Tưng bừng kỉ niệm 38 năm ngày giải phóng đất nước (30-4-1975 – 30-4-2013)
38 năm đã trôi qua, song giá trị của cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam vẫn mãi trường tồn.
Niềm vui ngày chiến thắng (ảnh tư liệu)
Hòa chung không khí vui mừng chào đón ngày lễ kỉ niệm 38 năm ngày Giải Phóng Miền Nam 30/04/1975 – 30/04/2013, trong và ngoài nước đã diễn ra chuỗi sự kiện đặc biệt chào mừng ngày lễ kỉ niệm trọng đại của đất nước.
* Ngày 29/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại các Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị. Cùng đi với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Trị.
Tại các nơi đến viếng, Phó Thủ tướng đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với công lao, sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
*Cũng trong sáng 29/4, tại Hội trường thành phố, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2013), 127 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 – 1/5/2013) và đón nhận các phần thưởng cao quý của Nhà nước.
Tại lễ kỷ niệm, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP HCM đã đọc diễn văn ôn lại chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 38 năm đã trôi qua, song giá trị của cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam vẫn mãi trường tồn. Kế tục và phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong những năm tháng đấu tranh dành độc lập và kinh nghiệm qua 38 năm xây dựng và phát triển, TP HCM ngày càng khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.
* Chiều 29-4, Hội người Cam-pu-chia gốc Việt Nam tại Thủ đô Phnôm Pênh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2013) với sự tham dự của đại diện Ðại sứ quán nước ta tại Cam-pu-chia cùng đông đảo bà con Việt kiều.
Video đang HOT
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch Hội người Cam-pu-chia gốc Việt Nam tại Phnôm Pênh Huỳnh Minh Phú nhắc lại ý nghĩa lịch sử của ngày 30-4, đồng thời thay mặt bà con Việt kiều khẳng định, sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng cộng đồng vững mạnh và luôn hướng về Tổ quốc. Theo ông Huỳnh Minh Phú, bà con Việt kiều tại Phnôm Pênh nói riêng và ở Cam-pu-chia nói chung sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc, tăng cường mối quan hệ và đoàn kết hữu nghị với nhân dân và chính quyền Cam-pu-chia, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau phát triển cuộc sống và có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển của hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia.
Buổi lễ kỷ niệm đã diễn ra trong không khí trang nghiêm và đầm ấm. Mọi người cùng nhau ôn lại kỷ niệm về những tháng năm lịch sử, cùng hát những bài ca cách mạng ca ngợi đất nước và chiến thắng lịch sử 30-4-1975.
* Trước đó, ngày 26-4, Trường phổ thông 282 ở Thủ đô Mát-xcơ-va đã tổ chức kỷ niệm 38 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2013).
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt toàn thể giáo viên, học sinh Trường 282, Hiệu trưởng nhà trường I-ri-na Gri-gô-ri-ép-na đã chúc mừng nhân dân Việt Nam nhân sự kiện lịch sử trọng đại này. Với gần 200 trên tổng số 340 học sinh của trường là người Việt Nam, Trường phổ thông 282 thường xuyên quan tâm tổ chức các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của Việt Nam, trong đó có hoạt động chào mừng ngày 30-4. Sau lễ chào cờ và hát quốc ca hai nước, thầy trò Trường 282 và các đại biểu cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Nhiều tiết mục văn nghệ do chính các học sinh Việt Nam và Nga biểu diễn đã nhận được những tràng pháo tay cổ vũ nồng nhiệt của khán giả.
Cách đây 38 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã giành toàn thắng, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đây là thắng lợi của niềm tin, của công lý, là thành quả đấu tranh gian khổ, lâu dài với bao hy sinh, mất mát của cả dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Đảng bộ và quân dân Sài Gòn- Chợ Lớn – Gia Định đã cùng miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” đã đóng góp bao công sức cho chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta.
Càng tự hào về thành quả vĩ đại của cách mạng, chúng ta càng khắc ghi trong tim những hy sinh to lớn của bao thế hệ đồng chí, đồng bào, cán bộ, đảng viên, của các anh hùng liệt sỹ, của bao chàng trai, cô gái đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân, làm cho đất nước hôm nay thêm rạng rỡ.
Theo vietbao
30/4/1975: Sáng tinh mơ kịp mọc một rừng cờ
Đông đảo các tầng lớp nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng
Giải phóng Xuân Lộc, cánh cửa vào Sài Gòn của quân ta đã mở.
Sáng ngày 24/4/1975, Nguyễn Trọng Quyến được lệnh đến gặp Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân phía Đông. Trung tướng chỉ đạo:
- Chúng ta sắp tiến công tiếp vào Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch. Tôi phân công đồng chí lo đủ 2.000 lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng và 40.000 băng đeo tay cho lực lượng quân quản. Trong ngày 25/4 phải có.
Nguyễn Trọng Quyến trưởng thành từ một lái xe chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, trở thành kỹ sư ô tô, nay là cán bộ tiền phương Tổng cục Hậu cần, vốn nổi tiếng tháo vát. Nhưng với nhiệm vụ "hỏa tốc" này, anh dè dặt đề nghị:
- Thưa thủ trưởng, việc này xin giao cho quân nhu được không. Tôi là dân kỹ thuật, bây giờ biết tìm đâu ra vải màu và thợ may ngần ấy lá cờ và băng tay. Lại còn tiền nữa.
Trung tướng Lê Trọng Tấn ôn tồn:
- Tôi thấy đồng chí có thể khắc phục khó khăn để thực hiện tốt việc này nên mới phân công. Hãy phát huy óc sáng tạo, năng nổ ứng biến, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh. Kể cả việc tiền nong vay mượn ở đâu. Thời gian lại rất gấp, phải thật khẩn trương.
Thế là Nguyễn Trọng Quyến vào việc. Anh xin một chiếc xe tải và một lái xe, nhằm hướng Bắc. Tại thị xã Phan Thiết, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân quản Ba Mì lắng nghe Quyến đưa ra yêu cầu. Ông đắn đo giây lát rồi hỏi: "Vậy đồng chí mang theo bao nhiêu tiền?".
Chao, Nguyễn Trọng Quyến lúng túng sao! Quyến nhớ trong ví của mình có mấy tờ bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam mệnh giá 1 đồng mang từ Hà Nội vào, liền rút ra một tờ đưa cho người đối diện. Ông Ba Mì run run cầm tờ giấy bạc, đưa lên soi, ngắm hình Bác Hồ, rồi cho vào túi áo bên phía trái tim:
- Đồng chí thân mến, tôi coi như được Bác Hồ giao nhiệm vụ. Tôi sẽ thực hiện được một nửa yêu cầu của đồng chí.
Quyến vẫn chưa hết lo lắng. Nhưng ông Ba Mì đã nhanh chóng gỡ bí giúp. Ông gợi ý còn một nửa chỉ tiêu số cờ và băng, Quyến đi gặp đồng chí Ba Thành, Trưởng ban Quân quản tỉnh Bình Tuy giải quyết nốt. Tại Bình Tuy, Quyến cũng trao tay ông Ba Thành một tờ bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam mệnh giá 1 đồng, được ông rưng rưng cảm động đón nhận.
Tất nhiên hai cán bộ lãnh đạo tỉnh Phan Thiết và Bình Tuy có cách riêng của mình trong việc vận động nhân dân, nhưng đều có hiệu quả. Trưa ngày 25/4, đúng hẹn, bà con khắp nơi tấp nập chở cờ và băng đeo tay đến, chất đầy chiếc xe tải. Bằng xe lam, xe gắn máy và cả xe đạp. Thành công đến thật chóng vánh nhờ có sức dân, khó vạn lần dân liệu cũng xong!
Ngày hôm sau, 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Buổi sáng ngày 30/4/1975, khi đại quân ta tiến vào đô thành Sài Gòn, cả thành phố tràn ngập cờ và hoa, hoa và cờ..., đúng như ca từ một bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Xuân Hồng: Ta đang đi, đi giữa rừng hoa / Hay ta đi giữa rừng cờ...
Hay như một nhà thơ - chiến sĩ viết: Ngày ấy hẳn là ngày vui nhất / Năm cánh quân về náo nức thành đô / Nét rạng rỡ hiện trên từng khuôn mặt / Sáng tinh mơ kịp mọc một rừng cờ...
Theo 24h
Những bức ảnh lịch sử về ngày toàn thắng Ngày này 38 năm về trước, 5 mũi tấn công của ta đã thần tốc tiến vào đánh chiếm sào huyệt cuối cùng Sài Gòn, đưa non sông về một mối. Cuối tháng 3/1975, đồng chí Lê Đức Thọ từ miền Bắc vào Nam cùng đồng chí Phạm Hùng và Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ...