Tướng cuối cùng chạy khỏi Sài Gòn như thế nào?
Trong cảnh hỗn loạn tan rã của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhiều nhân vật chủ chốt đã tìm đường tháo chạy. Nhiều tướng lĩnh còn lại tự sát sau lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh.
Cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75″ của nhà báo Trần Mai Hạnh viết về những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa vừa chính thức ra mắt. Nhà báo Trần Mai Hạnh chính là người có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975. Cuốn sách được viết dựa trên biên bản các cuộc họp, biên bản trả lời phỏng vấn và tự thú, thư từ, điện tín,… của tướng lĩnh Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày tháng cuối cùng. Cuốn sách được viết theo trình tự thời gian. Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2014), chúng tôi xin đăng tải những trích đoạn cuối cùng của cuốn sách, khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, ngay trong bài đầu tiên.
Sáng 30/4/1975, Dương Văn Minh (Tổng thống mới của Việt Nam Cộng Hòa) họp với những thành viên nội các mới, trong đó có Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng), Nguyễn Văn Huyền (Phó Tổng thống), Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh,…
Dương Văn Minh nói: “Để tránh cho người dân Sài Gòn những tai họa đã xảy ra như tại Đà Nẵng (thất thủ trước đó 1 tháng), mà có thể còn tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.
Đến 9h25, lời tuyên bố ngừng bắn và chờ bàn giao chính quyền được Dương Văn Minh (Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa) đọc trên Đài phát thanh Sài Gòn.
Lúc 10h45, chiếc xe tăng đầu tiên của quân giải phóng hất tung cánh cổng sắt ở Dinh Độc Lập.
Dương Văn Minh (Tổng thống mới của Việt Nam Cộng Hòa)
Vào giờ phút lịch sử này, hầu như toàn bộ nhân vật chủ chốt của chính quyền Sài Gòn chỉ còn lại Dương Văn Minh và 16 thành viên nội các. Trước đó, những tướng lĩnh Việt Nam Cộng Hòa từ thời của Nguyễn Văn Thiệu (từ chức và tháo chạy cách đó 5 ngày) đã tìm đường di tản theo Mỹ. Nhiều trong số tướng lĩnh đã tự sát trước và sau khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.
Theo chân Nguyễn Văn Thiệu tháo chạy
Sáng 28/4, máy bay lên thẳng của Hãng hàng không Mỹ đã liên tục đỗ xuống trên mái nhà Sứ quán Mỹ, nhặt đi những nhân vật đứng đầu trong bộ máy của chính quyền Sài Gòn để đưa ra Tân Sơn Nhất, nhét lên những chiếc máy bay Mỹ đã chật ních rồi chuồn ra ngoài. Một trong số đó có Cao Văn Viên (Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn). Đặng Văn Quang (tay chân tâm phúc của CIA, cựu Cố vấn an ninh của Thiệu) sáng đó lồng lộn ở Bộ Tổng tham mưu luôn mồm chửi Mỹ và Thiệu đã bỏ rơi mình.
Tối hôm trước, theo chỉ thị của Trung ương Cục tình báo Mỹ, Phân cục trưởng CIA tại Sài Gòn đã thu xếp một chuyến bay bí mật chở tay chân của Thiệu sang Philippines. Trong số đó có Nguyễn Bá Cẩn, Hoàng Đức Nhã, Nguyễn Khắc Bình,…
Trưa 29/4, Nguyễn Cao Kỳ đáp trực thăng riêng xuống sân Bộ tổng tham mưu thì được tin hầu hết nhân vật chủ chốt đã di tản. Mọi hy vọng tiêu tan, Kỳ quyết định ra đi. Kỳ gặp Ngô Quang Trưởng (Cựu Tư lệnh quân đoàn 1), Kỳ rủ Trưởng cùng lên máy bay. Chiếc trực thăng lượn một vòng trên bầu trời Sài Gòn rồi bay ra biển.
Nguyễn Cao Kỳ
8h sáng 29/4, Trung tướng Trần Văn Đôn (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa) vẫn tới Bộ Tổng tham mưu để “nắm tin tức chiến sự mới nhất”. Đôn được Dương Văn Minh hứa đề bạt ghế Thủ tướng nhưng sau đó gạt ra. Đôn gọi cho Dương Văn Minh, đề nghị cử ngay một Tổng tham mưu trưởng mới thay cho Đồng Văn Khuyên (đã tháo chạy). Dương Văn Minh cảm ơn và cho biết đã cử tướng Vĩnh Lộc đảm nhận chức vụ này.
Gần trưa, Đôn tới dự lễ tuyên thệ nội các Vũ Văn Mẫu. Nội các này đáng lẽ Đôn phải giữ vị trí Thủ tướng mới đúng. Mẫu đang giải thích cho các bộ trưởng về thông báo vừa đọc trên đài phát thanh Sài Gòn, yêu cầu cơ quan tùy viên quốc phòng Mỹ (DAO) phải rút hết khỏi Nam Việt Nam trong vòng 24 tiếng. Lúc ấy, Đôn mới ngã ngửa người. Đôn gọi điện hỏi Martin, đại sứ Mỹ. Ông này dội thêm cho Đôn một gáo nước lạnh chấm dứt cơn mê tham vọng của viên tướng.
Video đang HOT
“Không chỉ riêng DAO mà toàn thể người Mỹ. Chúng tôi đang sửa soạn rút. Nếu ngài muốn đi thì xin mời ngài có mặt tại sứ quán lúc 14h chiều nay.” – Martin nói.
Trần Văn Đôn quyết định ra đi ngay. Cùng đi với Trần Văn Đôn còn có Trung tướng Dư Quốc Đống (cựu Tư lệnh Quân đoàn 3, Quân khu 3), bại tướng Phước Long – nơi mở màn cho sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa. Đôn và Đống là những tướng lĩnh cuối cùng tháo chạy khỏi Sài Gòn. Nhưng chiếc máy bay cuối cùng rời khỏi Sài Gòn là vào 7h30 (30/4), mang theo tốp lính thủy đánh bộ của Mỹ.
Tổng thống Lyndon Baines Johnson, Tướng William Westmoreland, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ (ngoài cùng bên phải) năm 1966
Đầu hàng và tự sát
Sáng 29/4, Phạm Văn Phú (Cựu Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu 2) uống liều thuốc độc cực mạnh, được đưa đi cấp cứu và chết tại bệnh viện vào trưa 30/4.
Sáng 30/4, Chuẩn tướng Mạch Văn Trường (Tư lệnh sư đoàn bộ binh) được lệnh về Sở chỉ huy Quân đoàn 4 gặp Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam (Tư lệnh Quân đoàn 4). Một sĩ quan mở máy nghe lại lệnh buông súng của Tổng thống Dương Văn Minh vừa đọc trên đài Sài Gòn. Xung quanh òa khóc.
Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam tuyên bố: Chúng ta tuân lệnh Tổng thống, ngừng bắn tại chỗ, tuy nhiên nếu bị tấn công thì có quyền chống lại.
Mạch Văn Trường cự lại: Nhưng chúng ta đang thắng! Lực lượng quân đoàn nguyên vẹn, chưa sứt mẻ gì, sao buông súng?
Tướng Nam nói: Đồng minh đã tháo chạy. Chúng ta không còn bao nhiêu đạn dược, cố gắng cũng không được bao lâu.
Mạch Văn Trường vẫn cố xin tiếp tục chiến đấu. Tướng Nam gằn giọng: Trách nhiệm với 16.000 quân sĩ và 16.000 gia đình của họ, tôi ra lệnh cho anh buông súng.
Chuẩn tướng Lê Văn Hưng (Tư lệnh phó Quân đoàn 4) cũng yêu cầu Trường tuân lệnh. Trường hỏi: Chuẩn tướng chịu để địch bắt?
“Không bao giờ địch bắt được tôi!” – Tướng Hưng nói.
Chiếc xe tăng thần tốc tiến vào Dinh Độc lập lúc 11h30 trưa 30/4/1975
Đến chiều, tướng Nam gọi điện chỉ thị các tướng lĩnh trực thuộc Quân đoàn 4, Quân khu 4, trực tiếp liên lạc với quân đội của Mặt trận giải phóng để chuyển giao trong vòng trật tự, ổn định và duy trì tối đa an ninh cho dân chúng”.
5h30 chiều, Nam mặc quân phục chỉnh tề đi thăm Quân y viện. Khoảng 200 thương binh nặng không thể tự di chuyển được nằm lại, còn tất cả đã tùy nghi di tản. Mắt đỏ hoe vì xúc động, Nam thăm và nắm tay tường người.
Khoảng 11h đêm, Tướng Nam nhận tin báo, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng (Tư lệnh phó Quân đoàn 4) vừa bắn vào tim mình tự sát tại nhà. 6h sáng 1/5, có tin báo, Nguyễn Khoa Nam (viên tướng gốc Huế, Tư lệnh Quân đoàn 4) đã tự sát bằng viên đạn bắn xuyên mang tai.
Cùng đó, Chuẩn tướng Trần Văn Hai (Tư lệnh sư đoàn 7 bộ binh, phụ trách Châu Đốc, An Giang, Sa Đéc, Kiên Giang, Kiến Tường), Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ (Tư lệnh Sư đoàn 5) cũng tự sát.
Mời các bạn đón đọc kỳ tiếp theo: “Cuộc họp nội các của Nguyễn Văn Thiệu 3/1/1975″vào 10h00 ngày 1/5.
Theo VNE
Giải mật tài liệu của CIA về huyền thoại tình báo Việt Nam
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Thảo là người đã dựng ngọn cờ binh biến tại Sài Gòn trong nửa đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX tới khi hy sinh ở tuổi 43.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Thảo (Chín Thảo, Albert Thảo, 1922-1965) xuất thân trong một gia đình trí thức tôn giáo, cựu học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410 trong kháng chiến chống Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông được giao một nhiệm vụ chưa có tiền lệ trong lịch sử tình báo: Luồn sâu, hoạt động đơn tuyến, lợi dụng mâu thuẫn để đánh địch từ trong ra. Phạm Ngọc Thảo đã dựng ngọn cờ binh biến tại Sài Gòn trong nửa đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX tới khi hy sinh ở tuổi 43.
Phạm Ngọc Thảo (cầm mi-crô), tháng 2-1965. Ảnh: Tạp chí Life
Phương Tây biết đến Phạm Ngọc Thảo khá sớm, qua bài viết "Chiến tranh du kích ở Đồng bằng sông Mê Công tháng Chạp 1961: Cuộc chiến trên đồng lúa" của Man-côm Brao-nơ (Malcom Brown). Trong bài, Phạm Ngọc Thảo được đặc tả trên cương vị Tỉnh trưởng Kiến Hòa (tên Diệm đặt cho Bến Tre), là "một sĩ quan cấp tá dáng dấp như con mèo, tóc húi cua, với cái nhìn gây nao núng". Brown cho biết, ông Thảo từng là cựu sĩ quan Việt Minh, nay là "biểu tượng của tinh thần chiến đấu" của Sài Gòn. Bài viết của Brown là đợt sóng ngầm, báo động về thực tế ở Nam Việt Nam: Ban ngày "thuộc về" chính quyền Sài Gòn tồn tại nhờ viện trợ Hoa Kỳ, ban đêm do cách mạng kiểm soát...
Một viên kim cương
Trong bài "Sự sụp đổ của dòng họ Ngô Đình" (Báo The Saturday Evening Post, 21-12- 1963), Stan-lây Các-nâu (Stanley Karnow) viết: "Viên trung tá sáng giá Phạm Ngọc Thảo... một trong những người trung thành nhất, gần gũi nhất với Diệm, đã miễn cưỡng nhập vào hàng ngũ chống đối. Ông Thảo đã bị thuyết phục rằng, chỉ có lật đổ chế độ Diệm mới cứu được đất nước".
Trong Chiến thắng bị bỏ lỡ (Lost Victory, NXB Contemporary books, 1989, trùm CIA W. Côn-bai (Colby) cũng đôi lần nhắc đến Phạm Ngọc Thảo, và muốn gây cảm tưởng rằng Mỹ đã "mô phạm" trong việc ông Thảo bị sát hại. Trang 173 sách này viết: Mãi đến 1976, người Mỹ mới hay tin Phạm Ngọc Thảo từng "làm việc cho Cộng sản". Nhưng lưu trữ được giải mật gần đây lại cho thấy, tình báo Mỹ đã rất sớm "quan tâm" đến Phạm Ngọc Thảo.
Chuyên gia lật đổ
Hàng chục tài liệu của CIA đả động đến Phạm Ngọc Thảo đã được giải mật sau chiến tranh. Ngày 11-9-1963, CIA soạn thảo Những bước tiến của Huỳnh Văn Lạng và Phạm Ngọc Thảo đối với mưu đồ đảo chính (Progress of Huynh Van Lang and Pham Ngoc Thao with plans for coup d'etat). Tài liệu nêu tên các tướng tá Sài Gòn liên đới gồm: Phạm Ngọc Thảo, Nguyễn Khánh, Dương Văn Minh, Huỳnh Văn Cao, Nguyễn Khắc Bình và... Nguyễn Hữu Hạnh.
Lưu trữ của Mỹ cho biết tiếp về Kế hoạch của Thủ tướng Nguyễn Khánh nhằm làm Hoa Kỳ dính líu vào Bắc Việt Nam (Prime Minister Nguyen Khanh's plan to involve the United States in North Vietnam), 22-7-1964. Theo tài liệu này, ông Thảo được Mỹ đề nghị nhận định về khả năng đảo chính lật Nguyễn Khánh.
Chính lúc này, Oa-sinh-tơn (Washington) cần gấp một hậu phương ổn định ở miền Nam để đổ quân Mỹ vào, cũng như dựng đầu cầu đánh ra miền Bắc, sang Lào. Nhưng Điều tra về cơ may đứng vững của chính quyền Sài Gòn (Chances for a stable government in South Vietnam) của SNIE (cơ quan tình báo Hoa Kỳ làm chức năng dự báo chiến lược) đề ngày 8-9-1964 lại viết: "Sân khấu chính trị-xã hội miền Nam Việt Nam rúng động, Việt Cộng ngày càng mạnh lên, ý thức chống Mỹ sâu sắc hơn, mâu thuẫn của chính quyền quân phiệt với các bộ phận dân cư tăng lên, chia rẽ đảng phái, sắc tộc, giáo phái sâu hơn, và nhất là phe Phạm Ngọc Thảo và một số sĩ quan đang mưu đồ đảo chánh...". Các cuộc đảo chính sẽ được báo chí gán cho người này, người khác cầm đầu. Nhưng trong ống kính tình báo Mỹ, chỉ hội tụ cái tên Phạm Ngọc Thảo. Tướng Oét-mô-len (Westmoreland) trong hồi ký của mình đã gọi Phạm Ngọc Thảo là "nhà đảo chính chuyên nghiệp".
Trang đầu bức điện Đại tá Phạm Ngọc Thảo của William Colby gửi từ Sài Gòn cho McGeorge Bundy, Cố vấn an ninh của Tổng thống Johnson, 4-6-1965. Giải mật 12-8-1987. Nguồn: 00780 Col. Pham Ngoc Thao (June 4, 1965) Memorandum; SECRET; SANITIZEDDeclassified: September 1, 1987
Trang đầu bức điện Đại tá Phạm Ngọc Thảo của William Colby gửi từ Sài Gòn cho McGeorge Bundy, Cố vấn an ninh của Tổng thống Johnson, 4-6-1965. Giải mật 12-8-1987. Nguồn: 00780 Col. Pham Ngoc Thao (June 4, 1965) Memorandum; SECRET; SANITIZEDDeclassified: September 1, 1987
Theo tài liệu Kế hoạch đảo chính của Đại tá Phạm Ngọc Thảo (Plans of Col. Pham Ngoc Thao to mount a coup, 28-8-1964), Mỹ cho rằng nếu cuộc đảo chính nổ ra, Trần Thiện Khiêm sẽ không trở tay kịp; chính phủ mới, nếu phe đảo chính lên nắm quyền sẽ gồm: Phạm Ngọc Thảo làm Thủ tướng, Dương Văn Minh hoặc Phan Khắc Sửu sẽ được đôn làm Quốc trưởng...
Hôm sau, 29-8-1964, CIA ra liền hai báo cáo nhan đề Phạm Ngọc Thảo: Tóm tắt lý lịch và phân tích về nhân sự này và Phạm Ngọc Thảo tìm cách giành sự ủng hộ cho cuộc đảo chính, theo đó, CIA mong rằng Phạm Ngọc Thảo sẽ khó nhận được sự hỗ trợ của không lực Việt Nam Cộng hòa (cầm đầu là Nguyễn Cao Kỳ). Ngày 30-8-1964, theo điện mật Các phe phái đều chuẩn bị đảo chính, sắp có đảo chính khả thi (!), một khi cả phe Phạm Ngọc Thảo và phe các tướng thuộc Đảng Đại Việt đều chuẩn bị đảo chính. Ngày 1-9-1964 là lúc người Mỹ thấy cần phải điều tra, khảo sát các chỉ huy quân Sài Gòn và khả năng thành bại của một cuộc đảo chính, nếu xảy ra (Tài liệu Loyalties of the Armed Forces commanders and the possibility of success if a coup d'etat is attempted: Situation appraisal as of 31 August 1964). Trong 30 tướng tá cao cấp, Phạm Ngọc Thảo vẫn ở tiêu điểm: Tên ông đứng thứ hai, sau Nguyễn Khánh.
Nhưng cuộc đảo chính 19-9-1964 dẫn đến Nguyễn Khánh phải từ nhiệm ngày 23-10, theo phát hiện của CIA, chính là kế hoạch cướp chính quyền bất thành của Việt Cộng (điện mật Mưu toan lật đổ 13-9, Attempted coup on Sept.13). Chính giới Sài Gòn không thể không nhận thấy rằng, cuộc đảo chính hôm 19-9, tuy bất thành, đã làm đổ bể lễ ký kết thỏa thuận đổ quân vào miền Nam và giội bom miền Bắc của trục Oa-sinh-tơn - Sài Gòn, dự định vào ngày 20-9-1964.
Ngày 4-3-1965, Oa-sinh-tơn lại được tin về âm mưu đảo chính (Coup rumors in Saigon, 4-3-1965). "Bọn tiểu tướng hung hăng": Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi, Đặng Văn Quang, Lê Nguyên Khang, Vĩnh Lộc, Dư Quốc Đống... bắt đầu thục mạng chọi nhau giành ngôi chủ soái, nhân Nguyễn Khánh bị đẩy đi lưu vong. Tháng Năm đến, Nguyễn Văn Thiệu, mới chỉ định dạng trong hồ sơ của CIA năm 1964, đã bẩm báo cho chủ Mỹ về một âm mưu đảo chính của Phạm Ngọc Thảo trong công văn Mật vụ dự báo cho Bộ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Thiệu về một mưu đồ đảo chính vào 20-5, cùng các biện pháp đối phó của chính phủ. Theo điện mật này: Cuộc đảo chính sẽ do Phạm Ngọc Thảo chỉ huy, với hiệp trợ của Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn và Nhóm tướng Đà Lạt, tức là Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Nguyễn Văn Vỹ; cuộc đảo chính sẽ do Đảng Cần Lao nhân vị tài trợ. Phe của Thiệu sẽ đối phó bằng lực lượng phản đảo chính và sự chiêu hàng các phần tử nổi loạn...
Thánh tử vì đạo
Bị kẻ địch phản kích quyết liệt, cuộc binh biến tháng Năm của ông Chín Thảo bị dập tắt. Bản thân bị truy nã, mọi phương tiện của ông Thảo cạn kiệt, quân sĩ tan tác. Nhưng khi nhiệm vụ còn dang dở, Phạm Ngọc Thảo quyết không rời trận địa.
Tài liệu Đại tá Phạm Ngọc Thảo (Colonel Pham Ngoc Thao, 4-6-1965), đánh số 00780, do William Colby, Phó giám đốc về kế hoạch cơ quan CIA ở Sài Gòn viết như sau:
1. Đã phát hiện được Phạm Ngọc Thảo tung tăng lượn phố (circulating freely) giữa Sài Gòn, và giúp đỡ chủ bút của một tờ báo bí mật.
(Hai đoạn số 2 và 3 bị CIA xóa khi giải mật!!!).
4. Vấn đề này quả là nghiêm trọng, trên hai phương diện. Thứ nhất, chính quyền hiện hành của Việt Nam Cộng hòa vẫn ngại ngùng, không có chủ trương bắt và hành hình Phạm Ngọc Thảo. Còn rất ít nghi ngờ về chỗ ẩn nấp của Thảo ở Sài Gòn, cũng như một kế hoạch phối hợp cảnh sát để bắt giữ Thảo. Chính quyền Sài Gòn lại luận giải một cách chắc chắn rằng Thảo là một biểu tượng của người Công giáo, tới mức, việc bỏ tù/thủ tiêu Thảo trong tình hình như thế này sẽ gây bùng nổ. Cách suy luận như thế của Thủ tướng Quát lại được dung túng bởi công văn số 4003 ngày 2-6 của Sứ quán Mỹ từ Sài Gòn, theo đó đại sứ Taylor báo cáo rằng Quát đã nhất trí để cho Thảo và một số người khác bí mật rời đất nước, cho dù chính Quát hiểu rằng cần có một kỷ luật cấp quốc gia cao hơn.
5. Vấn đề thứ hai là cốt cách của Thảo. Ông ta tin vào sứ mạng cứu nhân độ thế, xả thân vì dân tộc mình, như một thiên sứ. Ông ta biết rõ mình phải làm gì. Lung lạc được Thảo bởi tiền tài hay hình phạt, kể cả tử hình, để ông ta ngừng tạo ra tình thế chỉ có lợi cho một mình Việt Cộng, rõ ràng là điều không thể. Việc Thảo không sợ bị trừng phạt còn do ông ta được bảo trợ bởi các thủ lĩnh quân sự Công giáo. Cũng không có bằng chứng rõ rệt rằng, Thảo đang không được Việt Cộng hỗ trợ một cách bí mật...
Vì chính phủ Phan Huy Quát chần chừ trong khủng bố, đàn áp, Mỹ quyết định đôn lên nhóm tay sai khát máu hơn. Ngày 24-6-1965, lý lịch kẻ giúp Mỹ đàn áp Phạm Ngọc Thảo trong chính biến tháng Năm, Nguyễn Văn Thiệu, được CIA trình thượng cấp. Được thăng chức "Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia", Thiệu lập tức lùng bắt Phạm Ngọc Thảo để thủ tiêu. Ngày 16-7, an ninh quân đội Sài Gòn vây ông Thảo ở Tam Hiệp, Biên Hòa. Bị trọng thương, Chín Thảo bị bắt ngay hôm sau. Kẻ thù đã dùng cực hình man rợ đến cực điểm để tra tấn ông Thảo cho đến chết ngay trong đêm đó. Ngay sau đó, tin ông Thảo từ trần trong một tai nạn đã được tung lên các báo Sài Gòn.
Trở lại công văn Đại tá Phạm Ngọc Thảo 4-6-1965, Colby viết tại điểm 7: "Chúng tôi nhận thức rõ sự cần thiết của việc không được làm cho Thảo, về mặt chính trị, trở thành vị thánh tử vì đạo (political martyr)". Nhưng mưu đồ này đã thất bại. Các nguồn tin ở Sài Gòn sau đó cho biết, chịu mọi cực hình tàn khốc đến chết, ông Thảo đã không hé môi về bất cứ quân nhân hay chính khách của chế độ Sài Gòn, từng là đồng minh trong đảo chính của ông, hay bất kỳ một thông tin gì khác. Theo chuẩn mực tôn giáo, ông đã trở thành bậc Thánh, chịu thống khổ để cứu nước nhà. Danh hiệu này, cùng chữ martyr (thánh tử vì đạo), vô hình trung, đã được CIA dùng chỉ ông Thảo trong công văn ngày 4-6-1965 nói trên
Theo QĐND
NATO công bố ảnh Nga triển khai lực lượng sát Ukraine, Mátxcơva bác bỏ NATO đã công bố các bức ảnh vệ tinh chứng minh việc Nga triển khai khoảng 40.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine cùng các xe tăng, xe bọc thép, pháo và máy bay. Nga đã lập tức bác bỏ thông tin này, nói rằng đó là những bức ảnh cũ từ cuộc tập năm 2013. Một trong số những bức ảnh do...