Từ vụ teo cơ do tiêm filler trị thâm, nàng lưu ngay những lời khuyên này từ bác sĩ
Gần đây, câu chuyện một hot girl gặp biến chứng teo cơ sau khi thực hiện tiêm filler để trị vết thâm do muỗi đốt đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của dân mạng. Vậy cụ thể tiêm filler có thể gây teo cơ không? Có thể trị thâm da bằng phương pháp nào an toàn hơn? Lời giải đáp nằm ngay dưới đây!
Hiện tại, nhan sắc, hay cụ thể là làn da luôn được coi là thứ mà các cô gái chú trọng chăm chút nhiều hơn cả. Nhất là với những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí, một làn da sáng mịn, không chút tì vết sẽ giúp họ hoàn thiện hình ảnh lung linh hơn trong mắt công chúng. Tuy nhiên, khi gặp phải tình huống xuất hiện vết thâm ở những vùng da dễ trông thấy như mặt, tay, chân, không phải ai cũng tìm được cho bản thân một giải pháp khắc phục hiệu quả. Câu chuyện một hot girl nổi tiếng được chẩn đoán bị teo cơ sau khi tiêm filler vào vết thâm do muỗi đốt chính là ví dụ điển hình nhất.
Vậy thực sự phương pháp tiêm filler có thể giúp trị thâm? Nên điều trị thâm da ra sao cho an toàn hiệu quả? Trước những câu hỏi này, chuyên mục Làm đẹp Eva đã liên hệ với Ths.Bs Nguyễn Quang Minh – Phó trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương để tìm lời giải đáp.
Hiện tại đã có trường hợp áp dụng tiêm filler để chữa trị vết thâm do muỗi đốt, sau đó được chẩn đoán bị biến chứng teo cơ. Vậy theo bác sĩ, việc tiêm filler lên vết thâm, điển hình như ở những vùng da như chân, tay có thể dẫn tới tình trạng teo cơ không? Vì sao?
Theo tôi, nếu hoạt chất filler là HA ( loại này chiếm khoảng 80-90% các loại filler hiện nay) sẽ không gây nên tình trạng teo cơ, với điều kiện phẫu thuật viên phải tiêm đúng kỹ thuật. Vì bản chất HA tương thích với cơ thể khá tốt, đóng vai trò làm đầy tổ chức và giữ nước ở da và vùng dưới da.
Các tai biến sau tiêm filler chúng tôi ghi nhận thường gặp phần lớn đến từ việc các bạn không phải là bác sĩ thẩm mỹ da được đào tạo đầy đủ và bài bản, thực hiện tiêm vào mạch máu gây tắc mạch. Ngoài ra, cũng có thể do việc thực hành sát khuẩn chưa đảm bảo, dẫn tới tình trạng nhiễm trùng sau tiêm filler. Cho đến hiện nay tôi vẫn chưa gặp trường hợp biến chứng gây teo cơ nào sau tiêm filler. Còn nếu điều trị thâm gây teo cơ, tôi nghĩ hoạt chất thuốc sử dụng có thể là các hoạt chất khác, không phải là filler.
Với các vết thâm trên da, người ta có thể tự khắc phục tại nhà được không?
Video đang HOT
Vết thâm là tình trạng tăng sắc tố sau viêm, xảy ra sau khi chúng ta có một vết thương ở da. Khi vết thương lành được 1-2 tuần, vùng da đó sẽ chuyển từ hồng sang thâm lại. Tình trạng này có thể gặp ở tất cả mọi người và nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, thông thường khoảng 60-80% sẽ dần mờ đi sau 4-6 tháng. Có những trường hợp vết thâm có thể kéo dài hơn gây mất thẩm mỹ. Chúng ta nên quản lý vết thương tốt, tránh hiện tượng viêm kéo dài, tránh nắng, tránh cạy bóc để vết thương đỡ thâm. Sau đó chúng ta có thể phối hợp sử dụng các thuốc bôi có tác dụng lành thương và kết hợp làm giảm thâm.
Hiện nay có những phương pháp công nghệ trị thâm da nào mà phái đẹp có thể áp dụng để cải thiện làn da? Nên lưu ý gì với từng phương pháp để có được hiệu quả tốt nhất.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị đơn liệu hay kết hợp cho trị vết thâm. Các bạn có thể sử dụng các loại thuốc bôi có hoạt chất giảm vết thâm, chứa các thành phần như Hydroquinone, Arbutin, Vitamin C, Nicotinamide, Acid Kojic,… Ngoài ra, phái đẹp cũng có thể áp dụng phương pháp thay da sinh học (peeling) hoặc sử dụng liệu pháp laser để điều trị. Đây là hai phương pháp phổ biến đang được nhiều phụ nữ ưa chuộng bởi khả năng đem tới hiệu quả trị thâm nhanh chóng, hơn nữa còn cải thiện toàn bộ bề mặt da, đem tới làn da đều màu, mịn màng. Tuy nhiên so với việc sử dụng các loại thuốc bôi, hai phương pháp trên có chi phí cao hơn, đòi hỏi các cô gái phải cân nhắc kĩ trước khi lựa chọn.
Song song với việc trị thâm, chúng ta nên bảo vệ da trước tia UV bằng các loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30-45. Cụ thể, hãy sử dụng kem chống nắng trước khi ra ngoài ít nhất 30 phút để kem phát huy tác dụng tốt nhất.
Nhưng theo tôi, để đạt kết quả tốt nhất, các bạn cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám cụ thể về vị trí vết thâm, diện tích của vết thâm, thời gian bị,…, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp, đem tới hiệu quả cao nhất.
Việc trị thâm ở vùng da mặt và vùng da trên cơ thể có gì khác nhau không? Nên chăm sóc từng vùng da này ra sao sau khi thực hiện trị thâm?
Việc trị thâm vùng mặt và vùng cơ thể vốn khá giống nhau, trong trường hợp bạn gặp phải tình trạng xuất hiện vết thâm sau các tổn thương trên da như mụn trứng cá, côn trùng đốt hay vết thâm do trầy xước. Tất nhiên, chúng ta cần tuân thủ các quy trình điều trị như bôi thuốc, laser, peeling kết hợp bảo vệ da bằng kem chống nắng. Nhưng khi cụ thể với từng trường hợp, chúng ta có thể áp dụng linh hoạt các bước chăm sóc da để có được kết quả cao nhất. Còn trong suốt liệu trình điều trị, chúng ta cần chú ý bảo vệ vùng da đó dưới tác động ánh sáng mặt trời, tránh va chạm chà xát, cũng như dưỡng ẩm da để da sớm phục hồi tốt nhất.
Trên đây là những giải đáp của Ths.Bs Nguyễn Quang Minh – Phó trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương xoay quanh vấn đề điều trị thâm trên da. Hy vọng rằng quý độc giả đã nắm được những thông tin cơ bản, chính xác nhất về vấn đề này, tránh gặp phải những tình huống không đáng có khi làm đẹp, cải thiện làn da.
Thói quen "bất trị" nhưng nguy hiểm ai cũng dễ mắc trong bối cảnh dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã lây lan rộng ra khắp thế giới. Dịch bệnh này dễ lây lan và tăng nguy cơ mắc nếu như chúng ta duy trì thói quen đưa tay lên mặt theo quán tính.
Theo các nghiên cứu khoa học trên thế giới con người thường có thói quen chạm tay vào mặt trung bình từ 9 đến 23 lần/giờ. Ví dụ như: dụi mắt, lau mắt, gãi, cậy mụn, cắn móng tay, vê râu...
Khi công việc căng thẳng, lo lắng hay bối rối con người cũng sẽ có thói quen chạm tay vào mặt theo thói quen. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đưa tay lên mặt trở thành một thói quen "bất trị" và rất nguy hiểm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ths.BS Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, theo khuyến cáo của Bộ Y tế về vấn đề lây lan dịch bệnh hiện nay, thì việc tiếp xúc gần giữa người mang virus và người lành là con đường chính.
Môi trường trong bán kính 2m mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn, việc chúng ta không giữ vệ sinh bàn tay sau khi chúng ta giao tiếp hay sờ, tiếp xúc với các vật xung quanh, sau đó đưa lên mắt mũi miệng vùng mặt sẽ gây tăng nguy cơ lây nhiễm virus lên cao.
Ths.BS Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Theo bác sĩ Quang Minh rất nhiều người có thói quen hay sờ tay lên vùng mặt, dùng tay dụi mắt, vô tình đưa virus đến gần hơn các cơ quan hô hấp là mô đích của virus... từ đó dễ nhiễm bệnh.
Mặc dù thói quen này đôi khi chúng ta làm vô thức và nghĩ rằng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Do đó, bên cạnh việc rửa tay thường xuyên, việc tránh đưa tay lên xoa mắt mũi miệng cũng là biện pháp giúp chúng ta hạn chế nguy cơ nhiễm virus Covid-19.
Bác sĩ Quang Minh cho hay: "Thói quen sờ tay lên mặt không chỉ tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm mà nó còn gây tác hại xấu tới da.
Việc đưa tay lên mặt, khi chúng ta không đảm bảo vấn đề vô trùng (bàn tay vốn là cơ quan rất dễ nhiễm bẩn) có thể làm cho chúng ta gây nên sự nhiễm trùng (vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu; virus như Covid-19, Herpes, u mềm lây, hạt cơm...; nấm, kí sinh trùng...) từ môi trường bên ngoài cơ thể hay bộ phận khác cơ thể (cào gãi da vùng khác) lên da mặt của mình ".
Ngoài ra, có những trường hợp ngoài đưa tay lên mặt còn dùng móng tay cạy gảy, bóp nặn da mặt...từ đó gây nên hiện tượng viêm da, nhiễm khuẩn da như mụn trứng cá...
Bộ Y tế khuyến cáo không nên đưa tay lên mặt thì việc mát xa mặt có nên làm không? - (PV), bác sĩ Quang Minh chia sẻ quan điểm, mát xa mặt được xem là 1 bước thường xuyên của việc chăm sóc da. Việc mát xa mặt được thực hiện tại các cơ sở chăm sóc da và tự thực hiện tại nhà.
Hiện nay trong bối cảnh thực hiện phòng dịch Covid-19 và cách ly xã hội, thì việc mát xa mặt chỉ được khuyến cáo khi thực sự cần thiết và cần đảm bảo người kĩ thuật viên và người được mát xa đều thực sự khỏe mạnh, không nhiễm bệnh. Tuy nhiên thực sự cân nhắc.
"Nếu thực hiện tự mát xa tại nhà, chúng ta có thể thực hiện khi chúng ta đảm bảo tốt việc sát khuẩn tay thường xuyên cũng như sát khuẩn tay trước khi thực hiện. Hoặc chúng ta sử dụng thêm các máy mát xa hỗ trợ cầm tay (các sản phẩm home care..) để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp tay lên da mặt ", bác sĩ Quang Minh cho hay.
Ngọc Minh
Vụ spa "cỏ" khiến mặt cô gái trẻ biến dạng: Bác sĩ nói khả năng điều trị khỏi gần như là không thể Sau hàng loạt những vụ việc biến chứng "rợn người" vì thẩm mỹ, do khách hàng bị "tiêm đủ thứ" lên mặt khiến nhiều người hoang mang, Pháp Luật Plus có cuộc trao đổi với bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Trung ương để tìm hiểu rõ hơn về phương pháp làm đẹp này. Mặt sưng phù, da mặt sưng mủ lỗ...