Từ vụ nữ sinh bị cưa chân sau bó bột: Mơ hồ chuyện chuyển viện
Thời gian qua, những cái lắc đầu từ chối chuyển viện đã khiến người dân phải chịu “đánh đu” với tính mạng của mình.
Trong khi ngành y tế đang cố hướng đến việc làm hài lòng người bệnh, giảm bớt quá tải tuyến trên, xây dựng những mô hình bác sĩ gia đình nhưng dường như có một vấn đề ngành y đã bị bỏ quên. Đó là làm sao việc chuyển viện phải an toàn cho người bệnh, nhất là xác định sao cho đúng thời điểm buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Cưa chân vì không được chuyển viện
Câu chuyện y tế cơ sở từ chối chuyển viện lên tuyến trên phổ biến đến mức mà hầu như người dân nào cũng từng chứng kiến, hay gia đình hoặc bản thân đều đã trải qua. Cũng vì một bệnh viện tuyến quận ngay tại thành phố Hồ Chí Minh từ chối chuyển viện mà suýt chút nữa chị Trần Thị Thanh Dung, ở quận Gò Vấp mất đi em ruột của mình.
“Em gái út của tôi bị sốt rét nhưng bệnh viện quận chẩn đoán là sốt xuất huyết nên cứ cho truyền nước biển vào. Kết quả là người bị phù nề. Sau nhiều lần xin chuyển viện nhưng không được, nên gia đình quyết định tự chuyển viện. Khi lên đến phòng cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố thì bác sĩ bảo chỉ cần 2 phút nữa là sẽ chết. Nếu lúc đó không cương quyết thì em mình đã chết”.
Thế nhưng, tự ý chuyển viện không phải là một giải pháp cho việc đảm bảo sinh mạng của người bệnh. Bởi lẽ, người dân không thể có chuyên môn để đánh giá chính xác tình trạng bệnh của mình. Do đó, trên thực tế tự ý chuyển viện đã dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn và thậm chí là tử vong trên đường chuyển viện.
Điều gì đã khiến người dân phải đánh cược số phận của mình trên những chiếc xe cứu thương? Đó chính là vì niềm tin vào y tế cơ sở không còn nữa, xuất phát từ thực tế nhiều cơ sở điều trị từ chối chuyển viện, bất chấp tình trạng bệnh của người dân ra sao. Mới đây nhất, câu chuyện của nữ sinh 16 tuổi ở Đắk Lắk bị hoại tử chân là một minh chứng rõ ràng nhất cho tình trạng này.
Video đang HOT
Quan trọng là ở cái tâm và trình độ của bác sĩ
Quy định chuyển viện thì đã có tại Điều 5, Thông tư 14 năm 2014 của Bộ Y tế. Đó là khi bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, không nằm trong danh mục kỹ thuật được phê duyệt của cơ sở khám chữa bệnh. Hoặc dù bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị cũng như thuộc danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị… thì cũng phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Quy định là như thế, nhưng trên thực tế đã không thể nào kiểm soát chặt chẽ được tình trạng cố ý giữ bệnh nhân. Bởi quan trọng, quyết định chuyển viện hay không phụ thuộc vào con người của bác sĩ, vào trình độ chuyên môn và nhất là đạo đức ngành y.
Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) thì việc chuyển viện hay không phải thông qua hội chẩn của bệnh viện, không nên chỉ để cho một bác sĩ quyết định.
“Khi nào chuyển tuyến thì phụ thuộc vào chất lượng chuyên môn của từng cơ sở khám chữa bệnh, từng trình độ mỗi bác sĩ. Chúng ta nên thực hiện hội chẩn trước khi quyết định cho chuyển viện hay không, chứ không nên để một bác sĩ ra quyết định. Tuy nhiên, cơ sở điều trị phải theo dõi sát tình hình bệnh nhân thì mới kịp thời hội chẩn, kịp thời chuyển bệnh nhân, không để xảy ra quá muộn xảy ra biến chứng” – bác sĩ Phạm Thanh Việt nói.
Một trong những con số mà ngành y tế dường như đã bỏ quên, đó chính là con số khám chữa bệnh trái tuyến. Bỏ qua những chính sách như tăng viện phí, bảo hiểm y tế như không thanh toán với bệnh nhân ngoại trú trái tuyến, số lượng bệnh nhân trái tuyến tại một số bệnh viện công lập tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn rất cao.
Chẳng hạn, tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh, số bệnh nhân ngoại trú đúng tuyến vào khoảng 150 người/ngày, trong khi tổng số bệnh nhân ngoại trú một ngày lên đến 1.800 người. Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số bệnh nhân khám trái tuyến, chấp nhận tự chi trả hoàn toàn viện phí là 30% bệnh nhân.
Những con số này cho thấy, người dân không có niềm tin vào y tế cơ sở. Điều này lí giải vì sao, người dân tự quyết định “đánh đu” với số phận của mình khi tự ý chuyển viện hơn là ở lại để điều trị tại y tế cơ sở. Và theo bác sĩ Nguyễn Thành Chơn, Bệnh viện Saigon ITO – Phú Nhuận, khi người bệnh đã không còn niềm tin thì không có lí do gì bác sĩ không cho chuyển viện.
Từ thực tế nêu trên, đã đến lúc, Bộ Y tế cần có một quy chế chặt chẽ hơn để việc chuyển viện hợp lý và kịp thời hơn để tránh thêm những câu chuyện đau lòng mỗi khi nói về y tế cơ sở.
Theo_VOV
Người dân bất an về an toàn thực phẩm và bán hàng đa cấp
Nhân dân lo lắng về thực trạng mất an toàn thực phẩm, cước vận tải, hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng và gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng...
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và tiêu dùng.
Đồng thời, cử tri và nhân dân vô cùng lo lắng, bức xúc về việc sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm; việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước.
Do đó, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn quản lý vật tư nông nghiệp, tổ chức lại thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phản ánh kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Quốc hội.
Cũng trong thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu giảm nhiều lần do giá dầu quốc tế giảm mạnh nhưng còn nhiều doanh nghiệp vẫn không giảm cước vận tải theo quy định của nhà nước. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý, điều hành giá cả hàng hóa, đảm bảo quyền, lợi ích của các chủ thể trong nền kinh tế, nhất là quyền lợi của người tiêu dùng.
Đáng chú ý trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng. Một số vụ việc diễn ra trong thời gian dài, phạm vi rộng ở nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn cho nhiều người dân nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
Trước thực trạng này, cử tri đề nghị Bộ Công Thương và chính quyền các cấp siết chặt việc cấp phép kinh doanh và giám sát chặt chẽ việc bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm các vi phạm theo Nghị định về bổ sung và nâng cao chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực từ ngày 5/1/2016.
Cũng trong thời gian qua, việc thực hiện cho vay hỗ trợ mua nhà ở với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho nhiều người dân có thu nhập thấp mua được nhà để ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, nhiều người dân khi thực hiện ký hợp đồng tín dụng không hiểu rõ nội dung về thời hạn áp dụng lãi suất vay ưu đãi, mặt khác, một số ngân hàng chưa giải thích rõ về các điều khoản trong hợp đồng theo quy định, dẫn đến tình trạng người dân bất ngờ, lúng túng trước thông tin áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016.
Do vậy, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát và có giải pháp kịp thời để bảo đảm những người có thu nhập thấp đã ký kết vay theo gói hỗ trợ trên tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi theo mức hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống.
Sau khi lắng nghe, tập hợp, tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước từ sau kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII đến nay, với trách nhiệm của mình, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định sẽ phối hợp với Chính phủ xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2021 và huy động toàn bộ hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên từ Trung ương tới cơ sở và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi chức năng, trách nhiệm của mình có giải pháp căn cơ, hiệu quả để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm và phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện chương trình phối hợp.
Cũng theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ và các Bộ, ngành khẩn trương, quyết liệt ban hành và tổ chức thực hiện các giải pháp để chủ động tận dụng được những cơ hội và hạn chế được tới mức thấp nhất những khó khăn mà các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết đem lại. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện thể chế và tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung các hiệp định thương mại tự do cho nhân dân, trước hết là cho các doanh nhân và những người làm công tác quản lý nhà nước./.
Theo_VOV
Hoàn thiện cơ chế quản lý giá cước vận tải bằng ô-tô đáp ứng yêu cầu thực tiễn Về cơ chế quản lý và thực tế điều hành giá cước vận tải bằng xe ô-tô Theo quy định tại Luật Giá và văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan thì giá cước vận tải bằng xe ô-tô thực hiện theo cơ chế thị trường; Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức,...