Tung tin thất thiệt du khách nhiễm virus corona bị xử lý ra sao?
Luật sư cho rằng người tung tin đồn thất thiệt có thể bị phạt tù nếu gây thiệt hại tài sản, nguy hiểm cho xã hội. Còn phao tin sai sự thật sẽ bị phạt hành chính 20-30 triệu.
Liên quan vụ virus corona bùng phát khiến nhiều người ở Trung Quốc tử vong, mạng xã hội xuất hiện thông tin “Đà Nẵng, Nha Trang đã có khách du lịch Trung Quốc nhiễm corona virus! Cần hành động khẩn”.
Thông tin trên đã được nhiều người chia sẻ gây hoang mang dư luận.
Ngày 23/1, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cho biết ngành y tế địa phương chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm virus này. Công an TP Đà Nẵng đang truy tìm người đăng tải thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội để xử lý.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) đánh giá trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội khiến thông tin lan truyền rất nhanh chóng.
Một số người lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt có thể xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất an trong dư luận.
Facebook đăng tin thất thiệt về virus corona. Ảnh chụp màn hình.
Quá trình điều tra xác minh, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi Vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất 7 năm.
“Ví dụ tung tin thất thiệt xuất hiện virus corona trong một bệnh viện làm các bệnh nhân sợ hãi, rời khỏi nơi điều trị khiến bệnh viện thiệt hại, đó là dấu hiệu của tội vu khống”, luật sư dẫn giải.
Video đang HOT
Trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,… thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013, mức phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với tổ chức, 10-15 triệu đối với cá nhân.
Còn luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp) cho rằng những thông tin sai sự thật, xuyên tạc tạo ra hoài nghi, hoang mang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội.
Do đó, cơ quan chức năng tùy vào tính chất, mức độ, mục đích và hậu quả gây ra để xử lý người tung tin đồn về hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 8, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.
Còn nếu xác định tin đồn sai sự thật nhưng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác và chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người tung tin sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013.
Theo các luật sư, đối với người sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, lan truyền tin đồn thất thiệt, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ mục đích của việc làm này.
Nếu cá nhân chia sẻ nhưng không biết đó là tin thất thiệt và không vì động cơ, mục đích xấu thì được miễn xử lý. Tuy nhiên, người nào tìm kiếm, chia sẻ thông tin sai sự thật với động cơ, mục đích xấu hay tư lợi cá nhân thì đủ căn cứ xử lý.
Theo Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, đến ngày 23/1, Trung Quốc ghi nhận 541 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 17 người tử vong, 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.
Các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại 13 tỉnh, thành phố gồm: Hồ Bắc, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Quảng Đông, Chiết Giang, Sơn Đông, Giang Tây, Hà Nam, Hồ Nam, Tứ Xuyên và Vân Nam.
Một số nước, vùng lãnh thổ trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập như: Thái Lan (4 trường hợp), Nhật Bản (1), Hàn Quốc (1), Đài Loan, Trung Quốc (1), Ma Cao, Trung Quốc (1), Hong Kong, Trung Quốc (1), Mỹ (1).
Ngày 23/1, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cách ly 2 bệnh nhân là cha con người Trung Quốc vì dương tính với virus corona.
Theo news.zing.vn
Thêm 1 du khách từ Vũ Hán nhập cảnh Việt Nam nghi ngờ mắc viêm phổi cấp
Có thêm một hành khách nhập cảnh Việt Nam đến từ TP Vũ Hán (Trung Quốc) được cách ly do nghi ngờ nhiễm viêm phổi do virus mới.
Hành khách đến từ các vùng có dịch viêm phổi cấp đều được kiểm tra thân nhiệt
Cuối giờ sáng nay 23-1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới thăm và kiểm tra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) ở huyện Đông Anh, Hà Nội về khả năng đáp ứng với dịch trong trường hợp dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới xâm nhập Việt Nam.
Bộ Y tế ngày 23-1 cũng cho biết đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 3 hành khách đến từ TP Vũ Hán, (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) được phát hiện có dấu hiệu sốt qua máy đo thân nhiệt từ xa tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng và sân bay Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), các hành khách đã được cách ly kịp thời, loại trừ nhiễm bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) và đã trở về Trung Quốc.
Theo thông tin mới nhất từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, hiện Trung Quốc đã ghi nhận 541 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 17 trường hợp tử vong, 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại 13 tỉnh/thành phố gồm: Hồ Bắc, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Quảng Đông, Chiết Giang, Sơn Đông, Giang Tây, Hà Nam, Hồ Nam, Tứ Xuyên và Vân Nam. Một số nước, vùng lãnh thổ trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập như: Thái Lan (4 trường hợp), Nhật Bản (1 trường hợp), Hàn Quốc (1 trường hợp), Đài Loan (1), Mỹ (1), Ma Cao (1), Hồng Kông (1).
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đã có khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người. Ngày 22-1, WHO đã tổ chức cuộc họp Ủy ban đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng để xem xét tuyên bố vụ dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Trung Quốc là một Sự kiện y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) hay không và đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia thành viên. Hiện, Giám đốc của WHO tuyên bố cần thêm thông tin và bằng chứng để đưa ra quyết định cuối cùng. Hôm nay 23-1, WHO sẽ tiếp tục họp về vấn đề này.
Virus corona (CoV) là một họ virus lớn gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến bệnh nặng, đe dọa tính mạng người bệnh. Theo các bác sĩ, virus corona gây bệnh viêm phổi lạ xuất hiện ở Trung Quốc có thể liên quan đến loại virus gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) từng bùng phát năm 2002 khiến 8.000 người lây nhiễm, 916 người tử vong và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) gây tử vong cho khoảng 851 người trên toàn cầu. Nhiều người lo ngại virus corona có họ hàng với virus SARS, nếu bùng phát thành dịch lớn, nguy cơ tử vong cao.
Một số triệu chứng viêm phổi cấp ở Trung Quốc dễ nhận biết đó là ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng. Kết quả chụp phổi cho thấy phổi có tổn thương. Nhiều trường hợp nặng có thể suy thận, suy đa tạng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Tại Việt Nam, dù chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh nhưng nguy cơ dịch xâm nhập cũng rất cao. Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
4. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
5. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.
Theo N.Dung (Người lao động)
Đối phó khách tham quan 'chui', Hội An thử nghiệm bán vé số hóa Với việc áp dụng vé tham quan số hóa, thành phố Hội An kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng thất thoát nguồn thu rất lớn do du khách trốn mua vé. Trung Tâm Văn hóa - Thể thao & Truyền thanh - Truyền hình TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, UBND thành phố vừa hoàn thành đề án cải...