Tước quyền tổng thống của Trump có thể gây thảm họa nào cho nước Mỹ?
Tu chính án 25 cho phép phó tổng thống Mỹ loại bỏ Trump, nhưng sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hiến pháp nguy hiểm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó tổng thống Mike Pence. Ảnh: Reuters.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đến từ bang Massachusetts Elizabeth Warren hôm qua tuyên bố các quan chức Nhà Trắng nên viện dẫn Tu chính án 25 trong hiến pháp Mỹ để truất quyền Tổng thống Donald Trump nếu họ tin rằng ông “không thể hoàn thành nhiệm vụ”. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng đề xuất của bà Warren là bất khả thi trong điều kiện thực tế hiện nay của nền chính trị Mỹ, theo Bloomberg.
Tuyên bố này được Warren đưa ra sau khi tờ NYTimes đăng bài xã luận của “một quan chức cấp cao giấu tên trong Nhà Trắng”, cho biết người này đang cùng những quan chức chung chí hướng ngăn cản sự bốc đồng và “những khuynh hướng tồi tệ nhất” của Trump.
Tác giả bài xã luận này cho biết các cố vấn của Trump đã có những “lời xì xào đầu tiên” về việc loại bỏ Trump bằng Tu chính án 25, vốn quy định về tiến trình tuyên bố tổng thống không đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ. Tuy nhiên, chính người này cũng thừa nhận rằng việc áp dụng điều khoản đó để vô hiệu hóa Trump có thể gây nên một cuộc “khủng hoảng hiến pháp”.
Điều 4 Tu chính án 25 hiến pháp Mỹ quy định phó tổng thống với sự ủng hộ của đa số quan chức hành pháp cấp cao có thể nộp văn bản lên thượng viện và hạ viện tuyên bố rằng tổng thống không thể thực thi quyền lực và nhiệm vụ của mình. Khi đó, phó tổng thống sẽ lập tức trở thành quyền tổng thống.
Điều này đồng nghĩa với việc trong trường hợp muốn loại bỏ Trump bằng Tu chính án 25, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence là người duy nhất có thể đứng đơn nộp lên quốc hội Mỹ để xem xét về năng lực của Tổng thống. Trong khi đó, Pence đã ra tuyên bố khẳng định mình không phải là người viết bài xã luận trên NYTimes, đồng thời chỉ trích tác giả bài viết.
“Phó tổng thống luôn để tên thật của mình trong bất cứ bài xã luận nào mà ngài viết”, Jarrod Agen, giám đốc truyền thông của Pence, tuyên bố trên Twitter, sau khi có tin đồn rằng Pence là người viết bài xã luận. “NYTimes nên cảm thấy xấu hổ, và người đã viết bài xã luận sai trái, phi logic, nhu nhược đó cũng nên thấy như vậy. Văn phòng chúng tôi không chứa những hành động nghiệp dư như thế”, Agen viết thêm.
Video đang HOT
Ngay cả khi Pence nộp đơn lên quốc hội tuyên bố Trump không đủ năng lực lãnh đạo theo điều 4 Tu chính án 25, một cuộc khủng hoảng hiến pháp phức tạp và kéo dài có thể nổ ra ngay sau đó, do những quy định không rõ ràng trong điều khoản này.
Trong trường hợp Tu chính án 25 được áp dụng, Pence cũng chỉ là tổng thống tạm quyền, còn Trump vẫn là Tổng thống Mỹ nếu ông không tự nguyện từ chức. Tu chính án này không có điều khoản nào bắt buộc Trump phải rời khỏi Nhà Trắng sau đó, nên ông vẫn có thể tiếp tục làm việc ở đây, kể cả Phòng Bầu dục.
Kịch bản này có thể tạo ra hai chính quyền ở nước Mỹ và có thể gây nên rắc rối lớn nếu một nguyên thủ nước ngoài như Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm Mỹ vào thời điểm đó và vẫn quyết định gặp Trump ở Nhà Trắng.
Khi cảm thấy quyền lực của mình bị đe dọa, Trump có thể hành động để phản công cũng bằng chính điều 4 Tu chính án 25, trong đó quy định tổng thống có thể gửi văn bản tới lãnh đạo thượng viện và hạ viện khẳng định mình vẫn đủ năng lực nắm quyền. Khi đó, Trump sẽ tiếp tục quyền lãnh đạo nước Mỹ của mình.
Trong vòng 4 ngày sau đó, phó tổng thống có thể tiếp tục nộp đơn lên quốc hội tái khẳng định tổng thống đã mất năng lực điều hành. Trong kịch bản này, nếu không vào thời gian họp thường kỳ, quốc hội Mỹ sẽ họp khẩn trong vòng 48 giờ để thảo luận vấn đề. Trong vòng 21 ngày kể từ khi nhận được đơn thứ hai của phó tổng thổng, quốc hội Mỹ phải bỏ phiếu để định đoạt.
Chỉ khi 2/3 đại biểu ở cả hạ viện và thượng viện Mỹ nhất trí rằng tổng thống không đủ năng lực điều hành, phó tổng thống mới tiếp tục được làm quyền tổng thống. Nếu không, tổng thống vẫn tiếp tục nhiệm vụ và quyền lực của mình.
Theo bình luận viên Jonathan Bernstein, yêu cầu về số phiếu tối thiểu để loại bỏ tổng thống tại quốc hội theo Tu chính án 25 cao hơn rất nhiều so với tiến trình luận tội, dù kết quả là như nhau. Trong tiến trình luận tội, chỉ cần đa số đại biểu ở hạ viện và 2/3 thượng nghị sĩ ở thượng viện nhất trí với đề nghị luận tội, tổng thống Mỹ sẽ bị phế truất.
Trong trường hợp Pence nhận được sự ủng hộ của 2/3 đại biểu ở cả hạ viện và thượng viện để loại bỏ Trump theo Tu chính án 25, cuộc khủng hoảng vẫn chưa chấm dứt.
Brian Kalt, giáo sư luật hiến pháp tại Trường Luật Đại học Michigan, cho biết vì điều 4 Tu chính án 25 không giới hạn số lần tổng thống nộp đơn khiếu nại lên quốc hội, nên về lý thuyết, Trump vẫn có thể hết lần này đến lần khác nộp đơn lên quốc hội để tuyên bố mình có đủ năng lực lãnh đạo.
Theo kịch bản này, trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Trump có thể buộc quốc hội Mỹ phải bỏ phiếu mỗi tháng một lần, trong khi ông vẫn là ông chủ Nhà Trắng với cương vị Tổng thống Mỹ. Tồi tệ hơn, nhiều khả năng sẽ có một cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Tổng thống và quyền Tổng thống, đẩy nước Mỹ vào tình trạng rối ren thực sự.
Bởi vậy, bình luận viên Bernstein cho rằng việc viện dẫn Tu chính án 25 để loại bỏ một tổng thống có đủ điều kiện sức khỏe và tinh thần để “phản công” là không phù hợp và không phải mục đích mà những người soạn ra điều khoản này của hiến pháp Mỹ nhắm đến. “Việc thảo luận về khả năng áp dụng Tu chính án 25 để đối phó Trump trong hoàn cảnh này là sai lầm và nguy hiểm”, Bernstein nhận định.
Theo Thành Nguyễn (VNE)
Ai là người viết bài bình luận khiến ông Trump nổi trận lôi đình?
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5-9 có phản ứng giận dữ sau khi một bài viết đăng trên báo The New York Times nói về những bí mật không hay ho gì trong nội bộ Nhà Trắng.
Viết trên tài khoản Twitter của mình, ông chủ Nhà Trắng thắc mắc liệu bài viết nói trên - tác giả được cho là một quan chức cấp cao giấu tên - có bị xem là "phản quốc" hay không sau khi công kích tờ báo đăng tải nó.
Cơn thịnh nộ của ông Trump không có gì lạ bởi nội dung bài viết có tựa "Tôi là một phần của làn sóng chống đối trong chính quyền ông Trump" , khẳng định đội ngũ nhân viên Nhà Trắng xem "sếp" mình là mối nguy hiểm cho đất nước.
Tuy nhiên, nội dung bài viết lại không gây tranh cãi nhiều bằng danh tính tác giả của nó.
Theo đài CNN, một quan chức cấp cao đã tiếp xúc với ông Jim Dao, biên tập viên phụ trách trang "Ý kiến - Xã luận" thông qua người trung gian vài ngày trước đó để bày tỏ mong muốn viết bài cho họ.
Theo quan chức này, nội dung bài viết sẽ mô tả về "làn sóng chống đối" ông Trump ngay bên trong chính quyền hiện nay nhằm bảo vệ nước Mỹ khỏi những cơn bốc đồng tồi tệ nhất của ông chủ Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Phó Tổng thống Mike Pence. Ảnh: Reuters
Ông Dao dĩ nhiên không hé lộ chút gì về danh tính của người viết. Ông cho biết mình cẩn thận đến nỗi không đề cập bất kỳ thông tin gì có thể khiến người này bị lộ danh tính, ngay cả giới tính.
Ông cũng từ chối cho biết quan chức này cấp cao đến đâutrong chính quyền ông Trump dù tiết lộ chỉ có một số ít người bên trong tờ báo biết nhân vật này là ai. Dù vậy, điều này vẫn không thể ngăn được dư luận chơi trò "phỏng đoán"
Theo một giả thuyết đang được lan truyền mạnh mẽ trên internet, người chấp bút cho bài báo không ai khác Phó Tổng thống Mike Pence. Bằng chứng được nói đến là bài viết sử dụng từ hiếm thấy "lodestar" (tạm dịch "ngôi sao dẫn đường") để ca ngợi Thượng nghị sĩ John McCain mới qua đời.
Đây lại là từ được ông Pence sử dụng khá thường xuyên trong quá khứ. Có người thống kê ông Pence sử dụng từ này trong ít nhất 5 thông điệp đăng tải trên Twitter hoặc nói đến từ này ít nhất 8 lần tính từ năm 2001. Tuy nhiên, có người thắc mắc tác giả có thể là người chấp bút diễn văn cho ông Pence hoặc cố tình sử dụng từ đó để đổ trách nhiệm cho Phó Tổng thống Mỹ.
Ngoài ra, những phỏng đoán khác tập trung vào bất kỳ ai trong đội ngũ quan chức, phụ tá cấp cao của Nhà Trắng, từ thư ký báo chí Sarah Huckabee Sanders, cố vấn Kellyanne Conway cho đến Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly. Thậm chí có người cho rằng bài viết trên là hành động thách thức ông Trump cuối cùng của Thượng nghị sĩ McCain trước khi ông qua đời.
Ở chiều ngược lại, một số người nhận định chính ông Trump và các đồng minh đứng sau bài viết nhằm thu hút thêm chú ý về những tranh cãi trong nội bộ Nhà Trắng, từ đó khiến dư luận sao nhãng phiên điều trần của ông Brett Kavanaugh, người được đề cử làm thẩm phán Tòa án Tối cao.
Trong một tuyên bố đầy giận dữ, bà Sanders đòi tờ The New York Times xin lỗi và kêu gọi tác giả bài viết từ chức.
P.Võ (Theo The Washington Post, CNN)
Theo nld.com.vn
Tổng thống Trump: Bộ trưởng James Mattis vẫn giữ nguyên chức vụ Theo THX, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/9 thông báo Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vẫn tại nhiệm, bác bỏ những thông tin cho rằng ông Trump đang tìm các ứng cử viên thay thế người đứng đầu Lầu Năm Góc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu với báo giới tại Lầu Năm Góc ở bang Virginia. (Ảnh:...