Tuổi trẻ Thủ đô kiên định với lý tưởng, con đường cách mạng
Nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I. Lê-nin (22/4/1870 – 22/4/2020), ngày 22/4, Đoàn thanh niên thành phố Hà Nội đã đến dâng hoa tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại Lê-nin tại Tượng đài V.I. Lê-nin (quận Ba Đình, Hà Nội).
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt dâng hoa tại Tượng đài V.I. Lênin. Ảnh: TTXVN phát
Trước Tượng đài V.I. Lê-nin, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt đã bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của V.I. Lê-nin, nhà lý luận chính trị kiêt xuât, vị lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới; người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa; người sáng lập Nhà nước Xô Viết – Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, V.I. Lê-nin có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc. V.I. Lê-nin đã để lại cho nhân loại tiến bộ một kho tàng di sản to lớn ở cả phương diện thực tiễn hoạt động cách mạng và lý luận tư tưởng.
Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Người là dịp để tuổi trẻ Thủ đô cùng nhau ôn lại những dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của vị lãnh tụ kiệt xuất. Đồng thời đoàn viên, thanh niên thành phố Hà Nội khẳng định sự quyết tâm, kiên định thực hiện lý tưởng và con đường cách mạng vô sản của V.I. Lê-nin cũng như Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để góp phần xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh
Video đang HOT
Dâng hoa tại Tượng đài V.I. Lê-nin vào mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh của Người là hoạt động thường niên được Thành Đoàn Hà Nội tổ chức, thể hiện lòng thành kính tri ân tới nhà lãnh đạo, nhà lý luận chính trị kiệt xuất và là vị lãnh tụ xuất sắc của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới. Năm nay, thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch COVID-19, quy mô và nghi lễ của chương trình đã được điều chỉnh cho phù hợp.
Thành đoàn Hà Nội dâng hoa tại Tượng đài V.I. Lê-nin nhân kỷ niệm 150 Ngày sinh của Người (22/4/1870 – 22/4/2020). Ảnh: TTXVN phát
Đến thăm và dâng hoa tưởng nhớ tại Tượng đài V.I. Lê-nin vào đúng dịp kỷ niệm ngày sinh của Người, đảng viên trẻ Nguyễn Mai Anh (Ban Tuyên giáo – Thành Đoàn Hà Nội) chia sẻ: Tôi tự hào khi vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, được đứng trong hàng ngũ những người Cộng sản. Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I. Lê-nin, chúng ta cùng nhau ôn lại những tư tưởng, dấu ấn của vị lãnh tụ vị đại này. Là một đảng viên trẻ, tôi tự nhủ bản thân phải đứng vững và thấm nhuần lập trường của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của hai vị lãnh tụ vĩ đại, chung tay đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động và vững vàng hội nhập quốc tế. Đồng thời, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng và phải luôn “làm gương cho quần chúng lao động thấy một mẫu mực về lòng trung thành đối với lợi ích của những người lao động” – như lời V.I. Lê-nin.
Nói về vị lãnh tụ cộng sản V.I. Lê-nin, bạn Minh Anh – đoàn viên Đoàn Thanh niên Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Thế hệ chúng em chỉ được biết đến Lê-nin qua các tài liệu, sách báo, phim ảnh… Đối với cá nhân em, hình ảnh V.I. Lê-nin là một vị lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Em mãi ghi nhớ, học tập là làm theo câu nói của Người: “Học, học nữa, học mãi”.
Chị Nguyễn Thị Minh Thúy (cán bộ chuyên trách công tác Đoàn của Học viện Phụ nữ Việt Nam) chia sẻ: Thời gian gần đây, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, Đoàn Thanh niên của Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức cho các đoàn viên, thanh niên đến thăm Tượng đài V.I. Lê-nin ở quận Ba Đình, Hà Nội. Chúng tôi nhận thấy đây là hình thức sinh hoạt chính trị rất có ý nghĩa với thế hệ trẻ, là cơ hội để các bạn đoàn viên, thanh niên ôn lại truyền thống cách mạng; tìm hiểu, trao đổi với nhau về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga hào hùng và vị lãnh tụ lỗi lạc V.I. Lê-nin.
Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng, đường lối của V.I. Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Đối với cách mạng Việt Nam, tầm quan trọng của tư tưởng V.I. Lê-nin càng được khẳng định: Soi đường, dẫn lối cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần tiến tới cách mạng thành công, thống nhất đất nước và tiến tới xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn mình.
Linh Anh
Chủ nghĩa Lênin với con đường cách mạng Việt Nam
Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Là nhà mácxít trung thành của chủ nghĩa Mác, V.I. Lênin đã kế thừa và phát triển học thuyết khoa học và cách mạng của Mác vào hoàn cảnh cụ thể của nước Nga thời kỳ đế quốc chủ nghĩa.
Lênin tại Đại hội 3 Quốc tế Cộng sản tiến hành vào tháng 6 năm 1921. Ảnh: TƯ LIỆU
Lênin sáng lập và lãnh đạo Đảng Bônsêvích Nga, thực hiện thành công Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Sự kế thừa và đóng góp phát triển chủ nghĩa Mác của Lênin thể hiện tập trung ở các luận điểm:
Một là, về vai trò của đảng cầm quyền trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lênin khẳng định rằng, trong hệ thống chính trị chuyên chính vô sản, Đảng luôn giữ vai trò lãnh đạo. Không có sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản, của quần chúng nhân dân lao động sẽ không thể thành công. Sự lãnh đạo của Đảng định hướng cho toàn bộ hệ thống chuyên chính vô sản trên cơ sở một lập trường chính trị đúng đắn, phục vụ cho lợi ích của giai cấp vô sản, cũng là lợi ích của đại đa số nhân dân lao động.
Hai là, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Lênin khẳng định rằng, bộ máy nhà nước trong tay giai cấp vô sản chính là điều kiện tiên quyết của văn minh để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bộ máy nhà nước này là một công cụ sắc bén để giai cấp vô sản sử dụng nhằm thực hiện những mục tiêu lý tưởng của mình, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, công bằng, văn minh cho đại đa số nhân dân. Tuy không sử dụng thuật ngữ "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" nhưng quan điểm của Lênin về việc xây dựng bộ máy nhà nước của giai cấp vô sản, việc sử dụng có hiệu quả bộ máy nhà nước đó để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng chứa đựng những nội dung cơ bản của khái niệm này, có giá trị định hướng cho chúng ta trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Ba là, tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân tiến hành xây dựng chế độ mới, xã hội chủ nghĩa. Theo Lênin, để tập hợp và tổ chức quần chúng muôn người như một tham gia công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cần chú ý những điểm: tiến hành công tác giáo dục tư tưởng, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng; tiến hành công tác tổ chức, tập hợp lực lượng nhân dân lao động; bảo đảm những lợi ích cho quần chúng nhân dân lao động trong suốt quá trình tiến hành cách mạng, những thành quả của cuộc cách mạng phải thuộc về nhân dân.
Là người Việt Nam yêu nước, trên đường tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin bắt đầu từ khi đọc và hiểu bản Sơ thảo lần thứ nhất Những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Nghiên cứu Luận cương của Lênin, Người khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Từ những năm 20 của thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào Việt Nam. Người có công truyền bá, đào tạo và gieo hạt giống đầu tiên của hệ tư tưởng cách mạng và khoa học ấy vào Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Người đã dày công chuẩn bị trực tiếp những tiền đề lý luận, tư tưởng, tạo ra bước ngoặt trong cách mạng Việt Nam, đánh dấu bằng sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) mà Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng là cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Từ đó, Đảng mới đề ra được đường lối chiến lược đúng, mới có được năng lực xác định phương hướng, tìm ra bước đi, vạch được phương pháp cách mạng và vận dụng nghệ thuật lãnh đạo một cách khoa học qua mỗi thời kỳ lịch sử. Chính vì chủ nghĩa Mác - Lênin được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng uyển chuyển, sáng tạo mà cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác - những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, của công cuộc tìm đường khai phá đầu tiên chưa có tiền lệ trong lịch sử, để đưa một đất nước lạc hậu, kém phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, có một số người nhận định không đúng về mục tiêu và con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân Việt Nam đã chọn. Có một số ý kiến cho rằng, Hồ Chí Minh đã chọn sai, và theo họ hệ lụy của việc đó khiến cho đất nước Việt Nam lâm vào nhiều cuộc chiến tàn khốc không cần thiết; rằng, vì mục tiêu và con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn không đúng, cho nên đất nước Việt Nam mới tiến chậm trong khi tiềm lực, tiềm năng của đất nước rất lớn, nếu chọn đúng mục tiêu và con đường (theo họ là mục tiêu và con đường tư bản chủ nghĩa) thì dân tộc Việt Nam sẽ sớm sánh vai với các cường quốc năm châu...
Thực tế ngay từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã kiểm nghiệm tất cả các mục tiêu và con đường phát triển. Các phong trào đó thất bại nhanh chóng, thất bại không phải chỉ vì Việt Nam chỉ có vũ khí thô sơ, phương pháp tác chiến thua kém so với sức mạnh xâm lược Pháp, mà chủ yếu thất bại là do các phong trào yêu nước đó không đi đúng đường.
Xu thế mới - đó là con đường theo cách mạng vô sản, mục tiêu và con đường mà lý luận Mác và Lênin nêu lên, là nằm ở giai cấp công nhân, giai cấp đứng trung tâm của thời đại. Như vậy, sự phủ nhận mục tiêu và con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn chính là sự phủ nhận chủ nghĩa Lênin, là sự vào hùa cùng các thế lực thù địch muốn đả kích, xuyên tạc lý luận Mác - Lênin, muốn "hạ bệ" Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lý luận về chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn mang bản chất khoa học và cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức rõ điều đó, cho nên đã và đang làm hết sức mình loại bỏ những phần tử tiêu cực ra khỏi cơ thể Đảng và hệ thống chính trị nói chung; đã và đang khắc phục những hạn chế, yếu kém để đất nước phát triển nhanh và bền vững, sánh vai với các cường quốc năm châu như di nguyện của Người; bước tiếp con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam đã chọn như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin".
PGS-TS VŨ QUANG VINH Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tổ chức Cuộc thi online 'Hack Cô Vy' ứng phó với đại dịch Covid-19 Để đưa ra các giải pháp sáng tạo ứng phó với đại dịch Covid-19, Thành đoàn Hà Nội và tổ chức thúc đẩy đổi mới công nghệ AngelHack, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP đã phát động cuộc thi online hackathon \'Hack Cô Vy\'. Cuộc thi "Hack Co Vy" nhằm đưa ra các giải pháp sáng tạo ứng phó với dịch...