Tuồn gần 600 triệu đồng tiền giả về Việt Nam
Trong một ngày, Công an Lạng Sơn đã liên tiếp thu hơn nửa tỷ đồng tiền giả mệnh giá 500.000, 200.000 đồng được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.
Chiều 15/6, tại huyện Văn Lãng, Công an Lạng Sơn phối hợp với Hải quan Tân Thanh phát hiện Ngô Văn Bình (47 tuổi) đang vận chuyển tiền giả về Việt Nam bằng xe máy.
Tổ công tác thu 200 triệu tiền giả loại mệnh giá 200.000 đồng, có nhiều số sêri trùng nhau. Khám nơi ở của Bình, cảnh sát thu thêm nhiều bạc giả cùng 54 viên đạn, một hộp tiếp đạn.
Hoàng Văn Thành cùng tang vật vụ án. Ảnh: Anh Minh.
Cũng trong ngày 15/6, tại huyện Lộc Bình, cảnh sát đã bắt quả tang Hoàng Văn Thành (25 tuổi) mang bên người gần 400 triệu đồng tiền giả (mệnh giá 500.000 và 200.000 đồng). Thành khai, sáng cùng ngày anh ta xuất cảnh trái phép sang chợ Ái Điểm (Trung Quốc) để mua tiền giả mang về Việt Nam tiêu thụ.
Đầu năm đến nay, Công an Lạng Sơn đã phát hiện hơn 20 vụ tuồn tiền giả về Việt Nam, thu giữ hơn 2 tỷ đồng. 35 người tham gia đã bị bắt.
Video đang HOT
Theo VNExpress
2 mẹ con và đường dây lưu hành tiền giả
Nguyễn Tài Tuệ và Nguyễn Thị Nguyệt
Hết tiền, anh Ngô Sỹ Đồng (trú TT Đồng Lê, H. Tuyên Hóa, Quảng Bình) đến quầy bán hàng của Nguyễn Thị Nguyệt (1964, trú tiểu khu 2, TT Đồng Lê), cầm cố 1 giấy phép lái xe để vay 100.000 đồng. Sau khi nhận được tiền từ Nguyễn Thị Nguyệt, anh Đồng đi đổ xăng và dùng tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng mà Nguyệt đưa để thanh toán thì nhân viên cửa hàng bán xăng dầu xác định đó là tiền giả.
Từ một sự việc đáng ngờ
Phát hiện tiền giả, anh Đồng mang tờ tiền giả đến gặp Nguyệt để yêu cầu được đổi lại. Sau một hồi thanh minh, biện luận..., Nguyệt đã mượn của chị Nguyễn Thị Ngọc (bạn hàng ở chợ Đồng Lê) 100.000 đồng đưa cho anh Đồng và cầm lại tờ tiền giả. Hôm đó là ngày 1-1-2010.
Mọi người chưa hết ngạc nhiên vì chuyện một chủ quầy hàng khá lớn như Nguyệt phải "vay" 100.000 đồng để đổi tiền giả thì sáng 2-1, anh Phạm Minh Lịch (trú khu phố 1, TT Ba Đồn, H. Quảng Trạch, Quảng Bình) đến gặp Nguyệt, yêu cầu đổi lại những tờ tiền giả trong số 6.300.000 đồng mà Nguyệt dùng thanh toán tiền hàng cho anh Lịch.
Sau đó, còn rất nhiều trường hợp khác khi giao dịch, vay mượn, thanh toán tiền bạc với Nguyễn Thị Nguyệt đều phát hiện trong số tiền giao dịch có cả tiền thật lẫn tiền giả. Trưa 6-1, Nguyệt đã cho em chồng là Phạm Thị Thanh (trú tiểu khu 1, TT Đồng Lê) vay số tiền 5 triệu đồng. Chiều 6-1, chị Thanh đưa 8,5 triệu đồng (trong đó có 5 triệu đồng vay của Nguyệt) cho con gái là Nguyễn Thị Khánh Trang đến nộp tiền lãi cho Ngân hàng NN&PTNT H. Tuyên Hóa, nhân viên ngân hàng phát hiện trong số tiền mà Nguyễn Thị Khánh Trang đến nộp có 2,7 triệu đồng (gồm 6 tờ loại mệnh giá 200.000 đồng và 15 tờ mệnh giá 100.000 đồng) là tiền giả nên đã lập biên bản thu giữ.
Khi ngân hàng thu giữ số tiền giả đó, Khánh Trang vội báo tin cho mẹ nên chị Thanh lật đật chạy đến tìm Nguyệt, hỏi vay tiếp 3 triệu đồng để bù vào số tiền 2,7 triệu đồng mà ngân hàng đã thu giữ, "kẻo đã quá hạn trả lãi, chị cố giúp em". Đánh hơi thấy có chuyện chẳng lành, Nguyệt lấy 3 triệu đồng đưa cho chị Thanh. Khi kiểm tra, đó là 3 triệu đồng... tiền thật!
Vào cuộc
Nhận được tin báo của Ngân hàng NN&PTNT H. Tuyên Hóa, CAH Tuyên Hóa khẩn trương xác minh và báo cáo cho lãnh đạo CA tỉnh. Ban Giám đốc CA tỉnh giao nhiệm vụ cho Phòng ANĐT CA tỉnh phối hợp CAH Tuyên Hóa điều tra làm rõ vụ án.
Cuộc đấu tranh trực diện với Nguyễn Thị Nguyệt không phải là đơn giản. Để khai thông các đường ngầm bế tắc, lực lượng phá án đã phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm và thu được nhiều kết quả có giá trị phục vụ cho việc phá án. Những người từng vay mượn, buôn bán với Nguyệt sẵn sàng cung cấp những số liệu, thời gian, ngày tháng nhận tiền giả từ tay Nguyệt. Vừa cảm hóa giáo dục, vừa tiếp tục điều tra xác minh, chuyển hóa tài liệu của TS thành chứng cứ và biết bao công việc, biết bao chuyến công án xác minh ngoại tỉnh..., cuối cùng lực lượng điều tra có thể dựng lên chân dung vụ án như sau:
... Năm 2008, trong lúc trà dư tửu hậu, Phạm Nam Sơn (1985, trú tiểu khu 1, TT Đồng Lê - con trai thứ 2 của Nguyễn Thị Nguyệt, bị can trong cùng vụ án) đã hỏi Vũ Đình Kiển (1970, quê Nghĩa An, Nam Trực, Nam Định, tạm trú tiểu khu 2, TT Đồng Lê): "Anh có biết ai ngoài Nam Định bán tiền giả không? Em muốn mua một ít về tiêu thụ".
Sự việc bắt đầu từ đó, nhưng phải đến tháng 12-2009, vụ án "buôn bạc giả" mới được khởi động. Khi về quê ở Nam Trực, Nam Định, nhớ lời Sơn dặn, Kiển hỏi người bạn là Phạm Văn Khương: "Có biết ai buôn hàng Trung Quốc có tiền giả không, tôi có đứa em cùng quê vợ muốn mua". Khương gọi điện cho Nguyễn Tài Tuệ (1976, trú Nam Toàn, Nam Trực, Nam Định) hỏi: "Anh có tiền giả không, có người ở Quảng Bình cần mua". Tuệ ngần ngừ một lúc rồi trả lời là có, nhưng phải xem là người thế nào đã thì mới "chọn mặt gửi... bạc giả"!
Sau khi "tín chấp", Kiển gọi điện báo tình hình cho Sơn. Đã nóng lòng từ lâu nên Sơn "nhảy tàu" ra Bắc ngay, đến 15 giờ ngày 20-12-2009 thì có mặt ở ga Nam Định. Kiển đến đón Sơn và trên đường về xã Nghĩa An, H. Nam Trực, Kiển - Sơn vào một quán cà-phê dọc đường rồi gọi Khương đến cùng uống nước. Trong lúc uống nước, Khương gọi điện cho Tuệ và được Tuệ hẹn gặp tại quán nước ven đường S2 đầu xã Nghĩa An. Qua trò chuyện, Tuệ và Sơn đã làm quen với nhau, nhưng cũng phải mất mấy lần Sơn hẹn gặp và gặp hụt, Tuệ mới đồng ý tiếp tục gặp gỡ, trao đổi, cò kè về giá cả.
Cuối cùng, khoảng ngày 27 đến 28-12-2009, Tuệ đồng ý bán cho Sơn giá 380.000 đồng tiền thật lấy 1 triệu đồng tiền giả. Khi hỏi lúc nào có và giao tiền ở đâu, Tuệ bảo: "Tôi đi Đông Hà, Quảng Trị sẽ mang vào luôn". Sơn đồng ý mua 30 triệu đồng tiền giả và cả hai thống nhất gặp nhau lúc 15 giờ ngày 31-12-2009 ở ngã tư Quảng Thọ (đoạn QL1A đi qua địa bàn H. Quảng Trạch). Tại một quán phở ven đường, chúng bí mật thực hiện "phi vụ buôn bạc giả". Sơn đưa 11,4 triệu đồng cho Tuệ, tiếp đến Tuệ bỏ 30 triệu tiền giả vào cốp xe của Sơn, rồi cả hai chia tay.
Khi được con trai đưa tiền giả, biết là phạm pháp nhưng Nguyệt đã nhận khoảng 18 triệu đồng và trong một thời gian ngắn, bằng cách thanh toán tiền hàng và cho vay, Nguyệt đã lưu hành được 14,2 triệu đồng tiền giả. Sau khi bị phát hiện, Nguyệt đã đưa 3 triệu đồng tiền giả còn lại cho Sơn cùng 12 triệu đồng tiền giả còn lại để Sơn đốt nhằm tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho CQĐT.
Ngày 28-6, Cơ quan ANĐT CA tỉnh Quảng Bình đã có Kết luận điều tra số 06/KLĐT vụ án "Phạm Nam Sơn cùng đồng bọn tàng trữ, lưu hành tiền giả", chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND tỉnh, đề nghị truy tố bị can Phạm Nam Sơn và Nguyễn Tài Tuệ về tội "Tàng trữ, lưu hành tiền giả", bị can Nguyễn Thị Nguyệt về tội "Lưu hành tiền giả". Điều cần nói thêm rằng, Tuệ còn gửi 4 triệu đồng tiền giả cho Nguyễn Văn Thu (ở TT Bảo Lộc, Lâm Đồng) qua xe khách BKS 49H-8441. Khám xét nơi ở của Tuệ, CQĐT còn thu được 1 bộ quân hàm cấp Trung tá CAND, 2 áo bông thu đông, 1 cà-vạt của lực lượng ANND. Điều này cho thấy rất có thể Tuệ là một tên buôn tiền giả cáo già. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi có thêm thông tin.
Điều 180 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam quy định mức phạt tù của tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả thấp nhất là 3 năm, cao nhất là tử hình. Đây là mức án nghiêm khắc thích đáng dành cho những kẻ xâm hại nghiêm trọng đến công tác quản lý, lưu hành tiền tệ của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cộng đồng xã hội, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư và còn biết bao hệ lụy khác. Dư luận đang trông chờ một bản án đủ tính nghiêm khắc để dành cho bọn tội phạm tàng trữ lưu hành tiền giả, nhằm răn đe giáo dục chung.
Theo CADN