Tức nổ đom đóm mắt khi sống cùng ông chồng ‘dại gái’
Thế nhưng ăn xong, các anh kia ngồi tán gẫu đùn đẩy chồng tôi ra trả tiền. Một số cô khéo mồm nói với “Để đấy em trả cho”, nhưng chồng tôi lại nổi tính sĩ diện “chị em cứ ngồi đấy để anh”.
Khi kể ra câu chuyện này, nhiều anh em sẽ ném đá cho rằng phụ nữ chúng tôi ki bo, giỏi tính toán, nhưng thử hỏi nếu chúng tôi không tiết kiệm không giỏi quản lý thì lấy đâu tiền cho cả gia đình chi tiêu. Chưa kể, khi phải sống cùng ông chồng mắc bệnh sĩ diện hão chúng tôi vẫn phải nhịn đắng nuốt cay, thậm chí lo sợ chồng mình sẽ bị gái đào mỏ lợi dụng cho đến kiệt quệ về tài chính.
Tôi với chồng yêu nhau được 3 năm mới đi đến kết hôn. Mới đầu tôi rất thích anh vì anh khá ga lăng, tôi thích gì anh cũng chiều cũng đáp ứng hết. Thậm chí ngày đó, phòng tôi có tới 8 người con gái, lúc nào anh tới chơi cũng có quà, thậm chí đi ăn uống hát hò linh đình mà chẳng tính toán. Vì thế, tôi luôn được bạn bè ngưỡng mộ vì có người yêu vừa giàu lại phóng khoáng.
Nhưng rồi khi cưới nhau, sống cùng anh tôi dần nhận thấy điều đó chẳng thật sự là cần thiết nữa. Bởi có gia đình rồi nên vun đắp cho hạnh phúc của mình. Thế mà chồng tôi vẫn luôn thể hiện cái tính ga lăng đó mọi lúc mọi nơi, trong một môi trường toàn các chị em khiến tôi không khỏi phiền lòng.
Tức nổ đom đóm mắt khi sống cùng ông chồng ‘ dại gái’ – Ảnh 1
Tôi nói thế này nhé, trước một anh chàng lắm tiền lại ga lăng thế thử hỏi chị em nào mà không rung rinh. Chính tôi cũng vì điều đó mà “chết đứ đừ” chứ còn nói gì ai. Chưa kể các em cơ quan chồng tôi trẻ trung xinh tươi, lại ăn nói ngọt ngào. Tôi từng chứng kiến điều đó không dưới 10 lần khi ghé qua cơ quan anh. Không ít lần tôi tức nổ đom đóm mắt vì cái tính dĩ diện hão ấy của chồng mình.
Có hôm tôi qua cơ quan chồng đi ăn sáng, tôi gọi anh nói anh đang ngồi ở quán phở trước cơ quan. Nghe thế tôi mừng lắm, tôi cứ nghĩ chồng đi một mình nên tranh thủ hâm nóng tình yêu hẹn hò với anh chốc lát. Nào ngờ, tôi đến thấy phải tới chục người cả nam lẫn nữ đang ngồi cùng nhau. Thế nhưng ăn xong, các anh kia ngồi tán gẫu đùn đẩy chồng tôi ra trả tiền. Một số cô khéo mồm nói với “Để đấy em trả cho”, nhưng chồng tôi lại nổi tính sĩ diện “chị em cứ ngồi đấy để anh”.
Tình huống tương tự tôi chứng kiến không ít lần 5 lần đi ăn cả 5 lần chồng tôi rút hầu bao đãi anh chị em mà không hề tiếc. Tôi đã nói với anh nhiều về chuyện này, nhưng để tôi không giận anh cứ nói “Sau đó anh đã thu hồi lại rồi mà, em yên tâm”. Nhưng tôi khẳng định 100% anh chẳng thu lại được đồng nào cả, thậm chí anh còn cho rằng chuyện thu lại tiền 1 bát phở là hâm dở.
Ở cơ quan, chồng tôi vốn nổi tiếng phóng khoáng, sinh nhật sếp nữ hay bất kỳ chị em nào anh đều nhớ hết. Mà đã nhớ là có quà, thậm chí là liên hoan, cà phê cà pháo chứ không phải chúc mừng suông. Vì thế, theo tiền lệ cứ sinh nhật là các cô em lại đánh tiếng đòi chồng tôi quà. Khi anh kể, tôi tức nhảy lên “ Sao anh cứ như chồng công cộng vậy, cô ta mắc mớ gì mà anh lại đối xử tốt như thế”. Nghe vậy chồng tôi gạt tay “thì phải tạo mối quan hệ thân thiện chứ”.
Ngày mùng 8/3 hay 20/10 ngoài tiệc ngọt cơ quan tổ chức, chồng tôi lại lăng xăng khởi xướng đập phá liên hoan mặn. Nhưng rồi tới lúc thanh toán, thiếu tiền chính anh lại là người phải bù vào. Có lần bù tới vài ba triệu khiến tôi điên tiết lên được.
Video đang HOT
Tôi nói thật như thế là thái quá rồi, bởi thấy bở thế các chị em ai mà chẳng muốn lợi dụng. Chưa kể chồng tôi đẹp trai lại có tài ăn nói, thế thì cô nào chả mê. Nhiều đêm tôi không chợp mắt nổi vì lo lắng, giả sử nếu anh ra ngoài gặp phải cô ả đào mỏ, bám riết lấy thì vợ con tôi có mà bơ vơ.
Không chỉ với đồng nghiệp chị em phụ nữ, trong anh em bên nhà chồng tôi ai cũng biết anh là người dễ tính nên cứ hở ra là lại tới vay chồng tôi. Biết tôi chặt chẽ, nên chẳng ai dám hỏi trực tiếp chỉ khi thấy tiền đưa ít hơn tôi hỏi anh mới thú nhận. Khi tôi gào lên anh lại dịu giọng “Thì anh em khó khăn mình giúp tí có sao. Hôm nào nó có lương anh đòi lại cho”. Nhưng nói thế tôi thừa biết chồng tôi sẽ chẳng bao giờ mở miệng ra đòi nợ cả.
Tức nổ đom đóm mắt khi sống cùng ông chồng ‘dại gái’ – Ảnh 2
Có lần anh họ chồng tôi vay 10 triệu, thế nhưng phải tới 2 năm sau mới trả cho chồng tôi 1 nửa, số còn lại vẫn xin khất. Khi hỏi “Bao giờ mới trả”, chồng tôi nói “Thôi khó khăn thì anh giúp anh ấy vậy”. Tôi nhất quyết không chịu, bởi anh ta lương thưởng gấp đôi chồng tôi, suốt ngày đăng ảnh vợ chồng du lịch nước này nước nọ mà không đủ trả 5 triệu thì quá nực cười. Tôi bực quá nói rằng chồng tôi đang bị lợi dụng và cầm gọi điện hỏi thẳng luôn. Thế là vợ chồng tôi cãi nhau ầm ĩ.
Tôi không phủ nhận chồng tôi là người đàn ông tốt, anh lo lắng chu toàn cho cả gia đình, nhưng tôi nghĩ chỉ phạm vi ấy là đủ rồi. Sao anh cứ phải chăm lo cho cả người ngoài nữa? Tôi thật sự giận và không hài lòng về cách sống này. Nhưng tôi đã nói với anh không ít lần, thủ thỉ có, to tiếng có nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy. Thậm chí cái bệnh sĩ diện ngày càng lớn lên trong anh. Tôi biết phải làm sao đây mọi người ơi?
Theo Nguoiduatin
Ứng phó với ông chồng hà tiện
Tiết kiệm, cân nhắc chi li trong chi tiêu là tốt, nhưng nếu quá mức sẽ trở thành keo kiệt, bủn xỉn, nhất là đối với người đàn ông - thường được xem là phóng khoáng, rộng rãi, chi tiêu mạnh tay, thoải mái.
Họ mà lại "mắc chứng" hà tiện thì người khổ sở nhất chính là bạn đời của họ. Nhiều tổn thương về tâm lý trong quan hệ vợ chồng bắt nguồn từ tính dè xẻn, keo kiệt của người chồng. Sự đời thật lạ, không phải cứ sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn thì người đàn ông mới "kẹo". Thậm chí, có những anh hà tiện cả đối với những thứ vốn không hẳn là của mình. Vậy nếu người phụ nữ "chẳng may" gặp phải người chồng có thói "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" thì cần phải ứng xử như thế nào cho hợp lý mà không sứt mẻ tình cảm vợ chồng?
Thắt lưng buộc bụng
Hồi mới tìm hiểu nhau, chị Mai Anh ở Q.Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng cũng đã hình dung được cảnh sống với anh Thế Phong - chồng chị bây giờ. Chị biết rằng mình sẽ phải hy sinh một ít sở thích cá nhân, một số quan hệ xã giao bình thường. Những lần hẹn hò nhau như đi xem phim, nghe ca nhạc, đi chơi, đi ăn ở tiệm, bao giờ chị cũng khéo léo tìm cách chia sẻ cùng anh việc trả tiền do anh "quên ví", "chưa nhận lương...". Những lần đầu, Thế Phong có vẻ áy náy, nhưng sau đó quen dần. Lúc đó, chị Mai Anh còn tự an ủi rằng do anh yêu chị, lại thật thà, chân thành, không khách sáo như thế sau này dễ sống.
Họ kết hôn, hàng loạt mâu thuẫn liên tục phát sinh do bản tính của anh không thay đổi. Khi đứa con ra đời, chị đành nghỉ việc để ở nhà chăm sóc gia đình, an phận cơm nước cho chồng. Cũng từ đây, chứng bủn xỉn của anh ngày một nặng hơn. Anh luôn tìm mọi cách để thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng với vợ con. Mỗi lần nhận tiền từ chồng để lo toan các chi phí trong nhà, chị Mai Anh lại ngán ngẩm nghe chồng giảng giải về bài học tiết kiệm. Cứ thế, tình cảm vợ chồng phai nhạt dần, chị bắt đầu sợ chuyện gần gũi chồng, có lúc còn thấy căm ghét người đầu gối tay ấp.
Cay đắng vì thất bại
"Anh rể keo lắm chị ơi! Chi tiêu việc gì anh cũng so đo, tính toán. Anh đưa tiền biếu mẹ mà dặn dò đủ thứ, nào là đừng có vung tay quá trán trong chi tiêu, nào là đừng cho mấy đứa cháu mà chúng hư hỏng... Của cho không bằng cách cho, anh ấy nhắc nhở nhiều thế ai mà dám lấy!", nghe em gái than vãn về ông chồng hà tiện mà chị Hương Thảo (Q.Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) chạnh lòng. Chị còn nhớ, có lần tổ chức khao mọi người về chuyện mình vừa lên chức, chị mời nhóm bạn đi ăn ở một quán phở gần nhà. Vậy mà, khi biết chuyện, chồng chị đã nhắc khéo: "Thóc đâu mà vợ đãi gà rừng vậy?".
Điều chị Hương Thảo băn khoăn là hoàn cảnh gia đình chị thuộc dạng khá giả, có của ăn của để, công việc của anh chị đều có thu nhập khá cao. Ngày trước anh vốn thoải mái. Vậy mà kể từ khi anh gặp thất bại trong một vụ buôn bán bất động sản, anh cứ bo bo khi kiếm được ít tiền. Không những thế, anh còn quản lý việc thu chi của vợ, khiến không khí gia đình lúc nào cũng ngột ngạt, ức chế.
Bố của Hương Thảo mất sớm nên mọi việc chi tiêu trong gia đình bên ngoại từ trước đến giờ chị vẫn phải đảm đương hết. Trước đây, chồng chị vẫn chung tay giúp chị nuôi mẹ già và hai em ăn học. Giờ đây các em đã có công việc ổn định, nhưng cuộc sống còn khó khăn, chị cũng giúp đỡ mỗi đứa một chút. Chồng chị tỏ thái độ hậm hực, khó chịu ra mặt, anh kiểm soát vợ, dò xét từng đứa em vợ mỗi lần chúng đến nhà. Riết rồi không ai trong gia đình chị dám ghé thăm chị vì sợ mang tiếng "ăn bám".
Chị rất khổ tâm, nhiều lần gay gắt đặt thẳng vấn đề với chồng, chị mới biết được nguồn cơn của chứng "khắt khe" trong chi tiêu của chồng thời gian gần đây. Anh Hoàng Thông - chồng chị thổ lộ: "Do đợt đầu tư cho nhà đất thiếu tính toán, cân nhắc cẩn thận, anh làm thất thoát tiền bạc của gia đình. Giờ bản thân anh không dám chi tiêu quá tay bất cứ khoản gì". Biết ý chồng rồi, chị Hương Thảo thỏa thuận với chồng thống nhất trong chi tiêu, không nên dè xẻn quá mức. Nếu có khoản nào cần chi cho gia đình bên ngoại, chị sẽ cùng chồng cân nhắc để anh không phải khó chịu.
Bắt bệnh - khó mà dễ
Phải tìm hiểu nguyên nhân tận gốc của chứng bệnh này để có cách chữa tận gốc, người trong cuộc phải kiên trì, không được nôn nóng, vội vàng, tránh xúc phạm bạn đời.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong xã hội, không phải cứ sống trong nghèo khó, không kiếm được tiền mới hà tiện, mà có không ít người đàn ông có việc làm, có thu nhập ổn định, có vẻ bề ngoài dễ coi vẫn mắc chứng "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành". Người khổ sở nhất, bất hạnh nhất chính là vợ con và người thân của họ.
Thật ra, tính hà tiện của chồng có thể do hoàn cảnh sống, môi trường giáo dục. Có người sinh ra trong gia đình nghèo khó, phải tính toán từng li từng tí một. Điều đó, khiến họ có cách sống chặt chẽ, thậm chí trở nên bủn xỉn, ki bo. Có người dù sinh ra trong gia đình khá giả, có của ăn của để, nhưng được giáo dục phải biết tiết kiệm, tính toán rõ ràng, chi li...
Cách ứng phó
Hà tiện là một nét tính cách thể hiện trong thái độ lẫn hành vi, khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Khi phát hiện chồng có tính xấu này, bà vợ nên khéo léo, tế nhị để tìm sự đồng thuận trong chi tiêu giữa hai người. Hãy khêu gợi tình yêu thương của chồng dành cho vợ và các con bằng những cử chỉ quan tâm, âu yếm. Chính những cảm xúc đó sẽ trở thành động lực thúc đẩy chồng kiểm soát tính hà tiện của mình.
Không nên đối phó với chồng hà tiện bằng cách lập quỹ đen, cất giữ tiền để tiêu riêng. Cách làm này không thể giúp chồng cải thiện được tính xấu của mình. Nếu độc lập về công việc và kinh tế, người vợ nên thuyết phục chồng lập quỹ chung, hàng tháng mỗi người bỏ vào đó một số tiền nhất định để cùng chi tiêu; vận động gia đình bố mẹ hai bên ủng hộ kế hoạch của mình.
Quản lý thu chi trong gia đình phải minh bạch, rõ ràng, tiết kiệm trong chi tiêu, để chồng thấy bạn không phải là người chi tiêu vô độ, phung phí.
Bạn hãy để chồng thỉnh thoảng trải nghiệm sự thiếu thốn. Bạn cố tình hà tiện hơn để anh ấy thấu hiểu được sự khó chịu, căng thẳng như thế nào khi phải sống trong cảnh bị người khác đối xử keo kiệt, anh ấy sẽ tìm cách chia sẻ với bạn.
Hãy rủ anh ấy đi chợ hoặc phân chia cho anh ấy đảm nhiệm việc nấu nướng một số bữa ăn trong gia đình để chồng nhận thấy vật giá đã đắt đỏ ra sao và rất khó khăn để chi tiêu hợp lý.
Đánh vào tính sĩ diện của chồng bằng cách khi nào anh ấy có biểu hiện keo kiệt thì kể cho anh nghe câu chuyện "Phú ông hà tiện" đến khi chuẩn bị chết chìm giữa sông rồi vẫn còn ngã giá, dẫn đến không ai cứu giúp. Xen kẽ giữa những câu chuyện trong gia đình, vợ nên khéo léo cố ý kể cho chồng nghe chuyện chồng của cô bạn thân vừa hào phóng tặng cô ấy chiếc vòng thật đẹp, gia đình họ vừa có một chuyến đi du lịch vui vẻ...
Theo PNO
Công tử nhưng đòi làm đám cưới siêu tiết kiệm Anh bảo tôi đừng vin vào câu đời người chỉ cưới một lần mà muốn cưới cho tươm tất, chỉ một tháng sau là người ta sẽ quên hết cái đám cưới này nên làm cho có là được. Các anh chị đừng vội phán đoán chồng sắp cưới của tôi thu nhập thấp hay không có điều kiện. Anh sinh ra trong...