhiều tác phẩm bị lãng quên dù kịch bản hay, có mặt những ngôi sao nổi tiếng và được đánh giá cao”.
Nhìn ở mặt khách quan, dịch bệnh là thứ tác động nhiều nhất với rạp chiếu. Tháng 3/2020, các rạp chiếu phải đóng cửa, sa thải nhân viên vì không có chi phí. Nhiều người dự đoán ngành công nghiệp đóng cửa vĩnh viễn. Cuối cùng họ trụ vững nhờ sự trợ giúp của chính phủ. Chỉ 5% rạp chiếu ở Mỹ đóng cửa kể từ khi đại dịch bắt đầu.
“Xét rằng đại dịch là thách thức lớn nhất, chúng tôi tự hào khi trụ vững. Rạp chiếu tồn tại vì người Mỹ yêu thích trải nghiệm việc xem phim”, Fithian nói.
Nỗi lo ngày trở lại
Một số cụm rạp từng tuyên bố phá sản, gần đây, cũng rục rịch trở lại. Họ đang lên kế hoạch cho tương lai không còn nợ nần chồng chất. Tim League, người sáng lập công ty điện ảnh phổ biến ý tưởng xem phim ăn tối, nói rằng Alamo có kế hoạch mở rộng vào năm 2022.
“Khi quyết định làm lại từ đầu, bạn có thể biến nó thành công ty hiệu quả hơn. Với 25 năm trong nghề, điều này cho phép chúng tôi làm mọi thứ khác đi. Công ty tự tin có lãi trong năm 2022 nhờ đổi mới”, League nói.
Giờ đây, hầu hết phim chiếu rạp bị trì hoãn cuối cùng đã được phát hành. Hollywood phải tìm ra các loại phim để bật đèn xanh cho “trật tự thế giới mới”. Trong năm 2022, người trong ngành hy vọng khán giả – những người dành hai năm tại nhà xem phim – bỏ thời gian đến rạp xem các tác phẩm bom tấn.
“Mọi thứ không phải là công tắc nên cần có quy trình. Họ đang dần quay lại”, Jeff Goldstein, Giám đốc phân phối nội địa của Warner Bros., nói.
Với các hãng phim, 2021 là cơ hội hiếm hoi để thử nghiệm các mô hình phân phối phim khác nhau. Trong nhiều thập kỷ, cách duy nhất để xem một bộ phim mới là ở rạp. Trong 12 tháng qua, một số phim chiếu độc quyền tại rạp 12-45 ngày trước khi chuyển sang nền tảng kỹ thuật số, những phim khác cung cấp trên các dịch vụ phát trực tuyến cùng ngày với ngày ra rạp.
Việc các tác phẩm bom tấn như The Matrix Resurrections phát hành song song là nỗi lo của các ông chủ rạp chiếu. Ảnh: Vox.
Sự xuất hiện của đại dịch trùng với sự ra mắt của một số dịch vụ phát trực tuyến mới như Peacock, HBO Max, Paramount Plus và Disney Plus, mang lại cho các hãng phim sự linh hoạt trong cách phát hành.
Điều này thay đổi cách đo lường thành công của các công ty. Thời gian chiếu rạp ngắn hơn cho phép các bộ phim đang gặp khó khăn tại rạp chiếu tiếp cận nhanh hơn với người tiêu dùng sẵn sàng trả 20 USD để xem trên mạng.
“Thành công là gì? Khái niệm này từng được đo lường bằng doanh thu phòng vé. Giờ đây, dịch vụ đăng ký, ứng dụng phát trực tuyến đã thay đổi đáng kể”, Abhijay Prakash, Chủ tịch của Universal Filmed Entertainment Group, nói.
Trong khi các chủ rạp chiếu cam chịu cách phát hành song song của phim, họ vẫn lo ngại khán giả quen với việc có thể xem phim tại nhà. Tearlach Hutcheson, Phó chủ tịch phụ trách phim tại Studio Movie Grill, nói: “Nếu thời hạn là 45 ngày, tôi không gặp vấn đề gì với điều đó vì 90% tổng doanh thu của chúng tôi đến từ giai đoạn này. Tôi quan tâm nhiều hơn đến việc khán giả có sẵn sàng quay lại hay không”.
Một điều an ủi cho người trong ngành là các rạp chiếu phim không thể bị xóa sổ, bằng chứng là thành công của Spider-Man: No Way Home. Việc tạo hứng thú cho một bộ phim đã khó, tạo ra lợi nhuận thậm chí còn khó hơn. Đó là lý do hầu hết ông chủ rạp chiếu hy vọng phim bom tấn chiếu độc quyền tại rạp khoảng 45 ngày trước khi ra mắt trên ứng dụng phát trực tuyến.
Cuối cùng, khán giả là người quyết định họ sẽ xem phim theo cách nào. Tương lai của một loại hình nghệ thuật phụ thuộc vào nhu cầu của người xem, theo Variety.
'Spider-Man: No Way Home' mang về cho Sony lợi nhuận chưa từng có
Chuyên gia ước tính "Spider-Man: No Way Home" thu về hơn 600 triệu USD tiền lợi nhuận ròng. Đây là con số kỷ lục với Sony Pictures.
Spider-Man: No Way Home đã thu 1,06 tỷ USD từ phòng vé toàn cầu (theo thống kê của Box Office Mojo). Đây là tác phẩm đầu tiên phát hành trong giai đoạn 2020-2021 đạt thành tích này. Spider-Man: No Way Home đang đuổi sát nút Spider-Man: Far From Home (2019) - tác phẩm hiện giữ ngôi phim có doanh thu phòng vé lớn nhất do Sony Pictures phát hành với 1,13 tỷ USD.
Doanh thu ước tính 1,75 tỷ USD
Các chuyên gia tại Hollywood dự báo Spider-Man: No Way Home sẽ thu ít nhất 1,75 tỷ USD trước khi rời rạp. Con số gồm 1 tỷ USD đến từ thị trường quốc tế (chưa bao gồm Trung Quốc) và 750 triệu USD đóng góp của phòng vé Bắc Mỹ. Hiện, bộ phim của đạo diễn Jon Watts đã ra rạp được 14 ngày và còn hơn một tháng phát hành độc quyền tại các cụm rạp trên toàn thế giới.
Theo ước tính, No Way Home đã kiếm về cho Sony Pictures khoản lãi ròng trị giá 242 triệu USD từ tổng doanh thu 1,06 tỷ USD. Trong tương lai, con số này có thể tăng 2,5 lần và đạt ngưỡng 610 triệu USD khi phim được phát hành trên cả các dịch vụ giải trí gia đình.
Với 470 triệu USD doanh thu nội địa sau 14 ngày, Spider-Man: No Way Home đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mà Sony Pictures từng phát hành tại thị trường Bắc Mỹ.
Anthony D'Alessandro - biên tập viên chuyên trách mảng doanh thu phòng vé của Deadline - nhận xét nếu kịch bản trên thành hiện thực, Spider-Man: No Way Home sẽ trở thành tác phẩm có lợi nhuận ròng cao nhất Sony Pictures từng thực hiện. Hai phần phim trước trong bộ ba tác phẩm về Spider-Man của Tom Holland ghi nhận khoản lợi nhuận ròng lần lượt là 200 triệu USD ( Spider-Man: Homecoming) và 339 triệu USD ( Spider-Man: Far From Home).
Lợi nhuận ròng của No Way Home cũng được dự đoán sẽ vượt xa thành tích của nhiều bom tấn phòng vé từng thu trên 1 tỷ USD khác như Jumanji: Welcome to the Jungle (305,7 triệu USD), Avengers: Infinity War (500 triệu USD), Star Wars - Episode VIII: The Last Jedi (417,5 triệu USD) và Star Wars - Episode IX: The Rise of Skywalker (300 triệu USD).
Tác phẩm có lợi nhuận ròng cao nhất của Sony Pictures
D'Alessandro phân tích sau khi khấu trừ khoản ăn chia lợi nhuận với rạp, Sony Pictures sẽ nhận về khoảng 825 triệu USD từ tổng doanh thu bán vé ước tính 1,75 tỷ USD của No Way Home.
Danh tiếng của Spider-Man: No Way Home khi chiếu rạp chắc chắn sẽ giúp gia tăng lợi nhuận khi Sony bán bản quyền phim cho các công ty kinh doanh dịch vụ giải trí gia đình. Dù doanh thu không thể sánh bằng chiếu rạp, nhưng chi phí phát hành phim trên các nền tảng này lại thấp hơn nhiều. Lãi ròng Sony thu về từ việc bán bản quyền No Way Home sau khi phim rời rạp có thể cán mốc 405 triệu USD.
Sony Pictures cũng kiếm thêm 202 triệu USD từ các nhãn hàng để quảng bá sản phẩm và thương hiệu của họ trong No Way Home.
Con số bao gồm 135 triệu USD lợi nhuận thu về từ việc bán bản quyền phim cho các nền tảng xem video trực tuyến, dịch vụ cho thuê phim và bán đĩa DVD; 80 triệu USD từ các dịch vụ giải trí gia đình bên ngoài nước Mỹ; 25 triệu USD từ các kênh truyền hình quốc gia Mỹ; 35 triệu USD từ dịch vụ truyền hình trả tiền Mỹ và 130 triệu USD nữa từ các kênh truyền hình quốc tế.
Tổng kết, Spider-Man: No Way Home sẽ mang về cho Sony Pictures khoản doanh thu 1,23 tỷ USD từ phòng vé và các dịch vụ giải trí gia đình. Sau khi khấu trừ 200 triệu USD cho khâu sản xuất, 248 triệu USD chi phí marketing, ăn chia với đối tác... số tiền còn lại sẽ vào khoảng 610 triệu USD. Đây là tổng lợi nhuận ròng của phim.
Marvel Studios chia sẻ 25% chi phí sản xuất Spider-Man: No Way Home với Sony Pictures và nhận về 25% trên tổng lợi nhuận ròng mà tác phẩm mang lại. Theo tính toán trên, trong phi vụ đầu tư này, Marvel Studios sẽ bỏ túi ít nhất 152,5 triệu USD từ khoản đầu tư vỏn vẹn 50 triệu USD. Con số chắc chắn sẽ bồi đắp cho mối quan hệ hợp tác giữa Sony và Disney thêm phần bền chắc.
Trailer Spider-Man: No Way Home
Thấy gì sau sự thất bại của 'Ma trận'? "The Matrix Resurrections" là phần phim thứ tư thuộc thương hiệu "Ma trận". Dù phát hành đúng dịp Giáng sinh, phim không ghi nhận doanh thu khả quan. 18 năm kể từ The Matrix Revolutions, hãng Warner Bros. cùng đạo diễn Lana Wachowski đã cho ra mắt The Matrix Resurrections, phần thứ tư thuộc thương hiệu Ma trận. Tác phẩm chào đón sự...