Từng chống dịch thành công, Hàn Quốc đang chật vật đối phó với sóng dịch Delta
Biến thể Delta là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát các ca COVID-19 mới ở Hàn Quốc, quốc gia vốn được đánh giá kiểm soát thành công các làn sóng dịch bệnh trước đó.
Một nhân viên y tế nghỉ ngơi bên trong trạm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc Ảnh: Reuters
Theo trang The Guardian (Anh), Park Eun-sun đang phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn nhất kể từ khi bắt đầu kinh doanh hồi tháng 8/2020. Sau khi khai trương Nostimo, nhà hàng ở phía nam Seoul, cô đã phải vật lộn tìm mọi cách để thu hút khách hàng, đồng thời vẫn phải tuân thủ hàng loạt các biện pháp giãn cách xã hội, quy định số khách và giờ giấc mở cửa trong đại dịch COVID-19.
Hiện nhà hàng Nostimo phải tuân thủ những hạn chế nghiêm ngặt nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Hàn Quốc Do tình trạng các ca mắc liên tục gia tăng ở thủ đô Seoul, các cửa hàng phải đóng cửa trước 10 giờ tối.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Hàn Quốc đã có thời điểm bùng phát dịch lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc. Do đó, quốc gia này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao vì nhanh chóng ngăn chặn làn sóng lây nhiễm đầu tiên thông qua chiến dịch xét nghiệm và truy vết tích cực, mà không ban hành các biện pháp phong toả chặt chẽ như bắt buộc đóng cửa cơ sở kinh doanh.
Nhưng ánh sáng đó đã lụi tàn, khi hơn một năm sau, Hàn Quốc đang phải trải qua làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất do biến thể Delta gây ra, với 1.896 trường hợp mắc mới vào hôm 28/7, số ca mắc hàng ngày cao nhất từ trước đến nay. Tính đến ngày 29/7, quốc gia 52 triệu dân ghi nhận trên 193.000 ca mắc COVID-19 và vượt ngưỡng 2.000 ca tử vong.
Người dân xếp hàng dài tại trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul. Ảnh: Yonhap / EPA
Video đang HOT
Các chuyên gia cho rằng Hàn Quốc đã tự mãn quá sớm khi ngăn chặn thành công làn sóng đại dịch trước đó. Sự gia tăng đột biến của các ca mắc hiện nay trùng vào đúng thời điểm Hàn Quốc đang phải đối mặt với đợt nắng nóng khắc nghiệt. Trong tuần qua, nhiệt độ ở nhiều thành phố của nước này đã tăng lên khoảng 30 độ với độ ẩm cao.
Cuối tháng 7 cũng là đợt cao điểm của kỳ nghỉ hè ở Hàn Quốc. Số liệu thống kê cho thấy số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng mạnh trong thời gian gần đây không chỉ do số ca bệnh tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận tăng vọt, mà còn do số ca mắc mới tăng nhanh ở những khu vực khác trên cả nước, khi người dân đi du lịch vào mùa hè.
Giới chức y tế lo ngại đường cong dịch tễ tại Hàn Quốc chưa thể đạt đỉnh trong bối cảnh biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang trở thành biến thể lây lan chính tại nước này khi người dân di chuyển nhiều hơn vào mùa nắng nóng.
Để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, tại các điểm nghỉ mát bờ biển nổi tiếng, giới chức địa phương đã cấm người dân đến các bãi biển trong những khoảng thời gian nhất định mỗi ngày và cấm tụ tập ăn uống trên bãi biển.
Công viên sông Hàn ở Seoul, Hàn Quốc, nơi ghi nhận số ca COVID-19 cao kỷ lục Ảnh: Shutterstock
Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến làn sóng Delta bùng phát cũng được cho là do Hàn Quốc có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Quốc gia này đã bị chỉ trích không đảm bảo đủ nguồn cung vaccine giúp cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Tỉ lệ tiêm vaccine của Hàn Quốc hiện đứng ở gần cuối trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), với chỉ 13,49% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Chính phủ Hàn Quốc đã ký các thỏa thuận với các nhà cung cấp nước ngoài để mua vaccine AstraZeneca, Pfizer và Moderna, nhưng tình trạng thiếu nguồn cung và các chuyến hàng bị trì hoãn đã gây ra nhiều trong quá trình triển khai.
Shin Eui-cheol, Giáo sư tại Trường Kỹ thuật và Khoa học Y tế KAIST cho biết: “Tình trạng giãn cách xã hội nghiêm ngặt hiện nay có thể tránh được nếu chính phủ thực hiện một cách tiếp cận lâu dài hơn. Giới chức nên đưa ra một chiến lược tích cực hơn để cố gắng chấm dứt đại dịch, bằng cách mua đủ vaccine sớm hơn”.
Một nhân viên y tế lấy mẫu tại một trạm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul. Ảnh: EPA
Các biện pháp giãn cách xã hội và yêu cầu làm việc trực tuyến của nhiều công ty đã khiến đường phố Seoul, một thành phố vốn sôi động, nhộn nhịp, trở nên vắng lặng. Tại nhà hàng Nostimo, cô Park đang chuẩn bị những món ăn Hy Lạp, với nhiều nguyên liệu có nguồn gốc từ một trang trại ở ngoại ô thành phố. Do người dân không thể đi du lịch nước ngoài, nhà hàng đã nhận được nhu cầu lớn của cả thực khách Hàn Quốc và khách nước ngoài bị mắc kẹt tại đây.
Cô Park hy vọng nhiều người dân Hàn Quốc sẽ được tiêm phòng hơn: “Vì các nhà hàng vẫn mở cửa, sẽ tốt hơn nếu các chủ nhà hàng và nhân viên được nằm trong danh sách ưu tiên tiêm vaccine”.
Park Jae-young, Bác sĩ y khoa kiêm Tổng biên tập của tờ Korean Doctors’ Weekly cho biết thay vì trông đợi vào một “kỷ nguyên hậu đại dịch”, các chuyên gia y tế đang chuẩn bị cho tương lai sống chung với COVID-19.
“Xem xét các đặc điểm của virus SARS-CoV-2 – khả năng lây truyền của nó, các dạng đột biến và tỉ lệ tiêm chủng – có vẻ như chúng ta sẽ phải sống với những ảnh hưởng của COVID-19 hầu như mãi mãi. Sẽ mất một thời gian rất dài để hàng chục nghìn người bỏ khẩu trang, tụ tập trên sân bóng để cổ vũ, bắt tay với người lạ và thảo luận sôi nổi trong quán rượu”, ông nói.
Nhật, Hàn tiếp tục tranh cãi về vấn đề 'phụ nữ mua vui'
Ngày 9/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã điện đàm bày tỏ sự phản đối với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha liên quan đến phán quyết của tòa án Hàn Quốc yêu cầu Chính phủ Nhật Bản bồi thường thiệt hại cho những người từng bị binh sĩ Nhật cưỡng ép làm "phụ nữ mua vui" trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản dẫn lời ông Motegi khẳng định với bà Kang rằng Tokyo không chấp nhận phán quyết được tuyên bố chính thức hôm 8/1, cho rằng phán quyết này "vi phạm luật pháp quốc tế". Ngoại trưởng Motegi, đang ở thăm Brazil, cũng hối thúc Hàn Quốc "ngay lập tức triển khai các biện pháp thích đáng để sửa chữa hành vi vi phạm luật pháp quốc tế".
Các phụ nữ từng bị cưỡng ép làm lao động tình dục thời chiến tại một cuộc họp báo ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 13/11/2019. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cùng ngày dẫn lời Ngoại trưởng Kang Kyung-wha trong cuộc điện đàm yêu cầu phía Nhật Bản kiềm chế, tránh đáp trả một cách thái quá đối với phán quyết trên của tòa án Hàn Quốc.
Trước đó, trả lời các phóng viên tại Văn phòng Thủ tướng, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho rằng theo luật quốc tế, một quốc gia có chủ quyền thì không thuộc quyền tài phán của tòa án nước ngoài. Do đó, phán quyết trên của tòa án Hàn Quốc phải được hủy bỏ. Ngoài ra, ông nêu rõ phán quyết này đã đi ngược lại Hiệp định Hàn-Nhật được hai nước ký năm 1965 nhằm giải quyết các vấn đề tài sản và yêu sách liên quan tới thời gian phát xít Nhật đô hộ Bán đảo Triều Tiên 1910-1945.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, hàng nghìn phụ nữ đã bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục cho binh lính phát xít Nhật, còn gọi là "phụ nữ mua vui". Họ chủ yếu đến từ các nước Hàn Quốc, Triều Tiên, Philippines, Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc). Vấn đề "phụ nữ mua vui" là nguồn cơn gây căng thẳng ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời gian dài.
Theo thỏa thuận năm 2015, Nhật Bản xin lỗi và lập quỹ trị giá 1 tỷ yen (9,18 triệu USD) để hỗ trợ cho các nạn nhân còn sống, đồng nghĩa giải quyết dứt điểm và vĩnh viễn vấn đề nói trên. Đây là thỏa thuận mà hai nước đạt được thời cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye còn tại nhiệm. Tuy nhiên, Tổng thống hiện nay Moon Jae-in cho rằng đây là một thỏa thuận sai lầm và không phản ánh đúng những ý kiến của "những phụ nữ mua vui" còn sống. Tháng 10/2018, Tòa án Tối cao của Hàn Quốc đã ra phán quyết rằng cá nhân các nạn nhân vẫn có quyền đòi được bồi thường cho dù đã có thỏa thuận giữa nhà nước với nhà nước.
Hôm 8/1, Tòa án quận trung tâm Seoul đã ra phán quyết đầu tiên yêu cầu Nhật Bản phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Cụ thể, Tòa án tại Seoul yêu cầu Nhật Bản bồi thường cho 12 nạn nhân, mỗi người 100 triệu won (91.300 USD).
Triều Tiên công bố hoàn thành phát triển tàu ngầm hạt nhân Ngày 9/1, truyền thông nhà nước Triều Tiên tuyên bố nước này đã hoàn thành phát triển tàu ngầm hạt nhân mới. Hình ảnh tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố năm 2019. Ảnh: Forbes Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn phát biểu của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un...