Tuổi 18 và hành trình phụng sự cộng đồng của Lê Văn Phúc
Bắt đầu tham gia các hoạt động cộng đồng khi mới học lớp 10, 18 tuổi, Lê Văn Phúc đã là thủ lĩnh của 15 dự án thiện nguyện và điều phối nhóm “ Fly to Sky”, với gần 200 thành viên.
Anh bạn sinh viên năm thứ nhất, trường ĐH KHXHNV (ĐHQG TP. HCM) là người trẻ nhất trong 10 cá nhân nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2020 do T.Ư Đoàn trao tặng.
Thủ lĩnh tuổi 16
Năm lớp 10, Lê Văn Phúc bắt đầu bén duyên với các hoạt động thiện nguyện. Ban đầu là những dự án, kế hoạch nhỏ ở trong lớp, trong khu phố. Những chuyến đi đó đã khiến cậu học sinh thay đổi suy nghĩ về xung quanh. Có quá nhiều người nghèo khổ, những bạn bè đồng trang lứa phải chật vật với cuộc sống hằng ngày. Sinh ra trong một gia đình khá giả, đầy đủ vật chất từ nhỏ, Phúc thấy mình cần cảm thông, san sẻ và làm điều gì đó cho những người kém may mắn.
Tháng 9/2018, Phúc đã tập trung được một số bạn học sinh trên địa bàn tỉnh có chung chí hướng thành lập nhóm từ thiện “Fly to Sky”. Trưởng nhóm Lê Văn Phúc lúc ấy mới 16 tuổi, học sinh trường chuyên Hùng Vương nổi tiếng tại Pleiku ( Gia Lai).
Lê Văn Phúc trong chuyến trao tặng áo ấm cho trẻ em vùng lũ tại Quảng Ngãi.
Ngoài hoàn thành tốt việc học, thời gian còn lại, Phúc dành hết cho công tác thiện nguyện. Tiếng vang từ những hoạt động thiện nguyện đó đã thu hút nhiều bạn học sinh ở Pleiku tham gia cùng “Fly to Sky”. Chỉ sau 2 năm, Lê Văn Phúc đã là chủ nhiệm của 15 dự án, chiến dịch, chương trình tình nguyện vì cộng đồng, hỗ trợ cho hàng nghìn lượt người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Số tiền nhóm kêu gọi được để làm công tác thiện nguyện lên đến hàng tỷ đồng.
Tuổi 18 của Phúc là những chuyến đi chia sẻ với cộng đồng. Ảnh: FBNV
Video đang HOT
Những giá trị của “Fly to Sky” và Phúc mang đến cho cộng đồng đã thuyết phục được Trung tâm Tình nguyện quốc gia (T.Ư Đoàn) kết nạp nhóm và quản lý trực tiếp. Kể lại thời điểm đó, Phúc cho biết: “Lúc đó, do hầu hết thành viên còn đang là học sinh, “Fly to Sky” rất khó để xin phép thành lập một tổ chức thiện nguyện có tư cách pháp nhân.
Tuy nhiên, những hiệu quả của nhóm mang lại đã được T.Ư Đoàn ghi nhận và quản lý trực tiếp. Từ đó, việc hoạt động trở nên quy củ và hiệu quả hơn. Số lượng tình nguyện viên không chỉ hạn chế trong khu vực trường chuyên Hùng Vương mà lan tỏa ra khắp các trường khác và cả các tình, thành phố khác”.
Nhóm “Fly to Sky” làm công trình sân chơi cho thiếu nhi dân tộc thiểu số tại Phú Thiện, Gia Lai.
Phúc cho biết, lúc đó chỉ mới 16,17 tuổi, đi xin hỗ trợ từ doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, Phúc còn nhiều bỡ ngỡ, lo lắng. Nhiều nơi nhìn cậu học trò với ánh mắt e ngại khiến anh bạn cũng “nhát”. Nhưng khi nghĩ về hiệu quả của các dự án sẽ phần nào vơi bớt những gánh nặng cho người nghèo, Phúc dần mạnh dạn hơn.
Những đợt mang hàng từ thiện đến cơ sở, các bạn thiện nguyện trong nhóm của Phúc hầu hết vận chuyển bằng xe máy, một vài lần do hàng hóa quá nhiều cộng với việc đường đến nơi cần hỗ trợ quá xa, hiểm trở, các em đành bỏ tiền thuê xe tải vận chuyển.
Hạnh phúc vì được chia sẻ và phụng sự
Nhiều dự án của “Fly to Sky” gây tiếng vang và tổ chức dài hơi trong suốt thời gian qua như “Smile Class” – lớp học tiếng Anh cho trẻ em ở các mái ấm, “Đổi sách lấy cây” và “Tủ sách Bồ câu trắng”. Khi COVID-19 bùng phát, lũ lụt hoành hành ở miền Trung năm qua, Phúc và các bạn “vắt chân lên cổ” với nhiều hoạt động thiết thực như: Dự án Chiến sĩ lọc nước huy động 1000 bình lọc nước giúp các học sinh vùng lũ miền Trung, Dự án “Anh hùng diệt khuẩn” từ 5/2 đến nay đã kêu gọi 1,5 tỉ đồng , phát 25 ngàn chai nước rửa tay, 500 chai xà bông, 1000 lít dung dịch sát khuẩn, 8500 khẩu trang y tế trong 9 đợt trao tặng cho các trung tâm cách ly, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trường học… tại Gia Lai và 6 tỉnh, thành khác.
Trở thành sinh viên trường ĐH KHXHNV (ĐHQG TP. HCM) là dấu ấn đặc biệt với Phúc.
Với một học sinh, làm thủ lĩnh nhóm thiện nguyện mà vẫn chu toàn việc học là một thách thức với Lê Văn Phúc. Nhưng chàng trai trẻ vẫn vượt qua. Thậm chí vừa làm vừa lo thi…học sinh giỏi quốc gia. Năm 2020, giữa lúc căng mình cùng các bạn làm chương trình hỗ trợ cộng đồng ảnh hưởng vì COVID-19, Phúc đón nhận tin vui khi lần thứ 2 giành giải học sinh giỏi Quốc gia và được tuyển thẳng vào khoa Địa lý, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM).
Nhìn lại một năm bận rộn, thủ lĩnh tình nguyện tâm sự: “có lẽ ở tuổi 18 chắc bản thân mình may mắn khi có được nhiều điều hạnh phúc trong một năm như thế này. Có kết quả cuộc thi Học sinh giỏi quốc gia và trở thành sinh viên ở một ngành vốn mình không giỏi trở thành đam mê từ cấp 3 (Địa lý học) cũng là điều làm mình hạnh phúc. 2020 cũng là năm nhóm “Fly To Sky” trở thành thành viên Mạng lưới trực thuộc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia.
COVID-19 bùng phát, cũng là lúc các bạn trẻ của nhóm “xông pha”, chẳng ngần ngại gì ngay khi còn là mùng trong Tết đã chuẩn bị chiến dịch, một chiến dịch dài dẳn mà hết 2020 vẫn chưa tổng kết nhằm hỗ trợ phòng chống dịch; xông pha vào cả khu cách ly hay cả biên giới. Năm 2020, nhóm đã làm với con số hơn 2 tỷ đồng, một con số mà chẳng bao giờ một đứa trẻ 18 tuổi dẫn dắt một tổ chức nhỏ, nhân lực chủ yếu là SV-HS nghĩ là sẽ làm được”.
Lê Văn Phúc là đại biểu trẻ nhất của Gia Lai tham dự Đại hội Thi đua yêu nước 2020.
Tháng 1/2020, Phúc là người trẻ nhất trong số 10 cá nhân được Trung ương Đoàn trao giải thưởng tình nguyện quốc gia. Phúc cũng là đại biểu của Gia Lai tham gia Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2020.
Trở thành sinh viên, phải vào Sài Gòn học nhưng không vì vậy công việc “vác tù và” của Phúc bớt đi. Phúc thành lập luôn một nhánh của “Fly to Sky” tại TP. HCM. Từ 40 thành viên ở Pleiku, nhóm hiện nay có gần 200 thành viên ở cả hai nơi. Cả 2 chi nhánh đều là thành viên của Trung tâm tình nguyện quốc gia và đều do Phúc làm chủ nhiệm lẫn điều phối. Công việc khiến anh bạn phải đi lại liên tục giữa Gia Lai – TP. HCM nhưng “mình vẫn cảm thấy vui và hạnh phúc với những việc đang làm. Đơn giản là được chia sẻ và phụng sự”, Phúc nói.
Gửi hơi ấm đến vùng cao
Những ngày cuối năm, bạn trẻ các nhóm tình nguyện lại khoác balô lên đường đến với các em nhỏ nơi miền núi xa. Những chiếc áo ấm và những suất quà được trao, niềm vui đong đầy, xua đi hơi lạnh vùng cao.
Bạn Lê Văn Phúc, chủ nhiệm nhóm thiện nguyện Fly to sky (Gia Lai), cùng các bạn thực hiện chương trình "Đông ấm" cho trẻ em đồng bào - Ảnh: C.K.
350 bạn nhỏ đã có mặt tại Trường Dân tộc nội trú tiểu học Đồng Văn B, Hà Giang để gặp gỡ các anh chị tình nguyện đến từ TP.HCM, trong chương trình "Hơi ấm Hà Giang". Món ăn sáng là xúp và nui thịt bằm nóng hổi, được các anh chị tình nguyện viên chuẩn bị từ khuya và sáng sớm.
"Mặc cho em chiếc áo ấm bỗng thấy lòng mình cũng ấm theo nụ cười của các em."
Bạn LÊ VĂN PHÚC
Thấy lòng mình ấm áp
"Sương giăng tứ phía, thở ra như khói, mặc bao nhiêu lớp áo mình vẫn còn run. Vậy mà các em nhỏ nơi đây còn thiếu thốn nhiều lắm. Khoác cho em tấm áo bông, thấy lòng mình ấm áp hơn" - bạn Lê Thị Thanh Thủy (CLB Hành trình tím, TP.HCM) chia sẻ khi tham gia chương trình "Hơi ấm Hà Giang" mới đây.
Thời tiết xuống âm 4 độ C, răng va vào nhau lập cập khi đôi tay dùng nước để làm đồ ăn, các tình nguyện viên cảm thấu cái lạnh miền cao. "Rau câu mình nấu xong chưa kịp đổ khuôn đã đông cứng. Mới đầu cứ nghĩ mình làm sai công thức nhưng hóa ra nơi đây còn hơn cái tủ lạnh. Thương các em nhỏ mùa lạnh tay chân đỏ hoe" - chị Minh Trí, thành viên tham gia chương trình, chia sẻ.
Anh Tống Hoàng Quân, chủ nhiệm CLB G9 - Vì nụ cười trẻ thơ (cùng phối hợp thực hiện chương trình với CLB Hành trình tím), cho biết chương trình đã đem lại rất nhiều niềm vui, tiếng cười, niềm hạnh phúc cho hàng trăm học sinh đồng bào và 50 hộ gia đình khó khăn với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng.
Men theo dấu chân người làng
Hành trình "Đông ấm" đến với các em nhỏ và bà con đồng bào làng Đê Kôn, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai để lại nhiều dấu ấn với các tình nguyện viên khi vượt cung đường sạt lở.
Cung đường dài 4km đường đèo, sạt lở hoàn toàn không còn lối đi, các bạn tình nguyện viên của nhóm từ thiện Fly to sky (tập hợp học sinh THPT tỉnh Gia Lai) men theo dấu chân của dân làng đi trước đó để định hướng.
"Từng bước chân ghì chặt xuống nền đất trơn trượt, đôi lúc ngước nhìn lên trên núi, từng tảng đất, đá đã bị xói mòn bởi mưa lũ có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Mất gần 2 tiếng đi bộ ngược đèo, cuối cùng chúng mình đã đến làng Đê Kôn. Bao mệt mỏi dường như tan biến khi nhìn thấy những đôi mắt ánh lên niềm vui của người dân làng Đê Kôn" - bạn Lê Văn Phúc, đội trưởng, chia sẻ.
Các bạn đến với các em nhỏ trường mẫu giáo và tiểu học trao áo ấm, bổ sung 100 cuốn truyện vào tủ sách, kiểm tra tình hình sử dụng bình lọc nước gốm, tặng đồ dùng học tập, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, quần áo cho trẻ em mẫu giáo, áo thun mới cho trẻ cấp I. Phúc cho biết, trước đó một tháng các bạn đã đến đây và hôm nay thêm lần quay lại nơi núi rừng xa thẳm này chỉ mong trao nhau chút hơi ấm yêu thương.
Nhóm từ thiện đứng trên thuyền tung quà cứu trợ cho bà con trên bờ, ai nhặt được nhiêu thì nhặt Trên bờ khô ráo, người dân vây quanh chật kín, nhóm từ thiện đứng dưới thuyền và bắt đầu ném những túi quà cứu trợ lên cao, vào thẳng vị trí của những người dân đang đứng. Ai nhặt được bao nhiêu thì nhặt... Clip: Nhóm cứu trợ tung quà lên không trung để bà con mệnh ai nấy nhặt (Nguồn: Dương Phong)...