Tung clip ngoại tình lên mạng xã hội bị xử lý thế nào?
Theo quy định pháp luật, những người tung clip lên mạng tùy trường hợp có thể bị xử lý về hình sự.
Hỏi: Em gái tôi là sinh viên năm 2 một trường đại học ở Hà Nội và có yêu một người con trai (đã có gia đình nhưng em tôi không biết). Mới đây, em tôi bị vợ của người này bắt gặp, đánh ghen và có quay clip rồi tung lên mạng xã hội. Việc các cá nhân tung clip lên mạng bị pháp luật xử lý về tội danh gì và bị xử lý thế nào?
Ảnh minh họa
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Nhiều người đưa những clip, hình ảnh của bạn đời ngoại tình trên mạng với mục đích để kẻ ngoài tình phải xấu hổ bẽ bàng. Nhưng mục đích đạt được đến đâu chưa ai rõ, còn hệ lụy nhãn tiền thì lại là điều có thể dễ dàng nhìn thấy. Những người tung clip lên mạng tùy trường hợp có thể bị xử lý về hình sự.
Đầu tiên, về trách nhiệm dân sự: Theo quy định tại Điều 31 BLDS 2005 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật đã khẳng định mỗi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình, do đó, việc một người nào đó đăng clip vợ/chồng ngoại tình lên mạng không có sự đồng ý của người trong clip là hình vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 3 Điều 31, BLDS 2005. Người có hành vi này phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Khoản 3, Điều 307, BLDS 2005: ” Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại”.
Video đang HOT
Việc bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 611 Bộ luật dân sự 2005.
Ngoài ra, hành vi tung clip vợ/chồng ngoại tình lên mạng xã hội còn có thể cấu thành tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Điều 121 Bộ luật hình sự quy định như sau: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: Phạm tội nhiều lần; Đối với nhiều người; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Hành vi tung clip vợ chồng ngoại tình lên mạng xã hội đã xúc phạm nghiêm trọng tới nhân phẩm, danh dự của người khác do đó có thể cấu thành “tội làm nhục người khác”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự về việc khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại thì: “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”.
Như vậy, cơ quan công an chỉ có thể khởi tố khi có đơn yêu cầu của người bị tung clip hoặc người đại diện hợp pháp của họ (đối với đối tượng là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) thì người tung clip lên mạng có thể bị xử lý về hình sự (nếu người này đã đủ năng lực trách nhiệm hình sự tức là từ đủ 16 tuổi).
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Hà Nội: Hai cây xăng "lươn lẹo, ăn gian" có thể bị truy cứu hình sự
Các nhân viên của 2 cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty CP Chất đốt Hà Nội vừa khai nhận với cơ quan chức năng về các hành vi "lươn lẹo", gian lận, móc túi người tiêu dùng khi bơm xăng.
Ngày 24/12, Phòng An ninh kinh tế - Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 - Chi cục QLTT TP Hà Nội, đã phát hiện và bắt quả tang tại 2 cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty CP Xăng dầu Chất đốt Hà Nội gắn chíp điện tử vào cột bơm xăng, làm sai lệch thiết bị đo xăng dầu nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Cụ thể, hai cửa hàng xăng dầu tại địa chỉ số 436 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng và cửa hàng xăng dầu Yên Viên thuộc Công ty nói trên đã gian lận, móc túi công khai người tiêu dùng.
Cơ quan chức năng bắt quả tang cây xăng của Công ty CP Xăng dầu Chất đốt Hà Nội gian lận, ăn gian khi bán xăng
Theo báo Thanh tra, đoàn kiểm tra liên ngành bắt quả tang nhân viên cửa hàng số 436 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng đang sử dụng 3 chiếc điều khiển từ xa để điều khiển các cột đo xăng dầu. Đại diện cửa hàng, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, cửa hàng trưởng cửa hàng thừa nhận 3 chiếc điều khiển từ xa trên để điều khiển cột đo xăng dầu nhằm gian lận, thay đổi, sai lệch kết quả đo.
Tại cơ quan chức năng, bà Hạnh thừa nhận cách thời điểm kiểm tra vài ngày có người không quen biết đã mời bà lắp thêm các thiết bị điện tử vào cột xăng dầu để điều chỉnh sai số của phương tiện đo nhằm gian lận về đo lường khi bán xăng dầu. Do lo lắng về lượng xăng dầu bị hao hụt nên bà Hạnh đã lắp đặt 3 thiết bị điện tử gắn chip có điều khiển từ xa vào cột đo để đạt được mục đích trên. Việc gắn chip điện tử là do nhân viên kho của cửa hàng thực hiện.
Tại cây xăng dầu Yên Viên, 3 tay bơm xăng cũng có gắn chip điện tử vào mảng mạch của cột bơm để điều khiển từ xa nhằm điều chỉnh sai số của phương tiện đo, gian lận về đo lường khi bán xăng dầu. 3 chiếc điều khiển này doanh nghiệp sử dụng để điều khiển 2 tay bơm xăng và 1 tay bơm dầu DO được gắn chip.
Cửa hàng này là cung cấp xăng dầu cho xe buýt hoạt động trên tuyến của thành phố, được thành lập vào ngày 29-5-2015. Tại biên bản làm việc, ông Trần Thanh Trình cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu Yên Viên thừa nhận ngày 20-10-2015, ông Trình đã thuê một người tên Tuấn Anh đến gắn chip với quy trình dùng đèn khò làm nóng tem niêm phong kiểm định sau đó dùng lưỡi lam bóc tem ra và mở máy gắn chip điện tử vào mảng mạch của các tay bơm trên. Sau khi lắp xong, dán lại tem niêm phong như ban đầu.
Do đó khi cơ quan kiểm tra, đối chiếu với tình trạng tem kiểm định còn nguyên phong, phù hợp với phiếu kiểm định còn hiệu lực đến tháng 5-2016. Ông Trình thừa nhận với việc gắn chip, tính đến ngày 24-12 cửa hàng gian lận được số hàng hóa gồm 4.500 lít dầu và 3.000 lít xăng. Việc gian lận của cửa hàng do cá nhân ông Trình đứng ra làm và chịu trách nhiệm.
Cây xăng 436 đường Trần Khát Chân và cây xăng Yên Viên gắn chíp điều khiển từ xa, gian lận khi bán cho người tiêu dùng
Theo cơ quan chức năng, hành vi của 2 cây xăng là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 2 điều 7 và phải bị xử lý theo quy định tại điều 52 Luật Đo lường năm 2012. Theo đó, với vi phạm này, 2 cây xăng trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tại cuộc họp do ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương chủ trì vào sáng 28/12, đại diện Chi cục QLTT và Phòng Quản lý Thương mại Sở Công thương đều đưa ra các ý kiến khẳng định sai phạm của 2 cây xăng có dấu hiệu phạm pháp hình sự. Khu vực xung quanh các cây xăng này có nhiều cây xăng đảm bảo nhu cầu phục vụ xăng dầu của người dân, do đó với hành vi gian lận của 2 cây xăng này, Chi cục QLTT và Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương đã đề nghị tạm ngừng hoạt động của 2 cây xăng vi phạm đề điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Buộc đình chỉ sử dụng phương tiện đo vi phạm và thực hiện kiểm định phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng đối với vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và điểm a, điểm b, điểm đ khoản 3 điều 22 Nghị định số 77/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Buộc nộp lại ngân sách Nhà nước số lợi nhuận bất hợp pháp có được.
Hồng Anh (T/h)
Theo_Vietq
Cảnh sát được phép truy đuổi người vi phạm giao thông khi nào? Trường hợp phát hiện có dấu hiệu phạm tội, sau khi ra hiệu lệnh dừng rồi mà người vi phạm vẫn cố tính bỏ chạy thì cảnh sát giao thông có thể truy đuổi. Hỏi: Dân phòng, dân quân, bảo vệ dân phố, công dân, cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có được...