Tục xông nhà có “một không hai”
Tại một số vùng của tỉnh Thanh Hóa, tục xông nhà do tất cả thanh niên của làng phụ trách mà nhiều người đùa là: Cứ thấy nhà nào mở cửa là nhóm thanh niên xông vào chúc tết. Tục xông nhà này cũng gây ra chuyện dở khóc dở cười cho gia chủ.
Trong khi đó, thông thường, xông nhà hay xông đất có ý nghĩa quan trọng trong những ngày tết, nhìn người khách đầu năm mà có thể đón được cuộc sống của gia chủ trong năm mới cho nên gia chủ rất kén chọn vị khách đầu tiên bước chân vào nhà.
Tại làng Đăng Lâu, Thọ Xuân, Thanh Hóa, từ lâu gia chủ đã không còn khái niệm người đến xông nhà là người mau mắn, hợp tuổi với gia chủ, thành đạt về công danh hay trong làm ăn để mang tài lộc đến. Hoặc ăn mặc đẹp, mang theo một chút quà Tết hay loại trừ những người gia cảnh khó khăn, đạo đức không tốt hay gia đình đang có chuyện buồn thì phải kiêng cữ…Mà chuyện xông nhà do thanh niên trong làng phụ trách.
Đoàn xông nhà chúc tết một gia đình sau Giao thừa.
Anh Nguyễn Trọng Hải, tham gia đoàn xông nhà liên tiếp 3 năm hào hứng: “Đây là một trong những hoạt động vui nhất trong dịp tết của thanh niên chúng em. Ai đi làm ăn xa, đi học thì đây cũng là dịp chào tổng thể các bác, các cụ trong làng”.
Chiều tất niên, thanh niên trong làng tập trung nhau lại, chia nhóm, phân chia “địa bàn” xông nhà để sau giao thừa “hành quân”. Ngay sau giao thừa, mỗi nhóm từ 10 đến 20 thanh niên nam nữ đến gõ cửa từng nhà, hoặc thấy nhà nào điện sáng là “xông” vào. Khi những vị khách đầu tiên đến nhà dù muốn hay không gia chủ cũng phải mời khách ngồi, rót rượu, bánh mứt mời khách.
Video đang HOT
Các vị khách vừa “xông” vào nhà vẫn đảm bảo chỉ đến thăm, chúc Tết chừng năm mười phút, không ở lại lâu, trưởng nhóm đại diện cầu chúc tết gia chủ, sau đó tất cả nâng ly chúc mừng năm mới. Nếu một thành viên của gia đình có nhã hứng gia nhập đoàn xông nhà thì sẽ xuất hành theo đoàn. Cứ như thế thành viên của đoàn tăng dần lên, chúc tết khắp các nhà kéo dài đến sáng.
Chị Hà Phương, một gia chủ được đoàn xông nhà “xông” vào đầu tiên kể: “Mình vốn không phải người ở đây cho nên lần đầu được xông nhà kiểu này rất hốt hoảng. Trong miền Nam ngay cả ngày mùng 1 tết còn kiêng cử đến nhà người khác, người đến xông nhà cũng phải được “chọn mặt gửi vàng” đằng này…Nhưng mà được cái không khí rất vui. Năm mới cứ cười nói rộn ràng thế này là may mắn”.
Theo cụ Hoàng Công Khanh, một cao niên trong làng thì tục “xông” vào nhà có trên dưới 20 năm nay và một số vùng khác của Thanh Hóa, Nghệ An cũng có. Cụ Khanh kể, ngày trước bộ đội đóng quân ở làng, tết ở trong quân đội là thường sau giao thừa anh em tập trung nhau lại chúc tết nhau rồi đến chúc tết ở từng đơn vị, một nhóm chúc tết nhà dân, sau lại thành tục của làng vì ai cũng thấy vui.
Tuy nhiên, tục xông nhà kiểu “xông” vào nhà này cũng có lắm chuyện dở khóc dở cười. Anh Duy Biên, một gia chủ được xông nhà sau giao thừa sáng mùng 1 tết đã hậm hự vì đoàn xông nhà tối qua đã xin lộc toàn bộ hàng hoa cúc đại nhà anh. “Tiếc công chăm bẵm, sáng ra nhìn hàng hoa mà tiếc. Vậy còn đỡ, có năm nhiều đứa nghịch dại trà trộn vào đoàn xông nhà cũng đến chúc tết rồi bê luôn mâm ngũ quả đơm ngoài sân, sáng ra chủ nhà chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt, mỉm cười đón năm mới. Nhiều lúc bực thì bực nhưng nếu sau giao thừa mà nhà nào không được đoàn này vào thì buồn trong lòng, thế nào cũng bị nói là “ăn ở làm sao cho thanh niên nó ghét, tết này không thèm vào xông nhà”.
Theo 24h
Hoảng vì 'thần tài' đến nhà ngày Tết
"Sợ, sợ...", bé trai gần 2 tuổi khóc thét, bám chặt lấy mẹ khi nghe tiếng trống thình thình cùng "ông thần tài" nhảy tưng tưng vào nhà. Cạnh đó, nhiều gia đình cũng xua con vào trong đóng cửa.
"Tùng tùng cắc tùng tùng...", sáng đầu năm, tiếng trống vang lên từ cuối con hẻm tại phường 13, quận Tân Bình, TP HCM. Gần chục thanh niên đen đúa, phì phèo thuốc lá, đầu bờm ngựa nhuộm vàng rực cùng tông với trang phục sặc sỡ đang ra sức gõ trống. Trong âm thanh rộn rã, "thần tài" đội mũ tai chuồn, chòm râu dài nhem nhuốc cùng "ông địa" nhảy tưng tưng ngó nghiêng những nhà đi qua.
Cậu bé khóc thét, bám lấy anh trai khi "thần tài" đến nhà ngày Tết. Ảnh: Quốc Thắng
Đang chuẩn bị mâm cúng ông bà, ông Hứa giật mình khi thấy có nhóm người đẩy cửa bước vào trong tiếng trống nện liên hồi. Thằng cháu nội gần 2 tuổi của ông đang ngồi chơi trên ghế salon bỗng khóc thét. "Sợ, sợ...", nó hét lên rồi bám chặt lấy mẹ, mặt tái xanh đưa tay chỉ về nhóm "thần tài" đang múa mang quay cuồng trong nhà mình.
Đưa tay xua ra vẻ ngăn nhóm thanh niên vào sâu trong nhà, nhưng ông Hứa không cản được vì "thần tài" và "ông địa" đang bận múa. "Thần râu dài" móc trong áo một xâu vàng (dùng để trang trí) treo lên cành đào tết trong nhà gia chủ. Lúc này, ông bụng bự giật tưng tưng trong tiếng trống, quơ quơ cây quạt, cúi đầu gật lia lịa ra hiệu đòi "lì xì".
Tỏ vẻ khó chịu nhưng có lẽ do là ngày đầu năm nên chủ nhà đành rút ra tờ 50.000 đồng. "Ông địa" liền phẩy quạt cho trống kèn lại nổi lên, quay một vòng lượm nhanh tờ bạc rồi từ từ rút ra ngoài. Đưa tờ tiền kiếm được cho cô gái đi theo, đoàn "thần tài" tiếp tục giục trống liên hoàn trong hành trình dọc con hẻm nhỏ.
"Năm nào họ cũng đến với danh nghĩa 'thần tài chúc xuân', thiệt phiền hết sức. Đâu phải vì họ mà tài lộc mới đến nhà mình, có mà nhát con cháu người ta thì có", ông Hứa bực bội nói khi thấy đứa cháu nội vẫn còn thút thít.
Vài phút sau, đoàn "thần tài" kéo đến nhà bà Thuý cách đó 100 mét. Người mẹ già gần 90 tuổi của bà chủ nhà đang bệnh liệt giường giật mình hoảng hốt, đưa tay quơ quơ khi đoàn người vào nhà. Họ diễn lại tiếng trống liên hồi và điệu nhảy tưng tưng chẳng giống ai của người trong vai thần tài, ông địa. Tuy nhiên, lần này nhóm không được biểu diễn nhiều bởi bà chủ nhà nhất định đẩy "thần tài" ra ngoài, trả lại không gian yên tĩnh cho mẹ già nghỉ ngơi.
Tiếng trống lại vang lên theo điệu múa lân, đoàn người dừng trước một nhà cao tầng. Vị "thần tài" râu dài ngó nghiêng rồi đẩy cổng lao vào phía trong nhảy nhót. Cũng như lần trước, đoàn người không nhận được sự đồng thuận khi chủ nhà liên tục xua tay, đứng chắn ngang cửa không cho bộ đôi "tài lộc" này vào trong. Tiếng trống dừng đột ngột, "thần tài" ngúng nguẩy quay ra, "ông địa" phẩy quạt ra hiệu cho cả bọn đi thêm đoạn nữa rồi ngồi phệt xuống vệ đường nghỉ ngơi. Mỗi người đốt một điếu thuốc...
"Mấy người này phiền lắm, mới mùng 1 Tết đã lao vào xông nhà người ta. Mà không chỉ có một đoàn, cứ vài tiếng là xuất hiện một nhóm như vậy. Cho họ vào thì có 'dông' cả năm. Đó là chưa kể năm ngoái thằng con tôi mất tiêu đôi giày Docter khi bọn họ múa xong", bác chủ nhà tỏ vẻ khó chịu.
Đoàn "thần tài" đi kiếm tiền lì xì vào dịp Tết. Ảnh: Q.T.
Theo ghi nhận của VnExpress, bắt đầu từ chiều 29 Tết, trên đường phố Sài Gòn có rất nhiều đoàn "thần tài chúc xuân" thế này. Lợi dụng tâm lý vui vẻ của các gia chủ khi năm hết Tết đến, nhiều nhóm thanh niên rủ nhau mua những bộ trang phục rẻ tiền, hoá trang làm "thần tài, ông địa" rồi lập đoàn đi múa may xin tiền.
Ông Lang, tổ trưởng khu phố ngụ tại một con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng 8 (phường 10, quận 3) cho biết, từ sáng mùng 1 đến trưa mùng 2 Tết có ít nhất 6 đoàn "thần tài" đến con hẻm này. Họ sẽ ập vào bất cứ nhà nào mở cửa, vừa nhảy múa vừa dán bùa, đeo dây hình thỏi vàng cho gia chủ để xin tiền lì xì.
"Trước Tết thì cho bao nhiêu cũng lấy nhưng những ngày này thì họ đòi thêm, khoảng 100-200 nghìn đồng họ mới chịu. Đối với các cơ sở kinh doanh, chúng còn đòi hỏi cao hơn. Không cho thêm chúng cứ đánh trống ầm ầm", ông Lang nói và cho biết người dân ở đây cứ nghe "tùng, tùng" là đóng cửa lại để "thần tài" khỏi vào nhà.
Theo VNE
Bác sĩ đảo Trường Sa Lớn "gặp" gia đình Nhìn thấy ba đang công tác ở đảo Trường Sa Lớn qua màn hình trực tuyến, bé Thanh Mai bi bô gọi "ba, ba" rồi nhoài người với lên màn hình. Ba bé Mai là anh Phan Đình Mừng - đại úy, Trạm trưởng bệnh xá đảo Trường Sa Lớn. Đây là lần đầu đại úy Mừng được nhìn thấy con gái gọi...