Tuổi thơ khốn khó của các MC nổi tiếng
Phan Anh từng rơi nước mắt trên truyền hình khi nhắc tới tuổi thơ cơ cực, phải sống trong căn nhà mái lá đơn sơ, tường trát bằng đất.
Phan Anh
Vốn là người kín tiếng trong chuyện đời tư, Phan Anh khiến không ít khán giả bất ngờ khi nhắc về tuổi thơ khó khăn trên sóng truyền hình.
Trong tập 2 chương trình thực tế Bố ơi! Mình đi đâu thế, khi các con phải đến từng nhà để xin nguyên liệu về làm bữa tối, còn các ông bố thực hiện nhiệm vụ tắm cho heo, Phan Anh nghẹn ngào tâm sự, hoàn cảnh này từng xảy ra với anh thời thơ ấu. Thậm chí, ngày xưa còn khó khăn hơn nhiều.
“Gia đình tôi từng sống trong căn nhà lợp mái lá đơn sơ, tường trát bằng đất. Những đêm mưa bão, căn nhà rung lên từng hồi. Ký ức ấy đeo đẳng tôi đến tận bây giờ. Đó cũng là động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống” – nam MC kể.
Việc trải qua quãng thời gian thơ ấu nhiều cơ cực khiến Phan Anh có sự mâu thuẫn đáng kể trong cách dạy con. Nam MC không muốn cho các con biết về quãng đời của mình và cố gắng để con lớn lên trong môi trường đầy đủ vật chất. Tuy nhiên, không vì thế mà anh nuông chiều con gái.
Phan Anh và con gái Bo đang tham gia chương trình Bố ơi! Mình đi đâu thế?.
“Tôi vừa mong con được hưởng một cuộc sống đầy đủ, trọn vẹn, nhưng cũng lại muốn con phải hiểu được cái thiếu thốn để nâng niu hơn những gì mình có” – Phan Anh chia sẻ.
Quyền Linh
Hiện tại, nhắc tới Quyền Linh, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ nghĩ ngay tới một diễn viên quen mặt trong các dự án phim truyền hình, MC tay ngang được yêu thích hay một sao Việt có gia đình hạnh phúc. Ít ai biết, anh từng trải qua những tháng ngày cùng cực, 23 tuổi vẫn còn nghèo khổ, lận đận.
Từ khi sinh ra, Quyền Linh đã không biết mặt cha. Ba mẹ con anh lầm lũi sống nuôi nhau. Cuộc sống của gia đình luôn thiếu thốn đủ bề. Đến khi mẹ Quyền Linh đi bước nữa, cả nhà MC lại càng thêm khó khăn khi tám miệng ăn phải sống chen chúc trong căn chòi giữa ruộng. Khi thi đỗ vào trường Sân khấu Điện ảnh và rời quê lên Sài Gòn, Quyền Linh phải làm đủ nghề từ giữ xe, chạy bàn, bơm hơi xe đạp cho đến lượm ve chai, lông vịt. Theo lời người dẫn chương trình Vượt lên chính mình, không có cái khổ nào trên đời anh chưa từng trải qua.
Quyền Linh luôn được yêu mến bởi sự giản dị và mộc mạc.
Tâm sự về khoảng thời gian đầy khó khăn khi đó, Quyền Linh bộc bạch, anh không nhớ nổi đã tủi phận bật khóc bao nhiêu lần trước cổng chợ mùa mưa. Anh từng có thời gian phải về quê làm ruộng nhưng nhanh chóng bỏ nhà ra đi vì hết gạo. Trở lại Sài Gòn, anh đi xin việc ở những đoàn nghệ thuật và đóng vai quần chúng đến nhẵn mặt, tới mức các đạo diễn dần từ chối giao vai “bé xíu” này cho anh bởi “mặt thằng này phim nào cũng có”.
Rồi may mắn cũng mỉm cười với Quyền Linh khi nghệ sĩ Kim Cường gọi anh thế vai một nhân vật phụ trong vở Lôi Vũ. Kể từ đó, cánh cửa đến với nghiệp diễn dần rộng mở. Những thành công sau này với hàng loạt vai diễn ấn tượng trong Khát vọng sống, Người Hà Nội, Đồng tiền xương máu, Gió qua miền tối sáng, Lục Vân Tiên… mới dần vực dậy được cuộc sống cũng như tinh thần của anh, là bước đà để tạo nên Quyền Linh của ngày hôm nay.
Video đang HOT
Nguyên Khang
Cũng giống như Phan Anh và Quyền Linh, một trong những MC đắt show của làng giải trí Việt hiện nay – Nguyên Khang – từng trải qua những ngày tháng tuổi thơ đầy vất vả.
Người dẫn chương trình X Factor kể, anh có thuở thơ ấu nhiều lo toan khi cả gia đình phải ở nhà thuê. Đó là một căn nhà nằm ngay bờ kênh, những lúc thủy triều lên, nước tràn vào nhà, anh em Nguyên Khang phải múc từng thau nước đen ngòm đổ đi, tránh không cho nước tràn vào bên trong.
Nguyên Khang từng sống cùng gia đình ở một xóm lao động nghèo, nơi mà trẻ em thích chơi hơn là đi học. Sợ các con bị ảnh hưởng, một thời gian sau mẹ anh quyết định chuyển nhà. Nguyên Khang bảo, lúc đó, gia đình anh đỡ phải ngửi mùi hôi thối bốc lên từ con kênh với rất nhiều rác thải vào những ngày hè nóng bức.
Ngay từ nhỏ, Nguyên Khang đã biết phụ mẹ đi chợ, lau nhà, rửa chén. Năm anh lên cấp 3, mẹ đổ bệnh, bố lại rời xa gia đình, mọi thứ trong nhà phải bán dần đi. Nguyên Khang trở thành người đàn ông duy nhất trong gia đình, dù mới 16, 17 tuổi.
Dẹp bỏ hết những ước mơ, cơ hội khi từng giành được học bổng đi học PTTH tại Mỹ cũng như đam mê về võ thuật, chơi đàn, nam MC tập trung lo cho việc học và gia đình.
“Có những ngày tôi túc trực bên giường bệnh, vừa cầm vở học thi, vừa phải đi mua cháo, dọn vệ sinh cho mẹ, tôi vẫn không sao quên được phút giây ấy. Những ngày Tết, có đoàn phát chẩn từ thiện đến bệnh viện, mẹ tôi được tặng chút quà bánh và ít tiền. Lúc ấy, tôi tự nhủ với lòng, lớn lên phải làm thật nhiều điều tốt, để có thể mang lại hạnh phúc cho nhiều người” – Nguyên Khang chia sẻ.
MC Nguyên Khang.
Dù cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, gia đình nghèo khó song Nguyên Khang vẫn học tập tốt và thi đỗ hai trường đại học. Sau khi quyết định theo ngành Vật lý, anh bắt đầu vừa đi học, vừa đi dạy kèm kiếm sống. Tiền kiếm được, anh đưa cho mẹ phân nửa để lo cho gia đình, số còn lại dằn túi. Học tốt, năm nào Nguyên Khang cũng nhận được khoảng 3-4 học bổng. Những khoản tiền này giúp ích cho anh rất nhiều trong cuộc sống.
Hiện tại, Nguyên Khang đã rẽ ngang và thành công trong vai trò người dẫn chương trình. Cuộc sống của anh và gia đình đã được cải thiện nhiều. Dẫu vậy, nam MC tâm sự, mỗi lần nghĩ lại quãng thời gian khó khăn tấm bé, đôi mắt lại đỏ hoe.
Thái Dũng
Sinh ra và lớn lên tại thủ đô, Thái Dũng theo học trường Cao đẳng Truyền hình Việt Nam, khoa đạo diễn. Tình cờ được mời đi casting MC cho một kênh truyền hình, Thái Dũng ngay lập tức trúng tuyển. Nhanh chóng nắm bắt được cơ hội và thể hiện tốt, chàng trai đến với công việc người dẫn chương trình một cách khá thuận lợi.
Liên tục xuất hiện trên các chương trình truyền hình của VTC,VOV…. nhưng Thái Dũng chỉ thật sự gây ấn tượng khi đảm nhận chương trình trên kênh truyền hình dành riêng cho giới trẻ RealTV của Đài truyền hình Việt Nam.
MC Thái Dũng.
Thái Dũng chia sẻ, gia đình anh có hai chị em, bố mẹ ngày trước làm công nhân cao su Sao Vàng. Sau khi về nghỉ mất sức, bố làm ở hợp tác xã, còn mẹ bán hàng ngay đầu ngõ. Chị gái hàng ngày đều phải lo bán hàng cùng mẹ, còn anh vì còn bé nên chỉ làm được lặt vặt.
Khi gia đình còn nhiều khó khăn, Thái Dũng từng nhìn các bạn cùng trang lứa ăn kem một cách thèm thuồng bởi số tiền 5 nghìn đồng để mua kem ốc quế lúc đó với gia đình anh là không nhỏ.
Năm Thái Dũng 13 tuổi, cuộc sống gia đình anh bắt đầu thay đổi đôi chút khi mở một tiệm bán bánh chưng, giò chả ở chợ Hôm với bà ngoại. Đó cũng là thời điểm nam MC có chiếc xe đạp đầu tiên. Dù chỉ là xe cũ mua lại của cậu nhưng Thái Dũng quý lắm, đi đâu cũng giữ khư khư, chỉ sợ mất.
Tới giờ, mỗi khi nhắc tới, Thái Dũng đều bảo, ngày xưa khổ lắm nhưng cũng phải biết ơn khoảng thời gian đó vì nhờ đó, nam MC có động lực để cố gắng hơn và chạm tới những thành công đầu tiên ở hiện tại.
Theo Zing
Nhặt phế liệu từ lớp 1, ba anh em chinh phục con đường học vấn
Nhà nghèo, mẹ bị tai biến liệt nửa người, bố bị thận, cuộc sống gia đình rất khó khăn nhưng ba anh em Lượng, Điền và Diện đều là những tấm gương điển hình về nghị lực vượt khó học giỏi.
Đến xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình hỏi thăm gia đình ba anh em Bùi Văn Lượng (SN 1991), Bùi Văn Điền (SN 1994), Bùi Thị Diện (SN 1997) không ai là không biết. Sinh ra trong một gia đình khó khăn nhưng ba em lại nổi tiếng trong xã không chỉ bởi tính tình ngoan ngoãn, chăm chỉ, mà còn là tấm gương vượt khó và hiếu học.
Hiện nay, ba anh em đều đang theo học ở Hà Nội. Người anh trai Bùi Văn Lượng hiện đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Xây dựng, Điền là sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, em gái Bùi Thị Diện đang theo học trường THPT chuyên Đống Đa, Hà Nội.
Ngoài việc đồng ruộng, ông Bùi Văn Lực còn tranh thủ đi bán xoong, nồi. Mỗi tháng thu nhập hơn 1 triệu đồng /Ảnh VTV
Mẹ bị tai biến, bố bị thận
Không may mắn như nhiều bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ của ba anh em Lượng, Điền và Diện gắn liền với những bữa cơm chỉ có cơm chan nước mắm, với những ngày rong ruổi trên khắp các con đường nhặt từng chai nhựa đem về bán lấy tiền đưa cho mẹ đong gạo.
Theo lời kể của Lượng, năm 1996, biến cố xảy đến với gia đình em khi mẹ bị tai biến mạch máu não. Năm 1998 căn bệnh ngày một nặng hơn khiến mẹ em liệt nửa người.
Từ khi mẹ ốm, cuộc sống gia đình em hoàn toàn đảo lộn. Vay mượn được tiền từ anh em bạn bè bố em lại bền bỉ đưa mẹ chạy chữa khắp nơi. Tài sản trong nhà có gì đáng giá đều được bán đi để lấy tiền chạy chữa cho mẹ.
Thế rồi biến cố lại một lần nữa ập đến gia đình em, khi di chứng từ căn bệnh tai biến mạch máu não của mẹ chưa phục hồi hoàn toàn thì bố em - người lao động chính trong nhà đổ bệnh. Căn bệnh suy thận khiến bố em phải chạy chữa thuốc thang từng bữa. Mỗi một lần chạy thận, gia đình em lại phải đi vay mượn để có tiền điều trị bệnh.
Trong ký ức của Lượng, có lẽ điều khiến ba anh em nhớ nhất là những bữa cơm trắng chỉ có nước mắm ăn kèm nhưng lúc đó cả nhà đều vui vẻ: "Ngày đó, bữa cơm của gia đình thường là ăn cơm chan với nước mắm, hôm nào được ăn cơm rang thì ba anh em đứa nào cũng thích", người anh cả Bùi Văn Lượng tâm sự.
12 năm liền Bùi Văn Điền đều là học sinh giỏi của trường
Nhặt phế liệu từ lớp 1 đến lớp 9
Những ngày mẹ ốm, Lượng ở nhà trông nom các em, đỡ đần mẹ. Học đến lớp 7, sức khỏe của mẹ dần ổn định, có thể làm được việc nhà, ngoài thời gian học trên lớp, Bùi Văn Lượng còn tranh thủ đi bán kem lấy tiền đóng học phí. Lên cấp 3, Lượng đi phụ hồ, rồi đi chở đất thuê lấy tiền. Với mỗi ngày phụ hồ Lượng nhận được 70 nghìn/ngày công, chở đất thuê 30 nghìn/ngày.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn nữa là người con trai lớn trong nhà nên đã có lúc Lượng muốn bỏ ngang con đường học hành để lao vào công việc, đỡ đần bố mẹ và các em. Tuy nhiên, mỗi lần như thế, bố mẹ, thầy cô lại động viên em cố gắng.
"Lúc đó bố em đang làm thuê trong Sài Gòn, mẹ thì bệnh nên ông ngoại là người thường xuyên đi họp phụ huynh cho em. Biết ý định nghỉ học của em nên cô thông báo với ông ngoại. Mỗi lần như thế, cả gia đình lại động viên em cố gắng học tập", Lượng cho biết.
Ngày Lượng nhận giấy báo nhập học trường Đại học Xây dựng cũng là ngày em nhìn thấy niềm vui trên khuôn mặt rạng rỡ của cả bố và mẹ. Để rồi em có thêm động lực, thêm ước mơ và hoài bão khăn gói lên Hà Nội nhập học.
Hai anh em Bùi Văn Lượng (bên phải) và Bùi Văn Điền
Kể về người em trai của mình, Lượng ngập ngừng một hồi rồi cho biết. Điền sớm cơ cực từ nhỏ, ngay từ học kỳ hai lớp 1 Điền đã theo anh trai đi nhặt phế liệu. Ngày nào cũng thế, sáng Điền đến trường, chiều về lại xách theo cái bao, em đi khắp nơi. Khi thì sang thị trấn, khi thì Nguyên Xá, có lúc đạp xe đến tận cầu Nghìn - nơi giáp ranh với Hải Phòng để nhặt.
Lớn hơn một chút, Điền đi làm cơ khí cho xưởng cơ khí gần nhà, rồi đi chở đất thuê lấy tiền đỡ mẹ: "Lên cấp 3 Điền xin đi làm cơ khí, rất nhiều lần em đi làm với cái bụng rỗng mà phải bê một tảng sắt 5 tạ chỉ với 4 người. Thương em mà không biết làm gì ngoài việc động viên nhau cố gắng hơn trong học tập", Lượng tâm sự.
Cô em gái út Bùi Thị Diện đang theo học cấp 3, trường THPT Đống Đa, Hà Nội. 11 năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Hai năm học vừa rồi Bùi Thị Diện đều nằm trong danh sách thi học sinh giỏi và được nhận học bổng của trường.
Trong suốt những năm học phổ thông ba anh em luôn là những người con ngoan của gia đình. Riêng Điền là một lớp trưởng gương mẫu, 12 năm liền là học sinh giỏi, đến năm cấp 3 em thôi không giữ chức với lý do... muốn giành thời gian đi làm thêm nhiều hơn. Năm học vừa qua Điền thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin trường Đại học quốc gia và được nhận học bổng của trường. Năm 2014, em tiếp tục đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội.
Ngoài thời gian học trên lớp, hai anh em Lượng và Điền đều tranh thủ đi làm thêm. Ngay từ năm nhất đại học, người anh cả Bùi Văn Lượng đã đi bưng bê trong nhà hàng, đi gia sư, khi thì làm công việc sơn tường nhà, hay đi phụ lắp ráp dây cáp điện.
Còn đối với Điền, hiện tại em đang đi dạy gia sư. Điền tâm sự: "Khi vào cao điểm, có tuần em dạy đến 5 buổi, còn bình thường em dạy 2 buổi/tuần. Nhờ có việc làm thêm mà lâu rồi em chưa xin tiền bố mẹ".
Hiện nay, mẹ của ba anh em đã có thể đi lại và làm việc tại một cơ sở thu mua phế liệu. Tuy nhiên, di chứng của căn bệnh tai biến khiến mẹ không còn nhanh nhẹn, khôn ngoan. Mẹ chỉ có thể làm những công việc chân tay, có tính chất lặp đi lặp lại. Còn bố vẫn túc tắc đạp xe quanh làng rao bán bán xoong nồi. Nói về mong ước sau này, hai anh em Lượng và Điền mong muốn bố mẹ mạnh khỏe để các em có thể yên tâm học tập.
"Bố mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe và yên tâm về chúng con, chúng con sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này có thể đền đáp công lao to lớn của bố mẹ", Bùi Văn Điền chia sẻ.
Theo infonet.vn