Tương lai của vận tải biển: Tàu container và chở khách chạy điện lên ngôi
Trung Quốc, Na Uy và Australia đang triển khai nhiều sáng kiến không phát thải khác nhau, chẳng hạn như phà nối Argentina và Uruguay và tàu chở hàng có thể vận chuyển 10.000 tấn.
Incat Hull 096, một chiếc phà điện sẽ nối Argentina với Uruguay khi hoàn thành. Ảnh: Incat Tasmania
Vận tải biển là một trong những phương thức vận tải hiệu quả nhất, đảm nhiệm khoảng 90% thương mại toàn cầu trong khi chỉ chiếm 3-4% lượng khí thải nhà kính.
Mặc dù việc áp dụng rộng rãi tàu biển chạy điện sẽ mất thời gian, nhưng một số sáng kiến tiên phong đang mở đường cho tương lai. Trung Quốc đã hạ thủy một tàu container chạy hoàn toàn bằng điện có khả năng chở 10.000 tấn, trong khi Na Uy vận hành 70 phà điện. Ngoài ra, một phà điện mới vừa được đưa vào sử dụng giữa Ibiza và Formentera ở Quần đảo Balearic của Tây Ban Nha, và Australia đang trong quá trình sản xuất một tàu chạy điện dài 130 mét, kết nối Argentina và Uruguay.
“Chúng tôi hoạt động ở một trong những lĩnh vực khó khăn nhất để khử carbon. Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế, 99,6% nhiên liệu mà đội tàu buôn toàn cầu sử dụng vào năm 2023 có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch”, Elena Seco, Giám đốc Hiệp hội Chủ tàu Tây Ban Nha (Anave), giải thích. “Đội tàu này có thể sử dụng ngay nhiên liệu sinh học có thành phần hóa học tương tự như nhiên liệu thông thường; tuy nhiên, nguồn cung có hạn và các giải pháp thay thế này vẫn có giá thành quá cao. Bất kể thế nào, nhiên liệu sinh học và các biện pháp tiết kiệm năng lượng là những lựa chọn khả thi duy nhất trong ngắn hạn để giảm đáng kể lượng khí thải từ vận tải biển”, bà Seco nói.
Bà Elena Seco giải thích: “Pin hoặc pin nhiên liệu sẽ được áp dụng trong lĩnh vực này, nhưng chủ yếu là cho vận tải cự ly ngắn”. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn IHS Markit, đội tàu buôn toàn cầu dự kiến sẽ bao gồm 64.953 tàu vào năm 2024. Trong khi đó, tổ chức phân loại DNV báo cáo rằng hiện có 207 tàu chạy hoàn toàn bằng điện đang hoạt động, 47 tàu khác đang được đặt hàng, chiếm hơn 0,3% tổng đội tàu. Theo bà Seco, hiện tại nhìn chung, đây mới chỉ là những tàu rất nhỏ thực hiện các hành trình ngắn.
Tàu hàng chạy điện hoàn toàn tự động đầu tiên trên thế giới Yara Birkeland đã hoàn thành hành trình đầu tiên ở Na Uy. Ảnh: Yara International.
Mặc dù số lượng còn ít, nhưng tàu biển chạy điện đang tạo ra tác động đáng kể. Một ví dụ đáng chú ý là Cap de Barbaria, phà điện đầu tiên của Tây Ban Nha, mới được Baleària đưa vào hoạt động giữa Ibiza và Formentera.
“Chiếc phà có kích thước 82 mét x 15,5 mét, có thể chở 350 hành khách và 14 xe tải, giúp loại bỏ ô nhiễm hiệu quả trong quá trình tiếp cận và khi neo đậu”, Javier Cervera, giám đốc Chuyển đổi năng lượng tại Baleària nêu ví dụ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. “Hiện tại, không có nguồn năng lượng tái tạo nào giữa hai hòn đảo, vì vậy chúng tôi phải sạc pin bằng động cơ diesel để vượt biển. Chúng tôi hy vọng cuối cùng sẽ hoàn thành toàn bộ tuyến đường bằng điện”, ông nói thêm.
Phà điện Cap de Barbaria của công ty Tây Ban Nha Baleària, nối Ibiza với Formentera. Ảnh: El Pais
Trong khi đó, tàu Green Water 01 của Trung Quốc. lớn hơn nhiều. Đó là một tàu container có kích thước 120 mét x 26 mét được thiết kế để vận chuyển hàng nghìn tấn hàng ở chế độ chạy hoàn toàn bằng điện.
“Được trang bị 36 container chứa pin cung cấp 57 megawatt điện, con tàu có thể chở 700 TEU [Đơn vị tương đương 20 foot], tương đương khoảng 10.000 tấn. Nó có phạm vi hoạt động khoảng 700 km ở vùng nước lặng với tốc độ 6,5 hải lý”, Christian Klaus, phát ngôn viên của Cosco Shipping Lines, công ty đã hạ thủy con tàu này, cho biết. Công ty nhà nước Trung Quốc này đã bắt đầu vận hành con tàu trên tuyến đường giữa các cảng Thượng Hải và Nam Kinh, cách nhau gần 300km qua đường thủy.
Khối pin trên tàu container chạy điện của Trung Quốc Green Water 01. Ảnh: El Pais
Video đang HOT
Trong khi đó, công ty Incat Tasmania của Australia đang chế tạo Incat Hull 096, một phà điện có kích thước 130 x 31,5 mét. “Các khối pin sẽ nặng 287 tấn và có công suất 40 megawatt, cho phép con tàu di chuyển trong hai giờ với tốc độ 25 hải lý trong khi vận chuyển 2.100 hành khách và 225 ô tô”, Tom Cooper, phát ngôn viên của công ty vận chuyển giải thích.
Khi công ty Buquebús của Rio de la Plata đưa phà vào hoạt động vào năm tới, nó sẽ kết nối Buenos Aires ở Argentina với Colonia ở Uruguay, trong một hành trình kéo dài hơn 1 giờ và không phát thải khí nhà kính.
Còn nhiều ví dụ khác nữa cho thấy tương lai hứa hẹn của vận tải biển bằng năng lượng “xanh”. Na Uy, quốc gia đi đầu trong lĩnh vực điện khí hóa, đã đưa vào hoạt động phà điện đầu tiên vào năm 2015 và hiện đang vận hành 70 phà. Ngoài ra, một số công ty đang tìm hiểu việc triển khai mô hình này ở eo biển Manche.
Ông Jacob Armstrong từ Liên đoàn Giao thông và Môi trường Châu Âu (T&E) cho biết: “Công nghệ này đã tồn tại và chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ ấn tượng trong một thời gian ngắn. Tất cả những gì cần thiết bây giờ là ý chí chính trị để thiết lập một khuôn khổ pháp lý giúp các lựa chọn này có lợi nhuận so với nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta ngày càng thấy nhiều loại pin lớn hơn với phạm vi hoạt động mở rộng và chúng ta có thể mong đợi công nghệ này sẽ bùng nổ trong những năm tới”.
Hiện nay, châu Âu đang triển khai chiến lược “Fit for 55″ nhằm mục đích giảm cường độ phát thải của năng lượng được sử dụng trên các tàu có trọng tải trên 5.000 tấn neo đậu tại các cảng châu Âu, không bao gồm tàu cá. “Chiến lược này sẽ được triển khai dần dần, với mục tiêu giảm 2% vào năm 2025 [so với mức năm 2020], cuối cùng đạt mức giảm 80% vào năm 2050″, Ignacio Sánchez García, phó giám đốc Thích ứng với Biến đổi Khí hậu tại Bộ Chuyển đổi Sinh thái Tây Ban Nha, giải thích.
Chuyên gia Jacob Armstrong cho biết: “Có nhiều nghiên cứu đang được tiến hành về hydro, amoniac xanh và metanol. Những loại nhiên liệu mới này có thể được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, sinh khối và hydro xanh; tuy nhiên, chúng tôi tin rằng lựa chọn bền vững duy nhất có sẵn trên quy mô lớn là nhiên liệu có nguồn gốc từ hydro xanh [nhiên liệu điện tử]. Thách thức là những lựa chọn thay thế này vẫn khá đắt, trong khi nhiên liệu hóa thạch vẫn tương đối rẻ, vì vậy chúng ta nên đánh thuế đối với nhiên liệu hóa thạch.”
Đông Nam Á hướng tới năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng
Đông Nam Á là nơi có một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Khi nhu cầu năng lượng tăng lên, khu vực này đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để bảo vệ an ninh năng lượng của mình.
Nhu cầu sự dụng năng lượng tái tạo ngày càng tăng cao tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: NRDC
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á đã tăng trung bình 3% mỗi năm trong hai thập kỷ qua - xu hướng này sẽ tiếp tục đến năm 2030 theo các chính sách hiện tại.
Nghiên cứu từ Trung tâm Năng lượng ASEAN cho thấy nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm ưu thế trong cơ cấu năng lượng của khu vực, chiếm khoảng 83% vào năm 2020 so với tỷ trọng 14,2% của năng lượng tái tạo trong cùng kỳ.
Trung tâm cho biết đến năm 2050, dầu, khí đốt tự nhiên và than đá sẽ chiếm 88% tổng nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp.
Ông Zulfikar Yurnaidi, giám đốc mô hình hóa năng lượng và hoạch định chính sách tại Trung tâm Năng lượng ASEAN, cho biết, sự phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch làm tăng tính dễ bị tổn thương của khu vực trước những cú sốc về giá năng lượng và hạn chế về nguồn cung.
Đại dịch COVID-19 hay vụ xung đột ở Ukraine đã đẩy giá tăng cao trong những năm gần đây, với giá dầu chuẩn đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ vào tháng 3 năm ngoái. Mới tuần trước, giá dầu tăng gần 6% khi bùng phát xung đột ở Trung Đông.
"Năng lực tài chính của chúng tôi khác với châu Âu. Chúng tôi không thể trả giá cao hơn mọi người để có được nguồn cung cấp khí đốt cho riêng mình", ông Yurnaidi chia sẻ.
Chuyên gia David Thoo, nhà phân tích năng lượng và năng lượng carbon thấp tại BMI Fitch Solutions, cho biết, lĩnh vực năng lượng khí đốt và than đá của Đông Nam Á đã mở rộng khi năng lượng phát triển, ngày càng khiến các thị trường này phải hứng chịu giá nhiên liệu hóa thạch biến động trên thị trường quốc tế.
Trung tâm Năng lượng ASEAN ước tính nếu các quốc gia Đông Nam Á không thực hiện những phát hiện quan trọng hoặc bổ sung vào cơ sở hạ tầng sản xuất hiện có, khu vực này sẽ trở thành nhà nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên vào năm 2025 và than đá vào năm 2039. Điều đó sẽ làm tăng giá nhiên liệu hóa thạch và gây thêm căng thẳng cho người tiêu dùng.
Ông Yurnaidi cho biết, để ngăn chặn điều này, khu vực phải đa dạng hóa các nguồn năng lượng để tăng trưởng kinh tế và an ninh.
Thoo cho biết, hầu hết, nếu không phải tất cả, các thị trường Đông Nam Á đã có những bước tiến trong việc công bố các mục tiêu năng lượng tái tạo và xây dựng kế hoạch chuyển đổi năng lượng carbon thấp.
Ông Yurnaidi chia sẻ: "Nhìn chung, các chính sách và xu hướng của khu vực cho thấy các nước đang mong muốn chuyển đổi sang năng lượng sạch".
Malaysia
Theo Bộ Kinh tế, Malaysia đã đưa ra Lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia vào tháng 7, nhằm tăng cường công suất năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên.
Bộ này cho biết, lộ trình đã xác định 10 dự án hàng đầu, bao gồm kế hoạch xây dựng nhà máy quang điện mặt trời công suất 1 gigawatt - lớn nhất Đông Nam Á - có thể trực tiếp biến ánh sáng mặt trời thành năng lượng.
Theo các nhà chức trách, năng lượng mặt trời vẫn là phân khúc đáng khích lệ nhất trong bối cảnh năng lượng tái tạo của Malaysia kể từ năm 2011 có tốc độ tăng trưởng gộp công suất lắp đặt hàng năm là 48%.
Các kế hoạch phát triển khác bao gồm một khu năng lượng tái tạo tích hợp, 5 công viên năng lượng mặt trời tập trung quy mô lớn và 3 nhà máy sản xuất hydro xanh. Bộ kinh tế cho biết các dự án này sẽ tận dụng tiềm năng năng lượng tái tạo kỹ thuật ước tính 290 gigawatt của Malaysia để tạo ra một hệ thống năng lượng ít carbon, linh hoạt hơn.
Việt Nam
Vào tháng 5, Việt Nam đã công bố Kế hoạch phát triển điện lực số 8, cam kết tăng cường năng lượng gió và khí đốt đồng thời giảm sự phụ thuộc vào than. Chính phủ Việt Nam dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời sẽ chiếm ít nhất 31% nhu cầu năng lượng quốc gia vào năm 2030.
Theo kế hoạch, tất cả các nhà máy than phải được chuyển đổi sang nhiên liệu thay thế hoặc ngừng hoạt động vào năm 2050. Mặc dù than sẽ vẫn là nguồn năng lượng quan trọng trong thời gian tới, ước tính chiếm khoảng 20% tổng nguồn năng lượng của cả nước vào năm 2030, nhưng tỷ lệ này sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Singapore
Kế hoạch xanh 2023 của Singapore cũng nhấn mạnh tương tự đến việc sử dụng năng lượng tái tạo. Bộ Bền vững và Môi trường cho biết mục tiêu tăng cường triển khai năng lượng mặt trời lên công suất ít nhất 2 gigawatt vào năm 2030, đáp ứng khoảng 3% nhu cầu điện dự kiến.
Theo Bộ này, khoảng 95% điện năng của Singapore được tạo ra từ khí đốt tự nhiên, một nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
Mặc dù những hạn chế về địa lý của Singapore hạn chế các lựa chọn năng lượng tái tạo, nhưng kế hoạch này sẽ thực hiện các biện pháp như tấm pin mặt trời trên mái nhà cũng như nhập khẩu điện và hydro từ các nước Đông Nam Á khác để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Năm ngoái, Keppel Electric của Singapore đã ký thỏa thuận hai năm với Lào để nhập khẩu tới 100MW thủy điện tái tạo qua Thái Lan và Malaysia. Điều này đánh dấu lần nhập khẩu năng lượng tái tạo đầu tiên của Singapore cũng như thương mại điện xuyên biên giới đa phương đầu tiên có sự tham gia của 4 thành viên ASEAN.
Ông Yurnaidi cho biết: "Rõ ràng là khu vực hiểu rõ vai trò của độ tin cậy và khả năng phục hồi năng lượng trước các cú sốc năng lượng khác nhau".
Philippines
Ông Thoo của BMI cho biết, các thị trường Đông Nam Á cũng đang tìm cách thu hút các công ty nước ngoài có chuyên môn về năng lượng tái tạo để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo của họ.
Ông Thoo nói thêm: "Năng lượng tái tạo ở đây khá kém phát triển so với các thị trường Trung Quốc và phương Tây".
Theo công ty luật quốc tế Baker McKenzie, vào tháng 11, Philippines đã loại bỏ các yêu cầu về quyền sở hữu của Philippines đối với một số nguồn năng lượng tái tạo, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hoàn toàn các dự án liên quan đến tài nguyên năng lượng mặt trời, gió, thủy điện hoặc đại dương. Trước đây, các công ty nước ngoài chỉ có thể sở hữu tối đa 40% các dự án năng lượng như vậy.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, quyền sở hữu nước ngoài rất cần thiết trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sản xuất gió tái tạo ở Philippines, quốc gia có tiềm năng lắp đặt 21 gigawatt điện gió ngoài khơi vào năm 2040. Báo cáo chỉ ra rằng con số đó tương đương với khoảng 1/5 nguồn cung cấp điện của nước này.
Báo cáo cho biết Philippines phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, khiến nước này có nguy cơ bị hạn chế về nguồn cung và tăng giá.
Nhưng Ngân hàng Thế giới cho biết các công ty nước ngoài có thể áp dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình, đặc biệt là trong việc giúp các dự án năng lượng tái tạo chuyển từ giai đoạn tiền phát triển sang giai đoạn sau đòi hỏi chi phí cao hơn.
Indonesia
Indonesia cũng đã nới lỏng một số hạn chế về sở hữu nước ngoài để tạo động lực đầu tư vào năng lượng tái tạo. Ví dụ, hiện nay nước này cho phép 100% sở hữu nước ngoài trong các dự án truyền tải, phân phối điện và sản xuất điện (với công suất trên 1 megawatt).
Ông Yurnaidi cho biết: "Chúng tôi lạc quan rằng sẽ có nhiều khoản đầu tư nước ngoài đổ vào trong vài năm tới, dẫn đến nhiều dự án năng lượng tái tạo hơn trong khu vực".
Phản ứng của Nhật Bản trước sự thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm của Trung Quốc Bài học từ Nhật Bản, bao gồm đầu tư vào nhà sản xuất thay thế, tích trữ tài nguyên, và phát triển công nghệ thay thế, là kim chỉ nam cho các quốc gia khác khi họ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh. Đất hiếm có vai trò quan trọng trong ngành...