Tung cánh chim bồ câu khởi động hành trình ‘Tôi yêu Tổ quốc tôi’
Sáng 29.4, tại di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải (Quảng Trị), Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã chính thức khởi động hành trình ‘Tôi yêu Tổ quốc tôi’ năm 2020.
Các đại biểu tung chim bồ câu giữa cầu Hiền Lương lịch sử – ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Dự lễ có anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Tường Lâm, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam; ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và một số gương thanh niên có thành tích xuất sắc của địa phương.
Anh Nguyễn Tường Lâm, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng quà cho các em học sinh gặp khó khăn – ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Tại buổi lễ, sau khi tiến hành chào cờ dưới chân ngọn kỳ đài lịch sử, ban tổ chức đã tặng 15.000 bữa cơm cho 1.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trị giá 225 triệu đồng; trao tặng 20 suất học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số (mỗi suất trị giá 2 triệu đồng); nhận đỡ đầu cho 10 học sinh mồ côi không nơi nương tựa (mỗi tháng 500.000 đồng đến khi 18 tuổi); trao tặng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh 150 bộ đồ bảo hộ và khẩu trang N95 trị giá gần 50 triệu đồng; trao tặng 10.000 quả trứng gà hỗ trợ người lao động nghèo, thanh niên công nhân tỉnh Quảng Trị trị giá 20 triệu đồng; ra mắt 98 đội hình tình nguyện chăm sóc cựu nữ thanh niên xung phong cô đơn… Tiếp đó, các vị đại biểu cũng đã tiến hành thả chim bồ câu, loài chim biểu tượng cho hòa bình ngay giữa cầu Hiền Lương lịch sử.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam (phải) và anh Nguyễn Khánh Vũ (Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị) thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn – ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Phát biểu tại buổi lễ, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã kêu gọi các bạn trẻ tự ý thức trách nhiệm của mình, để hiểu và tự hào sâu sắc về truyền thống của dân tộc để biến thành hành động, tri ân các thế hệ đi trước, bày tỏ trách nhiệm của mình với thế hệ của mình và thế hệ mai sau. “Mỗi bạn trẻ hãy thể hiện tình yêu tổ quốc của mình, bằng công việc cụ thể, đóng góp một cách tích cực nhất trong sự phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng của đất nước…”, anh Tuấn nói.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng quà cho Mẹ VNAH Trần Thị Liền (xã Trung Giang, Gio Linh, Quảng Trị) – ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Được biết, hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm nay được chia thành 4 chặng. Chặng thứ nhất với chủ đề “Cảm ơn Tổ quốc” được tổ chức từ ngày 29.4 đến 15.5 vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2020), và kỷ niệm 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Chặng thứ 2, được tổ chức từ ngày 15.5 đến ngày 30.6 với chủ đề “Thanh niên làm theo lời Bác”. Chặng thứ 3, được tổ chức từ 1.7 đến 31.7 với chủ đề “Tháng bảy tri ân” gắn với kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Và cuối cùng là chặng thứ 4, được tổ chức từ 1.8 đến ngày 2.9 với chủ đề “Tự hào Việt Nam” kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9.
Cũng trong sáng 29.4, đoàn công tác của Trung ương Hội LHTN Việt Nam do anh Nguyễn Anh Tuấn dẫn đầu đã đến thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Cuối buổi, đoàn đã đến thăm, tặng quà và dùng bữa cơm ấm cúng với Mẹ VNAH Trần Thị Liền (xã Trung Giang, H.Gio Linh, Quảng Trị).
Đội quân thầm lặng trong cuộc "rượt đuổi" virus SARS-CoV-2
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) là đơn vị y tế đầu tiên tham gia kiểm soát và xét nghiệm những trường hợp nghi mắc covid-19 tại Việt Nam.
Đêm 6.3, khi ca nhiễm thứ 17 xuất hiện tại Hà Nội, là một đêm không thể quên với người dân Hà Nội trong đó có cả những cán bộ tại CDC Hà Nội. 10h đêm họp khẩn và sau đó là những tháng ngày triền miên đi sớm, về khuya, chạy bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào nếu có thông tin về người nghi nhiễm. các chiến sĩ luôn trong tâm thế sẵn sàng lao đi tìm kiếm kẻ thù vô hình - Covid-19- có thể ở bất cứ đâu và họ có thể bị virus "tấn công" bất cứ lúc nào.
Video đang HOT
Những chiến binh CDC Hà Nội trong bộ "áo giáp" trắng luôn sẵn sàng trong những cuộc "rượt đuổi" kẻ thù giấu mặt - virus SARS-CoV-2.
Không trực tiếp tham gia chữa bệnh nhưng các y, bác sĩ, các bộ CDC luôn là những người "đi đầu trận chiến".
Những chiến binh âm thầm chiến đấu để "nhìn thấy" kẻ thù
12h trưa, tại trụ sở CDC Hà Nội vẫn tấp nập, người ra người vào, ai cũng vội vã vì công việc bận rộn, có khi chỉ kịp chào nhau một tiếng rồi lại đi làm nhiệm vụ của mình. "Chắc là hôm nay được ăn cơm lúc 2 rưỡi - 3 giờ", một bác sĩ trong đội phản ứng nhanh vừa đi lấy mẫu bệnh phẩm về nói với tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc CDC Hà Nội.
Để "làm bạn" với những mẫu xét nghiệm, phân tách virus là việc làm không hề đơn giản.
"3 giờ là nhanh ấy nhỉ", chị Kiều Anh đáp lời với giọng động viên, vì có vẻ hôm nay công việc của đội hoàn thành sớm hơn mọi hôm. Ở đây, việc ăn cơm trưa lúc 3 giờ chiều là chuyện bình thường với họ, cũng như việc 11 rưỡi đêm mới được ăn tối. Và đợt này là những ngày triền miên như vậy, rồi cũng thành quen. "Có hôm anh em chạy đến 3 giờ sáng, chưa ai được ăn gì, nhưng vẫn cứ cười. Vì cộng đồng thôi, chúng tôi hay động viên nhau như thế", chị Kiều Anh nói.
Là lãnh đạo đội quân "săn virus", nhưng không ngồi một chỗ chỉ đạo, chị phải liên tục đứng lên ngồi xuống, đi lại kiểm tra, động viên anh em và quan trọng là phải nắm tình hình để sắp xếp công việc luân phiên giữa các đội cho mọi người có thêm thời gian nghỉ ngơi. Với chị, lãnh đạo không phải là công việc chỉ tay năm ngón, mà phải sống cùng, ăn cùng các đồng nghiệp nhất là trong giai đoạn căng thẳng, tất cả phải luôn trong tâm thế sẵn sàng đi làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào.
"Có hôm anh em chạy đến 3 giờ sáng, chưa ai được ăn gì, nhưng vẫn cứ cười. Vì cộng đồng thôi, chúng tôi hay động viên nhau như thế", Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc CDC Hà Nội.
Việc lấy mẫu bệnh phẩm của người dân chỉ là công đoạn đầu tiên để có thể xác định được "kẻ thù". Cả quá trình tiếp theo phân tách virus đòi hỏi sự phức tạp và tập trung cao độ trong những phòng thí nghiệm được trang bị theo quy định nghiêm ngặt. Bởi vậy, việc ở lì trong phòng thí nghiệm cả ngày là điều thường xuyên xảy ra đối với các bác sĩ nơi đây.
Trong phòng thí nghiệm, để nhìn thấy "kẻ thù", họ phải đồng hành cùng một bộ đồ bảo hộ kín mít và chiếc khẩu trang N95 ngột ngạt đến mức khó thở. Không uống nước, không đi vệ sinh là những gì họ phải đối mặt suốt 8-9 tiếng, có khi đến 14 tiếng "nhốt" mình trong bộ đồ bảo hộ.
Bởi chỉ cần cởi ra, bộ đồ bảo hộ coi như bỏ đi. Mà đối với họ đó là một sự lãng phí. Có những người tình nguyện đeo chiếc khẩu trang N95 từ 8 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm mới tháo, đó cũng là lúc bước ra khỏi phòng thí nghiệm sau một ngày dài làm việc. Những vết hằn thâm tím trên gương mặt vì đeo khẩu trang quá lâu, sự ngột ngạt, căng thẳng khiến khi trút bỏ đồ bảo hộ, họ chỉ biết ngồi thở như một sự nghỉ ngơi. Nhưng cũng có lúc sự nghỉ ngơi đó không kéo dài lâu, những bác sĩ chỉ kịp uống chút nước, thêm chút sữa rồi lại quay lại công việc.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của cán bộ CDC Hà Nội giữa guồng quay công việc.
Trong bộ đồ bảo hộ, họ trao đổi với nhau rất kiệm lời vì "đeo khẩu trang này khó thở lắm", nhưng dù vậy, các công việc vẫn diễn ra đúng quy trình, nhịp nhàng và đều đặn.
"Có hôm đi lấy mẫu tại khu cách ly tập trung, 14 tiếng liền không uống nước, khát khô cổ luôn, cũng không thể đi vệ sinh luôn. Nhưng mình vẫn phải cố để làm cho xong việc. Y tế dự phòng thầm lặng khủng khiếp ấy. Không ai biết đâu. Nhưng chúng tôi không làm như vậy thì sao giữ yên bình cho mọi người ", chị Kiều Anh nói với niềm tự hào ánh lên trong ánh mắt.
Đói không được ăn, khát không được uống, thậm chí là không được đi vệ sinh là những gì các "chiến binh CDC" phải trải qua khi "nhốt" mình trong bộ đồ bảo hộ xanh lét, kín bưng.
Là hi sinh chứ không chỉ là cố gắng
Hôm nay, bác sĩ Hà Tấn Dũng - Đội trưởng đội cơ động 3 không phải "chạy". Và nếu có một lí do khiến các chiến sĩ không phải "chạy" trong lúc này thì đó chỉ có thể là thời gian họ dành để xét nghiệm cho nhau. Đây cũng là cách để họ bảo vệ bản thân và những người xung quanh sau khi đã tiếp xúc gần như là trực tiếp với virus.
Thường thì sau 3-4 ngày đi lấy mẫu bệnh phẩm, cả đội sẽ phải tự xét nghiệm cho nhau, thời gian nào căng thẳng thì phải 1 tuần. Cũng giống như các y bác sĩ trong bệnh viện, họ là những người liên tục tiếp xúc với các đối tượng nguy cơ nhưng không thể biết "kẻ thù" ẩn nấp ở đâu nên có thể bị "tấn công" bất cứ lúc nào.
"Các mẫu bệnh phẩm mang về xử lý trong phòng thí nghiệm. Chỗ đó là nguy hiểm nhất. Virus sẽ nằm ở tăm bông chọc họng. Để an toàn cho người trong phòng thí nghiệm thì ai làm ở đâu phải làm việc ở đấy, cả ngày như thế cực kì vất vả", Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc CDC Hà Nội.
"Làm việc này, anh có cảm thấy sợ không?". "Sợ thì ai cũng sợ nhưng mình đã bảo hộ tương đối đầy đủ nên phải tin tưởng rằng sẽ không bị nhiễm. Kể cả có lo thì cũng không được biểu hiện ra bên ngoài, vì như thế những người mình tiếp xúc họ còn lo lắng hơn. Nói chung, anh em luôn nhắc nhở nhau trang bị cẩn thận, tuân thủ quy tắc phòng chống lây nhiễm để không ai bị cả", anh Dũng tâm sự.
Bác sĩ Hà Tấn Dũng - Đội trưởng Đội cơ động 3, đang được các đồng nghiệp lấy mẫu xét nghiệm.
Anh Dũng là 1 trong khoảng 500 chiến sĩ tại CDC Hà Nội, chia làm 65 đội phản ứng nhanh rải rác tại thành phố, quận huyện, phải luôn túc trực, nhận nhiệm vụ. Nhớ lại, đêm ngày 6.3, đội cơ động của Anh Dũng là những người trực tiếp đến lấy mẫu tại khu vực Trúc Bạch, nơi liên quan đến bệnh nhân số 17.
Đó cũng là lần đầu tiên anh Dũng và các đồng đội tiếp xúc với trường hợp dương tính. Anh bảo: Được tập huấn nhiều rồi nhưng khi tiếp xúc thật nó khác lắm. Sau buổi làm việc đột xuất và gấp gáp đó, khi tạm xong nhiệm vụ, ra về cả đêm anh không ngủ được vì căng thẳng, mệt mỏi.
Các ổ dịch từ Trúc Bạch, đến bệnh viện Bạch Mai, Hạ Lôi (Mê Linh), người ta tránh né, nhưng họ luôn là những người có mặt đầu tiên.
Sáng hôm sau lại qua khu vực Trúc Bạch theo dõi từ sớm, hàng quán đóng cửa, anh và các anh em lại nhịn đói đến trưa để làm cho xong. Kể từ ngày đó, mỗi ngày, mỗi đội phải luân phiên nhau "chạy" 3-4 nơi, có hôm 4-5 nơi mới xong việc. Hơn một tháng trời ròng rã, từ Trúc Bạch cho đến "ổ dịch" Bạch Mai, Sơn Lôi, Hạ Lôi (Mê Linh), họ đều là những người có mặt đầu tiên.
"Chúng tôi không có lịch cụ thể, toàn đột suất thôi. Bất cứ khi nào có ca nghi nhiễm cộng đồng thì các đội sẽ luân phiên nhau lên đường", bác sĩ Hà Tấn Dũng - Đội trưởng đội cơ động 3.
"Các đội đều ấn tượng như nhau cả. Mọi người đều hỗ trợ nhau, nhất là đêm hôm, phải làm xong mới có thể ăn uống được, vì đồ bảo hộ kín mít hết rồi. Nhanh thì một tiếng, có khi đến những chỗ phức tạp thì 3 tiếng mới có thể cởi bỏ đồ. Đây chắc phải gọi là sự hi sinh chứ không phải cố gắng nữa", anh nói.
Nếu bây giờ, hỏi những nhân viên của CDC Hà Nội, tôi tin rằng tất cả đều có chung một mong muốn là "hết dịch chứ chẳng mong gì hơn". Bởi hết dịch, cởi bỏ những bộ đồ bảo hộ, họ có thể dành nhiều thời gian để về thăm gia đình, nơi mà có lẽ suốt gần 3 tháng qua với ai trong số họ cũng đều là nỗi nhớ. "Mọi người như thế nào không biết còn tôi toàn ở cơ quan, chắc về nhà chỉ để thay quần áo rồi lại lên luôn. Thỉnh thoảng cũng về ngủ nhưng chỉ ngủ phòng khách thôi, tự phòng tránh cho gia đình. Có khi con mình nhìn thấy mình còn chạy xa 2 mét", anh Dũng cười nửa đùa, nửa thật.
Ngày xảy ra "biến cố" Bạch Mai, những "chiến binh CDC" chạy đua với thời gian để lấy mẫu cho hơn 7000 nhân viên y tế.
Lời kết:
Cuộc chiến vô hình, cuộc "rượt đuổi" virus SARS- CoV-2 có lẽ chưa thể dừng lại và với những người chiến sĩ tuyến đầu mang tên CDC, họ sẽ tiếp tục hi sinh, tiếp tục cố gắng vì lợi ích cộng đồng, sức khoẻ của người dân. Những hình ảnh đội quân CDC Hà Nội trong bộ quần áo bảo hộ màu xanh, bịt kín từ đầu đến chân có mặt ở mọi tâm dịch đã trở nên quen thuộc với người dân trong những tháng ngày qua. Họ giấu đi sự mệt mỏi, sự căng thẳng, thậm chí đôi chút lo sợ sau chiếc khẩu trang dày bịch, sau chiếc kính nặng trĩu... Có thể nói họ là những người đứng ở tuyến đầu của tuyến đầu trong cuộc chiến với dịch COVID-19.
Những sự hy sinh, cống hiến của họ xin hãy ghi nhận thật sâu sắc. Đừng nghĩ mỗi ca bệnh hồi phục được ra viện chỉ là do công của các bác sĩ điều trị trong bệnh viện. Công đầu xin hãy nhớ đến đội quân CDC. Cuộc chiến chống dịch vẫn còn ở phía trước và CDC vẫn sẵn sàng lên đường. Họ lao vào điếm nóng với ý chí mạnh mẽ "HẾT DỊCH" - Hai từ ngắn ngủi ấy cũng chính là mong ước của hàng triệu người Việt Nam ngay lúc này.
Sự hi sinh, cống hiến thầm lặng của họ, xin hãy ghi nhớ thật sâu sắc!
Con trai nghịch ngợm không ngừng nghỉ, mẹ trẻ TP.HCM thay đổi chiến lược, nói câu "thần chú" khiến con ngoan ngoãn tức thì Không phải nói nhiều hay sử dụng biện pháp mạnh, bà mẹ trẻ chỉ nói một câu với con mà kết quả vô cùng bất ngờ. Trẻ con hiếu động, nghịch ngợm là điều hiển nhiên và dễ thông cảm, nhất là bé trai. Các em đang trong độ tuổi thể hiện bản thân, thích tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh....