Tuổi thơ dấu yêu
Nhìn những đứa con nít nơi tôi sống đang chơi trò “nhún”, tôi thầm cười và nhớ lại chuyện ngày xưa. Ai lớn lên cũng có một tuổi thơ nhưng mỗi người mỗi khác nhau mà thôi.
Không có những con búp bê xinh đẹp, tóc vàng óng ả mà là một con búp bê được làm từ lá lục bình. Không có những con đường trải nhựa đi nóng đến rát chân mà là con đường đê nhỏ đất sần sùi, nhỏ bé hai bên là cỏ mồng gà và dế. Không có những cánh diều đủ màu sắc bay lượng trên không mà là con diều bằng giấy tập xé vội từ cuốn tập của tôi. Không có những bãi mía cao đến ngập đầu mà là những cánh đồng cò bay thẳng cánh… Tuổi thơ tôi đó với những dấu yêu ngày thơ cho dù đi bất cứ nơi đâu và bao giờ đi nữa tôi vẫn luôn yêu một cách thân thương hiền hoà. Những đứa con nít trong xóm mà tôi gọi là chị, là cô cứ nô đùa vô tư.
Là những buổi sáng được mẹ đánh thức bằng mùi khói thơm nồng chen lẫn mùi cơm gạo lúa mới. Chén cơm trắng ngọt ngào ăn vội để đi đến trường. Con đường nhỏ, vắng phía sau hè đưa tôi đến trường. Bước chân cứ thoăn thoắt không cần nhìn đường tôi cũng biết chỗ nào đất cứng nhất, chỗ nào mát rượi mà mềm mại. Hai bên đường luôn là những đều khám phá vừa quen vừa lạ với tôi. Với tay hái vội trái chuối chín cây, bụi rau sà lách còn xót lại sau mùa thu hoạch, cột vào cọng dây chuối khô, mang vào cổ vừa đi vừa hát líu lo như con chim sáo.
Mùa nắng những bụi nhãn lồng trái chín vàng ươm thơm ngát. Những con ong bầu cứ ve ve chờ hút mật hoa… lại chơi trò rượt đuổi. Cả đám lại chạy ào ào trên con đường nhỏ, cứ liêu xiêu tưởng chừng ngã…
Những buổi chiều nước trên con sông nhỏ trước nhà cạn queo, cả đám lại rủ nhau đi mò hến, bắt lương. Người bé xíu trầm nghịch dưới sình đen bóng ngời, để rồi bị mẹ lôi lên bờ đứng cạnh lu nước. Nước trong lu lạnh ngắt chảy dài từ trên đầu đến chân trôi đi những lớp sình đen kia. Vừa tắm mẹ vừa la mắng để rồi vài ngày lại đâu vào đó.
Video đang HOT
Những cây sắn to trái chín đen luôn mời gọi đám con trai trèo hái. Lại chia nhau, một nhóm leo lên cây một nhóm dưới đất ” canh ” khi nào nghe người lớn ra thì bảo nhau mà trốn. Chạy sao được khi mà đứa dưới đất chạy tót chui vào bụi chuối khi nghe tiếng ai rục rịch, đám trên cây im thinh thích không dám lên tiếng vì sợ bị phát hiện.
Thế đấy chứ làm sao mà không biết khi miệng đứa nào đứa nấy đen thui vì màu trái sắn chín… Lại bị một trận la. Kẻ khóc thúc thích vì bị vót cây vào đít. Tay khoanh tròn trước ngực hứa đủ đều…
Những buổi trưa nằm lim dim trên cái võng mà ba mắc vào dưới gốc hai cây nhãn. Lại tưởng tưởng “ước gì nhãn chín, ta há mồm ra. Nhãn chui tọt vào mồm không cần hái”… Tay cầm quyển sách mà mắt cứ nhíu nhíu như muốn ngủ.
Những buổi tối lại ngồi bên cạnh mẹ, tay cầm một cây quạt mo cứ đập đập vào lưng hù muỗi. Ngồi đó nghe mẹ và các dì, cô bác bàn chuyện mùa này làm gì, mùa tới làm gì. Nghe cứ nghe chứ chẳng bao giờ hiểu. Chốc chốc lại rủ chị Trân con bác hai chơi trò nhảy dây. Ánh sáng trăng không nhìn rỏ được cọng dây thun, cứ nhảy tọt ra ngoài rồi lại cười khanh khách. Lén chạy qua bên hiên nhà hái trái quýt xanh rồi lại hớt hãi chạy vào vì anh Hai nhát ma. Trái quýt chua lè ăn mà nhăn mặt vậy mà cứ lén hái xong rồi bỏ.
Đêm không ngủ lại lấy khăn “rằng” làm tóc dài vắt qua vai làm điệu bộ như công chúa ngày xưa, anh hai làm lính để cho công chúa lên vai ngôi. Lính giận đứng dậy công chúa té lăn quay khóc bù lu bù loa…
Những ngày hè sau mùa lá Đông Xuân lúa cắt sát rạt còn lại trơ trọi gốc rạ khô cằn thơm phức mùi lúa. Đất nứt nẻ, gió nhè nhẹ đám con nít chúng tôi lại thi nhau làm diều thả. Con diều nhỏ xíu xấu xí được cắt từ quyển tập cũ năm ngoái, cọng tre cong cong dược dán lại bằng vài hạt cơm nguội. Vậy mà diều bay cao căng cánh bay trên bầu trời xanh, thỉnh thoảng lại ú ớ vì dây diều mắc vào nhau đến kẹt cứng.
Lại ngồi trên bờ kiếm cỏ mồng gà chơi đá gà cỏ. Cọng cỏ có một cái đầu to là gà, hai đứa nắm hai cọng nhỏ quất vào nhau. Gà đứa nào gãy thì thua sẽ làm ” trâu “cho đứa kia cỡi đi một vòng.
Những con búp bê bằng lá lục bình được cắt lên, lựa những cọng nhỏ thon. Lá tướt nhỏ ra làm tóc, lấy một cây nhỏ vẽ mắt và mũi. Nhà nhỏ được dựng lên bằng vài tàu lá chuối, vài miếng lá được cắt ra để chơi đồ hàng.
Mùa nước nổi lại một hai đòi theo Tía đi văng lưới, ngồi ngay ngắn giữa chiếc xuồng nhỏ. Hai tay cứ cho xuống nước cố tình làm cho nước bắn tung toé lên để tôi gọi đó là cano lướt sóng. Cá dính trắng vào lưới, tôi không gỡ phụ mà cứ đưa ra lý do con sợ cá nó đâm”. Vậy nhưng tôi cứ đòi theo. Có lẽ chỉ để phá phách mà thôi. Một vài con rắn nứơc dính vào cong cong nhìn thấy là la oai oải vậy mà chiều đó lại ngồi gặm ăn ngon lành. Vì Tía đã lột da và nướng lên vàng ươm, thơm phức.
Thích nhất là hái bông điên điển và bông sua đũa. Tôi thích được là người hút mật của nó vào buồi sáng sớm mai. Một bông búp vừa bung cánh thứ nhất, bẻ ngang cuốn tôi cho vào miệng những giọt mật ngọt ngây làm mát rượi cuốn họng. Trưa đó sẽ có bửa canh chua bông sua đũa ngon lành mẹ nấu.
Giờ xóm tôi đã không còn như xưa nữa, những bờ đê được lót bằng xi măng, tráng nhựa. Những cánh đồng không còn diều nữa vì đám con nít bây giờ ngày hai buổi học. Thỉnh thoảng tôi chợt nhớ về tuổi thơ rồi mỉm cười lại, có một suy nghỉ trẻ con “ước gì tôi được trở về tuổi thơ”" để hoà mình vào những trò ngày xưa. Tôi lại gọi thầm “Tuổi thơ dấu yêu ơi, ta yêu mày lắm”.
Từ hiên nhà, nhìn qua bên kia đường những đứa con nít nơi tôi sống đang chơi trò “nhún”, tôi thầm cười và nhớ lại chuyện ngày xưa. Ai lớn lên cũng có một tuổi thơ nhưng mỗi người mỗi khác nhau mà thôi.
LÊ LAN
Theo PLXH