“Tướng Giáp luôn nghĩ tới xương máu của chiến sĩ”
“Trong mọi trận đánh, bác Giáp luôn đặt tính nhân văn lên hàng đầu. Bác chỉ đạo cụ thể từ chiến thuật, cho đến các động tác chiến đấu nên đã giảm đến tối thiểu xương máu của chiến sĩ, cán bộ, nhân dân”.
Trong ngày dâng hương lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, nguyên Chủ nhiệm bay Quân chủng Phòng không – Không quân đã rơi lệ trước sự ra đi của vị tướng tài ba.
Giọng nghẹn ngào, Thiếu tướng Lan cho biết: Đời thường, bác Giáp rất nhân văn, luôn giáo dục chiến sĩ yêu thương nhau, đoàn kết bảo vệ đất nước. Trong các trận đánh đuổi giặc ngoại xâm, bác Giáp luôn đặt tính nhân văn lên hàng đầu, sau đó mới là chiến thắng.
“Bác Giáp thường tính toán rất kỹ làm sao khi chiến đấu với địch, ta phải giảm tối thiểu xương máu của nhân dân”, Thiếu tướng Lan chia sẻ.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, nguyên Chủ nhiệm bay Quân chủng Phòng không – Không quân
Thiếu tướng Lan dẫn chứng, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, bác Giáp ra lệnh chiến sĩ phải “thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa”. Ý bác muốn nói chiến sĩ phải nhanh chóng đuổi giặc ra khỏi nước, tiêu diệt giặc còn ở trong nước mình. Như vậy, bác Giáp mong muốn thời gian chiến dịch kết thúc sớm để các chiến sĩ của ta không phải hy sinh thêm xương máu.
“Khi tôi bắn rơi máy bay Mỹ, người đầu tiên lên động viên, hỏi han tôi không ai khác chính là bác Giáp. Bác đến bắt tay chúc mừng và dặn dò chúng tôi không được chủ quan, phải bảo toàn lực lượng để chiến đấu với đế quốc Mỹ lâu dài. Bởi vì Mỹ thế lực mạnh và súng đạn tối tân”, Thiếu tướng Lan nhớ lại.
Trong thời chiến và thời bình, cán bộ chiến sĩ cũng như bản thân Thiếu tướng Lan luôn coi Đại tướngVõ Nguyên Giáp là một trong hai ngôi sao sáng nhất trên bầu trời Việt Nam, trước tiên là Bác Hồ, tiếp đó là bác Giáp.
Đến dâng hương Đại tướng, Trung tá Đinh Văn Tông, nguyên Chủ nhiệm Lữ đoàn công binh 299, chuyên viên thuộc Cục Tổ chức – Tổng cục Chính trị quặn lòng khi nhớ đến Đại tướng.
Trung tá Tông từng tham gia Đoàn Cao xạ xung kích 241, Đoàn Quân chủng Phòng quân – Không quân, nay là Quân đoàn 1. Đơn vị này là đoàn xung kích nên được giao nhiệm vụ đặc biệt, thường xuyên đi bảo vệ Bác Hồ và bác Giáp trong 17 tỉnh thành phía Bắc.
Trung tá Tông kể, trong trận đánh ở sông Đà, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), bác Giáp đến kiểm tra từng đơn vị và dặn các chiến sĩ đã ra quân là phải quyết tâm đánh thắng trận đầu. Bác dặn chiến sĩ bộ binh, mỗi viên đạn cho phép bắn một quân thù, cao xạ cho phép các chiến sĩ 20 viên đạn bắn một máy bay. Sau lời dặn của bác, ngày hôm đó các chiến sĩ đã bắn rơi một máy bay của địch.
Video đang HOT
Trung tá Đinh Văn Tông, Nguyên Chủ nhiệm Lữ đoàn công binh 299 xúc động kể lại kỉ niệm với Tướng Giáp. Ảnh Như Hoàn
“Thời điểm năm 1966, trong trận chiến đấu bảo vệ Hà Nội, Đại tướng đến thăm và hỏi trời lạnh tại sao các chú lại mặc phong phanh thế này. Chúng tôi đã nói với bác, bây giờ trời lạnh, một lúc nữa nắng lên sẽ ấm và khi máy bay của địch vào thì sẽ không biết rét là thế nào. Lời thăm hỏi, động viên của bác đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ. Trong ngày hôm đó, chúng tôi đã bắn rơi một máy bay của địch ở phố Lê Trực”, Trung tá Tông xúc động kể lại.
Kể từ năm 1966 đến 1975, đơn vị của Trung tá Tông bắn rơi 309 máy bay tại chiến trường miền Bắc và chiến trường Lào.
“Hôm nay, đến dâng hương Đại tướng, lòng tôi đau như cắt. Cứ nghĩ về thời gian gắn bó cùng Đại tướng, nước mắt tôi lại ứa ra cùng biết bao kỷ niệm. Đại tướng ra đi, chúng tôi mất đi một vị tướng lỗi lạc”, Trung tá Tông nghẹn ngào nói.
Theo Đức Nguyễn (Khampha.vn)
Lặng lẽ sắc áo xanh trong dòng người thành kính viếng Đại tướng
Những ngày qua cùng dòng người dài tít tắp đến vô tận hướng lòng thành kính về anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những sắc áo xanh lặng lẽ, giúp đỡ mọi người đến viếng đi lại thuận lợi
Trên những con phố Hà Nội, đặc biệt những điểm gần phố Hoàng Diệu nhiều ngày qua, dòng người như nêm cối, ngược xuôi trong nỗi tiếc thương vô hạn vị tướng tài của dân tộc.
Lặng lẽ một màu áo đặc biệt- áo xanh tình nguyện- hòa trong dòng người họ cũng chung một lòng hướng về anh linh vị anh hùng của dân tộc bằng những đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự kiện đặc biệt này. Những cánh tay nối cánh tay như vô tận để dòng người vào kính cẩn anh linh Đại tướng thuận lợi hơn. Những cụ già, thương binh, người khuyết tật... đều được màu áo xanh tận tình nâng đỡ. Những chiếc mũ tai bèo được phát cho dòng người nơi nắng, rồi thu lại nơi đến bóng mát, cứ thế lần lượt lặp lại trên bóng dáng của màu áo xanh tình nguyện. Những đóng góp nhỏ bé ấy là vinh dự cho thế hệ trẻ được có mặt trong ngày trọng đại lịch sử này.
Anh Phạm Hải Bình, Trưởng Ban Thanh tra Thành đoàn Hà Nội, xúc động: "Được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự kiện trọng đại của dân tộc như thế này là điều ước nguyện không chỉ riêng thế hệ thanh niên chúng tôi".
Trong những ngày này, có khoảng hơn 200 sinh viên tình nguyện thường trực phục vụ luân phiên từ sáng đến tối. Màu xanh lặng lẽ trong dòng người thành kính dài tít tắp để được vinh dự đóng góp một phận công sức nhỏ bé vào sự kiện lớn của dân tộc.
Đoàn tình nguyện viên vào kính viếng Đại tướng
Tình nguyện viên giúp đỡ cựu chiến binh vào kính viếng Đại tướng
Áo xanh tình nguyện giúp đỡ người khuyết tật
Tình nguyện viện giúp đỡ, hướng dẫn nơi bàn ghi cảm tưởng về Đại tướng
Nhiều ngày qua sắc áo xanh tình nguyện vinh dự được đóng góp
công sức nhỏ bé vào sự kiện trọng đại này
Áo xanh tình nguyện giúp người già vào kính viếng Đại tướng
Được tham gia trong sự kiện trọng đại này là vinh dự, tự hào đối với thế hệ thanh niên
Vòng tay nối vòng tay của màu áo tình nguyện giúp cho
dòng người thuận tiện hơn trong việc kính viếng Đại tướng
Tình nguyện viên phát mũ cho bà con bớt nắng
Tình nguyện viên giữ đồ giúp bà con trước khi vào kính viếng Đại tướng
Tình nguyện viên phát mũ cho dòng người dưới trời nắng
Tình nguyện viên giúp đỡ cụ già
Ánh Nguyệt- Quang Trường- Phương Hà
Theo ANTD
Người lính cuối cùng của Đội VNTTGPQ khóc ngất, khi không thể ra Hà Nội, viếng Anh Cả Khi kết quả khám sức khoẻ cho thấy không thể đi xa bằng ô tô hay máy bay, cụ Tô Văn Cắm - 91 tuổi, người chiến sĩ cuối cùng còn sống của Đội VN Tuyên truyền giải phóng quân - đã khóc ngất vì không thực hiện được tâm nguyện ra Hà Nội tiễn biệt người "Anh Cả" kính yêu. Người lính...