Tướng Hương phản bác sự xuyên tạc, miệt thị của Thời Báo Hoàn Cầu
“Chúng ta im lặng đồng nghĩa với tạo cơ hội cho Trung Quốc thực hiện chiến thuật việc đã rồi và chuyện trái nhưng nói lâu năm thành chuyện phải”, Tướng Huỳnh Đắc Hương nói.
Mặc dù đã bước sang tuổi 95, nhưng Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương – Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục chính trị vẫn dành 8 tiếng trong ngày để làm việc cũng như nghiên cứu về diễn biến, tình hình mới nhất về Biển Đông.
Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, vị tướng từng nhiều lần vào sinh ra tử trên khắp các chiến trận bày tỏ sự căm phẫn trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Đặc biệt là mới đây, tàu Trung Quốc đã tấn công và cướp nhiều tài sản của tàu Việt Nam.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương – Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục chính trị. (Ảnh: Cao Tuân)
Tướng Hương cho rằng: Rõ ràng, Trung Quốc đang muốn mở rộng bờ cõi bất hợp pháp và thâu tóm Biển Đông. Đó là quyết tâm lâu dài mà Trung Quốc sẽ thực hiện chứ không phải nhất thời.
“Chính sách của Trung Quốc kiểu như “tằm ăn lá dâu”, nghĩa là cứ gặm dần từ miếng này sang miếng khác. Điều đó thể hiện qua rất nhiều hành động phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông”, ông nói.
Tướng Hương phân tích: Trung Quốc vẫn một mặt đồng ý hợp tác với các nước láng giếng, thúc đẩy hòa bình nhưng một mặt lại có những động thái coi thường luật pháp. Từ va chạm tàu của ngư dân Việt Nam cho đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phépgiàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam rồi việc Trung Quốc ráo riết xây dựng những hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông chứng tỏ Trung Quốc quyết tâm thực hiện chiến lược bành trướng của mình.
“Việc phá tàu cá là một trong nhiều việc làm sai trái của Trung Quốc chứ không phải là nhất thời. Nếu chúng ta không ngăn chặn, họ sẽ làm nhiều việc ngang ngược hơn thế”, ông nhận định.
Tướng Hương cũng cho rằng, đường lối Đảng và Nhà nước chọn phương pháp đấu tranh bằng pháp lý tôi thấy rất đúng đắn. Tuy nhiên chúng ta phải thật tích cực hơn bằng nội lực của mình chứ không thể chờ đợi hòa khí của Trung Quốc cũng như sự ủng hộ của thế giới.
Bởi theo ông, Trung Quốc rất khôn khéo khi luồn lách nhằm giữ quan hệ song phương và thực hiện chiến thuật “việc đã rồi” và “chuyện trái nhưng nói lâu năm thì nó thành chuyện phải”.
“Trong Luật của Quốc tế cũng có quy định mọi việc đôi co với nhau trong 50 năm giải quyết không được thì người bị kiện vẫn giữ được quyền lợi của mình. Bây giờ Việt Nam là bên nguyên, đang có thể kiện Trung Quốc. Chúng ta còn hơn 40 năm nữa liệu rằng nếu không quyết liệt thì có giữ vững được toàn vẹn lãnh thổ không?”, nguyên Cục trưởng Tổng cục Chính trị đặt vấn đề.
Video đang HOT
Bãi đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo bất hợp pháp và xây sân bay, cầu cảng tại đây phục vụ mưu đồ lâu dài độc chiếm Biển Đông thành ao nhà và đang bị thế giới lên án. (Ảnh: Tư liệu)
Qua cập nhật tình hình ngoại giao, Tướng Huỳnh Đắc Hương đánh giá cao về chuyến thăm của người đứng đầu Lầu Năm Góc Ash Carter đến Việt Nam, trong chuyến công du này Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng ký một tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng triển vọng trong 20 năm tới.
Theo ông, vấn đề Biển Đông không phải việc của riêng Việt Nam với Trung Quốc mà còn ảnh hướng đến giao thương của thế giới. Mỹ đã có những hành động tích cực để Trung Quốc thấy rằng: Không phải thích làm gì cũng được!
Vai trò của báo chí trong công cuộc tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo
Vị tướng đã bước sang tuổi 95 cũng bày tỏ sự bức xúc trước việc tờ Thời báo Hoàn Cầu phiên bản điện tử của Nhân Dân Nhật Báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc gần đây liên tục cho đăng tải các bài viết đả kích, xỏ xiên, miệt thị người Việt khi chứng kiến quan hệ Việt – Mỹ đang có những bước tiến mới theo thời gian, tình hình mới.
“Tôi nói thế này để mọi người hiểu. Khi tờ báo của Trung Quốc nói gì sai là ta phải phản bác, ngăn chặn ngay ngay. Bây giờ, có thể nó là một bài viết mang tính kích động nhất thời, nhưng trong cuộc chiến lâu dài để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì nó lại được coi là chứng liệu của lịch sử để thế giới nhìn nhận lại.
Ngược lại, nếu báo chí Việt Nam đưa ra những thông tin đúng và phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc sẽ khiến thế giới thấy được sự quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Tướng Hương nói.
Quan hệ Việt – Mỹ có những biến chuyển tích cực dựa trên tinh thần cùng hợp tác, cùng phát triển, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc lại tỏ ra ghen ghét, đố kị, nỗ lực để chia rẽ
Tướng Hương nói thêm: Như liên quan đến Biển Đông, Trung Quốc đang cố tình nói nhiều, nói lắm để khẳng định đây là vùng đất của họ, họ cho dân đến ở và họ xây dựng các hệ thống quân sự. Trung Quốc đang khiến thế giới tưởng họ làm đúng và từ đó hợp thức hóa hành động phi pháp của mình.
Tướng Hương cũng đề cao vai trò của báo chí trong công cuộc tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo ông, Việt Nam không chỉ đấu tranh bằng pháp lý, bằng ngoại giao mà cần mạnh mẽ về mặt tuyên truyền để người dân Việt Nam cũng như bạn bè thế giới lên tiếng phản đối về hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông.
“Gần đây mình làm tuyên truyền tốt hơn chứ trước đây mình không coi trọng việc này. Bản thân thế giới không rõ thực hư thế nào, không rõ tranh chấp trên biển Đông của Trung Quốc và Việt Nam ra sao. Bây giờ mình có cái lợi là cả thế giới đều phản ứng chuyện này, cả nhiều nước lớn cũng có ý kiến, kể cả Mỹ cũng cương quyết phản ứng”, ông nói.
Theo lời tướng Hương, khi thế giới chưa hiểu hết bản chất tình hình Biển Đông thì chúng ta phải nói. Nói để thế giới hiểu và chia sẻ. Việt Nam Phải chứng minh rằng đây là cuộc đấu tranh liên tục và lâu dài để bảo vệ lẽ phải. Việt Nam không dùng súng đạn mà cần dùng lời nói, sự căm phẫn để thể hiện cuộc đấu tranh trong hòa bình.
“Chúng ta nên khuyến khích người dân tiếp cận thông tin chính thức qua báo chí. Bởi Việt Nam cần phải đấu tranh bằng pháp lý, bằng con đường ngoại giao và qua báo chí để tăng cường tuyên truyền cho người dân trong nước nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất và lên án hành động sai trái của Trung Quốc”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nhấn mạnh.
Sức mạnh của Việt Nam là ở chân lý và pháp lý Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cũng chia sẻ: “Chúng ta cần nâng cao công tác tuyên truyền về vấn đề Biển Đông đến toàn dân. Không chỉ tuyên truyền trong nước mà chúng ta phải tuyên truyền ra cả thế giới những chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của chúng ta tại Biển Đông. Bởi Trung Quốc đã tuyên truyền rất mạnh khiến một bộ phận thế giới đang hiểu lầm rằng Trung Quốc đúng trong vấn đề Biển Đông. “Sức mạnh của Việt Nam hiện nay chính là ở chân lý và pháp lý. Với phương châm thực hiện đường lối hòa bình, chúng ta có điểm mạnh hơn Trung Quốc. Sự kiên cường và bất khuất là những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh Việt Nam. Truyền thống hàng nghìn năm nay có thể gặp những khó khăn ban đầu nhưng sẽ có chiến thắng cuối cùng”, tướng Hương nhấn mạnh.
Tình hình Biển Đông mới nhất sẽ được báo điện tử Người đưa tin liên tục cập nhật.
Cao Tuân
Theo_Người Đưa Tin
Động thái lạ của Bắc Kinh với phe đối lập Myanmar
Thời báo Hoàn cầu có bài xã luận nhận định bà Suu Kyi sẽ trở thành "một người bạn tốt của Trung Quốc".
South China Morning Post ngày 10/6 đưa tin, bà Aung San Suu Kyi (69 tuổi), lãnh đạo đối lập Myanmar đến thăm Trung Quốc với tư cách là một phụ nữ tự do và là một chính trị gia trước thềm bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.
Ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ tiếp vị khách mời đặc biệt này. Giáo sư Fan Hongwei từ Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á đại học Hạ Môn cho biết: Điều cuối cùng Bắc Kinh muốn là một sự thay đổi trong chính sách của Myanmar đối với Trung Quốc trước sức hấp dẫn của phương Tây.
Đảng Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD) của bà được kỳ vọng đạt được kết quả tốt nếu cuộc bầu cử công bằng và tự do. Trung Quốc vốn ủng hộ chính quyền quân sự tại Myanmar trong khi ngược lại chính quyền này chịu sự trừng phạt của phương Tây.
Lãnh đạo đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi
Trước thềm chuyến viếng thăm, Thời báo Hoàn cầu có bài xã luận nhận định bà Suu Kyi sẽ trở thành "một người bạn tốt của Trung Quốc". "Bà ấy đã có một số nhận xét tích cực về Trung Quốc trong những năm qua và có thái độ thực tế trong những tranh chấp liên quan đến các dự án của người Trung Quốc".
Theo ông Nicholas Farrelly, chuyên gia về Myanmar của trường ĐH Quốc gia Úc, cho rằng bà Suu Kyi nhận biết Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với tương lai của Myanmar.
Xung quanh chuyến thăm này, tờ Vượng Báo Đài Loan ngày 10/6 dẫn nguồn trang Boxun Hồng Kông cho biết, ông Tập Cận Bình đã quyết định mời bà Aung San Suu Kyi thông qua Ban Liên lạc đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc chứ không qua Bộ Ngoại giao.
Nguồn tin nói với Boxun, quyết định mời bà Aung San Suu Kyi thăm Trung Quốc được đưa ra trong cuộc họp 2 ngày của Ủy ban An ninh quốc gia do ông Bình đứng đầu.
Quân đội Myanmar tăng cường binh lực và vũ khí để tấn công phiên quân Kokang (nguồn mạng sina TQ)
Quan hệ Trung Quốc - Myanmar sẽ được Trung Nam Hải quản lý thông qua 3 hướng tiếp cận chính trị - ngoại giao - quân sự. Động thái đầu tiên là điều động quân đội đến sát biên giới với Myanmar tập trận bắn đạn thật để gây áp lực với chính phủ hiện thời nước láng giềng.
Phần 2 của chiến lược này là mời nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi thăm Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực lên chính phủ Myanmar khi bầu cử sắp đến gần.
Những tháng gần đây quan hệ giữa Bắc Kinh và Myanmar nguội lạnh đi ít nhiều do tình trạng bùng phát xung đột sắc tộc tại vùng Kokang xa xôi thuộc tỉnh Shan, phía Đông Bắc Myanmar.
Nguyễn Hiệp (Tổng hợp GDVN/ĐVO)
Theo_Báo Đất Việt
Hoàn Cầu đe doạ:Cần bắn rơi máy bay Australia bay trên Biển Đông Thời báo Hoàn Cầu nhận định Trung Quốc cần đưa máy bay chiến đấu đến xua đuổi máy bay trinh sát Australia trên Biển Đông và sẵn sàng bắn hạ nếu cần thiết. Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm điện tử của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng bài bình luận gây sốc...