Tuần này miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bầu Thủ tướng mới
Bước vào phần cuối của hoạt động kiện toàn nhân sự, tuần này, Quốc hội xem xét các vấn đề với khối cơ quan Chính phủ. Từ thứ Tư đến hết thứ Bảy (ngày 6-9/4), Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bầu Thủ tướng mới, phê chuẩn bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên hành lang Quốc hội tuần trước (ảnh: Việt Hưng).
Cụ thể, sáng 6/4, tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Quy trình thảo luận, giải trình, tiếp thu các ý kiến, bỏ phiếu miễn nhiệm sẽ hoàn tất trong ngày.
Thủ tướng đương nhiệm có thời gian phát biểu (nếu có) trước Quốc hội trước khi được miễn nhiệm. Nếu được miễn nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chính thức kết thúc khoảng thời gian gần 10 năm trên cương vị người đứng đầu Chính phủ với 3 lần được Quốc hội bầu (lần đầu vào tháng 6/2006, lần thứ hai vào tháng 7/2006, lần thứ ba vào tháng 7/2011).
Thủ tướng Chính phủ là một trong 3 chức danh lãnh đạo cao nhất của nhà nước được miễn nhiệm sớm trước khi kết thúc nhiệm kỳ này vì yêu cầu thực tiễn về việc sớm kiện toàn bộ máy nhân sự sau Đại hội Đảng XII. Trong Đại hội, trong số nhân sự trình Đại hội để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới không có tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên tại Đại hội, Thủ tướng được giới thiệu ứng cử bổ sung nhưng ông đã xin rút và được Đại hội chấp thuận.
Không tham gia Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII cũng có nghĩa Thủ tướng đương nhiệm không giữ chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước khoá tới. Việc chuyển giao quyền lực sớm, theo đó, cũng là để những người kế nhiệm sớm bắt tay vào công việc điều hành đất nước, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Video đang HOT
Cũng trong ngày miễn nhiệm Thủ tướng, Chủ tịch nước giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng mới. Được biết, nhân sự duy nhất được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu Thủ tướng mới đến thời điểm này là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sáng hôm sau, 7/4, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, quy trình tương tự như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước.
Ngày làm việc cuối cùng trong tuần, 9/4, tân Thủ tướng trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Việc kiện toàn bộ máy Chính phủ với 20/27 thành viên là “người mới” sẽ được hoàn thành trong ngày.
Ngoài ra, trong tuần này, Quốc hội cũng xem xét bầu mới 2 Phó Chủ tịch Quốc hội, 7 uỷ viên khác của UB Thường vụ Quốc hội, bầu mới Tổng kiểm toán Nhà nước, bầu mới Phó Chủ tịch nước, miễn nhiệm và bầu mới Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.
P.Thảo
Theo Dantri
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo công tác khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh
Sáng 3.4, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp có mặt tại Đồng Nai để chỉ đạo công tác khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tình hình vận chuyển hàng hóa tại ga Hố Nai - Ảnh: Lê Lâm
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và tỉnh Đồng Nai đã phản ứng nhanh, khắc phục kịp thời hậu quả sau khi sự cố sà lan đâm sập cầu Ghềnh xảy ra.
Phó thủ tướng chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ công tác khắc phục, xây dựng cầu Ghềnh mới.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo và phối hợp với công an địa phương rà soát lại các bước điều tra để đưa ra các hình thức xử lý kịp thời, đảm bảo tính răn đe của pháp luật đối với các đối tượng gây ra sự cố sập cầu Ghềnh.
Tặng quà cho những tập thể, cá nhân xuất sắc trong công tác khắc phục sự cố cầu Ghềnh - Ảnh: Lê Lâm
Ngoài ra Phó thủ tường còn khen ngợi ông Huỳnh Ngọc Hoàng (46 tuổi, nhà sát cầu Ghềnh) đã báo tin sập cầu kịp thời cho ngành đường sắt, góp phần cứu được đoàn tàu có khả năng lao xuống sông.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ GTVT cho biết đến nay công tác vận tải hàng hóa và hành khách ngành đường sắt đã hoạt động ổn định trở lại.
Về vận tải đường thủy từ ngày 22.3, các phương tiện tự hành đến 300 tấn và đoàn lai dắt có tải trọng trên 400 tấn đã được phép lưu thông qua cầu Ghềnh trở lại.
Công tác trục vớt đã diễn triển khai đúng kế hoạch, đến ngày 31.3 đã trục vớt xong hai nhịp cầu và đầu kéo sà lan, việc tháo dỡ hai nhịp 1,4 ngày 7.4 sẽ xong, các trụ cầu cũng được phá dỡ hoàn thành trước ngày 15.4, cầu Ghềnh mới sáng 1.4 đã khởi công.
Tại buổi làm việc Bộ GTVT cho biết tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM có 85 cầu yếu cần sửa chữa, nâng cấp; 251/532 các cầu vượt đường thủy có tĩnh thông thuyền thấp hơn thông số kỹ thuật.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT và các đơn vị, địa phương cần rà soát, kiểm tra ngay các cây cầu yếu trên toàn quốc để triển khai phương án sửa chữa thay thế; Bộ GTVT và ngành đường sắt rà soát lại các đường ngang giao nhau với đường sắt để có phương án ngăn ngừa tai nạn xảy ra.
Lê Lâm
Theo Thanhnien
Chính phủ yêu cầu Nghệ An dừng xây trung tâm hành chính nghìn tỷ Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn, Chính phủ yêu cầu các địa phương dừng xây dựng các khu trung tâm hành chính, chờ đánh giá hiệu quả thực tế. Xét đề nghị của tỉnh Nghệ An về việc xây dựng khu hành chính tập trung các sở, ngành cấp tỉnh, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND...