Tự ý hạ giải di chuyển đình Ngu Nhuế: Cắt râu, khoét mắt rồng
Khởi dựng từ thế kỷ XII, từng được trùng tu vào thời Tự Đức, từ năm 1989, đình Ngu Nhuế (làng Nội, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Nhưng cả ngôi đình gần đây bỗng bị hạ giải và chuyển sang xây mới tại một vị trí khác.
Đầu rồng cũ với họa tiết râu ôm thân cột và đầu rồng mới bị cắt râu, khoét mắt
Tự ý tháo dỡ và di chuyển
Trên nền cũ, giờ chỉ còn lại phần hậu cung chừng hơn 10m2. Các cấu kiện chính của đình đều đã bị tháo dỡ, cột kèo ngổn ngang. Nhận được thông tin về sai phạm trong việc tu bổ đình, PV Báo An ninh Thủ đô đã có mặt tại đây vào sáng 8-9. Nhận ra sự có mặt của phóng viên, nhiều người dân làng Nội bày tỏ tâm trạng hết sức bức xúc. Hầu hết người dân trong làng đều khẳng định, việc hạ giải, tu bổ tôn tạo là điều cần thiết, bởi sự xuống cấp của ngôi đình đã ở mức nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Điều gây phẫn nộ trong dư luận là hạ giải xong mà chưa hề thông qua ý kiến của người dân, chính quyền xã Vĩnh Khúc và Ban kiến thiết đình đã tự ý di dời đình sang nơi khác, cách vị trí cũ 18m. Trước những chất vấn của người dân về việc: “Tại sao lại di dời ngôi đình sang nơi khác?”, Ban kiến thiết đã viện đủ lý lẽ, rằng đình xuống cấp, thêm nữa UBND huyện Văn Giang vừa cho mở con đường 180 chạy qua cửa đình, ăn vào một phần của sân đình cũ.
Ông Hoàng Văn Dược, nhà cạnh đình, người đã đứng ra chụp ảnh hiện trường và gửi đơn kêu cứu lên Bộ VH-TT&DL cho biết, ngày dỡ đình cũ diễn ra linh đình, có đại diện lãnh đạo xã xuống dự. Lúc đó, có rất nhiều người dân trong làng có mặt ngăn cản đơn vị thi công. “Chúng tôi chỉ được giải thích là sau khi thông nhất ý kiến trong dân chúng, xã đã cho làm đơn và được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cho phép hạ giải để thực hiện công việc tu bổ, sửa chữa ngôi đình. Vậy mà chỉ một thời gian sau, việc trùng tu sửa chữa chưa thấy đâu đã thấy ngôi đình cổ kính, linh thiêng bị di dời vào phía trong mà chúng tôi không hề hay biết”- ông Dược bức xúc.
Video đang HOT
Cuộc trò chuyện giữa PV ANTĐ và người dân làng Nội đang diễn ra thì bất ngờ có khoảng hơn 10 người kéo đến, dùng những lời lẽ hăm dọa: “Đất có thổ công, sông có hà bá, đến đây đã ai cho phép mà chúng mày chụp ảnh?”.
Xây hay là phá?
Cách địa điểm ngôi đình cổ toạ lạc khoảng 18m (lùi về phía sau) người ta đã kịp đổ móng và dựng lên một công trình mới. Lúc chúng tôi có mặt, đơn vị thi công đã dựng xong năm gian toà Đại Bái với nhiều cột gỗ mới. Song, những cấu kiện được chắp vá không ăn khớp với nhau, trong các mảng chạm cũ, có hình đầu rồng, râu dài ôm lấy thân cột. Khi lắp những họa tiết này vào cột mới thì không ăn khớp, nên đơn vị thi công đã tự ý cắt… râu rồng. Vì, kèo, cột cũ – mới khi lắp ráp với nhau không ăn khớp, các mối liên kết cách nhau đến gần nửa mét. Đáng chú ý, những chi tiết mắt rồng ở đình cũ được thiết kế tinh tế, giờ sang đình mới không hiểu lý do gì đều bị khoét mất.
Đem những thắc mắc kể trên, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Năng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc, tuy nhiên, vị lãnh đạo xã này đã lảng tránh câu trả lời với lý do: “Hôm nay không phải ngày làm việc!” (thứ bảy). Vị Chủ tịch xã vẫn thờ ơ bảo: “Tôi đã giao việc này cho Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã toàn quyền giải quyết”. Chúng tôi phải tìm đến tận nhà ông Nguyễn Văn Năng, tại đây ông “buộc lòng” trao đổi một số nội dung chính và tóm tắt lại toàn bộ quá trình vụ việc như sau: Nhận thấy di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Ngu Nhuế xuống cấp ở nhiều bộ phận, năm 2011, tỉnh Hưng Yên đã cấp cho UBND xã Vĩnh Khúc 100 triệu đồng để tiến hành tu sửa và chống xuống cấp một số hạng mục.
Trong quá trình hạ giải toà Đại Bái, đơn vị thi công và người dân nơi đây thấy nhiều cột cái và cấu kiện gỗ đã bị mối, mọt, thông tâm và không thể tái sử dụng. Sự đánh giá này chỉ thuần tuý của đơn vị thi công và Ban kiến thiết, sau này có sự tham gia của Ban quản lý di tích tỉnh Hưng Yên. Đầu năm 2012, UBND huyện Văn Giang đầu tư nâng cấp đổ bê tông tuyến đường 180 (chạy qua trước cửa đình), theo quy hoạch rộng 32m.
Đảng ủy xã Vĩnh Khúc đã ra Nghị quyết chỉ giải toả 9m. Khi có con đường chạy qua, UBND xã cũng đã nhiều lần lập Tờ trình gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị được phép di chuyển đình vào sâu bên trong. Tuy nhiên, Sở VH-TT&DL tỉnh Hưng Yên không đồng ý với đề xuất này. Sau đó Sở cũng đã có Tờ trình gửi UBND tỉnh, và UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản xin ý kiến của Bộ VH-TTDL về việc di chuyển vị trí đình Ngu Nhuế. Thế nhưng, trong quá trình các cấp có thẩm quyền và các cơ quan chuyên môn đang xem xét thì địa phương đã tự ý tháo dỡ và di chuyển đình. Quá trình dựng đình tại một địa điểm mới cũng không hề có thỏa thuận của Cục Di sản Văn hóa – Bộ VH-TT&DL hay bất cứ một cơ quan chuyên môn nào khác.
Có thể khẳng định, việc di dời đình Ngu Nhuế đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản Văn hóa. Hiện việc xây dựng đình đã bị dừng lại để chờ hướng giải quyết sai phạm cũng như trách nhiệm của các bên liên quan đến đâu. Báo An ninh Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này trong những số tiếp theo.
Ông Vũ Xuân Thành – Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL: Địa phương tự ý di dời di tích
Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã nhận được không ít đơn từ của người dân Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên kiến nghị quanh những sai phạm trong quá trình trùng tu và di dời đình. Chúng tôi cũng đã cử đoàn tranh tra về xã để xác minh. Trong quá trình xây dựng đường 180 đi qua trước cửa đình, do đình nằm ngay rìa đường nên Ban kiến thiết đã quyết định chuyển đình ra một khu đất mới, cách khu đất cũ 18m, rộng 2.000m2.
Công tâm mà nói, ở vị trí mới sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Nhưng điều đáng nói ở đây là địa phương đã tự ý di dời mà chưa báo cáo các cấp chính quyền. Theo quy định, khi muốn tu bổ, di dời một di tích cấp quốc gia, chính quyền xã phải báo cáo lên huyện, rồi huyện báo cáo lên tỉnh, từ đó mới đề nghị xin ý kiến thỏa thuận và hướng dẫn của Cục Di sản Văn hóa. Tiếp đó phải Thành lập Hội đồng thẩm định, nhằm đưa ra các phương án hạ giải để có thể bảo vệ nguyên vẹn tính nguyên gốc của di tích. Sau cùng mới tính đến phương án có di dời sang địa điểm mới. Việc xảy ra ở đình Ngu Nhuế là vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản Văn hóa. Bên cạnh đó, công tác trùng tu được thực hiện không tốt. Tôi cũng phải nói thêm là đơn vị nhận trách nhiệm trùng tu không có kinh nghiệm và nghiệp vụ.
Theo ANTD
Đánh cược tính mạng với cầu treo 42 tuổi
Cầu treo Đoỏng Kính được xây từ năm 1970 đã bị gãy dầm, quang treo, dây cáp hoen gỉ, ván cầu mục gẫy, lan can cầu mất ốc... Con đường độc đạo dẫn vào 4 xã nơi có hơn 3.000 hộ dân hiện rung lắc mỗi khi có người qua lại.
Xã Bình Long (huyện Hòa An, Cao Bằng) ngăn cách với thị trấn Nước Hai bởi con sông Bằng Giang. Năm 1970, nhà nước xây cây cầu treo Đoỏng Kính (dài 30 mét, rộng hơn 1,5 mét) bắc từ đường Pác Bó sang xã Bình Long phục vụ giao thông của nhân dân 4 xã Bình Long, Trương Lương, Công Trừng và Lương Can.
Hàng nghìn người dân đi chợ, vận chuyển hàng hóa, học sinh đến trường... buộc phải qua cầu treo Đoỏng Kính bởi đây là con đường độc đạo vào bốn xã. Lượng người qua lại lớn nên dù được tu sửa cách đây gần 20 năm nhưng hiện cầu xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ gây sập bất cứ lúc nào.
Cầu treo Đoỏng Kính được xây dựng từ năm 1970. Ảnh: Trung Kiên.
Dầm cầu đã bị gẫy sáu thanh, quang treo, dây cáp hoen gỉ. Ván cầu đã mục gẫy, lan can cầu bị gẫy và mất ốc, mối hàn bị bật ra tạo thành những mũi tên sắc nhọn như những cái "bẫy" vô hình cho người qua lại. Do dây chống lắc đã mất tác dụng nên khi có người đi qua, cây cầu lại chao đảo, rung lên bần bật.
Ông Lý Đức Canh (50 tuổi, ở xóm Đoỏng Kính) thường xuyên qua đây cho biết, các học sinh khi qua cầu gặp xe máy đi ngược chiều, cầu rung mạnh đành phải dừng xe dựa vào nhau cho xe máy đi qua rồi mới dám đi tiếp. "Cầu cao, sông sâu nếu chẳng may rơi xuống sông người không biết bơi chỉ có chết đuối. Đấy là chưa kể vào mùa mưa, nước ngấp nghé gầm cầu càng nguy hiểm", ông Canh nói.
Còn anh Nông Văn Thượng (35 tuổi, xã Trương Lương) chia sẻ, ngoài nguy hiểm đến tính mạng, cầu yếu còn gây khó khăn cho người dân trong việc xây nhà bởi khâu vận chuyển vật liệu rất đắt đỏ. Xe tải phải đi qua cầu Ngầm vượt sông Bằng Giang với dòng nước chảy xiết.
Cầu treo hư hại nặng sau khi bị xe tông liên tiếp. Ảnh: Trung Kiên.
Mặc dù UBND xã Bình Long đã đặt biển thông báo ghi rõ tải trọng tối đa cho phép qua cầu là 500 kg nhưng theo phản ánh của người, nhiều người vẫn lái máy cày gắn thùng chở phân bón, xi măng, gạch... vẫn qua cầu treo Đoỏng Kính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cây cầu vốn đã xuống cấp lại càng xuống cấp nghiêm trọng hơn.
Trao đổi với VnExpress, đại diện UBND xã Bình Long cho biết, cây cầu phục vụ hơn 3.000 hộ dân đã xuống cấp, nhiều lần nhân dân và UBND xã đã làm tờ trình lên các cấp nhưng hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời.
tHEO vne
Vụ Chùa Trăm Gian: Tập thể UBND huyện Chương Mỹ phải kiểm điểm Ngày 7-9, Chánh Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ, ông Mai Ngọc Thích cho biết, huyện này đã có báo cáo nhanh gửi thành phố về tiến độ giải quyết, khắc phục các vấn đề liên quan tới vi phạm tại Chùa Trăm Gian. Gác khánh đã bị phá dỡ để làm mới, chỉ còn gác chuông (ảnh nhỏ) giữ được nguyên trạng...