Từ vụ Quang Đại bị tố ‘ăn cắp chất xám’: Ám ảnh like đến bất chấp?
Từ vụ người mẫu Quang Đại bị tố đạo văn, “ăn cắp chất xám”, nhiều người đặt câu hỏi liệu influencer bị ám ảnh bởi like và follower đến mức bất chấp làm mọi thứ?
Vài ngày gần đây, Trần Quang Đại (sinh năm 1992) – người mẫu, travel blogger kiêm fashionista thường xuyên đăng những câu nói ngôn tình, triết lý cuộc sống trên trang cá nhân – liên tiếp vướng vào những lùm xùm khi bị tố đạo văn, “ăn cắp chất xám” và nói dối về chuyện kinh doanh.
Bên cạnh việc thể hiện thái độ thất vọng hay chỉ trích, nhiều người đặt vấn đề vì sao influencer khá “sạch sẽ” và đình đám trong giới trẻ như Quang Đại vẫn bất chấp làm những việc được coi là “xấu xí”.
Trong bài viết đăng trên The Odyssey Online, tác giả Hannah Mauser nhận định thế hệ Millennials (hay Gen Y, những người sinh từ năm 1981-1996) có nỗi ám ảnh kỳ lạ với những con số liên quan đến mạng xã hội.
Ví như vào thời điểm ra đời năm 2010, Instagram được coi là nơi mọi người chia sẻ những hình ảnh mình yêu thích. Sau nhiều năm, nền tảng này nhanh chóng biến thành công cụ cho influencer hay KOLs (người có tầm ảnh hưởng) kiếm tiền từ các bài đăng quảng cáo nhờ vào số lượng lớn follower.
Nhiều người đặt vấn đề vì sao influencer khá “sạch sẽ” và có tầm ảnh hưởng như Quang Đại vẫn bất chấp đạo văn hay “ăn cắp ý tưởng”. Ảnh: @tranquangdai.
Từ góc độ của một người thuộc thế hệ Y, Mauser cho rằng nỗi ám ảnh này xuất hiện cùng với suy nghĩ: “Tôi ‘vắt nát óc’ để tạo ra và chỉnh sửa những nội dung này. Do đó, nó xứng đáng được follower xem, thậm chí click vào đôi lần”.
Giá trị của người dùng mạng xã hội, cả influencer và người hâm mộ của họ, giờ thường được xác định bởi số lượt follower và like.
Trong khi follower cố gắng theo kịp người mình theo dõi, influencer lại muốn tạo ra các nội dung mới mẻ có thể thu hút đám đông.
Ám ảnh sáng tạo nội dung hoàn hảo để “níu chân” follower
Theo The Guardian, nếu muốn trở thành influencer, người ta cần tương tác với follower của mình mọi lúc, mọi nơi. Thời gian nghỉ ngơi của họ được cho là không đáng kể.
Giống như nhiều người trong độ tuổi U30, Alexandra Mondalek – cựu phóng viên thời trang ở New York, Mỹ – thấy mình bị ám ảnh bởi mạng xã hội.
Tài khoản Instagram @hautetakes chuyên về mảng thời trang của cô phát triển khá nhanh với hơn 1.000 follower. Mondalek chưa kiếm được tiền từ đó, nhưng thường tự hỏi liệu mình có thể trở thành influencer hay không nếu duy trì hoạt động của trang.
Video đang HOT
Mondalek bắt đầu đăng ảnh khoe quà cô nhận được từ các nhà thiết kế và nhóm PR với hy vọng sẽ có nhiều người quan tâm, nhấn theo dõi.
“Tôi quá đặt nặng việc những ai sẽ vào xem trang của mình. Tôi chỉ chăm chú phô bày các bài viết thay vì thực hiện các cuộc gọi quan trọng. Tôi cảm thấy áp lực nhất định khi tạo ra thương hiệu của bản thân. Quá nhiều nỗi lo lắng trong đó”, cô gái 24 tuổi nói.
Mondalek quyết định từ bỏ nền tảng mạng xã hội này vào cuối năm 2017. Trong 9 tháng nghỉ xả hơi, cô nói mình cảm thấy tốt hơn bao giờ hết.
“Tôi không còn phải liên tục ép buộc bản thân đưa ra những content hoàn hảo”, 9X Mỹ nói.
Tuy nhiên sau đó, Mondalek quyết định bỏ nghề phóng viên để làm việc tự do. Cô cảm thấy cần phải dùng lại mạng xã hội để giữ các mối quan hệ trong công việc.
Hiện tại, Mondalek quay trở lại với các dự án bị trì hoãn bằng cách lướt xem các bức ảnh trong vô thức.
Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, các influencer có nỗi ám ảnh về số lượng follower và like trên trang cá nhân của mình. Ảnh: Vice.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra mạng xã hội làm gia tăng nỗi lo lắng, tự ti khi người dùng tự so sánh bản thân với người khác. Thời gian sử dụng các nền tảng, đặc biệt là Instagram, càng nhiều, nguy cơ gia tăng cảm giác lo lắng, chán nản càng cao.
Không chỉ bị ám ảnh bởi sự tung hô, ngưỡng mộ từ follower, influencer còn kiếm tiền từ mạng xã hội bằng cách đăng ảnh quảng cáo cho các nhãn hàng với thù lao tùy thuộc vào dự án, sản phẩm và chi tiết hợp đồng, cũng như ngân sách quảng cáo.
Với influencer có tên Haskins, cô nói rằng bản thân nhiều khi bị giằng xé giữa việc phải nghĩ ra content thu hút với sự trung thực.
Haskins biết việc đăng các bức ảnh “hào nhoáng” với mục đích quảng cáo cho các doanh nghiệp mà bản thân cô không trực tiếp trải nghiệm có thể gây hậu quả cho follower của mình. Tuy nhiên, người này đôi khi phải gạt bỏ mọi suy nghĩ vì đây là “kế sinh nhai” của cô.
Cũng vì lẽ đó, nhiều chuyên gia nhận định tác động về lâu dài của việc sử dụng mạng xã hội giữa người tạo nội dung và những ai xem nội dung đó vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, mỗi người nên nhắc nhở bản thân mạng xã hội không đại diện do thực tế.
Hay nói cách khác, những hình ảnh, nội dung được đưa lên trang cá nhân, dù có xuất phát từ influencer, chưa chắc đáng tin tưởng 100%.
Khi lượt like cũng “ám ảnh” người bình thường
Theo HuffPost, trong nghiên cứu đầu tiên về não bộ của thanh thiếu niên trong khi sử dụng mạng xã hội, các nhà khoa học từ ĐH California, Mỹ phát hiện mối liên kết giữa một phần nhất định của bộ não với cảm giác mỗi khi người trẻ nhìn thấy một trong những bức ảnh của mình thu hút rất nhiều lượt like.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện hành động “like” có tác động chéo: Khi nhiều người có độ tuổi hay vị thế ngang hàng nhấn thích một bức ảnh, thanh thiếu niên có nhiều khả năng tự thích tấm hình đó, bất kể nội dung là gì.
Lauren Sherman, tác giả chính của nghiên cứu về não bộ và là nhà nghiên cứu tại UCLA Brain Mapping Center, cho biết: “Một trong những lý do khiến thanh thiếu niên hoạt động tích cực trên mạng xã hội có thể là vì họ nhạy cảm với những lượt like và những gì người họ quan tâm làm trên mạng”.
Nói cách khác, khi quyết định nhấn like bức ảnh nào, thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi những tấm hình đã có lượng like lớn.
Người trẻ nhạy cảm với những lượt like và những gì người họ quan tâm làm trên mạng. Ảnh: Startup Nation.
Theo Sherman, lượt like trên các bức ảnh có thể lập tức “thắp sáng” một số phần của não bộ thanh thiếu niên giống như các yếu tố được cho là phản ứng thái quá với niềm vui và hạnh phúc.
Sherman giải thích những phát hiện này không có nghĩa là việc sử dụng mạng xã hội nhất thiết gây hại cho thanh thiếu niên.
Nghiên cứu của cô cho thấy thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi nút “like” của những người họ quan tâm, bất kể đối tượng của bức ảnh là vu vơ, tích cực hay mạo hiểm. Điều này có thể tốt hoặc tiềm tàng những mối nguy hiểm.
“Cuối cùng, điều thực sự quan trọng là những gì thanh thiếu niên tiếp cận trên mạng, những nội dung influencer của họ chia sẻ và yêu thích. Và liệu đó có phải những hành vi mang tính xã hội và tích cực hay không”, tác giả Lauren Sherman kết luận.
Theo Zing
Quang Đại - người đang bị tố 'ăn cắp chất xám' là ai?
Quang Đại được biết đến với vai trò người mẫu, travel blogger kiêm fashionista. Trước đó, anh là sinh viên Đại học Luật TP.HCM.
Trần Quang Đại (sinh năm 1992) là người mẫu, fashionista. Trước đó, 9X tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM. Tên tuổi của anh được dân mạng biết tới nhiều hơn sau cuộc thi Vietnam's Next Top Model 2013. Sở hữu chiều cao nổi bật 1,88 m, gương mặt điển trai, Quang Đại nhanh chóng thu hút lượng lớn người quan tâm. Hiện tại, trang cá nhân của anh có hơn 650.000 người theo dõi.
Quang Đại thường xuyên có mặt ở các sự kiện về thời trang trong nước và quốc tế. Ngoài ra, 9X còn được biết tới là một travel blogger chuộng kiểu du lịch hòa mình với thiên nhiên.
Trên Instagram cá nhân, Quang Đại thường xuyên đăng tải hình ảnh đi du lịch, check-in ở nhiều địa điểm nổi tiếng thế giới. Hầu hết tấm hình của 9X đều theo tông màu nâu, vàng. Anh nhận được nhiều thiện cảm của dân mạng, đặc biệt là hội chị em, nhờ sự đồng điệu, đầu tư lớn về mặt hình ảnh.
Bên cạnh những công việc chính, Quang Đại thường xuyên đăng những câu nói ngôn tình, triết lý cuộc sống và để hashtag #whatever trên trang cá nhân. Phía dưới những bài đăng, 9X trích nguồn "Sưu tầm". Đây cũng chính là lý do khiến anh trở thành tâm điểm bàn tán thời gian gần đây.
Cụ thể, ngày 10/8, Quang Đại bị chủ nhân blog Gác nhỏ của Mạch tố tự ý lấy quotes của mình đăng lên trang cá nhân cũng như page Instagram do nam người mẫu quản lý mà chỉ để nguồn "Sưu tầm". Họ liên hệ phía nam người mẫu nhưng không nhận được phản hồi.
Sau đó, ở bài giải thích vào ngày 14/8, chàng người mẫu sinh năm 1992 cho biết do thông tin nhiều, nhiễu nên không thể kiểm soát. Anh cũng khẳng định thêm @anothersolution.co - trang Instagram chuyên đăng những câu nói ngôn tình, triết lý cuộc sống do anh quản lý - được lập ra với mục đích chia sẻ cảm xúc, chứ không phải kinh doanh.
Tuy nhiên, ngày 14/8, dân mạng xôn xao trước thông tin Quang Đại "nói dối", cố ý lấp liếm cho qua. Bởi trước đó, ngày 21/8/2018, trong chuyên mục Mario Station - Bạn hỏi Đại trả lời được đăng trên kênh chính thức của Quang Đại, anh nói đang ấp ủ một dự án với tên gọi Another Solution. Theo lời 9X, đây là một công ty, dịch vụ tư vấn giải pháp về content và branding cho những thương hiệu đang startup.
Trên mạng xã hội, người đồng tình, kẻ phản đối thông tin Quang Đại nói dối. Số khác nói không nên vội phán xét mà nên chờ câu trả lời chính thức từ người mẫu.
Theo Zing
Đẹp thì có đẹp nhưng nhìn loạt Instagram của travel blogger xứ người mà không khỏi thắc mắc: Đây là du lịch hay cuộc đua chỉnh ảnh lố tay? Khi du lịch của thời đại mới trở thành một trào lưu cho giới trẻ trên mạng xã hội thì cũng là lúc những vấn đề về ý nghĩa việc dịch chuyển ra đời. Lấy ví dụ điển hình là các cô nàng travel blogger Singapore - một quốc gia du lịch rất gần với Việt Nam để xem các bạn ấy đang...