Từng mếu máo vì giá gà rẻ như cho, nay lên “đỉnh” 42.000 đồng/kg
Cách đây 2 tháng, giá gà lông trắng (gà công nghiệp) ở các tỉnh Đông Nam Bộ giảm xuống mức “chết”, chỉ đạt 13.000 – 15.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi mếu máo thì khoảng 1 tuần nay lại tăng vọt lên 42.000 đồng; giá gà lông màu cũng tăng thêm khoảng 20.000 đồng/kg.
Theo tính toán, với giá này người nuôi gà công nghiệp và gà lông màu có thể lãi từ 25.000-45.000 đồng trên mỗi con gà xuất bán.
Từ chỗ giá gà lông trắng bán rẻ như cho, chỉ đạt 13.000 đồng/kg, nay đã tăng vọt lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay, giúp người chăn nuôi vô cùng phấn khởi. Ảnh minh hoạ: plo
Giá gà công nghiệp tăng mạnh, người chăn nuôi vẫn chưa thể bù lỗ
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, những ngày gần đây giá gà lông trắng công nghiệp xuất chuồng trên địa bàn đang tăng rất mạnh, từ 24.000 đồng/kg lên 42.000-43.000 đồng/kg. Gà lông màu cũng tăng cao, từ 36.000-38.000 đồng/kg lên 56.000-65.000 đồng/kg.
Với giá bán như hiện nay, người nuôi gà đã có lãi và lãi khá cao. Giá thành sản xuất của 1kg gà lông trắng là khoảng 22.000 – 25.000 đồng (tuỳ mô hình chăn nuôi), với giá bán 42.000 đồng/kg thì người chăn nuôi lãi khoảng 17.000 – 20.000 đồng/kg, tính ra mỗi con gà xuất chuồng (khoảng 2 kg) người nuôi lãi từ 34.000-40.000 đồng/con.
Trong khi đó, nuôi gà lông màu, giá thành khoảng 40.000 đồng/kg, như vậy người nuôi sẽ thu lãi khoảng 15.000-16.000 đồng/kg.
Ông Phong, chủ trang trại gà ở Đồng Nai cũng xác nhận trên báo điện tử Vnepress, mấy ngày nay giá gà lông trắng liên tục tăng. Cách đây 5 ngày ông bán 1.000 con với giá 36.000 đồng một kg thì nay đã lên 42.000 đồng.
Tuy nhiên ông Phong cho biết, giá gà tăng cao, nhìn vào tưởng là có lãi nhưng thực ra ông vẫn chưa thể bù lỗ.
Hai tháng trước, giá gà công nghiệp xuống thấp hơn giá thành, rẻ như cho khiến các trang trại phải bán chạy để bù lỗ. Mỗi ngày trang trại của ông Phong phải xuất đi vài nghìn con đã tới lứa và số lỗ lên tới vài tỷ đồng. Do đó, để cắt lỗ ông không dám tái đàn nhiều nên tới nay lượng gà có để xuất chuồng giảm tới 50%.
Giá gà lông trắng đang tăng cao. Ảnh: I.T
Video đang HOT
Chung tình cảnh giá gà tăng cao nhưng không có nguồn để bán, ông Năm ở Đồng Nai cho rằng, vì bán gà để cắt lỗ đợt trước nên đợt này sản lượng gà trưởng thành của ông chỉ chiếm 50% sản lượng của đợt đầu tháng 9.
“Vì sản lượng giảm, giá cả lại không ổn định nên dù đang ở mức 42.000 đồng thì năm nay chăn nuôi gà vẫn gặp khó”, ông Năm nói.
Theo Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, hiện giá gà đang tăng thêm 6.000 đồng so với tuần trước đó, đẩy giá gà hơi lông trắng lên đỉnh 42.000 đồng/kg, cao nhất trong 11 tháng qua.
Ông Quyết cho biết, có 3 nguyên nhân khiến giá gà tăng cao. Thứ nhất là do hồi tháng 9, giá gà giảm mạnh khiến nhiều cơ sở chăn nuôi đua nhau bán để cắt lỗ nên nguồn cung giảm mạnh tới 30-40% đã đẩy giá gà tăng trở lại.
Thứ hai là do dịch tả heo châu Phi lan rộng, nguồn cung heo giảm khiến giá heo tăng vọt, người dùng chuyển sang tiêu thụ thịt gà. Cuối cùng là giá gà trong nước xuống thấp kỷ lục khiến gà nhập khẩu khó cạnh tranh. Do đó, các đơn vị nhập khẩu dừng nhập khiến nguồn cung giảm so với trước.
Không lo tăng “ nóng” như giá heo hơi
Khảo sát tại các chợ lớn tại, TP.HCM, giá thịt gà công nghiệp đã tăng thêm 10.000 đồng/kg so với hai tháng trước. Theo đó, đùi gà dao động 65.000 – 70.000 đồng/kg, ức gà 50.000 – 55.000 đồng, các loại chân gà tăng 45.000 – 50.000 đồng/kg.
Trước tình hình giá gà tăng cao trong khi giá thịt lợn cũng liên tục tăng, hiện đang dao động từ 120.000 – 170.000 đồng/kg (tùy loại và tuỳ địa phương), một số người lo ngại sẽ tác động tiêu cực đến mức sống, chi tiêu. Tuy nhiên, cũng nhiều luồng ý kiến cho rằng, gà công nghiệp là giống ngắn ngày, chỉ khoảng 2 tháng đã cho xuất chuồng nên không lo nguồn cung thiếu hụt, đẩy giá lên cao và tăng “nóng” như giá heo hơi thời gian qua.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cho hay, thịt gà nhập khẩu cũng đã được nhập về kho đông lạnh rất nhiều., trong 10 tháng qua, có trên 110.000 tấn thịt gà được nhập khẩu vào Việt Nam. Đây chính là nguồn cung bổ sung nhằm kìm bớt giá thịt gà bởi hiện nay, giá gà công nghiệp nhập khẩu chưa đến 20.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Hải quan, gà nhập khẩu tập trung vào hai loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt, chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà; trong đó, đùi gà chiếm tỉ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%); tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%), các bộ phận khác (5,8%).
Hiện, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu thịt gà từ Hoa Kỳ – là thị trường lớn nhất, chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu; tiếp đó là Brazil: 13,1%, Hàn Quốc: 12,3%…
Năm 2019, Việt Nam dự kiến nhập khẩu khoảng 150.000 tấn thịt gà. Đặc biệt, trong cơ cấu thịt gà nhập khẩu, thịt gà đùi được nhập nhiều hơn cả với sản lượng khoảng 90.000 tấn. Mặt hàng này tiêu thụ tốt nhất trong số thịt gà nhập khẩu thời gian qua.
Vẫn lo chuyện “giải cứu”
Trước đó, hồi tháng 9, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết, chưa bao giờ những người chăn nuôi gà công nghiệp lại rơi vào tình cảnh bi đát như vậy, bởi giá gà lông trắng giảm chỉ còn 12.000 – 14.000 đồng/kg; giá gà lông màu cũng giảm còn 30.000 đồng/kg. Mức giá thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây.
Một trong những nguyên nhân giá gà giảm mạnh là do nguồn cung tăng đột biến. Trước đó, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh ra nhiều tỉnh, thành mà không có giải pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn, trước nguy cơ thiếu thịt lợn đang hiện hữu, Bộ NNPTNT đã có chủ trương khuyến khích người dân chuyển sang nuôi gia cầm, thủy cầm, gia súc lớn (trâu, bò), theo đó tổng đàn trâu bò, gia cầm đã liên tục tăng nhanh.
Ông Nguyễn Kim Đoán cũng cho biết, tổng đàn gà của tỉnh Đồng Nai hiện đạt 28 triệu con, tăng gần 6 triệu con so với cuối năm 2018. Đó là chưa kể đàn cút 6,6 triệu con, đàn vịt, ngan gần 1,2 triệu con.
“Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tăng mạnh do thời gian qua người nuôi heo bỏ nghề chuyển sang nuôi gia cầm rất nhiều. Dự báo sẽ thiếu thịt lợn trong thời gian tới do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi đã khiến ngành chăn nuôi gia cầm hút thêm nhiều dự án đầu tư, càng khiến tổng đàn tăng rất mạnh. Cộng với lượng thịt gà nhập khẩu tương đối lớn đã khiến giá gà rớt thê thảm” – ông Đoán nói.
Nếu chỉ đẩy mạnh chăn nuôi mà không tính toán kĩ đầu ra, không kịp thời cân đối lượng thịt gà nhập khẩu, không đầu tư chế biến sâu thì không biết tới bao giờ, thị trường thịt gia cầm mới hết “nhảy múa”.
Còn nhớ, vụ gà tết năm ngoái 2019, bản thân Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã từng phải mở cửa hàng để “giải cứu” thịt gà.
Theo Danviet
Giá gà giảm dưới 60.000 đ/kg: Sau lợn, nông dân lại điêu đứng vì gà
Số lượng và giá thịt gà nhập khẩu đang áp đảo thị trường trong nước, trong khi thời tiết vẫn diễn biến phức tạp làm dịch bệnh dễ phát sinh, đàn gà thịt ở các tỉnh Đông Nam Bộ đang đối diện nhiều thách thức.
Tăng giá, tăng đàn
Tại huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), các hộ chăn nuôi gà thả vườn cho biết, sau Tết Nguyên đán nhiều người giảm đàn nên nguồn hàng cung ứng ra thị trường không nhiều. Cùng với dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp, người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ thịt gà nhiều hơn nên giá gà tăng mạnh.
Số lượng và giá cả thịt gà nhập khẩu đang áp đảo thịt gà trong nước. Ảnh: N.V
Ông Trần Hữu Hậu - hộ chăn nuôi ở Cẩm Mỹ kể, từ tháng 3/2019, gà trống có giá 45.000 đồng/kg; gà mái có giá 55.000 đồng/kg; tăng 5.000 đồng so với tháng 2. Từ cuối tháng 7 đến nay, giá gà thả vườn lại tiếp tục tăng. Có thời điểm lên đến 60.000 - 70.000 đồng/kg, hiện tại đang dao động quanh mức 55.000 - 60.000 đồng/kg.
Theo ông Hậu, suốt thời gian qua, dịch bệnh trên lợn khiến nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng; nhiều người chuyển sang thịt gà để thay thế. Mặc dù các ngành chức năng nói DTLCP không lây qua người nhưng nhu cầu sử dụng thịt gà vẫn tăng dẫn đến giá cả được cải thiện đáng kể.
Ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Đồng Nai cho biết, ngành chăn nuôi gia cầm đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt. Tổng đàn gia cầm đã tăng hàng triệu con so với cùng kỳ năm ngoái do thời gian qua, Đồng Nai có thêm nhiều dự án đầu tư mới trong chăn nuôi gà công nghiệp.
Hiện, tổng đàn gà của Đồng Nai có hơn 21,2 triệu con. Trong đó, các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần khoảng 34% trên tổng đàn, tương đương trên 7 triệu con. Tuy nhiên, ở góc độ người chăn nuôi, ông Hậu lại không tỏ ra lạc quan về việc tăng đàn nhanh như hiện nay. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 86.000 tấn thịt gà các loại, chủ yếu là đông lạnh loại nguyên con, đùi gà, cánh gà và chân gà công nghiệp, giá trị hơn 50 triệu USD.
Nếu như đầu năm, giá nhập khẩu về khoảng hơn 50.000 đồng/kg thì thời gian gần đây đã giảm gần 1 nửa, khoảng 28.000 đồng/kg. Một con gà khoảng 1kg nhập từ Hàn Quốc có giá chỉ từ 54.000 đồng/kg đang được bày bán rất nhiều ở các siêu thị. Trong khi đó, giá gà tam hoàng của Việt Nam 70.000 đồng/kg, gà ta hơn 200.000 đồng/kg.
"Mức giá này sẽ gây khó khăn cho người nuôi gà thịt trong nước" - ông Hậu lo ngại.
Tích cực phòng bệnh
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Đào Thị Khánh - chủ hộ chăn nuôi gà ở huyện Xuyên Mộc cũng cho biết, nhiều người đang e ngại đầu ra khó khăn do tăng đàn mạnh. Người chăn nuôi rất cần sự định hướng của cơ quan chức năng để yên tâm sản xuất, nhất là dịch cúm H5N6 lần đầu tiên xuất hiện ở địa phương mới đây càng tăng thêm nỗi bất an.
Cụ thể, đầu tháng 8, dịch cúm gia cầm type A, chủng H5N6 đã xuất hiện ở 2 trại chăn nuôi tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Trong đó có đàn gà 9.000 con của bà Khánh, với khoảng 1.500 con của 1 hộ dân khác ngụ cùng xã đột ngột chết hàng loạt.
Ông Võ Gia Tân - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Xuyên Mộc cho biết, toàn bộ số gà này được nhập từ thương lái tại tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, cả 2 đàn gà nhiễm bệnh đều chưa tiến hành tiêm vaccine phòng cúm. Đây là nguyên nhân chính khiến dịch cúm gia cầm xuất hiện. Ngành thú y đã tiêu hủy khẩn cấp gà trên; tiến hành tiêu độc, khử trùng và xuất 230.000 liều vaccine cúm H5N6 cho địa phương trong vùng có dịch và vùng có nguy cơ cao do giáp ranh với ổ dịch.
Hiện, tổng đàn gia cầm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt khoảng 5,4 triệu con. Trong đó, đàn gà khoảng 3,8 triệu con. Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của DTLCP, ngành chăn nuôi đang kỳ vọng tăng đàn gà để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm xuất hiện đã gây ra không ít lo lắng. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo bà con hết sức cẩn trọng với loại dịch bệnh nguy hiểm này.
Ông Nguyễn Lương Trai - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ngành thú y và các địa phương đang dốc toàn lực để phòng, chống cả DTLCP và cúm gia cầm. Hiện tại, vaccine phòng cúm H5N1 cũng có tác dụng với loại virus cúm H5N6 nên tình hình đỡ phức tạp. "Bên cạnh đó, chúng tôi còn đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm, cơ chế lây truyền, các biện pháp phòng dịch để bà con nông dân nắm rõ" - ông Trai nói.
Theo Danviet
Dùng chế phẩm xử lý phân gà: Hiệu quả, nông dân vẫn chưa mặn mà Ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi gà giúp giúp giảm được chi phí đầu tư, giảm dịch bệnh, tăng năng suất... Tuy vậy, thực tế cho thấy, nhiều hộ nông dân vẫn không mấy mặn mà áp dụng quy trình này. Chuồng trại hết mùi... HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành,...