Từng khuyên chồng lấy vợ mới, 9 năm sau cô giáo Thanh Hóa rưng rưng bế con trên tay
9 năm tìm con, vợ chồng chị Lan Anh không biết đã bôn ba đến bao nhiêu nơi, từ Bắc tới Nam đều nhận kết quả bằng không.
Những ngày vừa qua là những ngày như sống trong mơ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan Anh (34 tuổi, Thanh Hóa) khi chào đón thành viên mới đến với gia đình. Có lẽ nhiều người nghĩ chị Lan Anh không hề áp lực chuyện con cái như nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khác bởi vợ chồng chị đã có một cô con gái đầu lòng nhưng trong suốt 9 năm tìm con thứ 2, chị trải qua không ít áp lực, từng không ít lần có ý định đưa đơn ly hôn ra tòa để chồng đi tìm hạnh phúc mới. Thế nhưng sau tất cả, anh chị vẫn nắm tay nhau và cùng nhau vượt qua hành trình tìm con gian nan.
Thành viên mới chào đời ngày 16/5 nhà chị Lan Anh.
Nhọc nhằn 9 năm từ Bắc tới Nam tìm con trong vô vọng
Chị Lan Anh hiện là giáo viên tiểu học còn chồng là kỹ sư xây dựng. Hai vợ chồng kết hôn năm 2010 và năm 2011 chào đón con gái đầu lòng. Niềm hạnh phúc vỡ òa khi được làm bố, làm mẹ nhưng cũng từ đây chị phát hiện ra mình bị tắc 2 bên vòi trứng, khó khăn để sinh con một lần nữa.
Chị Lan Anh tâm sự, trong 9 năm chạy chữa, 2 vợ chồng chị và nội ngoại 2 bên không biết phải bôn ba đi bao nhiêu nơi với khao khát cháy bỏng được làm mẹ lần thứ 2. Nơi đầu tiên vợ chồng chị tìm đến là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vào năm 2013 để thông ống dẫn trứng. Tại đây, bác sĩ khuyên chị không nên vì nguy cơ vỡ ống dẫn trứng cao mà nên làm IVF luôn. Lúc đó, chị 27 tuổi, ông xã mới 30, mặc dù kinh tế vất vả vì con đầu còn nhỏ nhưng vợ chồng chị vẫn quyết định làm luôn bởi khả năng thành công cao hơn. Thế nhưng hy vọng bao nhiêu vợ chồng chị lại thất vọng bấy nhiêu. Ngay lần đầu làm, vợ chồng chị đã bị thất bại vì trứng kém.
“Mình chọc trứng được 5 quả, trong đó 2 quả có nhân nuôi mãi mới được nên thất bại. Về nhà ông bà ngoại cứ thấy ở đâu bảo có thuốc uống chữa tắc là mua về cho mình uống. Mình uống thuốc ở Hải Phòng 3 năm không thấy gì. Sau đó, vợ chồng mình lại làm IVF ở Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa năm 2017 cũng không được, rồi uống thuốc Nam của một lão làng ở Quan Sơn cũng không được. Trong suốt quá trình đó đền chùa nào vợ chồng mình cũng đi cầu khấn nhưng kết quả về lại là con số 0″, chị Lan Anh nhớ lại.
2 lần IVF đều thất bại, chạy chữa thuốc Nam thuốc Bắc cũng không ăn thua, năm 2018, vợ chồng chị quyết định làm IVF một lần nữa. Lần này, anh chị khăn gói lặn lội tìm đến Bệnh viện Từ Dũ. Tuy nhiên, một lần nữa anh chị lại thất vọng nhận về kết quả không mong muốn.
Chị Lan Anh bộc bạch, trải qua bao thất bại suốt 4 năm liên tiếp, 2 vợ chồng chị cũng có những lúc nản lòng mà động viên nhau “Thôi một đứa cũng được còn hơn những nhà không có bé nào”. Dẫu vậy, vì ông xã là con trai duy nhất trong nhà, chị hiểu được mong mỏi của gia đình nên nhiều lúc cũng bị áp lực. Đã có những lúc chị đưa đơn ra tòa vì muốn chồng đi tìm hạnh phúc mới.
“Ông xã mình cũng thương vợ nên khi thấy vợ áp lực quyết định ra ở riêng. Anh dành nhiều thời gian cho 2 mẹ con, khuyến khích mình đi du lịch cho thoải mái. Những lúc rảnh rỗi anh đưa mình đi du lịch và động viên “Một đứa cũng không sao”. Ông bà nội ngoại cũng luôn dặn mình giữ sức khỏe không nên suy nghĩ nhiều”, chị Lan Anh chia sẻ.
Nhiều lần chồng chị động viên “Một con cũng không sao” để chị không bị áp lực.
Video đang HOT
Sau một thời gian nghỉ ngơi, lấy sức khỏe, tháng 6/2019, vợ chồng chị lại bàn nhau dành tiền đến hè ra một Bệnh viện Quốc tế ở Hà Nội làm IVF lần cuối cùng. Nào ngờ chưa kịp đi tìm con thì con đã về với vợ chồng chị vô cùng bất ngờ.
“Tháng 7, mình được một người giới thiệu mua thuốc bổ trứng và tăng AMH để uống. Thật ra lúc đấy mình đặt mua cho có thôi chứ cũng không tin lắm và uống không đều bữa nhớ bữa quên.
Hồi đó, mình tham gia văn nghệ, trước khi biết có thai còn bị ngã mấy lần nữa. Mặc dù trễ kinh 25 ngày nhưng mình chủ quan không tin. Vợ chồng mình cá cược nhau và sáng hôm sau anh mua que thử thai cho mình thì thấy 2 vạch đỏ chót. Sợ dương tính giả, mình thử que thứ 2 vẫn vậy. Hai vợ chồng cứ nhìn nhau mà không nói được gì không dám gọi cho nội ngoại vì sợ mừng hụt.
Khi đi khám mình nhìn kết quả không dám tin mãi đến khi bác sĩ cười bảo đúng là có thai mình mới chụp kết quả gửi cho chồng. Cả nhà mừng không ngủ được, riêng vợ chồng mình một tuần sau vẫn không tin có em bé”, chị Lan Anh cười.
Mang bầu 8 tuần khóc hết nước mắt nhận tin dữ
Hạnh phúc vì con đến bất ngờ với bố mẹ nhưng sang tuần thứ 8, chị Lan Anh phải khóc hết nước mắt khi nghe bác sĩ thông báo bị tụ dịch màng nuôi có nguy cơ sảy thai. Để giữ con, chị phải làm đơn xin nghỉ làm ở nhà dưỡng thai còn chồng đi hỏi khắp nơi tìm cách.
May mắn chị được người quen giới thiệu tới phòng khám bác sĩ Lâm – trưởng khoa phụ II của Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, được khuyên uống củ gai, kiêng đi lại tuyệt đối và giữ tư tưởng thoải mái. Nhờ vậy, chị thở phào nhẹ nhõm khi giữ thai được 14 tuần thì ổn định.
Mang bầu bé thứ 2 chị có nguy cơ sảy ở tuần thứ 8.
Chị Lan Anh cho biết, thai kỳ của chị diễn ra với nơm nớp những lo âu. Không chỉ có nguy cơ sảy thai, 24 tuần chị còn bị tiểu đường thai kỳ phải kiêng đến tuần 28 mới hết. Sau đó, chị tiếp tục nhận tin có khả năng bị nhau tiền đạo rồi nhau thai canxi hóa độ 1 không nhận được thức ăn nhiều từ mẹ ở tuần thứ 36. Mỗi lần nhận tin là một lần chị như ngồi trên đống lửa nhưng vẫn phải cố gắng giữ tinh thần lạc quan, thoải mái giữ thai đến 38 tuần cho con nhận được đủ dinh dưỡng từ mẹ.
Cuối cùng, sau 38 tuần căng thẳng giữ thai, chị được chỉ định mổ lấy thai ở tuần thứ 38. Mặc dù sau khi gây tê tủy sống bị hạ huyết áp, phản ứng thuốc nôn trên bàn sinh nhưng khi nghe bác sĩ thông báo bé trai chào đời nặng 2,9kg sức khỏe ổn định, chị vỡ òa không cầm được nước mắt.
“ Cả tối trước khi đi sinh hai vợ chồng mình không ngủ được, con gái động viên mẹ “Mai con đi vào viện đón em với mẹ. Mẹ cố lên” khiến mình xúc động, vui lắm. Buổi sáng hôm sau, bà nội ngoại và 2 chị gái, chồng đưa mình vào viện đi sinh. Suốt quá trình làm thủ tục anh luôn nắm tay động viên vợ. Vợ vào khu phòng mổ, anh cố đứng ở chỗ cao nhất để cho vợ nhìn thấy. Khi con chào đời, chồng mình không cầm được nước mắt tay bế con còn run vì đã mong mỏi từng ngày từng phút giây phút này”, chị Lan Anh rưng rưng hạnh phúc.
Bé thứ 2 chào đời nặng 2,9kg.
Con gái đầu lòng của chị Lan Anh phụ bố mẹ giặt tã cho em.
Đến bây giờ, sau gần 10 ngày sinh, vợ chồng chị Lan Anh vẫn ngỡ như là giấc mơ, giấc mơ phải đánh đổi gần 10 năm, với bao vất vả giọt mồ hôi nhọc nhằn trên má từ Bắc tới Nam. Dẫu hàng ngày tất bật với công cuộc bỉm sữa nhưng nhìn thấy niềm vui trên gương mặt của mọi người 2 bên gia đình chị cũng thấy quên mệt nhọc.
Cơ sở giáo dục tư thục lao đao trong "bão" Covid-19
Không có nguồn thu trong khi vẫn duy trì những khoản chi cố định, nhiều cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn Thanh Hóa đang rơi vào tình cảnh lao đao.
Dịch Covid-19 bùng phát, học sinh (HS) nghỉ học kéo dài nhiều tháng, không có nguồn thu và nguồn quỹ dự phòng... trong khi nhiều khoản vẫn phải chi trả khiến nhiều trường tư thục rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn.
"Tiến thoái lưỡng nan"!
Trung tâm Ngoại ngữ Golden Key, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa) được thành lập từ năm 2010, hiện có gần 30 lao động, trong có có 17 giáo viên (GV) đứng lớp gồm cả GV người Việt Nam và GV nước ngoài. Gần 3 tháng HS nghỉ học, Trung tâm hoàn toàn không có nguồn thu.
Ngoài tiền thuê mặt bằng đắt đỏ, nhiều loại phí dịch vụ cố định để duy trì Trung tâm cũng như trả tiền cho GV và người lao động là một khoản tiền lớn.
Nhiều trung tâm ngoại ngữ rơi vào cảnh lao đao khi HS nghỉ học.
Lãnh đạo trường này cho biết, đối với những GV người Việt, Trung tâm chỉ có thể đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), còn tiền đứng lớp, lương hàng tháng thì phải cắt hoàn toàn vì không có nguồn. Còn riêng GV người nước ngoài thì phải trả thêm tiền ăn, ở, đi lại cho họ, mỗi người khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Đối với 4 cơ sở thuộc hệ thống nhóm trẻ tư thục song ngữ thực hành Talent Kids (TP Thanh Hóa), khi HS tạm nghỉ học, không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng và những chi phí khác như bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh... nên chủ đầu tư đã không thể trả lương cho cán bộ, nhân viên, GV. Do vậy, đã có 2 GV xin thôi việc.
Bà Lê Thị Nguyệt, chủ đầu tư Hệ thống nhóm trẻ tư thục song ngữ thực hành Talent Kids cho hay: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ lương cho người lao động trong thời gian nghỉ học nhưng được thực hiện vào thời gian sau khi HS quay trở lại học, bởi khi đó mới có nguồn thu. Tuy nhiên, nếu thời gian HS nghỉ học vẫn tiếp tục kéo dài thì chúng tôi cũng không biết được điều gì sẽ xảy ra".
Vay ngân hàng trả lương, đóng BHXH cho GV!
Tính đến hết học kỳ I, năm học 2019-2020, Trường Mầm non Búp Sen Xanh (TP Thanh Hóa) có 21 nhóm lớp với hơn 480 trẻ.
Ông Lê Văn Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Thanh Hóa, đơn vị đầu tư Trường Mầm non Búp Sen Xanh, cho biết: "Ngoài nguồn thu từ học phí, chúng tôi không có nguồn nào khác để đưa vào quỹ dự trữ tài chính. Hiện, chúng tôi đang phải đi vay ngân hàng để đóng BHXH và chi trả chế độ phụ cấp theo quy định của luật lao động cho 60 cán bộ, GV, nhân viên".
Cũng theo vị lãnh đạo này, vừa qua, trong báo cáo nhanh về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhà trường đã đề xuất với phòng GD&ĐT thành phố, UBND thành phố và UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét có hướng hỗ trợ để giúp nhà trường giải quyết khó khăn trong thời gian HS tạm nghỉ học.
Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa) vẫn chi trả lương và BHXH cho người lao động nhưng cũng chỉ có thể cầm cự đến hết tháng 4/2020, nếu tiếp tục sẽ phải vay ngân hàng.
Đối với Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa), lãnh đạo trường này vẫn bảo đảm trả lương và các khoản bảo hiểm cho hơn 100 cán bộ, GV và nhân viên, tuy nhiên, việc này được lãnh đạo cho biết chỉ có thể cáng đáng đến tháng 4/2020.
"Nếu sang tháng 5 dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi phải tính đến việc vay ngân hàng để bảo đảm lương cho cán bộ, GV, nhân viên. Mong muốn của nhà trường trong trường hợp này là ngân hàng sẽ hỗ trợ vay ưu đãi cho nhà trường để vượt qua khó khăn" - bà Lê Thị Bích, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga nói.
Theo tìm hiểu, chung cảnh ngộ phải đi vay ngân hàng để trả lương, đóng BHXH hay chỉ hỗ trợ đóng BHXH cho người lao động không chỉ xảy ra ở Trường Đông Bắc Ga hay Búp Sen Xanh mà ở hầu hết các cơ sở tư thục trên địa bàn Thanh Hóa.
Được biết, về số lượng, cơ sở giáo dục tư thục, tính riêng địa bàn TP Thanh Hóa, có 16 trường mầm non, 2 trường liên cấp, 4 trường tiểu học, 47 công ty có trung tâm dạy học ngoại ngữ cùng rất nhiều các nhóm trông giữ trẻ.
Liên quan đến tình trạng trên, Bộ GD&ĐT cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân như: miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý I và quý II, năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập; Xem xét miễn BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ GV, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý I và quý II, năm 2020.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.
Bình Minh
Va chạm với xe tải, 2 cô gái Thanh Hóa 16 tuổi tử vong tại chỗ 3 cô gái 16 tuổi đi trên 1 chiếc xe máy đã bất ngờ va chạm với 1 chiếc xe tải ở khu dân cư mới thuộc thị trấn Tân Phong (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), khiến 2 người tử vong tại chỗ, 1 người bị thương nặng. Hiện trường vụ tai nạn khiến 2 cô gái thiệt mạng ẢNH MINH HẢI Vụ...