‘Tướng Giáp đã tin vào lý tưởng và ông đã chiến thắng’
“Đối với tôi, Tướng Giáp là người đã cho rất nhiều dân tộc trên thế giới thấy rằng sức mạnh không phải là điều quyết định mà là niềm tin-niềm tin vào một lý tưởng là điều quan trọng nhất. Lý tưởng của ông là phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng đất nước, độc lập và tự do cho nhân dân Việt Nam. Ông đã tin vào lý tưởng của mình và ông đã chiến thắng.” Đây là những lời mà nhà làm phim Daniel Roussel đã dùng để khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc trao đổi với phóng viên thường trú TTXVN tại Pháp.
Đạo diễn Daniel Roussel trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam )
Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đạo diễn Roussel cho biết ông có may mắn khi còn là phóng viên thường trú của báo Nhân đạo tại Việt Nam đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần và nói chuyện rất lâu với ông.
Ông nói: “Tôi hình dung ra rằng một vị tướng chắc hẳn sẽ là một con người khô khan, đường bệ, có phần độc đoán. Nhưng tôi đã gặp một con người với ngôn từ sắc sảo vào lúc cần thiết và tôi cũng khám phá ở ông một nhà chính trị, một nhà văn hóa, một con người giữa đời thường, một người nói tiếng Pháp rất giỏi, có hiểu biết sâu rộng về văn học không chỉ của Pháp mà còn của Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng chơi thể thao và đánh đàn piano.”
Roussel kể lại: “Qua các cuộc tiếp xúc, tôi nhận thấy, Tướng Giáp chịu ảnh hưởng rất lớn từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, do những mối liên hệ, gắn bó sâu sắc giữa ông với người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong con mắt của tôi, Tướng Giáp là người kế tục tục xuất sắc cuộc chiến đấu và sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Video đang HOT
Về trận chiến Điện Biên Phủ, nhà làm phim người Pháp khẳng định “Là người đã đào mồ chôn quân đội viễn chinh Pháp, nhưng Tướng Giáp vẫn nhận được sự kính trọng của người Pháp, trong đó có nhiều tướng lĩnh Pháp. Lúc đầu, các vị tướng lĩnh này đã đánh giá thấp khả năng của ông, cho rằng ông không học trường quân sự mà chỉ là thầy giáo dạy sử, rằng ông chỉ là người chuyên viết lách chứ không động chạm đến súng ống, như vậy không phải ông một vị tướng theo đúng nghĩa của nó. Cho đến khi họ hoàn toàn bị bất ngờ bởi cách tấn công của Tướng Giáp, bởi những chiến lược và chiến thuật quân sự mà ông đã triển khai, các tướng lĩnh này đã chuyển sang rất kính trọng ông, đó là sự kính trọng của đối phương, một đối phương tầm cỡ.”
Là phóng viên thường trú của báo Nhân Đạo tại Việt Nam từ 1980 đến 1986, Daniel Roussel có nhiều năm gắn bó với Việt Nam. Ông đã quay trở lại Việt Nam nhiều lần để phỏng vấn các nhân chứng Việt Nam và thực hiện nhiều bộ phim tài liệu về Việt Nam, trong đó có bộ phim “Cuộc chiến giữa Hổ và Voi” tái hiện những diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.
Trong phim, đạo diễn Roussel đã khắc họa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một con người có nhãn quan quân sự tuyệt vời, một sự dũng cảm hiếm có với những trách nhiệm chính trị nặng nề đồng thời cũng là một con người bình dị, dễ gần và đặc biệt hài hước.
Theo TTXVN
"Tướng Giáp luôn nghĩ tới xương máu của chiến sĩ"
"Trong mọi trận đánh, bác Giáp luôn đặt tính nhân văn lên hàng đầu. Bác chỉ đạo cụ thể từ chiến thuật, cho đến các động tác chiến đấu nên đã giảm đến tối thiểu xương máu của chiến sĩ, cán bộ, nhân dân".
Trong ngày dâng hương lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, nguyên Chủ nhiệm bay Quân chủng Phòng không - Không quân đã rơi lệ trước sự ra đi của vị tướng tài ba.
Giọng nghẹn ngào, Thiếu tướng Lan cho biết: Đời thường, bác Giáp rất nhân văn, luôn giáo dục chiến sĩ yêu thương nhau, đoàn kết bảo vệ đất nước. Trong các trận đánh đuổi giặc ngoại xâm, bác Giáp luôn đặt tính nhân văn lên hàng đầu, sau đó mới là chiến thắng.
"Bác Giáp thường tính toán rất kỹ làm sao khi chiến đấu với địch, ta phải giảm tối thiểu xương máu của nhân dân", Thiếu tướng Lan chia sẻ.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, nguyên Chủ nhiệm bay Quân chủng Phòng không - Không quân
Thiếu tướng Lan dẫn chứng, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, bác Giáp ra lệnh chiến sĩ phải "thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa". Ý bác muốn nói chiến sĩ phải nhanh chóng đuổi giặc ra khỏi nước, tiêu diệt giặc còn ở trong nước mình. Như vậy, bác Giáp mong muốn thời gian chiến dịch kết thúc sớm để các chiến sĩ của ta không phải hy sinh thêm xương máu.
"Khi tôi bắn rơi máy bay Mỹ, người đầu tiên lên động viên, hỏi han tôi không ai khác chính là bác Giáp. Bác đến bắt tay chúc mừng và dặn dò chúng tôi không được chủ quan, phải bảo toàn lực lượng để chiến đấu với đế quốc Mỹ lâu dài. Bởi vì Mỹ thế lực mạnh và súng đạn tối tân", Thiếu tướng Lan nhớ lại.
Trong thời chiến và thời bình, cán bộ chiến sĩ cũng như bản thân Thiếu tướng Lan luôn coi Đại tướngVõ Nguyên Giáp là một trong hai ngôi sao sáng nhất trên bầu trời Việt Nam, trước tiên là Bác Hồ, tiếp đó là bác Giáp.
Đến dâng hương Đại tướng, Trung tá Đinh Văn Tông, nguyên Chủ nhiệm Lữ đoàn công binh 299, chuyên viên thuộc Cục Tổ chức - Tổng cục Chính trị quặn lòng khi nhớ đến Đại tướng.
Trung tá Tông từng tham gia Đoàn Cao xạ xung kích 241, Đoàn Quân chủng Phòng quân - Không quân, nay là Quân đoàn 1. Đơn vị này là đoàn xung kích nên được giao nhiệm vụ đặc biệt, thường xuyên đi bảo vệ Bác Hồ và bác Giáp trong 17 tỉnh thành phía Bắc.
Trung tá Tông kể, trong trận đánh ở sông Đà, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), bác Giáp đến kiểm tra từng đơn vị và dặn các chiến sĩ đã ra quân là phải quyết tâm đánh thắng trận đầu. Bác dặn chiến sĩ bộ binh, mỗi viên đạn cho phép bắn một quân thù, cao xạ cho phép các chiến sĩ 20 viên đạn bắn một máy bay. Sau lời dặn của bác, ngày hôm đó các chiến sĩ đã bắn rơi một máy bay của địch.
Trung tá Đinh Văn Tông, Nguyên Chủ nhiệm Lữ đoàn công binh 299 xúc động kể lại kỉ niệm với Tướng Giáp. Ảnh Như Hoàn
"Thời điểm năm 1966, trong trận chiến đấu bảo vệ Hà Nội, Đại tướng đến thăm và hỏi trời lạnh tại sao các chú lại mặc phong phanh thế này. Chúng tôi đã nói với bác, bây giờ trời lạnh, một lúc nữa nắng lên sẽ ấm và khi máy bay của địch vào thì sẽ không biết rét là thế nào. Lời thăm hỏi, động viên của bác đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ. Trong ngày hôm đó, chúng tôi đã bắn rơi một máy bay của địch ở phố Lê Trực", Trung tá Tông xúc động kể lại.
Kể từ năm 1966 đến 1975, đơn vị của Trung tá Tông bắn rơi 309 máy bay tại chiến trường miền Bắc và chiến trường Lào.
"Hôm nay, đến dâng hương Đại tướng, lòng tôi đau như cắt. Cứ nghĩ về thời gian gắn bó cùng Đại tướng, nước mắt tôi lại ứa ra cùng biết bao kỷ niệm. Đại tướng ra đi, chúng tôi mất đi một vị tướng lỗi lạc", Trung tá Tông nghẹn ngào nói.
Theo Đức Nguyễn (Khampha.vn)
Lặng lẽ sắc áo xanh trong dòng người thành kính viếng Đại tướng Những ngày qua cùng dòng người dài tít tắp đến vô tận hướng lòng thành kính về anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những sắc áo xanh lặng lẽ, giúp đỡ mọi người đến viếng đi lại thuận lợi Trên những con phố Hà Nội, đặc biệt những điểm gần phố Hoàng Diệu nhiều ngày qua, dòng người như nêm cối,...