Tục dùng gỗ độc mộc làm quan tài báo hiếu cha mẹ
Người H’Re ở Quảng Ngãi đục thân gỗ ké làm quan tài chuẩn bị cho cha mẹ khi còn sống.
Tộc người H’Re sinh sống ven dãy Trường Sơn và Tây Nguyên, trong đó huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi là nơi cộng đồng người H’Re tập trung đông nhất. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều phong tục đặc trưng của văn hóa H’Re, nhưng có lẽ độc đáo nhất là tục làm quan tài cho người còn sống.
Cụ Phạm Thị Búp được con trai chuẩn bị sẵn quan tài. Ảnh: Thạch Thảo.
Gần 70 mùa rẫy, cụ bà Phạm Thị Búp ở thôn Bà Ha, xã Ba Xa vẫn hàng ngày mang gùi trên lưng vào rừng nhặt củi khô về nhà. Dáng dấp nhanh nhẹn, nước da hồng hào, khỏe mạnh, nhưng cụ Búp đã được con trai cả chuẩn bị sẵn một chiếc quan tài từ hơn 20 năm trước.
Cụ Phạm Thị Búp có 6 người con. Bên chiếc quan tài bằng gỗ ké đặt dưới chòi thóc gần nhà, ông Phạm Văn Dở (51 tuổi), con trai đầu lòng của cụ Búp tự hào kể: “Tôi mất một ngày lặn lội vào rừng, tìm cây ké 3 người ôm mới xuể. Chặt cây xuống, tôi nhờ 30 thanh niên trai tráng trong làng vào rừng cùng khiêng về”.
Sau một tuần cặm cụi với chiếc rìu đục đẽo, ông Dở mới hoàn thành chiếc quan bằng gỗ ké. Thân quan tài hình tròn, đường kính khoảng 50 cm, dài hơn 2 m, ruột được đục rỗng vừa đủ một thân người nằm xuống. Nắp quan tài là một miếng ván dài hình bán nguyệt được đặt một bên.
Theo người con trai cả, từ thời trai trẻ đến giờ, ông và những người em đã làm khoảng 5 chiếc quan tài độc mộc bằng gỗ ké. Trong số đó, 3 chiếc được biếu cho những người họ hàng, một chiếc dùng để an táng người cha đã mất gần 10 năm trước. “Tôi cũng muốn về với giàng, về với chồng rồi, con cái chuẩn bị sẵn như thế này vui lắm”, bên chiếc quan tài, cụ Búp cười móm mém.
Video đang HOT
Làm quan tài cho người còn sống là phong tục có từ hàng trăm năm qua của người H’Rê. Ông Phạm Văn Tem – Chủ tịch UBND xã Ba Xa cho biết, ông bà, cha mẹ cứ đến tuổi 60-70 hoặc bắt đầu lâm bệnh là con cháu lại vào rừng chặt những cây cổ thụ to nhất, thường là cây ké, về làm quan tài để thể hiện lòng hiếu thảo.
Một khu nghĩa địa của người H’Re. Ảnh: Thạch Thảo.
Nếu trong gia đình, họ hàng có người “về với giàng” trước thì người được tặng quan tài sẽ nhường lại cho người mất rồi chờ con cái làm một chiếc quan tài mới. Cứ thế, chiếc quan tài không chỉ có ý nghĩa với người chết mà còn là chiếc cầu nối gắn kết cộng đồng thêm bền chặt.
Đến các xã của huyện miền núi Ba Tơ, bên cạnh ngôi nhà sàn nào cũng có một căn chòi đựng lúa hay rơm rạ. Già Phạm Văn Lẽo (70 tuổi), thôn Mangmu, xã Ba Xa nhớ lại: “Ngày xưa dưới căn chòi nào cũng đặt một chiếc quan tài độc độc bằng gỗ ké, đó là loại gỗ tốt nhất để làm quan tài vì mấy chục năm chôn xuống đất mới phân hủy”.
Qua thời gian, con người ngày một sinh sôi nảy nở, cây ké cổ thụ bị đốn hạ rồi ít dần đi, nhiều gia đình H’Re khi có người thân qua đời không dùng gỗ ké mà thay thế bằng cây chò, xẻ ván ghép lại thành quan tài. Những trường hợp cấp bách như đau ốm đột ngột hoặc tử vong ở bệnh viện, họ phải mua quan tài như người Kinh.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Quảng Ngãi nhận định, người H’Re phải chuẩn bị sẵn quan tài để khi người chết qua đời gia đình kịp tổ chức an táng. “Đồng bào các dân tộc miền núi xem cái chết hay về với giàng (trời) là lẽ tự nhiên chứ không phải sự đau thương. Việc làm sẵn quan tài vừa thể hiện lòng thuận thảo của con cháu, vừa để cha mẹ an tâm rằng con cái đã chuẩn bị chu đáo cho mình về cõi vĩnh hằng”, ông nói.
Người H’Re thường đặt quan tài dưới kho thóc cạnh nhà. Ảnh: Thạch Thảo.
Cũng theo tiến sĩ Vũ, không riêng người H’Re, đây là phong tục phổ biến của các dân tộc sinh sống ở dãy Trường Sơn và Tây Nguyên. “Ngày xưa người Cor và người Cadong ở Quảng Ngãi cũng an táng theo cách này nhưng giờ còn rất ít. Không phải người dân không muốn mà gỗ độc mộc trong rừng ngày càng ít đi”.
Sinh ra từ những cánh rừng, được nuôi dưỡng bởi rừng. Đến khi mất đi, người H’Re cũng gói thân mình vào thân cây cổ thụ để về với đất. “Chiếc quan tài thiêng liêng đến mức, người H’Re không đặt dưới nhà sàn vì trong nhà có người sinh hoạt mà đặt dưới chòi thóc. Cây gỗ độc mộc đặt thi thể vào trong, giống với biểu tượng con thuyền, chở họ về thế giới vĩnh hằng thanh thản”, tiến sĩ Vũ nói.
Thạch Thảo
Theo VNE
Sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia
Sâm Ngọc Linh sống trên ngọn núi cao nhất miền Trung Việt Nam, thuộc Kon Tum và Quảng Nam, đã trở thành sản phẩm quốc gia.
Thủ tướng vừa phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2017, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Tôm nước lợ, cà phê Việt Nam chất lượng cao và sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) là các sản phẩm được bổ sung.
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng một số cơ chế ưu đãi đặc thù cho từng sản phẩm.
Sâm Ngọc Linh trồng trên đỉnh núi cao nhất miền Trung. Ảnh: Đắc Thành
Sâm Ngọc Linh được người dân Xê Đăng sống dưới ngọn núi cao nhất miền Trung dùng để chữa bệnh, gọi đó là "thuốc giấu". Những năm chiến tranh, người dân thường dùng "thuốc giấu" trị vết thương, sốt rét... cho bộ đội.
Loài cây được biết đến rộng rãi vào năm 1973, khi dược sĩ Đào Kim Long được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đi tìm và nghiên cứu các loại thuốc quý để chữa bệnh cho bộ đội. Sau hàng năm trời cuốc bộ dọc dãy Trường Sơn, dược sĩ Long tìm ra loài cây mà người dân Xê Đăng vẫn dùng trị nhiều bệnh. Ông Long đặt tên cây là sâm Ngọc Linh.
Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000 hecta, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách khoảng 1.500 tỷ, còn lại huy động vốn xã hội hóa.
Nằm trong chuỗi hoạt động của Festival di sản Quảng Nam lần thứ 6 năm 2017, lễ hội sâm núi Ngọc Linh với chủ đề "Huyền thoại Ngọc Linh" sẽ diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13/6 tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My.
Đắc Thành
Theo VNE
Rợn người phát hiện ngôi mộ cổ chứa thi thể nữ giới còn nguyên vẹn Khi mở chiếc quan tài, người dân giật mình trông thấy thi thể còn nguyên vẹn và bốc ra mùi thơm của tinh dầu quý. Đào ao, chạm mộ cổ Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao trước thông tin về ngôi mộ cổ chứa một thi thể còn nguyên da thịt vừa được người dân phát hiện tại địa bàn...