Tướng Armenia hé lộ nguyên nhân thất thế trước Azerbaijan
Tướng Movses Hakobyan cho hay chính phủ Armenia mua sắm những vũ khí, khí tài không phù hợp, khiến quân đội bất lực trước UAV đối phương.
Tướng Hakobyan hôm 19/11 tổ chức họp báo tại thủ đô Yerevan sau khi từ chức tổng tham mưu trưởng quân đội Armenia, tiết lộ nhiều “sai lầm chết người” khiến quân đội Armenia hứng chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến với Azerbaijan, cũng như đưa ra nhiều chỉ trích nhằm vào giới lãnh đạo nước này.
Sai lầm đầu tiên của Armenia được Hakobyan chỉ ra là trong mua sắm các khí tài mà không khai thác hết sức mạnh của chúng, hoặc không phù hợp với thực tế chiến trường, trong đó có hợp đồng mua tiêm kích Su-30SM của Nga.
Armenia bắt đầu thảo luận khả năng mua tiêm kích đa năng hạng nặng Su-30SM từ tháng 1/2016, thay cho kế hoạch mua vài sư đoàn tên lửa phòng không Tor.
Năm 2019, Armenia ký hợp đồng đặt mua 4 chiếc Su-30SM của Nga, với ngân sách được rút từ kế hoạch mua tên lửa Tor. Số tiêm kích này dự kiến được bàn giao trong năm 2020, nhưng hợp đồng được tiến hành nhanh hơn kế hoạch và Yerevan nhận đủ 4 phi cơ vào cuối tháng 12/2019. Bộ trưởng Quốc phòng Armenia David Tonoyan hồi tháng 8 cho biết Yerevan đang đàm phán với Moskva để mua thêm một phi đội Su-30SM.
“Tôi từng nhiều lần kêu gọi lãnh đạo chính trị và quân sự không mua chiến đấu cơ Su-30SM nhưng bị họ phớt lờ”, tướng Hakobyan cho hay.
Tiêm kích Su-30SM trước khi được bàn giao cho Armenia. Ảnh: Avia Press Photo .
Su-30SM là tiêm kích đa năng thế hệ 4 do tập đoàn Sukhoi của Nga thiết kế. Đây là phiên bản hiện đại nhất của dòng Su-30, có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công tầm xa, diệt mục tiêu mặt đất và mặt biển cũng như tiến hành hoạt động tác chiến điện tử và cảnh báo sớm.
Sự xuất hiện của Su-30SM được kỳ vọng giúp Armenia chiếm ưu thế đáng kể khi xảy ra xung đột, do quân đội Azerbaijan chỉ biên chế tiêm kích MiG-21 và MiG-29 đời cũ với tính năng thua kém. Tuy nhiên, những chiếc Su-30SM hoàn toàn vắng bóng trong xung đột 6 tuần tại Nagorno-Karabakh, cho phép máy bay không người lái (UAV) và cường kích Su-25 Azerbaijan hoạt động tự do dưới sự yểm trợ từ chiến đấu cơ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ.
Tướng Hakobyan khẳng định quyết định mua tiêm kích Su-30SM thay cho tên lửa Tor là bước đi sai lầm và đã trực tiếp thảo luận với Thủ tướng Armenia, nhưng nhận câu trả lời rằng hợp đồng đã được ký. Ông chỉ trích những người đã đàm phán điều khoản thỏa thuận, cho biết phi đội Su-30SM Armenia không thể chiến đấu vì hợp đồng không có điều kiện bán kèm vũ khí.
Tướng Hakobyan cho hay Armenia từng dự định mua lượng lớn hệ thống tên lửa tầm ngắn Tor-M2KM, nhưng kế hoạch này bị đình chỉ khi mới nhận bàn giao một vài tổ hợp, bởi số ngân sách còn lại đã được chuyển cho hợp đồng Su-30SM.
Tên lửa phòng không Tor-M2 do Nga phát triển được coi là khắc tinh của UAV cỡ nhỏ, từng thể hiện năng lực chiến đấu vượt trội hơn cả hệ thống pháo – tên lửa Pantsir-S1 khi tham chiến tại Syria. Mỗi xe bệ phóng là một hệ thống chiến đấu độc lập bao gồm tên lửa, radar nhìn vòng để phát hiện mục tiêu, hệ thống cảm biến hồng ngoại, quang – điện tử và radar điều khiển hỏa lực.
Xe chiến đấu Tor-M2KM Armenia bị UAV Azerbaijan phá hủy. Video: Bộ Quốc phòng Azerbaijan .
Xe chiến đấu Tor-M2KM thường được trang bị 8 quả đạn 9M331, cho phép tấn công tối đa 4 mục tiêu cùng lúc từ khoảng cách 16 km và độ cao 10 km. Hình ảnh trên truyền thông Armenia năm 2019 cho thấy Thủ tướng Nikol Pashinyan đứng cạnh hai xe chiến đấu Tor-M2KM. Quân đội Azerbaijan hồi cuối tháng 10 công bố video quay cảnh một hệ thống Tor-M2KM Armenia bị UAV phá hủy khi đang đưa vào nơi ngụy trang.
Hakobyan còn cho biết ông từng nhiều lần “bị ép phải mua các tổ hợp phòng không Osa”. “Khi tôi là Tổng tham mưu trưởng, ai đó đã liên tục tiết lộ lịch trình công du nước ngoài của tôi. Những tay buôn vũ khí nhiều lần tiếp cận và tìm cách thuyết phục tôi mua các hệ thống Osa mà quân đội Armenia không có nhu cầu sử dụng”, ông nói thêm, dường như đề cập tới vụ bê bối khi nước này mua hàng chục xe chiến đấu Osa-AK từ Jordan.
Hàng loạt xe chiến đấu Osa của Armenia đã bị UAV Azerbaijan tập kích và phá hủy ngay từ đầu cuộc xung đột. Phần lớn các tổ hợp đều trong trạng thái hoạt động với radar cảnh giới quay liên tục, nhưng dường như không phát hiện được UAV Azerbaijan. Quân đội Armenia chỉ một lần công bố video kíp chiến đấu Osa bắn hạ được UAV cỡ nhỏ của đối phương.
Tướng Hakobyan cho biết trong cuộc xung đột Armenia – Azerbaijan, Moskva đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Yerevan, trong đó có “cung cấp những vũ khí mà chúng tôi không dám mơ đến”, đồng thời chỉ trích Thủ tướng Pashinyan quá chậm trễ trong việc kêu gọi sự hỗ trợ từ Nga.
Cựu tổng tham mưu trưởng Armenia khẳng định hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 Nga giúp quân đội nước này làm gián đoạn hoạt động của phi đội UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho Azerbaijan trong suốt 4 ngày, đồng thời thừa nhận Yerevan đã phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-E vào lãnh thổ Azerbaijan.
Bộ Quốc phòng Armenia chưa bình luận về những thông tin do tướng Hakobyan công bố.
Tướng Kakobyan (phải) trong cuộc họp báo hôm 19/11. Ảnh: Sputnik .
Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát hôm 27/9 tại khu vực Nagorno-Karabakh và kéo dài nhiều tuần khiến hàng nghìn người chết và buộc nhiều người phải di tản. Các bên tham chiến đồng ý chấm dứt xung đột hôm 10/11 trong thỏa thuận do Nga làm trung gian. Thủ tướng Armenia đã gọi đây là “thỏa thuận cay đắng” khi nước này phải trả lại nhiều khu vực kiểm soát cho Azerbaijan.
Theo thỏa thuận ngừng bắn, Armenia trả lại 15-20% lãnh thổ Nagorno-Karabakh, nơi Azerbaijan giành lại được sau nhiều tuần giao tranh, trong đó gồm thành phố Shusha. Quân đội Nga sẽ duy trì 1.960 binh sĩ, 90 xe thiết giáp và 380 xe cơ giới dọc tuyến biên giới Armenia – Azerbaijan tại vùng xung đột, cũng như hành lang giao thông nối Nagorno-Karabakh với lãnh thổ Armenia.
Chủ tịch quốc hội Armenia bị đánh bất tỉnh
Người biểu tình tràn vào đập phá dinh Thủ tướng và nghị viện Armenia, đánh bất tỉnh Chủ tịch quốc hội sau thỏa thuận ngừng bắn "đau đớn" với Azerbaijan.
Hàng trăm người Armenia xuống đường biểu tình sau khi Thủ tướng Nikol Pashinyan thông báo đã ký "thỏa thuận đau đớn" về Nagorno-Karabakh với Azerbaijan hôm 11/10. Họ xông vào đập phá dinh thự của Pashinyan, giật bảng tên của Thủ tướng Armenia khỏi cửa văn phòng và hô lên rằng "Nikol đã phản bội chúng ta".
Cảnh sát không can thiệp khi đám đông, trong đó có nhiều cựu binh mặc quân phục dã chiến, xông vào các căn phòng trong dinh thự, la hét trong giận dữ.
Người biểu tình sau đó tràn vào bên trong tòa nhà quốc hội Armenia, đập phá đồ đạc và ẩu đả với các nghị sĩ. Chủ tịch quốc hội Ararat Mirzoyan bị mắc kẹt trong đám đông bạo lực và bị những người biểu tình đánh đến bất tỉnh.
Người biểu tình đòi gặp Thủ tướng Pashinyan, chất vấn rằng "ai cho ông ta quyền ký thỏa thuận", số khác yêu cầu trao lại quyền lực nhà nước cho Bộ Tổng tham mưu Armenia.
Người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội Armenia tại thủ đô Yerevan, ngày 11/10. Ảnh: AP.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Armenia với Azerbaijan và Nga có hiệu lực từ 1h ngày 10/11 (4h ngày 10/11 giờ Hà Nội), chấm dứt 6 tuần giao tranh ác liệt khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại vùng xung đột Nagorno-Karabakh. Thông báo được đưa ra sau khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm 8/11 tuyên bố nước này đã kiểm soát thành phố Shusha tại Nagorno-Karabakh.
Nga đã triển khai lữ đoàn gồm 1.960 binh sĩ đến vùng xung đột Nagorno-Karabakh làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và giám sát lệnh đình chiến giữa Armenia với Azerbaijan.
Các quân nhân này thuộc biên chế Lữ đoàn Bộ binh cơ giới số 15 của Quân khu Trung tâm, sở chỉ huy chiến dịch được thiết lập ở thủ phủ Stepanakert của vùng Nagorno-Karabakh.
Vị trí thành phố Shusha. Đồ họa: Guardian.
Armenia và Azerbaijan từng ba lần đồng ý ngừng bắn vì lý do nhân đạo, nhưng chưa từng ký thỏa thuận chấm dứt xung đột và các lệnh ngừng bắn đều nhanh chóng bị phá vỡ ngay sau khi có hiệu lực.
Pháo vẫn nổ ở Nagorno-Karabakh bất chấp nỗ lực hòa giải của Mỹ Tên lửa và đạn pháo tiếp tục nhắm vào các khu dân cư sau khi Mỹ tiếp đón các nhà ngoại giao của Armenia và Azerbaijan để đàm phán giải quyết xung đột giữa 2 nước. Trận pháo kích dữ dội buộc người dân tại thủ phủ Stepanakert của vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh phải di chuyển tới nơi trú ẩn. Chính...