Tùng Dương: Sang năm tôi lại ‘lên đồng’!
“Ngày xưa nếu hát nhạc trữ tình thì làm sao có một hình ảnh Tùng Dương in đậm trong tâm trí của mọi người như vậy. Sang năm tôi lại “ lên đồng”!” – Tùng Dương nói.
Hàng trăm câu hỏi được gửi cho ca sĩ Tùng Dương khi biết anh sẽ là 1 trong 3 vị khách tham gia buổi trực tuyến của báo VietNamNet sáng 15/1. Thẳng thắn, chân thành, Tùng Dương đã không né tránh nhiều câu hỏi hóc búa.
Tùng Dương tại tòa soạn VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng
Chào anh Tùng Dương, khi bài hát của anh được xướng tên là bài hát của năm người dầu tiên anh nghỉ đến là ai và cảm nhận lúc đó của anh thế nào? (Phạm Thị Thuý, Nữ – 18 Tuổi)
- Trong kí ức của Dương, chính là những chàng trai cô gái vùng cao. Không hiểu sao lúc xướng tên lên thì những hình ảnh mùa lễ hội Tây Bắc cứ hiện trong đầu Dương. Một cảm giác rất hân hoan hạnh phúc và sau đó Dương đã rất xúc động khi được thấy bác Doãn Nho phát biểu “Tôi lão thành nhưng chưa thành lão”. Trên đường tới sân khấu, hai bác cháu đã tâm sự với nhau rất nhiều. Hai thế hệ khác nhau nhưng lại có rất nhiều điểm tương đồng trong suy nghĩ, cảm nhận về đời sống. Bác thật sự là một người rất uyên thâm, rất nghệ sĩ. Nói chuyện với bác minh mẫn đến mức bạn như đang nói chuyện với một người còn rất trẻ và phong độ, chứ không nghĩ rằng bác năm nay đã 80 rồi.
Gửi Tùng Dương, Tùng Dương càng ngày càng hát hay, hát giỏi nhưng mà không có bài hát hay, ngôn ngữ mới.. Có cảm giác anh đang hoang mang vì thị trường rẻ tiền tại VN. Em vẫn thích sự đắm say, nồng nàn,1 chút gì đó hơi ngơ ngác. Bây giờ anh bị điêu luyện quá, nên tâm hồn không còn rung lên nữa…. Vẫn mong 1 ngày đươc nghe pop Việt rất mới kiểu Đến bên anh dịu dàng… (Hương Lan, Nữ – 26 Tuổi)
- Cuộc sống cứ thế trôi đi. Có những điều ta không thể quay lại được. Ai cũng vậy thôi, nếu giờ đây nhìn vào ảnh thẻ của mình ai cũng sẽ “thảng thốt” :D Tùng Dương cũng thế. Khi xem lại video clip ngày xưa của mình thì cũng “giật mình” lắm. Hát nhiều thì sẽ không thể mộc mạc mãi như cái thời ta mới đi hát được. Trải qua rất nhiều khó khăn vui buồn của cuộc sống thì con người cũng sẽ luôn thay đổi. Nhưng cũng có những điều vẫn sẽ giữ nguyên trong bản thể của mỗi người. Đó chính là sự đam mê với nghề nghiệp, cho dù cảm xúc có thay đổi. Vậy em hãy nhìn vào những mặt tích cực của cuộc sống nhé! Chúng ta sẽ không phải hối tiếc điều gì cả. Cám ơn em, anh hứa sẽ luôn có những bài hát mới.
Tôi hơi thất vọng khi ở lễ trao giải Bài hát Việt, không hề thấy cả Tùng Dương lẫn ông Doãn Nho nhắc đến nhạc sĩ Việt kiều Pháp tài danh Nguyên Lê. Tùng Dương và ông Doãn Nho có thể lý giải vì sao? Hai người hồi hộp quá, quên Nguyên Lê, hay là cả hai người đều không đánh giá cao chút nào bản phối rực rỡ của ông ấy? Các nghệ sĩ ở các nước phát triển thường không bao giờ quên nhắc đến người phối khí ở giây phút trao giải quan trọng như vậy, nhất là khi nhờ bản phối đó công chúng mới yêu thích bài hát đến vậy! 1 câu hỏi nữa, Tùng Dương và ông Nho có định chia sẻ phần thưởng với Nguyên Lê không? Xin cám ơn (Nguyễn Thị Vân Anh, Nữ – 40 Tuổi)
- Chào chị! Thật sự Dương đã vì xúc động quá mà quên mất gửi lời cám ơn tới anh Nguyên Lê, người đã tạo ra diện mạo mới cho Chiếc khăn piêu. Dương có đính chính trên website của mình và đã gọi cho anh Lê để gửi lời xin lỗi tới anh vì đã thiếu sót. Anh Lê là một người rất nghệ sĩ. Khi Dương báo tin anh đã rất vui và không giận Dương đâu. Sắp tới Dương sẽ thực hiện dự án với anh Lê tại Paris, và Chiếc khăn Piêu sẽ có mặt trong album này. Chị hãy bỏ qua và đừng giận Dương nhé! Người trẻ thì còn mắc nhiều sai phạm nữa. Nhưng sẽ cố gắng để sửa sai và nhận lỗi ạ!
Tôi rất thích nghe ca sĩ Tùng Dường hát, tôi hay nên youtube nghe và thấy 90% đều thích giọng hát của anh. Môt số nhận xét là giọng hát của anh là “hàng hiếm của âm nhạc Việt Nam” vậy anh nghĩ sao về nhận xét này? (Nguyễn Văn Thủy, Nam – 30 Tuổi)
Video đang HOT
- “Hàng hiếm” mà dùng nhiều thì sợ không còn “hiếm” lắm đâu. Mỗi một lời khen lại là một sự áp lực làm sao luôn phải giữ phong độ và xứng đáng với sự tin yêu của khán giả. Phật đã dạy: “Chiến thắng chính bản thân mình là khó nhất”. Dương hy vọng rằng đến 40, 50 tuổi thì “hàng hiếm” này vẫn chạy tốt mà không bị rệu rão.
Anh Tùng Dương thân mến. Sau 8 năm ca hát, anh đã trải nghiệm qua rất nhiều dòng nhạc, từ New age/ World music, Jazz, Electronica… mới đây là nhạc tiền chiến, trữ tình, nhạc Trịnh. Năm nay là một năm đại thành công với anh, nhiều tầng lớp khán giả biết tới và yêu thích anh hơn với dòng nhạc trữ tình. Có bao giờ anh nghĩ rằng: Nếu như 8 năm trước, anh không theo đuổi âm nhạc đương đại mà theo đuổi nhạc xưa, nhạc Trịnh…thì lượng khán giả của anh sẽ nhiều hơn bây giờ? Lúc ấy, biết đâu khi nhắc tới Tùng Dương, mọi người sẽ luôn nghĩ tới hình ảnh chàng trai mặc vest lịch lãm, hát rất ngọt? Trong tương lai, đâu là hình tượng anh muốn hướng tới? Anh sẽ hội nhập với thế giới như thế nào, và khi nào? Chúc cho anh luôn thành công với những dự định của mình. Em sẽ luôn nhớ tới hình ảnh “chàng Quái hát như lên đồng”!!! :”> (Bùi Việt Thành, Nam – 22 Tuổi)
- Chào Bùi Lười, :D, cám ơn “hàng xóm Facebook” vì luôn ủng hộ anh nhé! Em cũng biết anh “tham lam” còn gì :D “Nhạc nào cũng nhảy” mà. Tùy theo mỗi thời điểm mà trong sâu thẳm anh muốn hát lên. Nhưng em yên tâm, ở dòng nhạc nào anh cũng sẽ hết mình. Khó tiếp cận nhất là những gì mang tính gợi mở, trừu tượng, vô định…. Anh sợ nhất có những lúc phải trốn vào thế giới âm nhạc, lúc đó mình mất kiểm soát ghê gớm. Bạn diễn của mình có khi cũng bỏ lại ở quá xa….Đó là nhược điểm của anh đấy.
Ngày xưa nếu hát nhạc trữ tình thì làm sao có một hình ảnh Tùng Dương in đậm trong tâm trí của mọi người như vậy. Mọi việc sẽ tự đến với đời sống như cái cách của nó sẽ diễn ra. Sẽ cố gắng hết mình để khi nào hội nhập được với thế giới thì thôi. Nếu thế giới không chấp nhận thì lại về hát cho quê nhà nghe. Cứ yên tâm, sang năm anh lại “lên đồng” nhé!
Tôi thấy Tùng Dương là một ca sĩ hiếm hoi có thể hát rất nhiều thể loại ca khúc khác nhau và bao giờ cũng thấy hấp dẫn. Các thể loại “nhạc trẻ” thì khỏi nói, “dân ca đương đại” thì hết chê! Mà nhạc đỏ anh hát trong nhiều đại nhạc hội uy nghi cũng rất tuyệt! Làm sao giỏi thế, Tùng Dương? (Nguyễn Ngọc Hùng, Nam – 67 Tuổi)
- Cám ơn những lời khen “có cánh” mà chú đã dành cho cháu :D Với lời khen này, cháu đang ngất ngây lắm đây. Nhưng cũng lo lắng một chút đấy, vì không biết mình sẽ được yêu thích lâu không. Lại phải cố gắng thôi chú nhỉ?! Được một người ở tuổi của chú yêu thích thì thật đáng tự hào. Cháu sẽ luôn nỗ lực và lao động cống hiến hết mình để xứng đáng với những sự kì vọng của chú.
Em chào anh Tùng Dương, Em là người rất hâm mộ giọng hát của anh kể từ những ngày đầu tiên được nghe trong chương trình Sao Mai điểm hẹn. Không chỉ em mà cả gia đình em, tức là 4 người thuộc đủ mọi thế hệ, trẻ em, thanh niên, trung niên đều thích nghe anh hát. Điều đó, theo em nghĩ, là một minh chứng cho thấy, nghệ thuật đích thực, luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả, dù có ở lứa tuổi nào đi nữa. Nhưng có một thực tế là, không phải ai cũng có được đủ kiến thức và tình yêu âm nhạc để thưởng thức thứ nghệ thuật mà anh mang tới. Vậy theo anh, để một bộ phận giới trẻ hiện tại không còn chạy theo những thứ nghệ thuật giả danh, mang tính “mỳ ăn liền”, người nghệ sĩ như anh cần đóng góp những gì? Xin cảm ơn và chúc anh hạnh phúc và thành công! (Hoàng Nguyễn, Nam – 26 Tuổi)
- Mì ăn liền mà biết cách chế biến thì vẫn ngon cơ mà! :D Sứ mệnh của một người nghệ sĩ đích thực là luôn luôn sáng tạo không ngừng nghỉ, và phải có tâm với nghề. Chính vì vậy điều mà các bạn trẻ thiếu là kinh nghiệm và vốn sống. Hãy cho các bạn ấy thêm thời gian để chứng minh, gạn lọc….Chúng ta sẽ tìm ra những nhân tài đích thực. Vì như bạn thấy đấy, những gì là “hàng thật” sẽ luôn được ghi nhận đúng với giá trị của nó và sẽ thành bất hủ.
Thời của scandal, các chiêu trò cũng sẽ qua rất nhanh. Nên bạn hãy nhìn cuộc sống ở những mặt tích cực nhé!
Dương ơi, nghe nói giờ cát-sê của bạn cao ngất ngưởng, thường vào hàng top, hơn cả diva Mỹ Linh rồi, có đúng không?
- Trong tình hình kinh tế khó khăn như thế này thì làm sao mà giá cát-sê tăng vọt hay ngất ngưởng được như bạn nói. Có những chương trình Dương vẫn hát free một cách tự nguyện như trong các chương trình từ thiện hay như hát cho sinh viên tại các trường Đại học.
Ban Văn hóa
Theo Vietnamnet
Nhạc teen: những chiêu gây sốc bệnh hoạn
"Nhạc teen bị thả nổi hoàn toàn, món ăn tinh thần vô bổ chẳng mấy chốc biến thành độc hại với những chiêu gây sốc nhảm nhí bệnh hoạn".
Sáng 14/12, Hội Nhạc sĩ Hà Nội đã tổ chức hội thảo "Âm nhạc với tuổi trẻ -Thực tế và phương hướng", nhiều nhạc sĩ như Phạm Tuyên, An Thuyên, Hoàng Vân, Doãn Nho, Cát Vận, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, các nghệ sĩ hiện công tác tại các đoàn nghệ thuật, các hội âm nhạc, hội nhiếp ảnh, hội nghệ sĩ múa, học sinh học viện âm nhạc có uy tín trong nước đã đến dự...
"Lỗ hổng" của nhạc trẻ
Dù tuổi đời không còn trẻ nhưng nhạc sĩ Doãn Nho vẫn quan tâm đến các chương trình mà đối tượng tham gia là các bạn trẻ. " Trong số các chương trình ca nhạc có mặt hàng tuần trên màn ảnh nhỏ, có lẽ hoành tráng nhất, thời thượng nhất là chương trình Giọng hát Việt. Chỉ tiếc nó chưa đi dúng hướng khiến khán thính giả nghĩ rằng đây là chương trình sùng ngoại.
Đáng lý phải theo hướng Việt hóa những tinh hoa của nền văn hóa âm nhạc nước ngoài thì ngược lại, chúng ta phải "hóa thân" theo thẩm mỹ của nước ngoài! Chúng ta hiện đã có một kho tàng đồ sộ những bài hát hay thuộc hầu hết các dòng trong nhạc nhẹ - nhạc trẻ, vậy tại sao không sử dụng? Chương trình mang tên Giọng hát Việt nhưng sao chẳng thấy hồn Việt đâu" - nhạc sĩ Doãn Nho bày tỏ.
Mặc dù đang là sinh viên của Học viện âm nhạc quốc gia nhưng Lê Cẩm Nhung cũng có bài tham luận gây sự chú ý. Cô cho rằng có một bộ phận nhạc sĩ trẻ truyền đạt tới người nghe những suy nghĩ nông cạn, tư tưởng bồng bột (qua những ca từ dễ dãi, tẻ nhạt...) và điều đáng ngại nhất là một bộ phận giới trẻ lại thích thú.
" Chúng ta có thể thấy tốc độ phát tán các ca khúc rất nhanh qua những trang mạng hay liveshow ca nhạc. Mặc dù các trang mạng, hay chương trình biểu diễn ca nhạc luôn có người quản lý, giám đốc sản xuất giám sát nhưng vì lợi nhuận họ sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ để thu hút khán giả" - Lê Cẩm Nhung đưa ra quan điểm từ góc nhìn của một người trẻ.
Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến trong bản tham luận của mình lại thẳng thắn đề cập tới việc một số ca sĩ trẻ thiếu hiểu biết, vì mưu sinh, một phần cũng lại do nể bạn bè, không đủ bản lĩnh, không đủ độ chín nên tặc lưỡi cho qua, ghi âm một vài bài, có một khoản thù lao. Mặt khác nếu khi đưa lên mạng được nhiều người truy cập thì họ cũng có phần thơm lây.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng bởi không có sự đầu tư uốn nắn của các tổ chức quản lý âm nhạc chuyên nghiệp, nhạc teen bị thả nổi hoàn toàn, món ăn tinh thần vô bổ chẳng mấy chốc biến thành độc hại với những chiêu gây sốc nhảm nhí bệnh hoạn.
Làm gì để hạn chế những "hạt sạn"?
Nhạc sĩ của "Chiếc khăn Piêu" bày tỏ rằng, âm nhạc nói chung, âm nhạc trẻ nói riêng cần được sự quan tâm đúng mực của truyền thông, báo đài. " Nhiều sáng tác mới ở ngay Hội Âm nhạc Hà Nội, trong đó không ít những bài có chất lượng nhưng hình như đó chỉ là những sản phẩm xa lạ, nằm ngoài nhu cầu của Đài Hà Nội" - nhạc sĩ Doãn Nho.
Theo nhà phê bình Minh Châu, tài năng cần được khích lệ bởi công chúng. Vậy mà lâu nay công chúng trẻ muốn nghe nhạc giao hưởng thính phòng vẫn không đủ tiền hoặc cơ hội mua vé, muốn tìm hiểu nhạc cổ truyền đích thực chứ không phải đồ giả cổ vẫn chả biết nghe ở đâu.
" Nhà quản lí văn hóa nghệ thuật có tâm có tầm hẳn nhìn ra ý nghĩa to lớn của internet mà đặt lòng tin vào tuổi trẻ. Điều cần làm là giúp lớp trẻ "bộ lọc" tốt thay vì triệt để kiểm soát bằng cách chặn đứng các xa lộ thông tin, đóng cánh cửa tiếp cận thế giới bên ngoài"- nhà phê bình Minh Châu nêu quan điểm.
Sinh viên Lê Cẩm Nhung cho rằng để hạn chế những "hạn sạn" nhạc trẻ thì các cơ quan quản lý văn hóa cần có sự thẩm định kỹ càng đối với sản phẩm âm nhac trước khi phát hành, hạn chế các bài báo lăng xê một cách quá mức các ca khúc với những ca từ kém thẩm mỹ...
Là nhà báo viết mảng âm nhạc, chị Lệ Chiến bày tỏ niềm hi vọng: " Mọi thứ đều tiến về phía trước, đi tìm cái mới. Tuy nhiên trên con đường đi ấy, nếu gặp sóng to sẽ đẩy thuyền lên đỉnh con sóng gió và nếu người lái thuyền bình tĩnh xử lý thì con thuyền ấy chỉ chao nghiêng chứ không thể bị chìm nghỉm".
Phải thẳng thắn thừa nhận ngoài việc đọc các tham luận, Hội thảo "Âm nhạc với tuổi trẻ -Thực tế và phương hướng" vẫn mang tính "hình thức" để giới chuyên môn gặp mặt nhau là chính, bởi trong một buổi sáng những vấn đề chỉ mang tính chất nêu sự việc và chưa có nhiều phương hướng giải quyết.
Anh Phương
Theo Vietnamnet
Tùng Dương hôn cảm ơn nhạc sĩ Doãn Nho Tác giả 'Chiếc khăn piêu' bất ngờ khi nam ca sĩ chợt quay sang và hôn ông thắm thiết khi cùng lên nhận giải thưởng Bài hát yêu thích tháng 12. Chương trình Bài hát yêu thích tháng 12 diễn ra vào 21h tối 2/12 tại Hà Nội. Ca khúc Chiếc khăn piêu của nhạc sĩ Doãn Nho do Tùng Dương thể hiện...