Tuổi thọ webgame – Bài toán nan giải tại Việt Nam
Mới du nhập vào thị trường Việt Nam không lâu nhưng webgame đã nhanh chóng đặt ra bài toán về tuổi thọ của mình cho tất cả các NPH cũng như game thủ trong nước.
Càng ngày số lượng các sản phẩm webgame cập bến Việt Nam càng tăng lên, nếu như cuối năm 2008 xu hướng này mới “rục rịch” ra mắt người chơi thì trong suốt năm 2009, thế giới ảo trên trình duyệt đã san bằng khoảng cách với cả hai ông lớn Casual và MMOFPS. Thậm chí năm 2010 sẽ còn chứng kiến nhiều ứng viên mới chào đời hơn nữa.
Nghe qua, có vẻ như lĩnh vực webgame là “bến đậu an toàn” cho các NPH với chi phí vận hành thấp, giá cả “vừa túi” và đa dạng về thể loại. Tuy nhiên không phải con đường nào cũng được trải thảm hồng và bài toán tuổi thọ dành cho thể loại này chắc chắn sẽ làm đau đầu nhiều doanh nghiệp lẫn game thủ, lý do vì sao?
Những hạn chế cố hữu…
Vẻ bóng bẩy, thế giới bao la trong các tựa game nhập vai đâu rồi?
Với đặc điểm được thiết kế để chạy trên trình duyệt nên các webgame chắc chắn sẽ không thể có được chiều sâu trong cốt truyện như những đối thủ thuộc thế giới nhập vai RPG hay sôi động như các đại diện FPS.
Thêm vào đó, với việc hoạt động trên nền web nên sẽ rất khó để yêu cầu webgame có đồ họa mượt mà và chi tiết. Chính với những yếu tố này nên các webgame đa phần đều trung thành với lối chơi “xây nhà, mua quân”.
Video đang HOT
Giao lưu – một phần tất yếu của game online.
Điểm đáng chú ý tiếp theo là sự tương tác của người chơi trong game bị hạn chế không nhỏ. Ai cũng hiểu rằng, một trong những lý do chính để các game thủ đến với thế giới ảo là mong muốn được kết bạn.
Tuy vậy, điều oái ăm là đại đa số các webgame hiện tại đều sở hữu hệ thống chat không được hoàn hảo cho lắm, hình thức giao tiếp chủ yếu vẫn bằng thư từ nên phần nhiều người chơi cảm thấy chưa đủ “ép phê”, nhất là cộng đồng teen quen “chat chit” hiện nay.
Không phải ở đâu cũng có IE8 để… chơi webgame.
Ưu thế quyết định giúp webgame giành điểm trong mắt khách hàng là khả năng tiện dụng, chơi ở đâu cũng được miễn là có “mạng”, tuy vậy thế mạnh này vô hình chung lại khiến lĩnh vực mới gặp nhiều rủi ro, nhất là với hạ tầng máy móc tại các cửa hàng internet Việt Nam.
Phải biết rằng, các webgame hiện nay chủ yếu đều “khuyến cáo” người chơi sử dụng trình duyệt Internet Explorer 8 hoặc Firefox 3 với đầy đủ Java, Flash… nhưng sự thật là đa số các cửa hàng internet công cộng đều đang sử dụng phiên bản IE 5 khiến cho việc chơi game của game thủ bị hạn chế nhiều.
…Và các vấn đề nan giải khác
Có thể nói, việc webgame giành liên tiếp thắng lợi trong hơn 1 năm qua phần lớn là vì game thủ Việt mới tiếp xúc với các món ăn này lần đầu sau nhiều năm chìm đắm trong thế giới nhập vai. Họ tìm tới miền đất mới với sự tò mò hơn là yêu thích thực sự, dĩ nhiên vẫn có không ít người chơi coi webgame là nơi lý tưởng để dừng chân nhưng chưa thể thấm vào đâu so với số lượng giới trẻ đông đảo nước nhà.
Vì thế, khi các “thượng đế” khám phá hết mọi “ngóc ngách” thì cũng là lúc chỗ đứng của lĩnh vực này chao đảo. Minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định trên là hiếm khi tại diễn đàn dành cho webgame xuất hiện những bài “hướng dẫn chơi” như các sản phẩm khác.
Sự tương tác giữa người chơi với người chơi hạn chế khiến cho cộng đồng game thủ khó xích lại gần nhau hơn, thật khó để tìm được trong webgame cảm giác thân mật giữa các người chơi như ở các sản phẩm RPG hay cảm giác “tiêu diệt” đối thủ như trong các game FPS.
Để giải quyết việc này hình thức live chat (tương tự như Yahoo chat trên web) đã được thử nghiệm nhưng hiệu quả đạt được là không cao. Có lẽ, phải rất lâu nữa mới có giải pháp toàn diện cho vấn đề này.
VLTK “sống dai” nhờ những hoạt động đa dạng trong game.
Hạn chế về trình duyệt là hạn chế dễ khắc phục nhất và dần được xóa bỏ với việc các tiệm net nhận thấy trào lưu webgame và đang tiến hành nâng cấp trình duyệt. Hơn nữa, đối tượng người hơi chủ yếu của webgame là “dân văn phòng” và những người sở hữu máy tính cá nhân, họ có thể dễ dàng nâng cấp trình duyệt.
Và gần đây một giải pháp mới là việc sử dụng chương trình hỗ trợ người chơi (thực chất là một tình duyệt web đơn giản đã tích hợp đầy đủ tính năng) như game Lãnh Chúa đã làm.
Lãnh chúa cung cấp công cụ cho người chơi.
Tuy vậy, điểm quan trọng nhất khiến các webgame thường có “tuổi thọ” rất ngắn là sau khoảng thời gian đầu “đông đảo”, càng về sau càng ít có người chơi mới. Lý do giải thích cho việc này là những người tham gia trò chơi muộn hơn hầu như không có khả năng đuổi kịp những game thủ “đi trước”. Ngoài ra, trong các webgame có lối chơi “xây nhà, điều quân “game thủ rời bỏ trò chơi hầu hết do… “bị đánh tan tác” quá nhiều.
Lời giải nào hợp lý nhất cho bài toán tuổi thọ webgame?
Với những lý do trên, quả thật bài toán tuổi thọ của một webgame vẫn chưa tìm được đáp án chính xác. Hi vọng với kinh nghiệm dày dạn trận mạc trong hai năm vừa qua, các NPH trong nước sẽ có nhiều giải pháp để lĩnh vực này khẳng định chỗ đứng vững chắc của mình.