Từ xe máy “Tàu”, bia cỏ Vạn Lực, nghĩ hướng “siết” game Trung Quốc
Theo nhìn nhận của cộng đồng, các biện pháp hành chính chỉ có tác dụng răn đe ngăn chặn tức thời, chứ không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề.
Những năm qua, lợi dụng kẽ hở chính sách, nhiều doanh nghiệp game Trung Quốc đã từng bước “lấn sân” vào thị trường Việt Nam, giấu dưới các vỏ bọc hợp pháp để khéo léo phát hành nhiều trò chơi trực tuyến không phép, không nộp thuế… Mới đây, các cơ quan chức năng đã phải yêu cầu 2 trong số các đơn vị này dừng hành vi làm ăn phi pháp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của cộng đồng, các biện pháp hành chính chỉ có tác dụng răn đe ngăn chặn tức thời, chứ không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề.
Hai doanh nghiệp game Trung Quốc bị yêu cầu chấm dứt các vi phạm, là LemonGame và KoramGame, vẫn có thể tiếp tục tái diễn các hành vi của họ trong tương lai, nếu chính sách quản lý nội địa không thay đổi.
Các doanh nghiệp làm game trong nước đang trông đợi được hỗ trợ.
Chẳng hề hấn gì?
Khi hay tin các doanh nghiệp game Trung Quốc phải dừng hoạt động máy chủ tại Việt Nam, một doanh nghiệp hoạt động VNTT lớn ở miền Trung đã tỏ ý nghi hoặc tính khả thi với biện pháp từ cơ quan quản lý.
Video đang HOT
Doanh nghiệp này nhận xét: “Họ chẳng bị mất gì, nếu không muốn nói là một cách tốt nhất để họ dẹp đi mấy game bắt đầu xuống dốc, mà người chơi chả khiếu kiện được, để làm những game mới dễ câu khách hơn. Nên nếu cứ áp dụng biện pháp cấm đoán kiểu chạy sau hành động của họ, thì hóa ra, coi như cơ quan quản lý “giúp” họ thêm rộng đường làm ăn”.
Thực tế đã chứng minh, trong thời gian rất dài đã qua, những doanh nghiệp làm game Trung Quốc đã nhiều lần tỏ ra vi phạm pháp luật, cố tình lách né hàng rào kiểm soát của cơ quan chức năng và hưởng lợi nhuận rất nhiều.
Tiếu Ngạo Tây Du, 1 game phát hành lậu của Koram Game tại Việt Nam.
Một doanh nghiệp làm game trong nước phàn nàn, với thời buổi hiện nay, khi mạng Internet đã quá phổ biến, thì nhu cầu chơi game không hoàn toàn dựa vào một vài máy chủ mà kiểm soát được. Hễ cấm máy chủ này, nhà phát hành sẽ mở máy chủ khác, không ở trong nước thì ra nước ngoài. Bản thân người chơi game nếu không được định hướng vận động tốt, sẽ tiếp tục theo đuổi những game “lậu” của Trung Quốc, bất chấp ai làm và máy chủ ở đâu.
Hai bài học cũ
Cách giải quyết căn cơ vấn đề, theo các doanh nghiệp, chỉ đơn giản là “lấy thị trường cản thị trường, lấy doanh nghiệp xử doanh nghiệp”. Sự thật thị trường Việt Nam đã có nhiều bài học liên quan vấn đề này, nhất là hai bài học đã từng diễn ra với chính các doanh nghiệp Việt Nam.
Bài học thứ nhất là thị trường bia
Trước năm 1995, thực trạng thị trường bia Việt Nam, ai cũng thấy là bị áp lực rất lớn từ Trung Quốc. Loại bia cỏ Vạn Lực thời đó xuất hiện khắp nơi, gần như không bị cản trở gì vì các nhà máy bia trong nước không được vận động phát triển, kể cả kinh doanh bia trên thị trường cũng bị cấm đoán.
Nhưng chỉ với một động thái mở cửa cho phép kinh doanh, đầu tư nâng chất lượng các nhà máy bia nội địa, thị trường tiêu dùng đã lập tức thay đổi xu hướng, bia Vạn Lực hoàn toàn mất bóng. “Khi người dùng không thèm xài loại bia vừa đắng vừa chua đó nữa, thì tự dưng người bán phải dẹp đi”.
Bài học về thị trường xe máy với xe Trung Quốc vẫn còn nguyên giá trị. (Ảnh tư liệu).
Bài học thứ hai là thị trường xe máy
Những năm 1998 – 2003 có thể nói, là một chặng đường “huy hoàng” của xe máy Trung Quốc ở Việt Nam. Với chính sách mở cửa, thị trường xe máy tự do gần như bị lệch pha khi giá xe máy từ nước này đổ vào quá sức rẻ so với các dòng xe máy lắp ráp trong nước.
Bản thân các đơn vị FDI làm xe máy như Honda cũng điêu đứng với giá cả không thể cạnh tranh nổi, trong khi nhu cầu thực tế của người dân là quá sức lớn.
Nhưng cũng từ chính sách hỗ trợ cho sản xuất nội địa, động viên các doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa hóa cấu kiện, phụ tùng xe máy, các đơn vị làm xe máy Việt Nam đã nhanh chóng chiếm lại thị trường. Những nhược điểm về chất lượng “xe Tàu” nhanh chóng bộc lộ, đã lập tức “đuổi hàng Tàu về lại” mà không phải mất công soát xét kiểm tra như trước nữa.
Hãy giúp doanh nghiệp nước nhà
Đây là thông điệp đang được các nhà làm game trong nước mong đợi khát khao, và cũng sẽ là giải pháp căn cơ nhất để loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn trục lợi từ nước bạn đổ sang. Với xu thế hội nhập, việc cấm cản các doanh nghiệp nước ngoài sang tìm cơ hội làm ăn sẽ không khả thi nữa, thì chỉ có cách nâng cao sức mạnh doanh nghiệp làng game Việt mới có thể xử lý vấn đề.
Dự án game Sát Thát của doanh nghiệp trong nước đã phải đóng cửa vì không được hỗ trợ tài chính cùng các chính sách khác.
Không ít đại diện làm game Việt đã bày tỏ họ đang cảm thấy chật chội gò bó vì 3 điểm chưa thông suốt từ nhà quản lý. Một, vì sao việc cấp giấy phép game cho các doanh nghiệp vẫn bị ách tắc? Hai, vì sao tiến độ triển khai Nghị định 72 về quản lý Internet vẫn chưa nhanh hơn? Ba, vì sao các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thông tin và ứng dụng phát triển công nghiệp phần mềm trong nước lại chưa thể kết nối tốt với các đơn vị làm game Việt, để hỗ trợ họ tốt hơn?
Theo các doanh nghiệp, 3 ách tắc này cho đến nay vẫn chưa được xử lý thấu đáo, càng khiến thị trường hỗn loạn, các đơn vị làm ăn tự ý vi phạm pháp luật, tạo thêm cơ hội cho những kẻ dụng tâm “đục nước béo cò”.
Theo VNE