Tướng Giáp với người con gái đầu lòng
Người con gái đầu của Đại tướng là Võ Hồng Anh, đã mất năm 2009 khi bà ở tuổi 70. Sự qua đời của bà Hồng Anh như có điều gì đó làm ông day dứt.
Khi bà Hồng Anh bệnh, cũng là lúc Đại tướng đang nằm điều trị trong Bệnh viện 108, gia đình giấu không cho ông biết, nhưng linh tính của người cha đã mách bảo nên ông liên tục hỏi “Ở nhà có việc gì không?”. Cho đến khi con gái mất, bằng trực giác của người cha, ông như đã nhận biết.
Võ Hồng Anh trong vòng tay mẹ – bà Nguyễn Thị Quang Thái
Người con gái ấy là kết quả của tình yêu giữa chàng thanh niên tuổi 24, một thầy giáo trẻ Trường Thăng Long, với cô gái tuổi 20, sinh viên Trường Y Hà Nội. Trên một chuyến tàu hỏa, chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp đã gặp và xao xuyến trước cô nữ sinh xinh đẹp, dịu dàng Nguyễn Thị Quang Thái. Cả anh và chị đều đang tham gia hoạt động cách mạng. Bất ngờ anh bị địch bắt giam trong nhà lao Thừa Phủ, giật mình nhận ra bên nhà giam nữ, lại có cô nữ sinh Đồng Khánh. Tuổi 16, nét mặt còn ngây thơ nhưng tinh thần cô thật bất khuất với câu dặn dò bạn tù: “Không ai tố giác bạn, bạn đừng tố giác ai”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu Nguyễn Thị Quang Thái
Ra tù, tình yêu đôi lứa nảy nở. Một lễ cưới được tổ chức trang trọng ở thành Vinh. Sau ngày cưới, hai người ra Hà Nội thuê căn nhà ở phố Đường Thành. Anh dạy học ở Trường Thăng Long, vừa dạy vừa lãnh đạo Đoàn thanh niên dân chủ trong trường. Chị thi vào Trường Bà đỡ Hà Nội, vừa học, vừa hoạt động cách mạng trong giới học sinh, sinh viên. Cuộc sống đất Hà thành thanh đạm, bữa cơm gia đình giản dị, con gái đầu lòng Võ Hồng Anh đã ra đời trong hoàn cảnh như thế.
Ở cái tuổi “tam thập nhi lập”, người cán bộ cách mạng đang hoạt động bí mật ấy hiểu rõ sự hệ trọng của việc được cấp trên điều động đi công tác xa; nhất là khi người vợ nói ra lời động viên: “Đây là một thời cơ lớn, trên đã muốn anh thoát ly thì anh nên quyết tâm”. Sau này khi đã về già, ông tâm sự với con gái: “Nếu lần đó mẹ con không kiên quyết và truyền cho ba thêm niềm tin, sức mạnh, có lẽ ba không dứt hai mẹ con để đi được”.
Video đang HOT
Bức ảnh hiếm hoi của Đại tướng và con gái Hồng Anh
Ở nơi xa, trong điều kiện hoạt động bí mật, ông vẫn thường gửi thư động viên người vợ trẻ, những lá thư viết trên mảnh giấy thuốc lá nhỏ bằng nửa bàn tay. Khi về nước hoạt động bí mật, xây dựng chiến khu Cao – Bắc – Lạng, ông vẫn viết thư động viên, chia sẻ với vợ, không hề biết vợ mình đã bị địch bắt và bị kết án 16 năm tù, bị giam trong Hỏa Lò, bị tra tấn dã man, rồi mắc bệnh thương hàn mất từ đầu năm 1944. Cho đến khi về tham gia Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ (tháng 4/1945), Võ Nguyên Giáp mới được nghe đồng chí Trường Chinh báo tin dữ. Trước nỗi đau quá đột ngột, ông bàng hoàng, lặng người, bỏ dở cuộc họp.
Thương vợ và càng thương con gái sớm mồ côi mẹ, nhưng phải sau ngày cách mạng thành công, ông mới được gặp lại con. Ông đã dành cho con những tình cảm đặc biệt của người cha, lần nào gặp cũng hỏi “Có nhớ, có thương ba không?”. Người con gái lặng im không nói, ông càng thương con hơn, chỉ biết ôm con vào lòng mà đau thắt ruột. Ông muốn bù đắp cho con, nhưng công việc và trách nhiệm người chỉ huy đã lấy hết thời gian để chăm sóc con của ông.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con gái Võ Hồng Anh
Khi con gái đi học ở nước bạn, ông kể cho con nghe về người mẹ đã hy sinh, về tính cách của mẹ. Ông ghi vào cuốn sổ lời dặn dò con noi gương mẹ. Con gái về nghỉ hè, ông lục tìm những thư từ và ảnh của mẹ cho con xem, để con thấy được tình cảm và cách sống của cha mẹ với đại gia đình, cả những thư viết và nhận trong nhà tù Hỏa Lò ngày trước…
Ông hiểu tâm lý của con gái, sợ con hay buồn mỗi khi đọc lại thư từ của người đã khuất, nên cẩn thận tự giữ cho con những kỷ niệm của gia đình. Chính cách dạy dỗ chăm sóc con như thế đã tác động đến quá trình hình thành nhân cách và cả những đức tính tốt đẹp, sự tự lập, nghị lực và tài năng của con.
Bà Võ Hồng Anh kể: “Tôi không còn nhớ mặt mẹ nhưng qua những tấm ảnh, những bức thư, qua lời kể của ba tôi và những anh em, đồng chí của mẹ, qua những câu chuyện của họ hàng, láng giềng ở quê, và bao trùm lên tất cả là một sợi dây thiêng liêng vô hình nào đó, hình ảnh của mẹ hiện lên trong tôi rất rõ nét và xác thực. Tôi cũng đã cảm nhận được tình cảm thiêng liêng giữa ba và mẹ”.
Khi Đại tướng đi cùng với con gái – đã là một giáo sư vật lý – người phụ nữ đầu tiên của ngành vật lý được tặng Giải thưởng khoa học quốc tế Kovalevskaia – giải thưởng cao nhất của Việt Nam về khoa học kỹ thuật dành cho các nhà khoa học nữ, ông cùng con thắp hương, đặt vòng hoa tưởng niệm người nữ chiến sĩ cách mạng, người vợ – người mẹ yêu quý, rồi ghi vào sổ lưu niệm những dòng bình dị như chính cuộc đời của cha và con: “Nhớ mãi hương hồn của các anh, các đồng chí, các anh chị, nhớ mãi hình ảnh của Quang Thái, người vợ, người mẹ của chúng tôi”.
(PGS-TS Hà Minh Hồng – Phụ Nữ TP.HCM)
Theo NTD
Người mẹ tuyệt vời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp có một người mẹ tuyệt vời, tên bà là Nguyễn Thị Kiên, sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm.
Hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, cha bà theo Văn thân chống Pháp, làm đến chức Đề đốc trấn giữ đại đồng tiền vệ. Ông bị giặc Pháp bắt, chúng tra tấn, đánh đập dã man, nhưng người sĩ phu yêu nước một mực không khai nửa lời. Cuối cùng chúng phải thả. Ông là một người cương nghị, phương phi, quắc thước. Ngày về già, râu tóc bạc phơ như một vị tiên ông. Có lần bà dẫn cậu Giáp về thăm quê ngoại vùng sơn cước Mỹ Đức (nay thuộc xã Sơn Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình). Ông ngoại rất mến Giáp, ôm cậu vào lòng.
Ông bà Võ Quang Nghiêm, Nguyễn Thị Kiên, thân sinh của Võ Nguyên Giáp. Đại tướng sinh năm 1911, là con thứ năm trong gia đình có bảy người con. Gia đình tuy nghèo nhưng vẫn cố gắng cho Võ Nguyên Giáp đi học. Ông rất hiếu học và thông minh, luôn đứng đầu lớp tại trường Quốc học Huế.
Cậu Giáp giống mẹ như đúc, từ vóc dáng, gương mặt, đặc biệt đôi mắt thông minh, vừa hồn nhiên, nhân hậu, hiền lành nhưng cương nghị.
Là một phụ nữ đảm đang, được sự giáo dục của gia đình nề nếp, từ ngày về làm dâu gia đình cụ Võ Quang Nguyên và bà Bùi Thị Gái (ông bà nội của Đại tướng), thời gian đầu, bà Kiên ngoài việc chăm sóc con cái, vừa chạy chợ, vừa làm việc đồng áng, vất vả quanh năm nuôi con ăn học. Về sau hai chị gái (chị Điểm và Liên) lớn lên thay mẹ chèo đò đi buôn vặt. Khi hai chị lập gia đình, Võ Nguyên Giáp và em Võ Thuần Nho đi học xa, bà sống với người con út Võ Thị Lài, mọi công việc trong gia đình một mình bà xoay xở.
Gia đình ông bà Nghiêm thuộc loại nghèo. Ngày ba tháng tám phải đi vay nợ lãi ông Khóa Uy (một Hoa kiều giàu có ở chợ Hôm, làng Tuy Lộc). Vay bằng tiền, nhưng khi trả bằng thóc cả vốn lẫn lãi đúng vào vụ gặt, lúa rớt giá. Cậu Giáp nhiều lần theo mẹ chèo thuyền, chở thóc đi trả nợ. Cậu nhớ nhất, dưới trời nắng chang chang, mẹ đội thóc chạy lên chạy xuống, còn cậu bụng đói meo phải ngồi dưới thuyền từ sáng đến trưa để giữ thóc.
Do ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh trong phong trào Cứu tế Đỏ, Võ Nguyên Giáp bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) tháng 10/1930.
Một ấn tượng không bao giờ phai mờ trong ký ức của cậu, khi nghe mẹ kể chạy giặc Tây. Lúc bà còn nhỏ, mỗi lần lũ Tây về làng càn quét, bà và người dì phải ngồi hai đầu quang thúng để người lớn quẩy đi tránh giặc. Tây đi lại về. Bà nói thằng Tây ác lắm.
Đêm đêm, ông còn được bà kể cho nghe bài vè "Thất thủ Kinh đô", rất phổ biến trong dân gian thời bấy giờ. Chuyện kể rằng khi Kinh đô Huế thất thủ, tướng quân Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Quảng Bình, ngự trên thượng đạo, hạ chiếu Cần vương, kêu gọi các sĩ phu và dân chúng đứng lên chống giặc Pháp, trong đó có ông ngoại của Võ Nguyên Giáp. Cả nhà rất khâm phục tấm gương trung quân, ái quốc của Tôn Thất Thuyết và ghét cay ghét đắng tên gian thần bán nước Nguyễn Văn Tường. Bài vè đã gieo vào lòng cậu Giáp từ thuở ấu thơ và theo cậu đi suốt cuộc đời.
Bà Nguyễn Thị Kiên, mẹ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh tư liệu
Sau ngày đất nước được độc lập, bận trăm công nghìn việc, Võ Nguyên Giáp chưa có dịp về thăm cha mẹ, làng xóm quê hương, thì giặc Pháp gây hấn. Cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu.
Cũng như bao gia đình Việt Nam khác, bà Kiên cùng các con và cháu nội Võ Hồng Anh tản cư lên chiến khu Bang Rợn (miền rừng núi Lệ Thủy), trong lúc ông Nghiêm còn thu xếp một vài công việc chưa kịp đi, thì giặc Pháp ập tới bắt ông đưa về Huế giam ở nhà lao Thừa Phủ và bị tra tấn dã man (về sau được biết chúng đã hèn hạ đem ông đi thủ tiêu).
Sau ngày đất nước thống nhất, con cháu đi tìm mộ ông. Năm 1979, gia đình đưa hài cốt ông về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Lệ Thủy.
Võ Nguyên Giáp từng dạy môn lịch sử tại trường tư thục Thăng Long, Hà Nội (1932 - 1939). Ông vừa dạy học, vừa học trường Luật, vừa viết bài cho các báo.
Trong khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt, từ chiến khu Lệ Thủy, bà gửi một lá thư (bà đọc cho con gái Đại tướng là Võ Hồng Anh viết) cho Đại tướng và phu nhân. Bức thư có đoạn: "Mẹ mong con được mạnh khỏe luôn luôn thì mẹ mừng lắm. Còn mẹ và Anh cũng thường, nhưng mà thua lúc ở nhà nhiều lắm, nhưng chuyện nhà nhiều chuyện đắng cay, của tiền không kể, nhưng nhứt là không biết Thầy có còn hay không thì mẹ buồn lắm. Mẹ mong sao cho gặp được hai con cho đỡ buồn...".
Bà là một bà mẹ Việt Nam suốt đời chịu thương chịu khó, hi sinh cho sự nghiệp chồng con. Theo nguyện vọng của Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà, năm 1952, bà ra Việt Bắc. Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, bà cùng gia đình về Hà Nội sống với con cháu cho đến khi qua đời năm 1961.
TTO
Vượt đèo, lội nước, lập bàn thờ Tướng Giáp Mong nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về với đất mẹ muôn đời, người dân đã vượt đèo, lội nước mong vào được khu an táng. Có gia đình lập bàn thờ viếng ngay tại bờ biển... Chuyên cơ ATR 72 mang số hiệu VN103 của Hãng Hàng không Việt Nam chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người...