Tủa Chùa (Điện Biên): Vượt khó để bảo vệ, quản lý rừng hiệu quả
Diện tích tự nhiên rộng, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; lực lượng kiểm lâm mỏng, trình độ dân trí của một số bà con còn thấp… nên công tác quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Tủa Chùa (Điện Biên) còn nhiều gian nan, vất vả…
Khó khăn chồng chất khó khăn
Với 12 xã, thị trấn, Tủa Chùa có diện tích tự nhiên 68.374,8ha, trong đó diện tích rừng là 23.512,68ha; diện tích đất chưa có rừng là 34.330,97ha. Độ che phủ rừng đến hết năm 2016 của huyện là 34,4%.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ rừng ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa luôn được coi trọng. Ảnh:T.L
Kết quả tuy chưa lớn, song chúng tôi tin rằng với sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền và người dân, rừng ở Tủa Chùa sẽ ngày một phát triển”. Ông Lò Văn Sân
Lởi tâm sự của ông Lò Văn Sân – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa đã lý giải nhiều vấn đề: Địa hình chia cắt phức tạp, độ dốc lớn; đường giao thông chưa phát triển, rất khó khăn cho việc đi lại để tuyên truyền vận động bà con giữ rừng…
Video đang HOT
Nơi đây, bà con dân tộc chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, du canh du cư, tình trạng di dân tự do vẫn còn, hiện tượng phá rừng làm nương trái phép gây ảnh hưởng lớn đến tài nguyên rừng và môi trường sinh thái. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm còn thiếu tới gần 50% quân số hiện có; nguồn kinh phí phục vụ cho việc phòng chống, cháy rừng còn ít…
“Hạt chúng tôi phải được bổ sung thêm 13 kiểm lâm viên nữa mới đủ biên chế so với diện tích rừng ở Tủa Chùa. Nhưng dù còn khó khăn thì vẫn phải nỗ lực làm việc tốt hơn” – ông Sân bảo vậy.
Ông Sân cũng thật lòng cho biết: “Hiện, 4 xã phía nam (Mường Đun, Xá Nhè, Tủa Thàng, Huổi Só) còn khá nhiều cây nghiến bị lâm tặc đốn hạ từ năm 2007 – 2010 để lấy lu, mắt nghiến. Các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để khai thác, cất giấu, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép”.
Nỗ lực bằng hành động cụ thể
Để khắc phục khó khăn cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn ở Tùa Chùa luôn tăng cường công tác tuyên truyền vận động để bà con hiểu và tham gia giữ rừng; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở; phối hợp với dân quân tự vệ; dựa vào già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ… để nâng cao hiệu quả bảo vệ vốn rừng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã triển khai tuyên truyền, học tập phổ biến pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cho 5.590 lượt người tham gia; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR với 1.830 hộ gia đình và các chủ rừng cũng như với UBND cấp xã; thành lập 253 tổ, đội PCCCR ở các thôn, bản có rừng với 1.893 thành viên thường xuyên tuần tra ở những khu vực trọng điểm.
Không chỉ tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ, xử lý vi phạm, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp tốt với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên, tiến hành chi trả tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng đợt 2 năm 2016 cho 12 xã, thị trấn với tổng số tiền: 5.286 triệu đồng. “Tuy chỉ đạt mức chi trả hơn 200.000 đồng/ha/năm, nhưng số tiền ấy đã giúp người dân hiểu đúng hơn giá trị của rừng, có trách nhiệm hơn đối với rừng được giao khoán quản lý” – chị Giàng Thị Mảy- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sính Phình chia sẻ.
Nhờ sự đồng thuận ngày một cao của người dân, hiện tượng khai thác lâm sản bừa bãi ở Tủa Chùa đã giảm mạnh. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện không xảy ra vụ cháy rừng nào. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2017, tại các xã Mường Báng, Xá Nhè, Sính Phình, Sín Chải… đã trồng được 182ha rừng với nhiều giống cây: Thông mã vĩ, keo, sa mộc, sơn tra…
Theo Danviet
Giữ được rừng xanh, người Mã Liềng "no cái bụng"
Sau hơn 3 năm được Nhà nước tin tưởng giao cho làm chủ gần 800ha rừng, người Mã Liềng ở các xã Lâm Hóa và Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình không chỉ bảo vệ rất tốt mà còn trồng mới, trồng xen thêm được hàng trăm ha rừng.
Một thời sống nghèo...
Cộng đồng người Mã Liềng (tộc người thuộc dân tộc Chứt) hiện có khoảng 160 hộ, hơn 700 khẩu, sống tập trung tại các bản Kè, Cáo, Chuối (xã Lâm Hóa) và bản Cà Xen (xã Thanh Hóa). Ông Trương Tư Thoan - Bí thư Đảng uỷ xã Lâm Hoá cho biết: Trước đây, người Mã Liềng sống du canh, du cư trong rừng sâu. Những năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của các chương trình, dự án của Nhà nước, người Mã Liềng đã sống định cư. Tuy nhiên, do thiếu đất sản xuất nên một thời gian rất dài cuộc sống của bà con vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào rừng và hỗ trợ gạo của Chính phủ.
Cộng đồng người Mã Liềng trong một chuyến khảo sát rừng, tìm và thống kê các loài thuốc Nam. Ảnh: P.P
Thời gian qua nhờ bảo vệ tốt những khoảnh rừng được giao làm chủ, người Mã Liềng đã có những khoản thu khá từ sản phẩm phụ của rừng. Tuy chưa thể làm giàu nhưng bây giờ người Mã Liềng không còn lo đói cái bụng nữa rồi". Bà Phạm Thị Lâm -
Trưởng bản Cáo
Theo ông Thoan, do mới bước ra từ rừng, người Mã Liềng chưa thích nghi được với sự phát triển tự do của kinh tế thị trường, họ bị một số đối tượng buôn bán nhỏ "thao túng" bằng rượu, thuốc lá và những món hàng mới lạ từ dưới xuôi lên.
"Trước đây, do thiếu hiểu biết, nhiều người Mã Liềng đã tự biến mình thành con nợ cho những đối tượng này, để rồi thường xuyên phải vào rừng khai thác mây, lá nón, gỗ... về trả nợ. Sản phẩm rừng của người Mã Liềng đưa về thường bị các đối tượng này ép giá và mua lại với giá thấp hơn giá thị trường tự do rất nhiều lần. Bên cạnh đó, với tình trạng tài nguyên rừng cũng ngày càng khan hiếm, đã dẫn tới việc người dân làm mãi mà vẫn không đủ trả hết nợ. Cứ thế, hết năm này qua năm khác, người Mã Liềng vẫn cứ luẩn quẩn trong vòng đói nghèo không dứt ra được, mặc dù họ sống bên rừng vàng" - ông Thoan kể lại.
Giữ được rừng, hết lo đói
Theo ông Thoan, câu chuyện người Mã Liềng đói bên rừng vàng nay đã trở thành chuyện củ. Đầu năm 2013, cộng đồng người Mã Liềng ở các xã Lâm Hóa và Thanh Hóa đã được UBND tỉnh Quảng Bình giao làm chủ hơn 800ha rừng. Những năm qua, nhờ sự giúp đỡ về kỷ thuật của Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD), sự quản lý của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, người Mã Liềng không chỉ khoanh nuôi, bảo vệ rất tốt những khoảnh rừng đó mà còn trồng xen và trồng mới được thêm hàng trăm ha rừng trên mảnh đất của mình.
"Hiện cộng đồng người Mã Liềng ở xã Lâm Hóa được cấp giấy quyền sử dụng đất rừng với diện tích trên 800ha. Nhờ được bàn giao rừng, đất rừng để bảo vệ và phát triển, người Mã Liềng ở 3 bản Kè, Cáo, Chuối cũng đã trồng mới được trên 100ha keo để phủ xanh đất trồng đồi núi trọc. Ngoài ra, bà con còn trồng xen vào các khu rừng tự nhiên hàng vạn cây gỗ quý như vàng tim, huê, lim, táu..." - ông Thoan cho biết.
Bà Phạm Thị Lâm - Trưởng bản Cáo phấn khởi nói: "Từ ngày được Nhà nước giao cho làm chủ đất rừng, bà con ai cũng ra sức bảo vệ tốt khoảnh rừng của mình, ra sức trồng rừng trên những khoảnh đất đang trống. Hiện tại tuy chưa thể có nguồn thu lớn từ rừng, nhưng bà con không lo đói nữa khi đã có một khoản thu nhập khá từ sản phẩm phụ của rừng như mật ong, lá nón, mây và đặc biệt là cây thuốc nam".
Theo Danviet
Dịch vụ môi trường rừng: "Chìa khóa" bảo vệ rừng ở Hà Giang Nếu trước đây rừng bị chặt phá bừa bãi, nay hầu như những cánh rừng đều đã có chủ. Đều đặn hàng năm, những chủ rừng này nhận được một khoản tiền không nhỏ từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Đây được coi là "chìa khóa" để bảo vệ những cánh rừng trước nạn khai thác bừa bãi hiện...