Từ vụ Tân Hiệp Phát: Mua chai nước có ruồi, làm sao để không… ngồi tù?
Sau vụ việc liên quan tới anh Võ Văn Minh và “con ruồi 500 triệu”, người tiêu dùng đặt câu hỏi: Trong trường hợp tương tự, cần xử lý như thế nào để có thể đòi quyền lợi của mình mà không vướng vào vòng lao lý?
Nhiều vụ khiếu nại Tân Hiệp Phát mà đều bị bỏ qua hoặc… vào tù
Mới đây, liên quan tới vụ việc chai Number One của Tập đoàn Tân Hiệp Phát có dị vật là một con ruồi, Toà án nhân dân tỉnh Tiền Giang tuyên mức án 7 năm tù giam đối với anh Võ Văn Minh (35 tuổi, huyện Cái Bè, Tiền Giang) vì hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.
Sau khi phiên sơ thẩm khép lại, dư luận thêm một lần “dậy sóng” vì thất vọng trước cách hành xử của một doanh nghiệp lớn như Tân Hiệp Phát. Nguyên nhân sâu xa cũng bởi đây không phải lần đầu, một khách hàng vướng vào vòng lao lý bởi những vấn đề liên quan tới sản phẩm của thương hiệu này.
Ngay tại phiên toà xét xử anh Minh, một người phụ nữ tên là Bùi Thị Tiên, chủ cơ sở kinh doanh nước giải khát tại Mỹ Tho, Tiền Giang bất ngờ xuất hiện tố cáo từng suýt phải vào tù vì Tân Hiệp Phát. Theo bà Tiên, bà đã phát hiện một két sữa đậu nành SoYa Number 1 có nhiều chai bị chua sau thời điểm anh Minh bị bắt quả tang vì tội cưỡng đoạt. Rút kinh nghiệm từ vụ việc anh Minh, bà Tiên chỉ đến làm việc với Hội bảo vệ người tiêu dùng và yêu cầu Tân Hiệp Phát xin lỗi.
Trước đó, hồi tháng 6/2012, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự – xã hội (C45B) Bộ Công an đã bắt quả tang anh Trần Quốc Bình (ngụ tại Bình Thạnh) nhận 50 triệu đồng của Tân Hiệp Phát liên quan tới vụ việc chai trà xanh có con gián bên trong. Giống vụ việc của anh Minh, hai bên ký vào bản cam kết “mua sự im lặng” tuy nhiên, khi hai bên đang trao đổi tiền và vật chứng tại quán cà phê ở Bình Thạnh thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Ngoài ra, trường hợp về một người bị Toà án nhân dân quận Gò Vấp tuyên án 1 năm tù khi bị bắt quả tang đang nhận 35 triệu đồng của Tân Hiệp Phát hay trường hợp chủ quán ăn tại thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) bị bắt khi đang nhận 49 triệu đồng từ doanh nghiệp này cũng được truyền thông nhiều lần nhắc tới.
Làm sao để không ngồi tù?
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, trong mọi trường hợp, khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu “khuyết tật”, không đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên khiếu nại lên Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi ích một cách hợp pháp. Đồng thời, người tiêu dùng có quyền yêu cầu đổi vật có khuyết tật, giảm giá và bồi thường thiệt hại.
Nếu có thỏa thuận bồi thường thì người tiêu dùng nên làm biên bản thỏa thuận với công ty có chữ ký cụ thể, đóng dấu có thẩm quyền của các bên. Đây được xác định là quan hệ dân sự, tránh bị hình sự hóa giao dịch dân sự. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể gửi đơn khiếu nại tới cơ quan nhà nước như quản lý thị trường, thanh tra Sở Công Thương để xử lý trách nhiệm đối với đơn vị sản xuất.
Đồng quan điểm, một vị Giám đốc công ty marketing tại TPHCM cho rằng, nếu người tiêu dùng như anh Minh muốn được bồi thường thì cần phải đòi bồi thường một cách công khai thông qua toà án, báo chí, qua các luật sư đại diện. Khi đó, đòi hỏi là quyền của người tiêu dùng và quyết định có bồi thường hay không sẽ do thoả thuận và do Toà án phán quyết.
Video đang HOT
Còn theo bà Hồng Thanh Thoại Nhi – một người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông tại Việt Nam và hiện đang điều hành một công ty luật tại Mỹ: “Chai nước có ruồi nhưng ông ta chưa uống nên con ruồi và chai nước đó chưa hề gây hại cho ông ta. Do đó, chỉ có thể làm đến mức yêu cầu đổi hàng hoặc hoàn lại đúng số tiền bỏ ra mua một sản phẩm bị lỗi từ nhà sản xuất”.
Theo bà Thoại Nhi, người tiêu dùng có quyền giữ chai nước, chụp hình, phát truyền đơn, đăng youtube thoải mái vì chai nước đã là sở hữu của ông ta, và những việc làm trên không vi phạm pháp luật nếu ông ta không muốn mang đi trả và muốn cả thế giới biết sản phẩm Tân Hiệp Phát không an toàn. Nâng quan điểm chút nữa là thông báo cho các cơ quan chức năng như Sở y tế hay các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Tân Hiệp Phát.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh (ĐH Ngoại Thương) cho rằng, trên thực tế, người tiêu dùng hoàn toàn bế tắc và chưa thực sự được bảo vệ trong những hoàn cảnh như thế này.
“Tất cả các vụ khiếu nại Tân Hiệp Phát mà dư luận biết đều bị bỏ qua hoặc vào tù. Trường hợp xuất hiện ở toà đòi xin lỗi mà người ta cũng không xin lỗi. Trong khi đó chính Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng thừa nhận chả có quyền gì, không giúp được gì hết. Cơ chế không bảo vệ người tiêu dùng đã đẩy người tiêu dùng đến cách người ta đã làm”, bà Ánh nói.
Vấn đề còn nằm ở “đạo đức” doanh nghiệp
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong nói ngắn gọn: “Doanh nghiệp cần phải biết bảo vệ mình, đừng để thành nạn nhân của những trò tống tiền nhưng phải hành xử có đạo đức, không được làm gì để biến nạn nhân thành tội phạm. Còn người tiêu dùng cần phải hành xử đúng luật đừng biến đó là cơ hội để kiếm tiền”.
Theo bà Thoại Nhi: “Chuyện con ruồi có trong chai nước là sự thật, không thể nào giấu được. Nếu không trả tiền cho ông ta, chuyện này sẽ bại lộ. Nếu doanh nghiệp “tương kế tựu kế” tạo vụ tống tiền để bắt ông ta thì chai nước có con ruồi vẫn được tung ra ánh sáng. Trước sau gì cũng lộ, thà rằng ghi âm cuộc điện thoại tống tiền rồi giao cho cơ quan điều tra xử lý là đúng mực nhất”.
Vị này cho rằng, sau khi giao cơ quan điều tra xử lý, về phía công ty cần công khai thu hồi toàn bộ sản phẩm của nhãn hàng có con ruồi, rà soát, thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất để con ruồi sẽ không còn xuất hiện trong sản phẩm của mình nữa! Sau đó, doanh nghiệp có thể thực hiện các chiến dịch PR mới quảng bá cho dòng sản phẩm đã được sửa lỗi.
“Đến các hãng nước ngọt có tiếng tăm của nước ngoài còn có vật thể lạ trong chai nước như tôi đã từng chứng kiến ở Việt Nam, chuyện có con ruồi trong chai Tân Hiệp Phát cũng là chuyện có thể xảy ra. Vấn đề nằm ở cái gọi là đạo đức kinh doanh (business ethics), nếu ông chủ hãng kinh doanh cố tình ém nhẹm cái sai của mình (con ruồi trong chai nước), và làm quá khi xử lý kẻ tống tiền, dẫu sao vẫn là một trong những khách hàng – những người nuôi sống Tân Hiệp Phát (trích lời ông Giám đống truyền thông của công ty này) là điều khó có thể chấp nhận”, bà nói thêm.
Phương Dung
Theo Dantri
Vụ "chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu": Các bên đều "bị hại"
Tân Hiệp Phát bị ảnh hưởng nặng nề về uy tín thương hiệu và doanh số bàn hàng. Ông Minh vì một "con ruồi trong chai nước" đã vướng vào tù tội, ảnh hưởng đến gia đình và cuộc sống...
Có thể khẳng định tất cả mọi người liên quan đến vụ án, từ ông Võ Văn Minh, công ty Tân Hiệp Phát đến cả người tiêu dùng, cộng đồng mạng và xa hơn nữa là cả ngành thị trường nước giải khát đều bị thiệt hại sau vụ án.
Võ Văn Minh cùng hiện vật bị bắt quả tang
Mới đây Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tỉnh Tiền Giang đã tống đạt cáo trạng vụ án "cưỡng đoạt tài sản" cho bị can Võ Văn Minh. Theo đó, cáo trạng truy tố ông Võ Văn Minh (35 tuổi, xã An Cư, Cái Bè, Tiền Giang) về tội cưỡng đoạt tài sản với mức án từ 12 đến 20 năm tù.
Lời khai của ông Minh cho biết, ngày 3/12/2014 khi ông lấy chai nước Number 1 (loại chai nhựa 350 ml) của công ty TNHH Tân Hiệp Phát để bán cho khách có con ruồi bên trong chai nước và Minh mang cất giấu ở dưới bàn nước để không ai phát hiện.
Ngày 5/12/2014, Minh gọi điện cho Tân Hiệp Phát, buộc công ty này phải giao cho Minh 1 tỷ đồng rồi hạ giá xuống còn 500 triệu đồng để đổi lấy chai nước bên trong có con ruồi và sự im lặng của Minh.
Minh cũng cho biết, nếu không giao tiền thì Minh sẽ khiếu kiện đến Ban bảo vệ người tiêu dùng Bình Dương, đăng tải trên báo chí, chương trình 60s hàng ngày và in 5 ngàn tờ rơi nêu nội dung chai nước có ruồi, nhằm làm Tân Hiệp Phát mất uy tín, mất thương hiệu, không thể kinh doanh trên thị trường.
Nhận được điện thoại của Minh, Ban giám đốc Tân Hiệp Phát phân công nhận viên trực tiếp đến gặp Minh 3 lần để kiểm tra thông tin.
Cuộc gặp lần thứ 3 diễn ra vào ngày 27/1/2015, Tân Hiệp Phát phân công các nhân viên Long, Trung và Vũ Anh Tuấn mang theo 500 triệu đồng đến gặp Minh tại quán giải khát Quê Hương (xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) và đưa số tiền này cho Minh. Nhận tiền, Minh có làm biên nhận rồi đem số tiền này để vào cốp xe. Cũng vào lúc này, Công an tỉnh Tiền Giang ập đến bắt quả tang Minh và tang vật.
Trong qua trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng giám định chai nước Number 1 cho kết quả không phát hiện thấy vết rách; phát hiện thấy dấu vết biến dạng nắp chai; phát hiện thấy dấu vết xước lạ bên trong chai nước; mực nước trong chai thấp hơn mực nước bình thường của Tân Hiệp Phát sản xuất; các dị vật bên trong chai nước là các bộ phận của cá thể ruồi.
Cáo trạng của Viện kiểm sát cho rằng, Minh đã có hành vi dùng chai nước Number 1 có ruồi bên trong, đe dọa mất uy tín Tân Hiệp Phát. Cáo trạng cũng cho biết, Võ Văn Minh đã khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu trên.
Thời điểm sự việc diễn ra khoảng hơn một năm trước đã tốn nhiều giấy mực của truyền thông, báo chí, luật sư... sự việc xoay quay "con ruồi trong chai nước" của Tân Hiệp Phát, nhận định hành vi của anh Võ Văn Minh đúng hay sai và cách xử lý khủng khoảng, giải quyết của Tân Hiệp Phát...
Cũng có không ít diễn đàn, topic, fangape lập ra với nội dung "tẩy chay Tân Hiệp Phát" trở thành nơi để các đối tượng xấu lợi dụng truyền bá thông tin chống phá, bôi nhọ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho doanh nghiệp.
Câu hỏi đặt ra, điều gì còn đọng lại sau vụ án Vũ Văn Minh và "con ruồi trong chai nước" của Tân Hiệp Phát?
Ông Võ Văn Minh vì một "con ruồi trong chai nước" đã vướng vào tù tội, ảnh hưởng đến gia đình và cuộc sống sau này.
Về phía doanh nghiệp, Tân Hiệp Phát bị ảnh hưởng nặng nề về uy tín thương hiệu và doanh số bàn hàng lên đến hàng trăm triệu USD. Và sự việc xảy ra, phía Tân Hiệp Phát đã không yêu cầu ông Minh bồi thường các thiệt hại sau vụ việc.
Phía người tiêu dùng và cộng động mạnh, điều dễ thấy họ đã bị dẫn vào cuộc chơi của đối tượng xấu khi internet, mạng xã hội trở thành "mảnh đất màu mỡ" để các đối tượng xấu lợi dụng truyền bá thông tin chống phá gây hoang mang thị trường và ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Một giải thiết đặt ra, nếu ngay từ đầu, ông Võ Văn Minh thông tin sự việc cho cơ quan báo chí, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng... hoặc Tân Hiệp Phát mà không đòi số tiền bồi thường lớn như vậy sẽ là một việc làm bình thường, đáng biểu dương.
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp phân tích, vụ việc lần này, ông Võ Văn Minh đã không lựa chọn hành vi ứng xử theo quy định pháp luật mà lại có hành vi "tự xử" mang tính uy hiếp tới doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản trái pháp luật, thoả mãn các dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự.
Cũng theo Luật sư Cường, sự việc xảy ra dư luận có nhiều quan điểm khác nhau nhưng dù lập luận thế nào cũng cần có sự thống nhất căn cứ vào quy định pháp luật. "Thực tế, không ít người tiêu dùng tưởng rằng cứ thấy sản phẩm lỗi của doanh nghiệp là có quyền yêu cầu trả tiền bằng cách đe doạ, uy hiếp mà không sao cả, nếu bắt chỉ là bắt oan. Tuy nhiên, pháp luận hoàn toàn nghiêm cấm các hành vi này. Vụ ông Minh sẽ là một bài học lớn để cảnh báo những người cố tình đi theo vết xe đổ của ông Minh sẽ dẫn hệ luỵ khôn lường ", Luật sư Cường nhấn mạnh.
Sự việc diễn ra cho thấy, cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp hữu hiệu hơn để NTD nắm và hiểu rõ hơn nữa về quyền lợi, nghĩa vụ khi phát hiện ra những sự cố về sản phẩm của các DN trên thị trường. Đồng thời nhanh chóng vào cuộc để xác minh sự việc và lên tiếng để thông tin nhanh chóng được sáng tỏ, tránh tình trạng để NTD mập mờ về thông tin dẫn tới việc bị các đối tượng xấu lôi kéo để ủng hộ các hành vi trái pháp luật như bênh vực ông Minh là một ví dụ.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng một số đối tượng lợi dụng cộng đồng mạng để dẫn dắt NTD vào cuộc chơi nhằm phục vụ những ý đồ riêng của những đối tượng xấu này, gây hoang mang thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và của ngành nước giải khát nói chung./.
CTV Hoàng Quân
Theo_VOV
Kết luận thanh tra vệ sinh thực phẩm tại Tân Hiệp Phát chỉ sau... 1 ngày Sau 1 ngày làm việc, Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Bình Dương đã có kết luận đợt thanh tra đột xuất về vệ sinh thực phẩm tại Công ty Tân Hiệp Phát thay vì phải kéo dài 30 ngày như dự kiến trước đó. Kết luận đợt thanh tra đột xuất về vệ sinh thực phẩm tại Công ty Tân Hiệp Phát...