Tương lai ảm đạm, giới trẻ Hàn không còn muốn ‘ăn bữa hôm lo bữa mai’
Dù lương không cao, nhiều người trẻ Hàn Quốc giờ đây sẵn sàng ghi nợ thẻ tín dụng để mua đồ ăn đắt tiền, quần áo hàng hiệu, đi làm bằng taxi thay vì tàu điện ngầm.
Hong Sung-mi, một sinh viên vừa tốt nghiệp tại Seoul, gọi những món tráng miệng đắt tiền là “niềm vui tội lỗi số một” của cô.
Cô gái ngoài 25 tuổi thường ghé thăm các tiệm macaron nổi tiếng trong thành phố để có thể thưởng thức hết các loạt bánh ngon, được review tốt trên mạng.
Hong mất khoảng 13.000 won (260.000 đồng) cho một vài chiếc bánh chỉ bé bằng nửa lòng bàn tay. Số tiền đó nhiều hơn hẳn bữa tối tại một nhà hàng bình dân và không hề nhỏ so với thu nhập của Hong.
Tuy nhiên, cô nàng vẫn cảm thấy vui vẻ. “Nó cũng chẳng phải mỗi ngày”, 9X nói sở thích ăn uống của mình.
Từ thói quen tiêu tiền của Hong và những người thuộc thế hệ của cô, các chuyên gia xã hội học nhận ra một xu hướng mới trong giới trẻ xứ kim chi: Không suy tính đến chuyện tiết kiệm vì nỗi hoài nghi về một tương lai ảm đạm.
Zing.vn trích dịch bài viết trên Korea Herald, Foreign Policy và Scout về câu chuyện người trẻ Hàn Quốc dù không kiếm được nhiều tiền, ngày càng thích ghi nợ thẻ tín dụng để mua những thứ nhỏ nhặt nhưng đắt đỏ như món tráng miệng, tiền taxi, nước hoa, quần áo…
Thay vì tiết kiệm cho tương lai, giới trẻ Hàn Quốc muốn tận hưởng cuộc sống hiện tại. Ảnh: Getty.
Không còn muốn ‘ăn bữa hôm, lo bữa mai’
“Shibal biyong”, tạm dịch là chi tiêu chết tiệt, là từ dùng để mô tả lối tiêu xài của những người như Hong. Trong tiếng Hàn, “biyong” có nghĩa là chi phí còn “shibal” là một từ chửi thề.
Thuật ngữ này ám chỉ cách xài tiền hoang phí, “có đồng nào xào đồng ấy” mà không muốn tiết kiệm vì tương lai kém triển vọng. Bạn mua chiếc áo khoác đẹp vì nghĩ để dành cả đời cũng không đủ tiền mua nhà. Bạn ăn bít tết bởi cho rằng không bao giờ tiết kiệm đủ cho quảng đời sau khi về hưu.
Trong mắt những người lớn tuổi, “shibal biyong” là một điều gì đó rất tiêu cực, dùng để chỉ những kẻ phá tiền cho những việc vô bổ, không bao giờ có suy nghĩ tằn tiện cũng như ý chí phấn đấu.
Nhưng đối với những người trẻ Hàn Quốc, “shibal biyong” được xem là phương thuốc tức thời cho những mệt mỏi, áp lực công việc, cuộc sống hàng ngày.
Cơn sốt bánh tráng miệng đắt đỏ trên mạng xã hội Hàn Quốc thời gian gần đây. Ảnh: Korea Herald, Merci Beaucoup.
Một chuyến taxi thay vì chen chúc trên tàu điện, thưởng thức món sushi đắt tiền, mua một bộ đồ thật đẹp đôi khi là cách để quên đi 12 giờ nai lưng nơi văn phòng hay tiếng la rầy của người sếp khó tính.
Giáo sư Alex Taek-Gwang Lee, Đại học Kyung Hee, Seoul, cho rằng không giống như quá khứ, tiết kiệm không đảm bảo tương lai khiến nhiều người trẻ ngày nay quyết tâm đầu tư vào hiện tại hơn.
Video đang HOT
Nói cách khác, thanh thiếu niên Hàn Quốc giờ đây không còn muốn “ăn bữa hôm, lo bữa mai” nữa. Họ thích sống cho chính mình ở hiện tại, thay vì lo nghĩ quá nhiều cho viễn cảnh xa xôi.
Theo ông Lee, lối sống, văn hóa hài lòng tức thời này đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhờ sự phát triển của mạng xã hội. Những hình ảnh chụp các bữa ăn sang chảnh hay những “núi” đồ hiệu với hashtag #shibalbiyong xuất hiện này một nhiều trên các trang mạng.
Tiêu tiền để quên đi áp lực công việc và tương lai ảm đạm
Giống với “geumsujeo” (thìa vàng) và “hell Joseon” (địa ngục Hàn Quốc), khái niệm “shibal biyong” cũng thể hiện sự tuyệt vọng của thế hệ trẻ Hàn Quốc.
Theo số liệu thống kê, năm 2015, 70% người trẻ tại xứ kim chi tin rằng bất bình đẳng là một vấn đề lớn của đất nước.
Trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc xếp thứ 31/36 về thu nhập bất bình đẳng. Năm 2018, thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 1999.
Lối tiêu xài “shibal biyong” không bận tâm tiết kiệm phổ biến trong giới trẻ Hàn. Ảnh: Foreign Policy.
Các tập đoàn gia đình được biết đến với cái tên “chaebol” được xem là mầm mống của những vấn đề này khi thâu tóm toàn bộ nền kinh tế đất nước. Những người Hàn Quốc trẻ tuổi cảm thấy bất lực vì thiếu cơ hội cạnh tranh công bằng.
Như một lối thoát của cuộc sống căng thẳng hàng ngày và tương lai ảm đạm, giới trẻ xứ củ sâm tìm kiếm hạnh phúc trong những điều nhỏ nhặt nhưng phô trương.
Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik nói: “Trong một xã hội nơi thành công dường như xa vời và đòi hỏi một quá trình nỗ lực lâu dài để đạt được, người trẻ tuổi bị cuốn hút vào những trải nghiệm mang lại cho họ cảm giác hài lòng tức thời”.
Nhiều người than vãn rằng dù có tiết kiệm 20 năm cũng chẳng thể mua nổi nhà ở Seoul. Nhưng Hong không quá bận tâm về điều đó. Với cô cuộc sống hiện tại khá ổn. Sau giờ làm việc vất vả, cô có thể gặp gỡ bạn bè trong những quán ăn ưa thích hay thoải mái shopping vào cuối tuần.
Nó có thể là sự hoang phí trong mắt nhiều người nhưng với Hong đó là phần thưởng cô tự cho mình.
Theo Zing
Giới trẻ Hàn Quốc dần bỏ thói quen 'làm việc tới chết'
Với quy định mới làm việc tối đa 52 giờ mỗi tuần, nhiều người trẻ Hàn Quốc cảm thấy dễ thở hơn khi có thời gian cho các hoạt động khác ngoài công việc.
Thời điểm này năm ngoái, Hong In-young (tên đã được thay đổi vì nhân vật không muốn tiết lộ danh tính), đang làm việc tại một công ty liên kết của tập đoàn lớn. Cô không bao giờ nghĩ sẽ có thời gian tham gia một khóa học yêu thích ngoài giờ làm.
Việc phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày khiến cô gái quá bận rộn và kiệt sức để nghĩ đến những hoạt động khác.
Tuy nhiên, kể từ khi đạo luật cắt giảm giờ làm việc chỉ còn tối đa 52 tiếng mỗi tuần được triển khai tại Hàn Quốc, cuộc sống sau giờ làm của Hong đã thay đổi rõ rệt.
Trước đây, Hong thường phải làm việc quá nửa đêm. Còn bây giờ, công ty của cô quản lý rất chặt chẽ. Mỗi nhân viên chỉ làm tối đa 40 tiếng chính thức và 12 giờ làm thêm một tuần.
"Tôi đang học tiếng Trung và tập Pilates. Mới đây, tôi còn học một khóa quản lý tài chính và đầu tư", cô gái ngoài 30 tuổi nói.
Hong là một trong những người lao động trẻ tuổi tại xứ sở kim chi đã tìm thấy sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc sau khi luật cắt giảm giờ làm việc được chính thức áp dụng.
Zing.vn trích dịch bài viết trên Yonhap về những thay đổi trong thói quen "Gwarosa" - có nghĩa là làm việc tới chết trong tiếng Hàn - của người dân xứ củ sâm.
Thay vì quá chú trọng số giờ làm việc, người trẻ nước này giờ đây quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống cũng như hiệu quả công việc.
Người Hàn Quốc được mệnh danh là "nghiện việc nhất" châu Á. Ảnh: Yonhap.
Thay đổi ở quốc gia 'nghiện việc nhất châu Á'
Trong những năm 1980, khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh, thói quen "làm việc tới chết" ăn sâu vào văn hóa Hàn Quốc. Thời gian làm việc trung bình của người Hàn là 68 giờ mỗi tuần.
Được mệnh danh là "nghiện việc nhất châu Á", Hàn Quốc có thời gian làm việc mỗi tuần dài thứ hai trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chỉ sau Mexico.
Nhưng kể từ tháng 7/2018, tất cả các công ty có từ 300 nhân viên trở lên có nghĩa vụ giảm thời gian làm việc tối đa mỗi tuần từ 68 tiếng xuống còn 52 tiếng với mỗi lao động, theo đạo luật "WoLiBal" (viết tắt của work-life balance, tạm dịch cân bằng công việc cuộc sống).
Theo Bloomberg, đây là một thắng lợi đối với Tổng thống Moon Jae-in. Trong cuộc tranh cử, ông Moon đã hứa cải thiện cuộc sống của người lao động bằng cách giảm thời gian làm việc và tăng thu nhập.
Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng chính sách mới sẽ giúp gia tăng tỷ lệ sinh đẻ và ngăn chặn tình trạng già hóa dân số.
"Luật mới đã giúp thay đổi từ văn hóa làm việc quá đề cao số giờ làm đến việc chú trọng nâng cao hiệu quả và năng suất", Kwon Hyuk, giáo sư tại Đại học Luật Quốc gia Busan, nói.
Giới trẻ Hàn Quốc có thời gian tham gia các hoạt động giải trí, học tập nhờ luật làm việc tối đa 52 tiếng mỗi tuần. Ảnh: Netafit, Yonhap.
Năm ngoái, một nhân viên trung bình làm việc 1.986 giờ, theo Bộ Lao động Hàn Quốc. Chính phủ nước này đang tìm cách cắt giảm số giờ làm hàng năm xuống mức 1.800 giờ vào năm 2022.
Để tuân thủ quy tắc mới, các công ty lớn đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau. Một số cấm làm quá giờ. Số khác có hệ thống máy tính tự động tắt khi hết giờ làm việc.
Kim Yoon-mi (tên đã được đổi), người làm việc tại Công ty Hyundai, cảm thấy hài lòng với những thay đổi.
"Tôi chỉ cần đến văn phòng trước 10h sáng. Nếu có việc cá nhân đột xuất, tôi có thời gian để xử lý. Trong lúc làm việc, tôi tập trung hơn vì không vướng bận chuyện cá nhân", cô nói.
Các hoạt động sau giờ làm như tập thể dục, tham gia các khóa học, giải trí... đã tăng lên. Chi tiêu cho giáo dục và giải trí tư nhân vào năm ngoái tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần 10 năm qua, theo dữ liệu của ngân hàng trung ương.
Mặt trái của chương trình 'WoLiBal'
Tuy tạo ra thay đổi tích cực trong văn hóa, thói quen làm việc của người lao động, quy định tuần làm tối đa 52 tiếng cũng vấp phải nhiều tranh cãi.
Từ khi có "WoLiBal" Park Jeong-wan (tên đã được đổi) thường phải mang việc về nhà để làm vì không thể giải quyết hết tại cơ quan.
"Khối lượng công việc vẫn vậy nhưng không được phép làm thêm ngoài 52 giờ. Tôi không được hưởng tiền làm thêm giờ nhưng công việc lại vất vả hơn", người đàn ông 44 tuổi nói.
Trong năm tới, tuần làm việc 52 giờ sẽ được áp dụng cho cả những công ty có 50-299 nhân viên. Các công ty có ít hơn 49 công nhân sẽ phải cắt giảm giờ làm từ tháng 7/2021.
Đây sẽ là một gánh nặng với những doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ đang phải vật lộn với mức lương tối thiểu tăng lên trong một nền kinh tế suy thoái.
Lee Eui-hyun, chủ tịch Hợp tác xã Công nghiệp Kim loại Hàn Quốc, cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn trong việc rút ngắn thời gian, thuê nhân công và chi trả chi phí lao động. Cách giải quyết hiệu quả nhất là hiện đại hóa máy móc nhưng điều đó cũng không dễ thực hiện.
"Chính phủ thúc đẩy thu nhập gia tăng là điều dễ hiểu, nhưng đó là một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi nghĩ rằng nhà quản lý và lao động nên được chủ động thiết kế giờ làm", ông nói.
Luật làm việc mới gây tranh cãi vì tính linh hoạt và việc đảm bảo thu nhập ngoài giờ cho người lao động. Ảnh: AFP.
Cần một chặng đường dài để hoàn thiện
Tháng trước, chính phủ Hàn Quốc đã gia hạn thêm ba tháng cho các nhà khai thác xe buýt và một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác trước khi tuân thủ quy định.
Hai tháng trước đó, các tài xế xe buýt đe dọa sẽ tiến hành một cuộc đình công trên toàn quốc vì việc thu nhập có thể bị giảm khi áp dụng luật 52 tiếng.
Bên cạnh thu nhập, nhiều ý kiến đề xuất "WoLiBal" nên được xây dựng linh hoạt hơn. Thời gian 52 tiếng mỗi tuần nên được hiểu theo nghĩa trung bình của một năm hoặc vài năm thay vì 3-6 tháng như trước đây.
Từ đó, người lao động có thể làm việc nhiều hơn 52 tiếng trong những tuần, tháng bận rộn và làm việc ít hơn trong những tuần, tháng khác.
Trong khi các nhóm công đoàn lao động phản đối yêu cầu này vì cho rằng nó gây hại cho sức khỏe người lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại lên tiếng ủng hộ.
Nhiều chuyên gia nhận định hệ thống giờ làm việc linh hoạt nên được xem xét tùy vào từng lĩnh vực, ngành nghề. Đối với những ngành làm việc theo dự án, mùa vụ, sự linh hoạt có thể cần thiết. Còn với nhân viên văn phòng quy định hiện tại là hợp lý.
Park Ji-Soon, giáo sư tại Đại học Luật Hàn Quốc, cho biết: "Giảm giờ làm việc là một bước đi đúng hướng. Nhưng để tăng cường năng suất, quy định nên được áp dụng linh hoạt hơn".
Theo Zing
Đàn ông Hàn Quốc tiết kiệm hơn 20 năm chưa chắc đủ tiền kết hôn Nhiều người trẻ Hàn Quốc trì hoãn chuyện kết hôn, sinh con trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng, giá nhà đạt mức kỷ lục. Yoon Hwan nói anh như "ở trên chín tầng mây" khi bạn gái nhận lời cầu hôn vào năm ngoái. Chàng trai 30 tuổi đã mường tượng ra một tương lai hạnh phúc bên...