Tứ Xuyên ký sự (kỳ 4): Mùa Thu ở Cửu Trại Câu
‘Tuyệt tác của thiên nhiên’, ‘cảnh tiên nơi hạ giới’ hay ‘ thế giới của truyện đồng thoại’. Dù là cách gọi nào thì vẻ đẹp tuyệt vời của non nước danh thắng Cửu Trại Câu cũng hút hồn những ai từng đặt chân đến đây.
Gần một ngày cho đôi chân lạc bước trong không gian ấy, tôi đã được thưởng lãm và tâm hồn như được thanh lọc trước thiên nhiên tràn đầy mỹ cảm…
KỲ 4: MÙA THU Ở CỬU TRẠI CÂU
Cụ bà người Hán từ Bắc Kinh đến tham quan thắng cảnh Cửu Trại Câu
Rời xe, khi những bước chân đầu tiên chạm vào danh thắng Cửu Trại Câu, chúng tôi đã cảm thấy háo hức với hành trình khám phá “thiên đường nơi hạ giới”, mỹ danh mà du khách khen tặng vùng đất tươi đẹp này. Mùa cao điểm, du khách khắp nơi nườm nượp đổ về khu danh thắng. Len theo dòng người, tôi mê mải đắm chìm trong không gian thiên nhiên mê hồn của Cửu Trại Câu nhưng cũng lắng tai nghe lời giới thiệu của cô Liêu Cẩm, hướng dẫn viên người dân tộc Tạng: “Cửu Trại Câu nằm ở thị trấn Chương Trát, huyện Cửu Trại Câu, châu tự trị A Bá của dân tộc Tạng và Khương, ở phần phía nam dãy núi Mân Sơn, phía tây bắc tỉnh Tứ Xuyên, cách thành phố Thành Đô hơn 400 cây số”.
Nữ hướng dẫn viên nói tiếp: “Địa hình của Khu bảo tồn thiên nhiên Cửu Trại Câu cao hơn ở phía nam và thấp hơn ở phía bắc, có sự chênh lệch độ cao rất lớn; lối vào Cửu Trại Câu ở rìa phía bắc chỉ cao 2000 mét nhưng ở rìa phía nam lại cao hơn 4500 mét so với mực nước biển. Đây là danh thắng trọng điểm cấp 5A quốc gia Trung Quốc; là Di sản thiên nhiên thế giới; Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, Công viên địa chất quốc gia và Mạng lưới dữ trữ sinh quyển thế giới”.
Cũng theo Liêu Cẩm, “thung lũng chín làng” được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1992 và công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997…
Du khách thong thả dạo gót trong rừng
Đồng bào Tạng ở đây gọi quê hương của họ là vùng “núi thiêng và nước thánh”. Sơn thủy là linh hồn của Cửu Trại Câu. Quả đúng vậy, ngập tràn trong tầm mắt của tôi là núi và nước. Cửu Trại Câu đang vào mùa Thu, mùa đẹp nhất trong năm. Mỗi bước chân lữ khách được đắm trong màu trời, màu nước, màu núi, màu cỏ cây hòa trong nhau và biếc xanh như ngọc.
“Đoạn đường chúng ta đang đi được gọi là Thụ Chính Câu, chiều dài 14 km”, Liêu Cẩm nói khi chúng tôi cùng dạo bước trên một cung đường cong uốn lượn giữa rừng. Chúng tôi thong thả ngang qua vùng đầm lầy bị che phủ bởi nhiều tán lau sậy, qua hồ Ngọa Long, lướt bên cạnh làng Thụ Chính Trại, rồi dạo trên mặt hồ Gương với lối đi được lát bằng gỗ. Theo lối đi này, hành trình càng lúc càng thêm kỳ thú khi đặt chân đến khu vực hồ Ngũ Hoa, hồ Gấu Trúc, bãi cạn và thác Trân Châu.
Hồ Ngũ Hoa là hồ cạn, nước xanh soi rõ dưới đáy hồ những thân cây đổ không biết từ bao nhiêu năm trước cùng muôn loài cây lá xung quanh tươi tắn sắc màu. Thực ra, chúng tôi cũng chỉ trải nghiệm được một phần rất nhỏ so với 72 ngàn héc-ta toàn khu thắng cảnh Cửu Trại Câu trên rìa dãy núi đá vôi Mân Sơn thuộc cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng nổi tiếng. Chỉ là một phần mà thiên nhiên trong mắt tôi đã đẹp lộng lẫy, không biết dùng ngôn ngữ nào để tả cho thật sinh động, bèn nhắc lại câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều xứ ta để miêu tả bức tranh non nước hữu tình: “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng…”.
Long lanh đáy nước in trời…
Với người Việt Nam, nói đến danh thắng Cửu Trại Câu trên cao nguyên phía bắc xa xôi thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) không hẳn nhiều người biết, nhưng nhắc đến câu chuyện bốn thầy trò Đường Tăng Tam Tạng với hành trình nhọc nhằn về Tây Trúc thỉnh kinh thì không ai không tỏ. Phiên bản bộ phim Tây Du Ký phỏng từ tiểu thuyết cùng tên của văn hào Ngô Thừa Ân sản xuất năm 1986 được coi là kiệt tác kinh điển của điện ảnh Trung Quốc.
Video đang HOT
Trong bộ phim này, có một số phân đoạn quan trọng được quay tại khu danh thắng Cửu Trại Câu, trong đó có cảnh bốn thầy trò Đường Tăng – Tôn Ngộ Không – Trư Bát Giới – Sa Tăng bước thấp bước cao dắt ngựa qua đỉnh thác Trân Châu đã tạo nên ấn tượng không thể nào quên. Đó là cảnh kết thúc mỗi tập phim. Bản hòa thanh của nước ngàn đổ từ đỉnh thác, của những bước chân trầy trật trong hành trình gian nan tìm đạo cùng giai điệu bài hát “Con đường dưới chân ta” đã đi vào ký ức của bao người mê đắm Tây Du Ký.
Màu nước, màu rừng hòa vào nhau xanh như ngọc bích
Buổi sáng hôm nay, trong cuộc trải nghiệm khu danh thắng Cửu Trại Câu, tôi đã đến đây và đứng ngắm rất lâu thác Trân Châu hùng vĩ. Cảm giác giữa chốn Bồng Lai tiên cảnh này, thác nước mà nữ đạo diễn Dương Khiết lựa chọn làm cảnh quay vô cùng ấn tượng đúng là nơi hội đủ nguyên khí của tự nhiên, trời đất; chỉ là một cảnh quay đã chọn kỹ như vậy, bộ phim Tây Du Ký thành công mĩ mãn là phải.
Nhưng xin nhắc lời nói vui của ông Triệu Đức Mạnh, Cục trưởng Cục quản lý Cửu Trại Câu trong bữa ăn trưa: “Du khách đến tham quan thác Trân Châu một phần vì sự hùng vĩ, một phần vì nó nổi tiếng nhờ bộ phim Tây Du Ký. Nhưng hồi đó thì được tự do quay phim, chứ ngày nay với những quy định quản lý đặc biệt, nếu làm lại phim thì thầy trò Lục Tiểu Linh Đồng không được vào Cửu Trại Câu diễn như hơn bốn mươi năm trước…”.
Một gia đình chụp hình lưu niệm với hình ảnh thầy trò Đường Tăng trước thác Trân Châu
Tiếng dân tộc Tạng gọi Cửu Trại Câu là Sicadegu, tức là “thung lũng chín làng”, để chỉ chín ngôi làng của người Tạng A Bá và người Khương từng sống biệt lập giữa núi non nơi này qua nhiều thế kỷ. Đó là các làng: Thụ Chính Trại, Tắc Tra Oa Trại, Hắc Giác Trại, Hà Diệp Trại, Bàn Á Trại, Á Lạp Trại, Liêm Bàn Trại, Nhiệt Tây Trại và Quách Đô Trại. Nghe kể, mãi đến sau năm 1975 người bên ngoài mới tiếp cận được với nơi này. Bởi vậy, sức hấp dẫn của Cửu Trại Câu còn đến từ những ngôi làng dân tộc thiểu số với một không gian văn hóa sắc tộc đa dạng và còn nhiều huyền bí.
Vừa trao tặng khách những tấm bưu thiếp, ông Chu Tuấn, Giám đốc Văn phòng Ngoại sự châu A Bá vừa cung cấp thông tin: “Hiện, dân số ở huyện Cửu Trại Câu đông nhất vẫn là người Tạng (65%), người Khương (20%), có 10% là người Hán và còn lại là người Hồi”. Riêng vùng lõi Cửu Trại Câu giờ chỉ còn khoảng 1000 người dân tộc thiểu số sinh sống. Hoạt động du lịch với sự đầu tư lớn của địa phương kèm với công tác bảo tồn nghiêm ngặt đã làm thay đổi đời sống người dân nơi đây.
Ông Triệu Đức Mạnh, Cục trưởng Cục quản lý Cửu Trại Câu cũng nói: “Trước đây, đời sống người dân vùng lõi rất nhiều khó khăn, từ khi phát triển du lịch đã được cải thiện rất nhiều. Sự hỗ trợ gián tiếp đến từ nguồn đầu tư của nhà nước để bảo tồn văn hóa và kích cầu du lịch; còn trực tiếp là họ được chia sẻ một phần từ nguồn thu tiền bán vé; người dân tham gia hoạt động du lịch cũng góp phần cải thiện sinh kế”.
Ông Đỗ Kiệt, Phó Cục trưởng, cung cấp thêm: Giá vé tham quan dịp cao điểm ở đây là 190 nhân dân tệ/vé, mùa thấp điểm thì giảm. Năm ngoái, Cửu Trại Câu đón hơn 4 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế chỉ 6,6%, chủ yếu khu vực châu Á, riêng khách Việt Nam là 16.000 người. Nguồn thu từ danh thắng này đang chiếm đến 70% tổng thu ngân sách của huyện Cửu Trại Câu. Từ đầu năm đến nay, hơn 2 triệu khách đã đến tham quan. Hiện tại, mỗi ngày, Cửu Trại Câu đón khoảng 20.000 người. Nếu tăng đến 40.000 người/ngày là hạn mức cảnh báo, vượt con số này phải đăng ký trước.
Chính sách của địa phương là cân đối lượng khách để đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng như bảo tồn giá trị di sản. Dự kiến cuối năm nay tuyến đường sắt cao tốc từ Thành Đô đến đây sẽ hoàn thành, thêm sân bay quốc tế Hoàng Long cách khu danh thắng chỉ 80km cũng sẽ giúp du khách thuận tiện hơn khi đến Cửu Trại Câu…
Thác Trân Châu – bối cảnh trong một phân đoạn của bộ phim Tây Du Ký
Đêm mùa Thu, tiết trời se lạnh dễ chịu. Nằm gần bên danh thắng Cửu Trại Câu, thị trấn Chương Trát về khuya vẫn không bớt không khí sôi động. Chương Trát giống Sa Pa của chúng ta ở phần khí hậu, địa hình và sắc màu văn hóa miền núi. Chỉ là một phố thị mới nổi bởi “ăn theo” khu thắng cảnh Cửu Trại Câu mà thị trấn này có tới hàng trăm khách sạn, trong đó có 5 khách sạn 5 sao, 4 khu resort 5 sao và rất nhiều dịch vụ, giải trí. Mùa du lịch này, các cơ sở lưu trú hoạt động có vẻ quá tải. Khách sạn nơi tôi ở, đã nửa đêm mà dòng người vẫn checkin rào rào. Khó ngủ, tôi bước chân ra phố và hòa vào dòng người. Đêm ở đây không khác gì ngày. Cảm giác như thị trấn Chương Trát đã trở nên chật chội bởi dòng người tấp nập.
Hồi chiều, ông Yang Yiquan, Cán bộ Sở Ngoại sự Tứ Xuyên nói với tôi rằng, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài Trung Quốc đã đến đây tìm cơ hội kinh doanh, tuy nhiên, quỹ đất của Chương Trát cũng không còn dư dả. Còn chị Trác Mã Thố, người dân tộc Tạng, chủ một shop hàng lưu niệm giữa trung tâm thị trấn, thì tỏ ra phấn khởi: “Ngày xưa, vùng quê chúng tôi heo hút lắm. Giờ đây Cửu Trại Câu nổi tiếng, du lịch phát triển rất nhanh. Hồi trước, người Tạng chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi rồi vào rừng tìm dược liệu mang đi bán khắp nơi; nay thì không còn phải đi đâu mà khách du lịch tìm đến với quê hương tôi. Chỉ với cửa hàng lưu niệm này, gia đình bảy người của tôi đủ sống thoải mái…”.
Trong khu danh thắng Cửu Trại Câu có rất nhiều thác nước hùng vĩ
Điệu múa truyền thống của người dân tộc Tạng ở Cửu Trại Câu
Đông đảo du khách tham quan danh thắng Cửu Trại Câu
Đến Thành Đô thăm gấu trúc, thưởng ngoạn cảnh đẹp Cửu Trại Câu
Thành Đô với kiến trúc cổ kính xen lẫn hiện đại, ẩm thực mang đậm tinh hoa Tứ Xuyên cùng "chốn thần tiên ẩn mình" Cửu Trại Câu là điểm đến lý tưởng cho những tâm hồn đam mê du lịch.
Khám phá vùng đất là khởi nguồn của những nụ cười hạnh phúc
Được mệnh danh là "trái tim của Tứ Xuyên", thủ phủ Thành Đô (Chengdu) tọa lạc tại vùng thổ nhưỡng phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Sở hữu vị trí đắc địa, nơi đây hội tụ nhiều ngành kinh tế cùng các mối giao thương lớn từ nhiều quốc gia.
Thành Đô hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh, là địa điểm vui chơi sầm uất bậc nhất Trung Quốc. Ảnh: Govan
Không chỉ diễn ra các hoạt động mua bán, nơi đây còn phát triển mạnh mẽ về du lịch. Du khách đến đây không chỉ bởi các thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, những giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời, mà còn vì viện nghiên cứu gấu trúc danh tiếng và "thiên đường hạ giới" Cửu Trại Câu.
Thăm "quốc bảo" Trung Quốc tại khu bảo tồn gấu trúc Thành Đô
Gấu trúc - "quốc bảo" của Trung Quốc - với nhiều đặc tính dễ thương khiến nhiều du khách tìm đến đất nước tỷ dân này du lịch. Đặc biệt, Thành Đô càng được ưa chuộng khi nơi đây có khu bảo tồn gấu trúc lớn nhất Trung Quốc với hơn 30% loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Ghé Thành Đô thời gian này, bạn có cơ hội ngắm nhìn những chú gấu trúc đáng yêu giữa không gian trong lành, rợp bóng tre và cây xanh của Cơ sở nhân giống và nghiên cứu gấu trúc Thành Đô. Phần lớn tre trúc tại đây được trồng làm thức ăn cho gấu trúc, cũng như tạo dựng môi trường gần giống tự nhiên nhất để chúng làm quen trước khi được thả về cuộc sống hoang dã.
Gấu trúc được làm quen với môi trường tự nhiên trong khu bảo tồn. Ảnh: Unsplash.
Hơn 250 cá thể gấu trúc tại đây được chăm sóc kỹ lưỡng và chuyên nghiệp bởi đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, đảm bảo sự trưởng thành và phát triển tốt nhất. Những chú gấu trúc được sống trong không gian với đủ núi, sông, rừng trúc, bãi cỏ,... giống hệ môi trường tự nhiên bên ngoài, được kiểm tra sức khỏe mỗi ngày. Khi đến tham quan, du khách nên chọn khung giờ 9-10h sáng để có thể dễ dàng gặp gấu trúc lúc chúng đang ăn và nằm đang phơi nắng.
Ảnh: Unsplash.
Lạc bước nơi "thiên đường hạ giới" Cửu Trại Câu
Từ Thành Đô, du khách có thể đến nơi cảnh sắc được ví như chốn bồng lai tại Cửu Trại Câu. Nằm về phía bắc Thành Đô, Cửu Trại Câu được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới vào năm 1992 và trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1997.
Cửu Trại Câu mang vẻ đẹp siêu thực như chốn bồng lai tiên cảnh. Ảnh: Quang Nguyễn
Khu danh thắng này sở hữu 9 ngôi làng, 108 hồ nước trên núi cao, 2.000 chủng loại thực vật cùng nguồn tài nguyên động thực vật đa dạng và quý hiếm. Mùa xuân ở Cửu Trại Câu rơi vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, khi trăm hoa đua nhau khoe sắc, Cửu Trại Câu càng thêm lộng lẫy khi được phủ kín bởi những cánh hoa rừng bung nở. Phản chiếu qua mặt nước xanh như ngọc, những cánh đào hồng thắm nhuộm lên sắc màu rực rỡ, trữ tình cho cả không gian. Chốn thiên đường này khiến mọi du khách đi từ xúc cảm ngỡ ngàng, trầm trồ đến thán phục trước vẻ đẹp thơ mộng hiếm nơi nào có được.
Cửu Trại Câu đẹp dịu dàng lúc vào xuân. Ảnh: Note Bene - Kaspersky
Sự tươi mới của Cửu Trại Câu vào xuân không chỉ đến từ thiên nhiên, mà còn ở chuỗi lễ hội truyền thống đặc sắc. Đầu năm, người dân Tây Tạng thường tụ tập, mặc quần áo đẹp để ăn mừng, nhảy múa và thưởng thức các chương trình biểu diễn truyền thống.
Từ Việt Nam, du khách có thể dễ dàng đến với Cửu Trại Câu nhờ đường bay thẳng TP.HCM - Thành Đô mới khai trương của Vietjet với 7 chuyến khứ hồi mỗi tuần và thời gian bay chỉ hơn 4 tiếng mỗi chặng.
Hành khách vui mừng bay chuyến đầu tiên từ TP.HCM đi Thành Đô với Vietjet.
Hành trình dạo bước nơi "thiên đường hạ giới" Cửu Trại Câu hay tận mắt ngắm nhìn, cho gấu trúc ăn đã trở nên đơn giản hơn với du khách Việt từ khi Vietjet mở đường bay thẳng TP.HCM - Thành Đô. Với thời tiết đẹp, đường bay thuận tiện và nhiều vé bay của Vietjet chỉ từ 0 đồng (*) vào thứ 6 hàng tuần, những tín đồ du lịch giờ đây có thể thỏa sức bay đến Thành Đô, làm mới chính mình qua những trải nghiệm thú vị nơi đây.
Kinh nghiệm săn mây Tà Xùa với 5 thông tin đáng lưu ý cho một chuyến đi trọn vẹn Hãy cùng tham khảo kinh nghiệm săn mây Tà Xùa từ các thành viên diễn đàn Check in Vietnam là FB Mình Là Grin với 5 lưu ý cho chuyến đi và FB Phạm Văn Phong với những review thú vị. Mới đây, FB Mình Là Grin đã có bài đăng đáng chú ý trên diễn đàn Check in Vietnam về Tà Xùa...