Tuổi tác ảnh hưởng như thế nào đến việc sinh con?
Sự chi phối của độ tuổi lên chức năng sinh sản của đàn ông và phụ nữ là không giống nhau. Tuy nhiên, độ tuổi 20-29 vẫn được xem là “giai đoạn vàng” để cả 2 giới nghĩ đến việc có con.
Con người có khả năng sinh sản khi bước sang tuổi dậy thì và khả năng này được hoàn thiện dần theo thời gian. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong độ tuổi 20-29 sẽ là khoảng thời gian cả 2 giới có khả năng sinh sản cao nhất.
Vì sự khác biệt về sinh lý học, sự chi phối của độ tuổi lên chức năng sinh sản của đàn ông và phụ nữ lại không như nhau. Theo đó, khả năng thụ tinh của đàn ông rất ít bị ảnh hưởng bởi tuổi tác. Thậm chí, phải đến khi bước sang tuổi lục tuần, số lượng và chất lượng tinh binh của đấng mày râu mới ghi nhận sự suy giảm đáng kể.
Ngược lại, chức năng này ở phụ nữ sẽ có dấu hiệu suy giảm dần khi bước sang tuổi 30 và hoàn toàn không thể thụ thai sau khi mãn kinh, cụ thể:
Độ tuổi 20-29
Video đang HOT
20-29 tuổi là thời kì chức năng sinh sản của phụ nữ thành thục và hoạt động tối ưu nhất. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, đây là thời điểm tốt nhất để mang thai ở phụ nữ. Không chỉ bởi tỉ lệ thụ thai là cao nhất, mà trong độ tuổi này, số lượng trứng chất lượng cao hiện hữu trong cơ thể cũng đạt đỉnh, từ đó giúp các rủi ro khi mang thai được giảm đến mức tối đa.
Độ tuổi 30-39
Chức năng sinh sản của phụ nữ sẽ bắt đầu có dấu hiệu suy giảm trong giai đoạn này. Đặc biệt, kể từ sau tuổi 35 chức năng sinh sản sẽ giảm sâu.
Một người phụ nữ được sinh ra với khoảng 1 triệu trứng nhưng khi bước sang tuổi 37, họ chỉ còn khoảng 25.000 quả. Theo thống kê, 1 người phụ nữ 30 tuổi khỏe mạnh sẽ có khoảng 20% cơ hội thụ thai mỗi tháng (mỗi chu kì kinh nguyệt). Tuy nhiên, ở tuổi 40, cơ hội làm mẹ giảm xuống còn 5% cho mỗi chu kì.
Rủi ro trong quá trình mang thai như sẩy thai hoặc thai nhi gặp các hội chứng về gen, cũng lớn dần lên sau khi phụ nữ bước sang tuổi 35. Về phía sản phụ cũng đối mặt với nguy cơ gặp các biến chứng thai kì như: tiểu đường, cao huyết áp…
Từ 40 tuổi trở đi
Từ 40 tuổi trở về sau, khả năng mang thai tự nhiên của phụ nữ bị giảm đáng kể, chủ yếu là do sự suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng của trứng. Cùng với đó, những quả trứng càng già lại càng có nhiều rủi ro tiềm ẩn những vấn đề liên quan đến nhiễm sắc thể, đồng nghĩa với việc khả năng trẻ bị dị tật bẩm sinh cũng sẽ cao hơn. Ngoài ra, còn một số rủi ro khác như: cân nặng của trẻ mới sinh thấp, sinh non hoặc thai chết lưu (thai nhi chết trong hoặc sau 20-28 tuần của thai kì).
Độ tuổi không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Theo thống kê, khoảng 12-13% các cặp đôi ở Mỹ gặp vấn đề trong việc mang thai không liên quan đến độ tuổi. Đối với các trường hợp này, tình trạng sức khỏe chính là nguyên nhân hàng đầu.
Ở phụ nữ, hội chứng buồng trứng đa nang và bệnh lạc nội mạc tử cung là 2 vấn đề sức khỏe điển hình, làm giảm khả năng mang thai. Đối với nam giới, béo phì, tác động của thuốc lá, rượu bia, môi trường làm việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại… cũng sẽ làm giảm số lượng và chất lượng của tinh trùng.
Số lượng, chất lượng trứng giảm mạnh sau 35 tuổi
Tuổi người phụ nữ có liên quan mật thiết đến khả năng có thai. Tuổi càng cao, khả năng này càng thấp.
Ảnh minh họa: Daily Sabah
ThS.BS Lê Thị Minh Châu - trưởng khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - cho biết ở phụ nữ từ 35 tuổi trở lên khả năng dự trữ (chất lượng và số lượng) buồng trứng suy giảm. Nếu điều trị càng muộn, hiệu quả điều trị càng thấp, chi phí cao hơn so với những phụ nữ dưới độ tuổi 35.
Về các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện nay, ThS Giang Huỳnh Như - phó trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM) - cho hay có thể giúp người phụ nữ cải thiện tỉ lệ có thai. Tuy nhiên, nếu tuổi sinh càng cao, việc này càng trở nên khó khăn hơn vì trứng sẽ chết dần theo "chương trình" và thời gian.
Cụ thể, phụ nữ nhiều trứng nhất là khi ở trong bụng mẹ với số lượng trứng khoảng 6 - 7 triệu và số lượng này giảm dần đến khi em bé trở thành thiếu nữ là 300.000 - 500.000 trứng, đến 37 tuổi còn 250.000 trứng và đến độ tuổi mãn kinh (trung bình 51 tuổi) chỉ còn 1.000 trứng.
Bên cạnh số lượng trứng giảm, chất lượng trứng cũng giảm, giảm mạnh từ sau 35 tuổi. Sự gia tăng các bất thường ở nhiễm sắc thể từ đó cũng tăng lên. Vì vậy, giảm chất lượng trứng do tuổi tác là một trong những nguyên nhân chính gây giảm tỉ lệ trẻ sinh sống theo sự gia tăng độ tuổi.
Như vậy, tuổi người phụ nữ có liên quan mật thiết đến khả năng có thai. Tuổi càng cao, khả năng này càng thấp. Phụ nữ có con thích hợp nhất là từ 20 - 30 tuổi. Từ sau 30 tuổi, khả năng có thai của người phụ nữ sẽ giảm dần và đến 45 tuổi giảm rất nhanh. Theo đó, tỉ lệ thụ thai tự nhiên thành công mỗi tháng ở tuổi 30 là 20% và chỉ còn dưới 5% ở tuổi 45.
"Đây là sự khác biệt giữa nam giới và phụ nữ. Theo đó, khả năng sinh sản của nam giới được duy trì liên tục từ khi dậy thì cho đến khi chết đi, trong khi nữ giới chỉ có thể có thai trong độ tuổi sinh sản và sẽ kết thúc khi mãn kinh" - bác sĩ Như giải thích.
Dấu hiệu hen suyễn ở phụ nữ mang thai Mắc hen suyễn trong thời kỳ mang thai có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, chính vì thế bạn cần biết những dấu hiệu hen suyễn ở phụ nữ mang thai để chủ động phòng bệnh hiệu quả. 1. Hen suyễn là bệnh mãn tính Hen suyễn hay bệnh hen phế quản là một trong...