Tương lai Biển Đông qua phát biểu của Trung Quốc và diễn văn Tổng thống Trump
Chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ sức mạnh ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông làm của riêng. Và không thể ngăn chặn Trung Quốc bằng “võ miệng”.
Tương lai Biển Đông hòa bình ổn định hay xung đột, đối đầu, có còn là tuyến hàng hải huyết mạch của thương mại toàn cầu, tài sản chung của khu vực và thế giới, hay sẽ biến thành ao nhà của Trung Quốc, phụ thuộc rất nhiều vào tương quan lực lượng và chính sách của Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc.
Tuần qua dư luận chứng kiến những diễn biến mới trên Biển Đông với không ít quan điểm hoài nghi, băn khoăn và lo ngại. Thậm chí có những quan điểm đổ lỗi cho cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump có thể gây ra xung đột, đối đầu ở Biển Đông.
Tuy nhiên, bình tĩnh quan sát những gì đang diễn ra trên Biển Đông cũng như các vận động chính sách từ Trung Nam Hải cho đến Tòa Bạch Ốc, người viết tin rằng Biển Đông có thể sẽ ổn định hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump.
“Kẻ khôn, người dại”
3 giờ chiều ngày hôm qua 2/3, ông Vương Quốc Khánh, người phát ngôn kỳ họp Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc khóa 12 chủ trì buổi họp báo kỳ họp thường niên tại Bắc Kinh, trong đó có trả lời câu hỏi về Biển Đông gây chú ý trong dư luận.
Phóng viên đài NBC Hoa Kỳ đặt câu hỏi:
“Chào ông, có thông tin nói Trung Quốc đang bố trí các thiết bị quân sự trên đảo nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời có ảnh chụp làm chứng.
Không ít nhà quan sát đã cho rằng, đây là động thái quân sự hóa, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông.
Trung Quốc lúc nào cũng nói mình tôn trọng tự do hàng hải, nhưng trong bối cảnh hiện nay xin hỏi, Trung Quốc sẽ đảm bảo tự do hàng hải như thế nào?”.
Ông Vương Quốc Khánh, người phát ngôn kỳ họp Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc năm nay, ảnh: Tân Hoa Xã.
Ông Khánh trả lời:
“Về câu hỏi này của bạn tôi nghĩ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng của chúng tôi đã nhiều lần nói rồi. Nhưng bạn đã nêu vấn đề, tôi cho rằng cũng nên bày tỏ rõ thái độ.
Các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, chúng tôi xây dựng một số công trình trên lãnh thổ của mình, bố trí một số thiết bị phòng ngự cần thiết là hoàn toàn chính đáng.
Đó là quyền lợi bình thường của một quốc gia có chủ quyền được luật pháp quốc tế thừa nhận. Còn nói (Trung Quốc) uy hiếp tự do hàng hải hàng không của các quốc gia khác ở Biển Đông, người Trung Quốc có câu:
Thiên hạ vốn vô sự, kẻ ngu ghè chân mình.
Thực ra Trung Quốc là nước lớn nhất ven Biển Đông, đồng thời cũng là quốc gia thương mại chủ yếu trên thế giới. Chúng tôi coi trọng tự do và an toàn hàng hải trên Biển Đông hơn bất kỳ quốc gia nào.
Một số quốc gia cá biệt ngoài khu vực này thường thích thổi phòng thuyết “Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải”, đó hoàn toàn là một mệnh đề giả dối. Tại sao?
Vì sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, sau khi Trung Quốc thu hồi các đảo ở Biển Đông bao nhiêu năm qua, tôi chưa nghe thấy tự do hàng hải ở Biển Đông có vấn đề gì”.
Video đang HOT
Ông Vương Quốc Khánh lấy hẳn thành ngữ “Dung nhân tự nhiễu” trong “Lục Tượng Tiên truyện” của Tân Đường Thư phải chăng muốn minh họa cho lập luận của mình rằng:
Trung Quốc đang bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông theo cách của riêng mình (bằng cách quân sự hóa, khống chế, kiểm soát và khi cần có thể phong tỏa Biển Đông);
Biển Đông vốn “vô sự” vì mọi thứ đã có Bắc Kinh “bảo kê” hết, những ai lo ngại tự do và an toàn hàng không, hàng hải ở đây chẳng khác gì “kẻ ngu”?
Cách hành xử cao thượng và nhân văn của Lục Tượng Tiên thời Đường Duệ Tông đã được con cháu ông ngày nay biến tấu để che lấp cho những mưu đồ đen tối hòng xưng hùng, xưng bá trong khu vực, dẫm đạp lên luật pháp quốc tế.
Cái gọi là “chủ quyền Trung Quốc với các đảo ở Biển Đông”, những hành động xâm lược trắng trợn được ông Khánh che đậy bằng cái tên “thu hồi”, chúng tôi đã bình luận nhiều lần, xin không nhắc lại.
Ở đây, ông lại mượn tích xưa nói chuyện ngày nay, về “kẻ khôn, người dại” để mỉa mai những tiếng nói kêu gọi thượng tôn pháp luật, bảo vệ tự do và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Người viết nghĩ rằng ông cũng nên đọc lại cả “Lục Tượng Tiên truyện” lẫn thiên “Thượng Hiền” trong sách “Lục Thao” để thấy cha ông mình dạy thế nào.
Một trong 7 loại người mà Khương Thái Công khuyên Chu Văn Vương cũng như các bậc quân chủ không nên dùng làm tướng soái, không nên dùng làm tham mưu, không nên thân cận hay sủng ái, mà nên cấm, nên ngăn chặn những kẻ này, đó là những kẻ chỉ biết “huyễn hoặc lương dân”, nói cách khác là lừa gạt dân lành.
Sở dĩ người viết nói ông đang “huyễn hoặc lương dân” là vì luận điệu “các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc” được ông nhắc lại để ngụy biện cho các hành vi quân sự hóa vùng biển này, cũng như âm mưu độc chiếm làm ao nhà của Trung Quốc.
Nếu những quan chức tham mưu như ông mà một ngày biết 3 lần tự xét lại mình như thầy Tăng Sâm, biết trọng trách của kẻ tham mưu là can gián những điều sai quấy, lấy “Thượng Hiền” để răn mình, thì may mắn cho Trung Quốc, cũng như cho khu vực.
Nhưng phát biểu này của ông Vương Quốc Khánh cho thấy, thứ nhất Trung Quốc sẽ không dừng các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, lấn dần từng bước, chờ thời cơ Mỹ suy yếu để chiếm trọn vùng biển này thành ao nhà.
Thứ hai, chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ sức mạnh ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông làm của riêng. Và không thể ngăn chặn Trung Quốc bằng “võ miệng”, hay những chiến lược xoay trục trên giấy.
Tất cả tại Trump?
Bình luận về cục diện Biển Đông và nguy cơ xung đột, chuyên gia Viện Chính sách chiến lược Australia ông Andrew Davies cho rằng, an ninh quốc tế chắc chắn sẽ tồi tệ hơn kể từ khi Trump trở thành Tổng thống Mỹ.
“Nếu bạn để ý đến những hùng biện về chính sách của Trump liên quan đến Biển Đông, bạn có thể dễ dàng thấy rằng họ (chính phủ Hoa Kỳ) đang sa đà vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Tôi nghĩ rằng Australia sẽ bị tổn thương về nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu nếu Biển Đông nóng lên. Tôi cho rằng đó sẽ là vấn đề số một của chúng ta.
Chúng ta phải dựa vào nguồn cung nhiều sản phẩm từ dầu mỏ từ Singapore và phải đi qua Biển Đông”.
Tiến sĩ Andrew Davies, ảnh: ABC News (abc.net.au).
Đây không phải quan điểm đầu tiên và duy nhất cho rằng, cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Biển Đông có thể dẫn đến một cuộc xung đột, đối đầu với Trung Quốc.
Có điều, những quan điểm này dường như đã làm ngơ trước các động thái leo thang quân sự hóa Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh an toàn hàng hải, hàng không ở vùng biển chiến lược này mà Bắc Kinh theo đuổi.
Người viết cho rằng, trên thực tế Tổng thống Donald Trump đã đúng khi nói với Reuters, người tiền nhiệm của ông đã bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông từ những ngày đầu, khiến cho tình thế hiện tại của Mỹ ở Biển Đông khó khăn hơn rất nhiều.
Là một nhà đàm phán tài ba, một doanh nhân tầm cỡ toàn cầu thành đạt trước khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump không để lộ chiến thuật của mình cho đối phương lợi dụng là một điểm mới, là sự khác biệt của ông so với người tiền nhiệm.
Nhưng về mặt chiến lược, Trump đã sớm bộc lộ những thiên hướng chính sách về Biển Đông mà người viết tin là ông sẽ ngăn chặn được hành vi độc chiếm vùng biển này làm ao nhà, lập chốt thu tô.
Điều này một lần nữa có thể tìm thấy qua bài phát biểu đầu tiên của ông trước hai viện Quốc hội Mỹ hôm 28/2 sau một tháng bước vào Nhà Trắng.
Do Donald Trump chủ yếu tập trung vào chính sách đối nội, nên Biển Đông không được nêu cụ thể trong diễn văn này. Tuy nhiên vẫn có thể tìm thấy một vài thông điệp chính có thể rút ra từ diễn văn này liên quan đến Biển Đông.
Thứ nhất, Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh và sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, đủ để đánh bại các mối đe dọa vị thế của nước Mỹ:
“Để bảo vệ an toàn cho nước Mỹ, chúng ta phải cung cấp cho các quân nhân nam nữ trong quân đội Hoa Kỳ những gì mà họ cần để ngăn chặn chiến tranh – và khi cần – họ phải đánh và thắng.
Tôi sẽ gởi cho Quốc hội dự thảo ngân sách để kiện toàn quân đội, không để cho quốc phòng bị cô lập nữa, và kêu gọi tăng chi tiêu cho quốc phòng lên một mức cao nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
“…Với những đồng minh đang thắc mắc Mỹ sẽ là một người bạn thế nào, hãy nhìn ngay các anh hùng trong sắc phục của Mỹ.
Chính sách ngoại giao của chúng ta sẽ tham gia trực tiếp, mạnh mẽ và có ý nghĩa với thế giới.
Sự lãnh đạo của nước Mỹ dựa vào lợi ích an ninh quan trọng của chúng ta và chúng ta chia sẻ lợi ích đó với các đồng minh của chúng ta trên toàn cầu”.
Thứ hai, các đối tác có cùng lợi ích với Mỹ ở Biển Đông cũng sẽ phải chia sẻ trách nhiệm của mình cũng như chủ động xây dựng chính sách, Mỹ chỉ lo phần của Mỹ, chứ Donald Trump không có nghĩa vụ làm thay:
“…Các đối tác của chúng ta phải đáp ứng các bổn phận tài chính. Và giờ đây, từ các cuộc thảo luận rất cương quyết và thẳng thắn của chúng ta, họ đang bắt đầu thực hiện điều đó.
Chúng ta kỳ vọng các đối tác, dù trong NATO, Trung Đông, hay ở Thái Bình Dương, đảm nhiệm vai trò trực tiếp và có ý nghĩa trong các hoạt động cả chiến lược lẫn quân sự, và gánh vác trách nhiệm chi phí của mình”.
Thứ ba, Trump tiếp tục tái khẳng định không áp đặt, xuất khẩu giá trị Mỹ sang các nước và xem đó là một yêu cầu, điều kiện cho đảm bảo an ninh:
“…Chúng ta sẽ tôn trọng các định chế lịch sử, nhưng chúng ta cũng sẽ tôn trọng quyền chủ quyền của các nước.
Các nước tự do là cỗ máy tốt nhất để thể hiện nguyện vọng của người dân – và Hoa Kỳ tôn trọng quyền của tất cả các nước tự vạch đường đi của mình.
Nhiệm vụ của tôi không phải là đại diện thế giới. Nhiệm vụ của tôi là đại diện Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”.
Thứ tư, tăng cường sức mạnh và khả năng răn đe để ngăn chặn, đẩy lùi chiến tranh xung đột, chứ không phải tìm kiếm xung đột, càng không phải là nguyên nhân có thể gây xung đột ở Biển Đông:
“…Chúng ta hiểu rằng sẽ tốt hơn cho nước Mỹ rất nhiều một khi xung đột giảm đi, thay vì tăng lên.
Chúng ta phải học hỏi từ sai lầm trong quá khứ – chúng ta đã nhìn thấy chiến tranh và sự tàn phá giày xéo trên khắp thế giới…
…Nước Mỹ sẵn lòng tìm kiếm những người bạn mới và đón nhận các đối tác mới, nơi các lợi ích chung sẽ song hành. Chúng ta muốn yên bình và ổn định, chứ không phải là chiến tranh và xung đột.
…Chúng ta muốn hòa bình, ở bất cứ nơi nào mà hòa bình có thể được tìm thấy. Nước Mỹ hôm nay đã là bạn của các cựu thù trước đây.
Một số đồng minh thân cận nhất của chúng ta, nhiều thập niên trước, từng ở phe bên kia trong các cuộc chiến tranh. Lịch sử đó mang lại cho chúng ta niềm tin về khả năng của một thế giới tốt đẹp hơn”.
Hiện tại có nhiều quan điểm trái ngược nhau về tân Tổng thống của nước Mỹ, cả về đối nội lẫn đối ngoại, người viết cho rằng đó là một điều bình thường, và là đặc trưng của chính trị Hoa Kỳ.
Điều này không làm cho nước Mỹ suy yếu, mà ngược lại chính nó làm cho nước Mỹ mạnh hơn. Cá nhân người viết tin rằng, chính sách của Tổng thống Trump sẽ thiết thực góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Tất nhiên khi cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, hoạt động bảo vệ tự do – an toàn hàng hải và luật pháp quốc tế mà Mỹ tiến hành ở Biển Đông phải đối mặt với những khiêu khích đến mức có thể nổ ra xung đột như Đô đốc Harry Harris cảnh báo, cũng không thể đổ tại nước Mỹ.
(Theo Giáo Dục)
Tình hình Biển Đông Việt Nam và hội nghị G7
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 28/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Cả hai cùng cho rằng các bên liên quan không có những hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hóa trên Biển Đông.
Các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).
Trước đó, cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, trong bài phát biểu tại hội nghị G7 mở rộng ở Nhật, ngày 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hành động bồi đắp đảo nhân tạo quy mô lớn và tăng cường quân sự hoá đe dọa ổn định khu vực.
Thủ tướng Nhật Abe, phải, đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Tokyo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh các nước G7 đã có "tiếng nói mạnh mẽ", ủng hộ nỗ lực bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thỏa thuận khu vực."Các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực, như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thủ tướng mong muốn các nước G7 và cộng đồng quốc tế tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào củng cố môi trường hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Cùng ngày, trong tuyên bố kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G7 kéo dài 2 ngày tại Nhật Bản, các nhà lãnh đạo G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng trên các vùng biển ở châu Á.
Tuyên bố của G7 nêu rõ "sự quan ngại về tình hình ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu của việc xử lý và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp".
Lãnh đạo G7 cũng nhắc lại rằng việc giải quyết các tranh chấp nên diễn ra một cách hòa bình, và tự do hàng hải và hàng không phải được tôn trọng.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng cho rằng những tuyên bố chủ quyền nên được đưa ra căn cứ vào luật pháp quốc tế và các nước nên kiềm chế "các hành động đơn phương có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng" đồng thời "tránh sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép nhằm tìm cách đạt được những tuyến bố về chủ quyền".
Theo Baodatviet
Mỹ quyết duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông Trươc hành động quân sự hóa đảo, đá cua Trung Quôc lam leo thang căng thăng, My co kê hoach tăng cương cac chiến dịch tư do hang hai ở Biển Đông. Trong đông thai nhăm đap tra viêc Băc Kinh triên khai trai phep tên lưa HQ-9 tơi đao Phu Lâm thuôc quân đao Hoang Sa cua Viêt Nam, Hai quân My...