Tuần lễ Hoa Dã Quỳ tại 1 trong 10 miệng núi lửa đẹp nhất thế giới ở Gia Lai
Tuần lễ Hoa Dã Quỳ – Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 được Ban tổ chức lễ hội tỉnh Gia Lai, xác định đây là một trong những hoạt động lớn của tỉnh nhằm chào mừng các sự kiện chính trị của đất nước và tỉnh Gia Lai năm 2024, là sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Tuần lễ này dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 6-12/11. Trong đó, hình ảnh Hoa Dã Quỳ gắn với núi lửa Chư Đang Ya, đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietking bình chọn top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Gia Lai. Đặc biệt, Chư Đang Ya được công nhận là 1 trong 10 miệng núi lửa đẹp nhất thế giới của tạp chí Anh quốc bình chọn (năm 2018).
Đến với lễ hội
Tuần lễ “Hoa Dã Quỳ – Núi lửa Chư Đang Ya” cũng là sự kiện giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, các điểm trải nghiệm, quảng bá hình ảnh quê hương và con người Gia Lai đến với du khách; qua đó kêu gọi đầu tư, từng bước phát triển các loại hình du lịch; góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trong tỉnh.
Đường lên với lễ hội ở núi lửa Chư Đăng Ya
Thời gian dự kiến diễn ra từ ngày 06-12/11; trọng điểm trong 03 ngày: Từ ngày 08/11 đến ngày 10/11/2024. Địa điểm diễn ra các chương trình lễ hội gồm: Khu vực sân nhà rông làng Ia Gri, khu vực núi lửa xã Chư Đang Ya, khu vực xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh; khu vực Biển Hồ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Đến với lễ hội, du khách sẽ được đắm mình trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc “Đất và con người Gia Lai”. Ngoài ra, du khách còn được tìm hiểu về không gian văn hóa cồng chiêng qua lễ hội “mừng lúa mới” của người Jrai do các nghệ nhân tái hiện nguyên bản tại sân nhà rông làng Gri; không gian trưng bày sách về văn hóa, lịch sử Gia Lai; trưng bày ảnh đẹp của các nhiếp ảnh chuyên và không chuyên đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đây là những hình ảnh lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, các lễ hội, cảnh quan thiên nhiên, con người, ẩm thực đặc trưng của các dân tộc địa phương, các điểm du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Chư Păh nói riêng, Gia Lai nói chung. Đồng thời, các nghệ nhân Gia Rai, Ba Na cũng trình diễn tạc tượng gỗ dân gian, nhạc cụ dân tộc truyền thống và được trưng bày tại ngày hội để du khách thưởng lãm.
Các hoạt động diễn ra trong lễ hội
Đặc biệt khi đến đây du khách sẽ bị lôi cuốn vào những hoạt động văn hóa mang “màu sắc rất Gia Lai” như: Trình diễn cồng chiêng, múa dân gian; Phục dựng nghi lễ “mừng lúa mới” của người Jrai; Trình diễn giã gạo chày đôi; Không gian trình diễn nghệ thuật đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, tượng gỗ dân gian, nhạc cụ dân tộc truyền thống và trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng truyền thống các dân tộc thiểu số; Đan xen vào đó là các hoạt động thể thao như đẩy gậy, chạy cà kheo, kéo co, nhảy bao bố; Hội thi chinh phục đỉnh núi lửa Chư Đang Ya; Trò chơi dân gian với các trò chơi cho du khách trải nghiệm: Bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, nhảy bao bố…
Ngoài ra du khách còn được tham gia vào các hoạt động: Đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đi xe đạp chậm…
Tại tuần lễ hội này, còn có các chương trình giao lưu nghệ thuật, trình diễn các nhạc cụ dân tộc truyền thống Tây Nguyên của một số câu lạc bộ, các ban nhạc, nhóm nhạc, các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.
Niềm vui của du khách khi đến với lễ hội
Đến với lễ hội, du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực địa phương, như cơm lam, gà nướng, rượu ghè, lá mì… hay mua các sản phẩm, mặt hàng mang đậm bản sắc Gia Lai để làm quà tặng cho người thân, bạn bè như gùi; túi xách (có quai, cầm tay); bình hoa (đựng hoa khô); mẹt để trang trí.
Đặc biệt, lễ hội còn trình diễn trang phục truyền thống ngày thường, lễ hội, lễ cưới… của các dân tộc trên địa bàn huyện Chư Păh (Kinh, Jrai, Bahnar, Xê đăng, Tày, Nùng); Tổ chức thả khinh khí cầu; Giải Half Marathon 2024 “Đánh thức vùng quê Chư Păh – Hành trình kết nối Núi và Hoa” với đường chạy đi qua hàng thông trăm tuổi đầy thơ mộng.
Video đang HOT
Chương trình diễn ra Lễ khai mạc dự kiến vào khoảng 8h ngày 08/11, tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh. Tại đây, sẽ có phần trao nhận Kỷ lục Việt Nam về “Chương trình đồng diễn cồng chiêng Tây Nguyên có số lượng nghệ nhân, diễn viên học sinh tham gia đông nhất Việt Nam”.
Mê đắm núi lửa Chư Đăng Ya
Nằm cách trung tâm Pleiku, tỉnh Gia Lai khoảng 30km về hướng Đông Bắc, núi lửa Chư Đăng Ya thuộc làng Ploi Lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh (Gia Lai) có độ cao khoảng 975m so với mực nước biển.
Núi lửa Chư Đang Ya mùa dã quỳ kheo sắc
Theo các nhà sử học, núi lửa Chư Đăng Ya đã ngưng hoạt động hàng triệu năm, đến nay dấu tích nham thạch còn sót lại biến vùng đất này trở nên hoang sơ, đẹp và hấp dẫn.
Vẻ đẹp của Chư Đăng Ya mang nét bình dị của vùng đất Tây Nguyên nắng gió tuy hoang sơ, mộc mạc nhưng lại quyến rũ đến vô cùng mà nhiều người đến đây khi trở về cứ lưu luyến, rồi hình dung không biết “Chư Đăng Ya hay là thiếu nữ miền sơn cước bước ra từ những vạt hoa dã quỳ”. Nhìn từ trên cao, núi lửa Chư Đăng Ya có hình phễu lớn, với cảnh sắc thiên nhiên đa dạng. Bao quanh núi lửa là những cây cổ thụ, cây bụi và những thửa ruộng hoa màu tươi tốt.
Tiếng cồng chiêng và những vòng xoang đam mê trong lễ hội
Theo tiếng đồng bào J’rai, Chư Đăng Ya có nghĩa là “củ gừng dại.”
Truyền thuyết kể rằng xưa kia có một bà cụ sống dưới chân núi. Ngày nọ, bà bị đau bụng và được thầy lang trong vùng chữa trị mà bệnh không khỏi. Trong cơn đau tuyệt vọng, bà gắng sức leo lên ngọn núi gần nhà mong tìm được thứ gì đó có thể giúp mình.
Lên đỉnh núi, bà thấy đám gừng mọc tự nhiên xanh tốt và nghĩ đó là thứ Giàng (trời) cho nên liền đào lên ăn. Ngay sau đó, bà cảm thấy đỡ hơn rất nhiều. Bà bèn lấy thêm ít củ nữa mang về nhà ăn thì bệnh tình hết hẳn.
Du khách đến với lễ hội, đến với hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya
Câu chuyện của bà lan rộng quanh vùng và từ đó người Jrai ở đây gọi ngọn núi ấy là Chư Đăng Ya.
Theo các nhà khảo cổ, Chư Đăng Ya là miệng núi lửa được tạo thành bởi dòng nham thạch phun trào cách đây hàng triệu năm.
Năm 2018, Tạp chí Daily Mail (Anh) đưa núi lửa Chư Đăng Ya vào danh sách điểm đến rất đáng ghé thăm và mê mẩn vì cảnh quan thiên nhiên cùng văn hóa bản địa đặc sắc.
Năm 2020, núi lửa Chư Đăng Ya lọt top 50 ảnh phong cảnh đẹp nhất thế giới tại cuộc thi ảnh phong cảnh Landscape do Agora tổ chức.
Người ta thường nói Chư Đăng Ya như một thiếu nữ vùng sơn cước thích làm đẹp, vào mỗi mùa ngọn núi này lại mang một vẻ đẹp riêng khiến bất cứ ai khi chừng chân nơi đây cũng đều cảm thấy xao xuyến không muốn rời bước.
Khi sắc đỏ thắm của những bông dong riềng nở rộ cũng là lúc báo hiệu mùa mưa về. Lúc này cây cối có màu xanh mơn mởn, khung cảnh ở Chư Đăng Ya cũng vì thế mà tràn đầy sức sống.
Vào mùa khô, Chư Đăng Ya lại mang một vẻ đẹp hoang sơ, với những cành cây khẳng khiu, tàn lụi mùa thay lá.
Sắc vàng trên núi lửa Chư Đang Ya
Chư Đăng Ya đẹp nhất là khi tiết trời Gia Lai bắt đầu chuyển sang mùa khô, trời về đêm se lạnh, ngày nắng ấm, những cơn gió cô đơn xoáy sâu vào những sườn núi, nơi đó có bạt ngàn hoa dã quỳ bắt đầu chớm nở. Cũng thời gian này, không gian của ngọn núi sẽ được bao phủ bởi sắc vàng rực rỡ từ những triền đồi đến tận miệng núi lửa, nhất là hai bên con đường lên đỉnh núi. Cảnh sắc Chư Đăng Ya lúc này trở nên độc đáo, hấp dẫn và ấn tượng hơn hẳn những thời điểm khác trong năm.
Niềm vui của du khách khi tham gia đi cà kheo trong mùa lễ hội
Chính bởi vẻ hoang sơ đó mà núi lửa Chư Đăng Ya trở thành một điểm du lịch rất nổi tiếng, du khách sẽ đắm chìm trong không gian mênh mông của đại ngàn của gió, của nắng, của hoa và của lòng người mến khách bản xứ.
Gia Lai tạo bản sắc độc đáo trên bản đồ du lịch Việt Nam
Du lịch Gia Lai đã và đang chuyển mình tích cực, vươn theo nhịp phát triển chung của đất nước.
Những định hướng mới đang thúc đẩy mảnh đất giữa đại ngàn Tây Nguyên đưa ngành công nghiệp không khói tạo bản sắc độc đáo trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Núi lửa Chư Đăng Ya. (Nguồn: Tập san Thông tin đối ngoại Gia Lai)
Gia Lai có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của khu vực Tây Nguyên, là địa phương có lợi thế về tài nguyên du lịch văn hóa và sinh thái, Trong đó, nổi bật là di sản văn hóa phi vật thể "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" và Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới.
Cùng với đó, tỉnh đã định hình những vùng chuyên canh nông nghiệp từ hàng thế kỷ trước và có nhiều sản vật nông nghiệp. Đó cũng là tài nguyên để phát triển du lịch bền vững, nhất là 4 nhóm sản phẩm chính: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp và du lịch thể thao.
Sức hút bởi những điều mới
Thời gian qua, Gia Lai đã khẳng định được sức hút bởi những điểm đến mới, hấp dẫn trên bản đồ du lịch cả nước với một số tour đặc thù gắn với kỳ quan núi lửa Chư Đang Ya, chinh phục đỉnh Chư Nâm - nóc nhà phía Tây của tỉnh hay thác K50 trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Với di sản văn hóa, Gia Lai cũng sở hữu các tour trải nghiệm du lịch cộng đồng, tìm hiểu không gian văn hóa cồng chiêng với hệ giá trị đặc sắc.
Về du lịch sinh thái, tỉnh Gia Lai có 2 khu vực rừng nguyên sinh lớn là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đang đề nghị để được công nhận là Khu sinh quyển thế giới. Hai khu vực rừng nguyên sinh này với đa dạng động, thực vật và các thác nước tuyệt đẹp, khí hậu ôn hòa.
Đồng thời, Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch là Khu du lịch quốc gia rộng trên 6.000 hecta; các ngọn núi lửa âm và dương như: Hàm Rồng, Chư Đăng Ya, Biển Hồ; các thác nước thiên nhiên thơ mộng, hấp dẫn như: thác Phú Cường, thác Mơ, thác Chín Tầng... tạo nên những thắng cảnh hấp dẫn, làm say đắm lòng người.
Bên cạnh đó, các di tích khảo cổ nổi tiếng xác định niên đại loài người ở Việt Nam có ở Gò Đá, Rộc Tưng (thị xã An Khê) với trên 80 vạn năm; quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo hay Tượng đài chiến thắng Đak Pơ, Nhà lao Pleiku, Quốc môn (Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh); Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG, quần thể sân golf và các công trình nghỉ dưỡng, dịch vụ, vui chơi giải trí ở huyện Đak Đoa đang Gia Lai được triển khai... sẽ là những công trình lịch sử, văn hóa độc đáo thu hút khách du lịch.
Các công trình tâm linh như: Tượng Phật Bà ở Biển Hồ, chùa Minh Thành, Thiền Viện Trúc Lâm, Nhà thờ Thăng Thiên, Thánh Tâm... cũng sẽ là những điểm nhấn độc đáo cho du lịch tâm linh gắn với chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử của mảnh đất Tây Nguyên này.
Ngoài ra, là cao nguyên sinh thái, Gia Lai cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển loại hình du lịch gắn với thể thao. Loại hình du lịch này có sự chuyển động qua việc tổ chức thành công một số giải thể thao gắn với địa hình đặc trưng cao nguyên.
Lễ cúng cầu mưa Yang PowTao Apui. (Nguồn: Báo Dân tộc)
Phấn đấu trở thành cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe
Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên và đến năm 2050 trở thành cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe.
Gia Lai cũng đã ban hành kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2045, Gia Lai là cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe, là điểm đến xanh, giàu bản sắc vì mục tiêu sức khỏe con người. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững. Đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn trên cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng.
Song song với đó là phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. hỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển du lịch. Trong đó, phát triển ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, xây dựng Gia Lai trở thành trung tâm du lịch của vùng về nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. Tiếp tục xây dựng, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng cạnh tranh của tỉnh.
Ngành du lịch Gia Lai đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đón 1,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt 900 tỷ đồng và tạo việc làm cho 3.000 lao động trực tiếp. Mục tiêu đến năm 2030 đạt 4,2 triệu lượt khách, trong đó, khách nội địa 4,1 triệu lượt, khách quốc tế 0,1 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt 5.500 tỷ đồng. Đồng thời, ngành du lịch sẽ góp phần tạo việc làm cho 5.000 lao động trực tiếp và 7.000 lao động gián tiếp.
Để ngành công nghiệp không khói tạo bản sắc độc đáo trên bản đồ du lịch Việt Nam, Gia Lai quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết các vướng mắc trong thủ tục đầu tư trên lĩnh vực du lịch. Đồng thời, có kế hoạch thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư du lịch và thương mại trực thuộc UBND tỉnh, do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách trực tiếp.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. (Nguồn: Tập san Thông tin đối ngoại Gia Lai)
Trên cơ sở đề án đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh tiếp tục quy hoạch các khu, điểm du lịch, hoàn thiện cơ sở pháp lý để kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm như Khu du lịch quốc gia Biển Hồ - Chư Đang Ya để làm điểm nhấn cho du lịch Gia Lai. Đồng thời, tiếp tục đề xuất các bộ, ngành về chính sách phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, nhất là tháo gỡ khó khăn liên quan đến Luật Lâm nghiệp để xây dựng đề án phát triển du lịch Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng.
Không chỉ thế, địa phương sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn quốc, quốc tế, triển khai có hiệu quả xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho thống kê, tra cứu thông tin, quảng bá du lịch trên các nền tảng số; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng cao trải nghiệm du khách.
Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa, lễ hội truyền thống của các dân tộc, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến hấp dẫn, độc đáo và khác biệt. Xây dựng, phát triển du lịch canh nông, lâm nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.
Tuần lễ Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024: Nhiều sự kiện hấp dẫn Tuần lễ Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 là sự kiện có quy mô cấp tỉnh, dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 12/11/2024 tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri và khu vực núi lửa xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Núi lửa Chư Đang Ya mùa hoa dã quỳ....