Từ vụ nữ sinh ăn trộm váy 160k: Đừng để lòng thương xót nạn nhân làm mờ đi cái sai của họ
Chừng nào bạn còn không thượng tôn pháp luật, rất có thể bạn sẽ ăn phải một “quả táo nhãn lồng” với chính những hành vi coi thường pháp luật của mình vậy.
Cư dân mạng liên tục chia sẻ và gọi pha này là “Quả táo nhãn lồng” (Quả báo nhãn tiền). Rằng trời cao thật có mắt. Khi vợ chồng chủ shop quần áo biến trang mạng xã hội thành phòng xử án cô bé sinh năm 2004 đã can tội trộm chiếc váy trị giá 160k từ shop của họ, vợ chồng họ đã bị “quả táo nhãn lồng” bằng 2 tội danh bị khởi tố: Làm nhục người khác và cưỡng đoạt tài sản. Chưa hết, toàn bộ hàng hóa đã bị tịch biên vì không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tất nhiên, cô bé sinh năm 2004, thủ phạm trộm chiếc váy 160k kia nhất định không thể được gọi là “người hùng” trong câu chuyện này. Cái giá mà cô bé đã phải trả cho việc trộm váy như thế cũng là quá đắt, vượt xa mức giá niêm yết 160k.
Dĩ nhiên, ta hiểu rằng cô bé cũng đã là nạn nhân của một cuộc trừng phạt khủng khiếp mà có lẽ với người lớn cũng sẽ để lại một di chấn đến tận sau này. Nhưng, cũng xin đừng để lòng thương xót nạn nhân che hết đi những sai phạm mà họ đã làm. Sau khi sự việc xảy ra, câu chuyện buồn về gia cảnh cô bé đã khiến không ít người xót xa. Nhiều người trong số họ đã tìm đến tận nhà cô bé, gửi tặng tiền ủng hộ, trong đó có cả “giang hồ mạng” Huấn hoa hồng. Điều này lại một lần nữa làm dấy lên những tranh cãi, bởi nếu không thật sự cảnh tỉnh và có sự dạy dỗ nghiêm khắc, thì liệu đây có trở thành tiền lệ cho những câu chuyện tương tự: Khi người có thể đi ăn cắp vì biết rằng vì mình nghèo, nên rất có thể mình sẽ được tha thứ khi làm một việc sai?
Rất nhiều MTQ đã đến ủng hộ tiền cho gia đình em T.M.
Trước pháp luật, có tội và không có tội đều phải rõ ràng. Cô bé cần phải bị phạt hành chính về hành vi trộm cắp dưới 500k của mình. Đó là pháp luật. Đừng vì lên án cách hành xử của chủ shop rồi bênh vực hành vi trộm cắp, cho rằng số tiền không đáng là bao hay trẻ con thì biết cái gì. Việc ăn trộm một cái váy không giống việc ăn trộm một chiếc bánh mỳ. Và cho dù việc ăn trộm đó “giúp” phát hiện ra một sai phạm lớn hơn thì đó cũng không phải là một cái công.
Câu chuyện này vốn cũng không mới. Trước đó chắc bạn đọc từng nhớ đến chủ quán ăn quay clip trừng trị kẻ đăng tin bóc phốt nhà hàng của họ. Rồi những vụ đánh ghen. Hay những vụ đám đông đánh một kẻ trộm chó. Có một sự thật rằng thời đại mạng xã hội, nhiều người coi mạng xã hội thành phòng xét xử của tòa án và tự mình ngồi ghế chủ tọa. Nhiều người cho mình cái quyền được trừng phạt khi “cờ đến tay”. Cứ như thể xã hội Việt Nam không có luật pháp, họ chính là luật pháp. Một hành động coi thường pháp luật, không tin vào pháp luật. Ai cũng có thể trừng trị kẻ xấu và đều nhận được sự tán đồng.
Hãy nhìn từ vụ shop quần áo này, nếu vợ chồng người chủ chỉ quay lại mặt thủ phạm và đăng lên mạng xã hội, có lẽ họ sẽ nhận được sự đồng tình và biết đâu là vài ba lời cổ vũ “xử lý”? Dường như việc hiểu biết pháp luật, hành xử theo pháp luật ở nhiều người là con số 0, cộng với sự kích động của số đông càng khiến những câu chuyện như thế này trở nên ngày một nhiều.
Video đang HOT
Chúng ta đang sống trong một xã hội pháp quyền. Ở đó, mọi hành động đều phải được điều chỉnh theo luật pháp chứ không ai được quyền đặt mình cao hơn luật pháp, làm thay luật pháp. Những bài viết bóc phốt dù đầy đủ bằng chứng đi chăng nữa cũng vẫn sẽ bị quy vào tội làm nhục người khác
Điều 155: Tội làm nhục người khác:
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: từ 2 lần trở lên; với 2 người trở lên; đối với người đang thi hành công vụ; đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình… thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm tù.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm tù.
Mạng xã hội không phải tòa án. Mỗi chúng ta không phải là một chủ tọa phiên tòa, một thẩm phán kể cả khi chúng ta đang có chức danh đó nhưng trên mạng xã hội chúng ta không thể phân xử hay kết án bất cứ một ai. Nhưng dường như, không nhiều người biết điều này, cố tình không biết điều này. Hơn 10 năm từ khi mạng xã hội xuất hiện, từ khi mới chỉ là những Yahoo 360 độ, đã rất nhiều người bị xử lý bởi pháp luật nhưng dường như nhiều người vẫn sử dụng mạng xã hội một cách thổ dân, thiếu văn minh, thậm chí như một đứa trẻ lên 3. Đó là sự hoang dã và thiếu văn minh.
Tôi rất thấm thía câu nói của một người bạn: Mỗi chúng ta đều là một nạn nhân dự bị trên mạng xã hội. Bởi sự hung hãn và coi thường pháp luật của nhiều người.
Trở lại câu chuyện shop quần áo ở Thanh Hóa, vợ chồng chủ shop hẳn cũng vậy. Họ trở thành nạn nhân trong cuộc thanh trừng của cư dân mạng khi bị cư dân mạng lục lại những post cũ “Trời sinh khuôn mặt hiền lành để giống với nét dịu dàng bên trong”. Hay thậm chí, hàng loạt người dân tìm đến cửa hàng của cặp vợ chồng nọ vì bức xúc trước hành động của họ trên mạng xã hội trước khi công an kịp tìm đến. Chừng nào mạng xã hội vẫn còn được coi là phòng xử án, chừng đó chúng ta đều mất an toàn trên mạng, và thậm chí cả ngoài đời.
Câu chuyện shop quần áo bị “quả táo nhãn lồng”, như cách cư dân mạng gọi, có thể là câu chuyện để chúng ta bức xúc, tranh luận về sự đối xử giữa con người và con người. Nhưng hãy thử nghĩ về những điều sâu xa hơn, về cách chúng ta hành xử trong cuộc sống này. Về việc tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Giá như cô bé không đến cửa hàng nọ để ăn trộm chiếc váy. Giá như chủ shop bắt được kẻ gian giao nộp cho công an thay vì tự mình làm pháp luật xử án.
Dù là tội lớn hay tội nhỏ, thì chừng nào bạn còn không thượng tôn pháp luật, rất có thể bạn sẽ ăn phải một “quả táo nhãn lồng” với chính những hành vi xem nhẹ pháp luật của mình vậy.
Mẹ nữ sinh bị chủ shop quần áo đánh: "Nhà hảo tâm đến giúp, lòng tôi hổ thẹn, áy náy"
Mẹ nữ sinh M. tâm sự thêm rằng chị rất buồn khi đọc những bình luận trái chiều trên mạng xã hội.
Những ngày qua, vụ việc nữ sinh V.T.T.M (SN 2004 ) trộm chiếc váy trị giá 160.000 đồng bị chủ shop hành hung, đòi 15 triệu tiền đền bù ở Thanh Hoá vẫn đang nhận nhiều sự quan tâm của dư luận.
Sau khi 1 số mạnh thường quân đến tận nhà, ủng hộ tặng tiền vào ngày 6/12, chị L.T.B - mẹ của nữ sinh đã quyết định trao gửi lại số tiền này cho một ngôi chùa và vài hoàn cảnh khó khăn khác ở địa phương.
Chia sẻ về hành động này, chị B. cho biết đã trích ra gần một nửa từ tổng số tiền được tặng. Đối với những nhà hảo tâm đến với gia đình, chị B. rất xúc động và biết ơn.
"Từ hôm tới giờ tôi không kiểm, không biết tổng bao nhiêu, vẫn đang để tiền đó. Có người cho 40 triệu, 1 cô nữa cũng cho 20 triệu nhưng tôi không biết tên. Tôi cho đi gần một nửa rồi, số còn lại chưa tính làm gì cả vì công việc vẫn còn đang dang dở.
Tôi cũng hổ thẹn, con mình gây ra lỗi, các nhà hảo tâm đến với mẹ con tôi, trong lòng áy náy. Giờ mẹ không khóc, không đau, không buồn thì mẹ để trong lòng, chứ con mình phạm tội mà lấy nước mắt ra chia sẻ với mọi người thì không nên", chị B. tâm sự.
Mẹ của nữ sinh B. gửi lại tiền mạnh thường quân giúp đỡ cho hoàn cảnh khó khăn khác.
Trước nhiều ý kiến tranh cãi trên mạng xã hội, chị B. đều đọc được và cảm thấy rất buồn vì bản thân chị không như lời đàm tiếu. Chị B. cho hay, gia cảnh chị được xếp vào hộ nghèo của xã. Chồng mất, một mình chị cáng đáng nuôi 4 miệng ăn.
Tiền học của nữ sinh M. và các em trai, đều do người mẹ nghèo một tay cáng đáng từ khoản thu nhập cày cấy ruộng và chăn nuôi gia súc.
"Nhiều người đến ủng hộ không phải ủng hộ cháu. Họ thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ủng hộ tôi nuôi mấy đứa nhỏ. Nhiều người không hiểu, đánh giá tôi chứ nhà tôi đúng nghèo thật.
Đói cho sạch rách cho thơm, tôi không có lương tâm giống như mấy người đăng lên để nói tôi vậy đâu. Tôi không ngủ được, đêm nằm cứ trằn trọc, người ta có đau cũng giữ trong lòng chứ không đưa nước mắt ra trước thiên hạ", chị B. nói.
Nữ sinh B. hiện đã về nhà và ổn định tinh thần
Từ hôm xảy ra vụ việc, cả xóm nhà chị B. đều xôn xao. Cậu em trai thấy chị gái làm việc "dại dột", liền phản ứng mạnh, trách mắng chị và đòi nghỉ học vì thấy xấu hổ. Còn trên mạng, người xì xào, bàn tán, người lại đồn nữ sinh đã từng ăn trộm váy nhiều cửa hàng quần áo khác trước đó rồi. Tuy nhiên chị B. cho biết, con chị vẫn luôn khẳng định với mẹ chỉ có một lần "lầm lỡ" duy nhất.
"Mình không lấy trộm mà thiên hạ đồn mình ăn trộm thì kẻ khác cũng tung ra như vậy thì oan quá. Mình thấy trước mắt như vậy chứ con mình đúng thật không biết lấy hay không.
Tôi hỏi con là "mi có lấy của ai cái chi nữa không?", thì nó bảo 'Không, con lấy 1 cái váy 160k thôi. Con lấy con không mang tiền thì con về chuyển tài khoản cho người ta rồi, chứ không lấy nhà ai cả.', chị B. kể.
Nữ sinh khẳng định với mẹ chỉ "lầm lỡ" 1 lần duy nhất
Trước mắt, chị B. chỉ muốn con được nghỉ ngơi, ổn định tinh thần, còn chị lo xong xuôi công việc nhà cửa. Phía shop quần áo không liên hệ gì với gia đình chị B. từ hôm xảy ra vụ việc. Còn nhà trường đã xuống gửi lời thăm hỏi, phân tích để nữ sinh thấy được lỗi lầm của mình và cho M. nghỉ học ít hôm để ổn định tinh thần.
"Tôi không trách chi vợ chồng nhà Hường vì con nhà tôi đã sai rồi. Còn lương tâm người ta ra răng thì để họ tự đánh giá. Gia đình tôi nông thôn, cũng không biết gì để mà thuê luật sư. Tôi đã làm đơn hòa giải, dàn xếp thỏa thuận giữa cô Hương và nhà tôi chứ không phải kiện", chị B. chia sẻ.
MTQ giúp đỡ gia đình nữ sinh trộm váy 160K: Tặng 40 triệu, hứa lo ăn học đến nơi đến chốn Mẹ nữ sinh cho biết mình có xin phép từ chối, mong mạnh thường quân giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn nhưng người này cương quyết muốn hỗ trợ gia đình. Những ngày qua, vụ việc nữ sinh V.T.T.M (SN 2004 ) trộm chiếc váy trị giá 160.000 đồng bị chủ shop hành hung và đòi 15 triệu tiền đền bù...